Tại sao cánh tả luôn 'trăm phương nghìn kế' ngăn chặn tự do ngôn luận?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta hãy bắt đầu với sự thật này: Cánh tả luôn dùng "trăm phương nghìn kế" để ngăn cản tự do ngôn luận. Kể từ thời của Vladimir Lenin và cuộc Cách mạng Bolshevik ở Nga năm 1917, không hề có ví dụ nào về việc cánh tả nắm quyền kiểm soát mà không đè bẹp những người bất đồng chính kiến.

Đó là một trong những khác biệt quan trọng giữa tự do và cánh tả: Chủ nghĩa tự do và những người theo chủ nghĩa tự do tin vào tự do ngôn luận. (Mối đe dọa hiện nay của phe cánh tả đối với tự do ở Hoa Kỳ, mối đe dọa lớn nhất đối với tự do trong lịch sử Hoa Kỳ, có thể xảy ra bởi vì những người theo chủ nghĩa tự do nghĩ rằng những người bảo thủ đáng sợ hơn những người cánh tả. Những người theo chủ nghĩa tự do không biết rằng cánh tả coi họ là những "kẻ ngốc hữu dụng").

Cánh tả đang kiểm soát các trường đại học. Có rất ít hoặc không cho phép bất đồng chính kiến ​​ở các trường đại học.

Cánh tả đang kiểm soát gần như mọi phương tiện "tin tức". Có rất ít hoặc không có bất đồng quan điểm trên các phương tiện truyền thông chính thống - không ở trong phần “tin tức” hay phần ý kiến bình luận.

Cánh tả đang kiểm soát Hollywood. Bất đồng quan điểm không được phép xuất hiện ở Hollywood.

Đó là lý do tại sao chúng ta có “văn hóa tẩy chay” (cancel culture) - việc cánh tả bịt miệng và sa thải bất kỳ ai công khai bất đồng chính kiến ​​với họ, và bây giờ thì thậm chí việc "công khai" hay không cũng không còn cần thiết nữa. Hiệp hội môi giới bất động sản quốc gia vừa thông báo rằng nếu bạn bày tỏ quan điểm bất đồng (đặc biệt là về chủng tộc) dù là trong những trường hợp riêng tư, bạn có thể bị phạt và mất tư cách thành viên của tổ chức - điều này có thể kết thúc sự nghiệp môi giới của bạn.

Vì vậy, chúng ta hãy quay trở lại với câu hỏi mở đầu: Tại sao cánh tả cần phải dẹp tan mọi bất đồng chính kiến? Đây là một câu hỏi khiến tất cả trở nên gay gắt hơn bởi vì cánh hữu không làm như vậy: Những người bảo thủ không dập tắt những bất đồng quan điểm hoặc việc tranh luận.

Câu trả lời, dù cánh tả sẽ không chịu thừa nhận, chính là do cánh tả sợ bất đồng chính kiến. Và họ làm như vậy vì lý do "chính đáng". Chủ nghĩa cánh tả thực chất là một quả khinh khí cầu khổng lồ không chứa gì ngoài không khí nóng. Do đó, cho dù quả bong bóng lớn đến đâu - Đảng Dân chủ, Thời báo New York, Đại học Yale - thì chỉ cần một cái đinh ghim để làm nó nổ tung.

Chủ nghĩa cánh tả được giới trí thức tôn sùng. Nhưng có rất ít trí tuệ ở trong chủ nghĩa cánh tả. Nó là sự kết hợp giữa giáo lý và cảm xúc. Bằng chứng? Những người có chiều sâu trí tuệ không bóp nghẹt bất đồng quan điểm; họ hoan nghênh nó.

Đó là lý do tại sao các trường đại học rất phản đối những người bảo thủ đến phát biểu trong khuôn viên trường. Một người bảo thủ rõ ràng có thể "phá tan" nhiều năm truyền bá của cánh tả chỉ với một cuộc nói chuyện kéo dài một giờ hoặc qua màn Hỏi và Đáp. Tôi biết điều này qua trải nghiệm của cá nhân tôi ở các trường. Bạn cũng có thể thử.

Hãy xem các bài phát biểu của bất kỳ người bảo thủ nào được phép phát biểu trong khuôn viên trường - nhiều bài nói trong số này vẫn còn trên YouTube - và bạn sẽ thấy các hội trường lớn chật kín sinh viên khao khát được nghe điều gì đó khác ngoài những giáo lý vô vị của phe cánh tả. Hãy nhìn vào khuôn mặt của họ - họ đang vô cùng chú ý đến những ý tưởng mà họ chưa bao giờ được nghe thấy, và điều này rõ ràng đang có tác động lớn đến họ. Các trường đại học hoàn toàn có quyền lo sợ việc chúng tôi đến phát biểu. Chúng tôi sẽ đến cùng với chiếc đinh ghim có thể làm nổ tung quả bóng trị giá 50.000 USD một năm của họ.

Đó cũng là lý do tại sao rất khó để bắt bất kỳ ai trong số họ tranh luận với bất kỳ ai trong chúng tôi. Trong 35 năm làm đài, tôi chưa bao giờ ngược đãi hay trù dập một vị khách nào. Tôi đã vô cùng lịch sự với một biểu tượng của cánh tả, Howard Zinn, tác giả ghét-nước-Mỹ của cuốn “Lịch sử nhân dân của Hoa Kỳ”. Tôi thậm chí còn mời tới một giáo sư khoa học chính trị của Đại học California, đồng thời là một nghệ sĩ vĩ cầm - một trong bảy thành viên của Dàn nhạc giao hưởng Santa Monica, mặc dù ông ấy đã từ chối chơi khi tôi chỉ huy dàn nhạc trong bản giao hưởng Joseph Haydn ở Phòng hòa nhạc Disney - chỉ vì tôi là một người bảo thủ. Bất chấp bức thư công khai của ông ấy, trong đó ông ấy buộc tội tôi nắm giữ "những vị trí cố chấp khủng khiếp" và viết, "Xin hãy kêu gọi bạn bè của ông không tham dự buổi hòa nhạc này, điều này giúp bình thường hóa sự cố chấp trong cộng đồng của chúng ta", tôi vẫn mời ông ấy tới chương trình phát thanh quốc gia của mình. Ông ấy đã đồng ý. Tôi đã để ông ấy ở trong phòng thu cả tiếng đồng hồ và đối xử với ông ấy và vợ (người đi cùng ông ấy) với sự tôn trọng tuyệt vời, mặc dù tôi không đánh giá cao những lời buộc tội sai trái của ông ấy và chủ trương của ông ấy về văn hóa tẩy chay.

Thật không may cho sức khỏe tinh thần và trí tuệ của xã hội chúng ta, khi mà ông ấy, Zinn, và một số người khác là những người dị thường. Trong số 100 tác giả, giáo sư và nhà báo cánh tả được mời xuất hiện trong chương trình của tôi, hầu như không ai phản hồi rằng họ sẽ tham gia. Họ thích Đài Phát thanh Công cộng quốc gia hơn, nơi họ không bao giờ bị thách thức.

Tuy nhiên, điều ngược lại là không đúng: Mọi trí thức bảo thủ mà tôi biết đều nói đồng ý với mọi lời mời (mặc dù rất ít) từ phía cánh tả mà chúng tôi nhận được. Tất nhiên, chúng tôi hầu như không bao giờ được mời. Chúng tôi thường xuyên mời những người cánh tả. Những người cánh tả hầu như không bao giờ mời chúng tôi. Họ cho rằng đó là vì chúng tôi không đạt trình độ dân trí cao bằng họ, và họ không muốn lãng phí thời gian của mình. Vậy tại sao họ lại bỏ qua một cơ hội công khai để cho khán giả thấy rằng những người bảo thủ chúng tôi vô vị như thế nào?

Những người cánh tả không tranh luận với chúng tôi hoặc xuất hiện với tư cách khách mời trong các chương trình của chúng tôi, và ngăn chúng tôi phát biểu bất cứ khi nào có thể, bởi vì họ (chính xác) sợ những người bảo thủ. Ví dụ, những người quá khích về các vấn đề chủng tộc như Ibram X. Kendi hoặc Ta-Nehisi Coates hoặc tác giả của “White Fragility” là Robin DiAngelo sẽ không bao giờ tranh luận với Larry Elder. Tại sao họ không làm? Bởi vì họ sẽ thể hiện trước công chúng rằng họ là những người chuyên khơi gợi hận thù nhưng nông cạn về mặt trí tuệ. Trong sâu thẳm, họ biết điều đó. Larry Elder là một trong nhiều trí thức da đen bảo thủ, những người mà phe cánh tả (dù là da trắng hay da đen) cũng đều từ chối tranh luận cùng.

Bây giờ thì bạn đã biết vì sao cánh tả phải "trăm phương nghìn kế" ngăn chặn tự do ngôn luận: bởi vì họ phải làm vậy. Nếu có tự do ngôn luận, sẽ có bất đồng chính kiến. Và nếu có bất đồng chính kiến, thì sẽ không còn phe cánh tả nữa.

Tác giả: Dennis Prager là một người dẫn chương trình talk-show radio toàn quốc và một nhà báo.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao cánh tả luôn 'trăm phương nghìn kế' ngăn chặn tự do ngôn luận?