Sự trỗi dậy của các nữ tỷ phú Trung Quốc trên chính trường toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Riêng kể từ đầu năm 2021 tới nay, Trung Quốc đã ghi nhận thêm 24 nữ tỷ phú mới, nâng tổng số nữ tỷ phú của nước này lên 85 người. Như vậy, hiện Trung Quốc chiếm đến 2/3 trên tổng số 130 nữ tỷ phú trên toàn cầu.

Ông Rupert Hoogewerf - Chủ tịch kiêm trưởng nhóm nghiên cứu tại Hồ Nhuận - cho rằng, phần còn lại của thế giới cần "thức tỉnh" trước sự trỗi dậy của giới nữ doanh nhân Trung Quốc. Phụ nữ Trung Quốc hiện chiếm đến 70% trong số các nữ doanh nhân thành công nhất trên thế giới.

Nghiên cứu của Hồ Nhuận nhận thấy, có 9/10 nữ tỷ phú tự thân hàng đầu đến từ Trung Quốc, và 8/10 gương mặt mới cũng đến từ Trung Quốc.

Trong số 234 phụ nữ trong danh sách 2.095 tỷ phú năm 2020 của tạp chí Forbes; chỉ có 67 người được xem là “tự thân lập nghiệp” - những người đã tự mình xây dựng công ty hoặc thành lập gia sản.

Vậy, làm thế nào mà Trung Quốc lại đào tạo ra nhiều nữ tỷ phú tự thân đến vậy? Hãy xem câu chuyện về ba nữ doanh nhân giàu có nhất Trung Quốc và cách họ đã tự kiếm tiền ra sao.

Zhong Huijuan, 60 tuổi, CEO Hansoh, sở hữu 22 tỷ USD

Bà Zhong Huijuan, năm nay 60 tuổi, hiện là Giám đốc điều hành của Công ty dược phẩm Hansoh. Bà là người phụ nữ giàu nhất thế giới trong 2 năm liên tiếp.

Bà Zhong sinh ra ở Giang Tô, một tỉnh phía Đông của Trung Quốc. Bà học chuyên ngành hóa học và bắt đầu sự nghiệp với nghề giáo viên tại một trường trung học. Chồng bà, ông Sun Piaoyang - cũng là một tỷ phú - lúc ấy là quản lý của một công ty dược phẩm quốc doanh. Chính ông đã giới thiệu bà Zhong vào ngành này.

Bà Zhong quyết định chuyển trọng tâm của công ty từ sản xuất thuốc nói chung sang sản xuất thuốc do công ty bà sáng chế. Chính điều này đã đưa công ty của bà lên tầm cao mới.

Bà Zhong Huijuan, năm nay 60 tuổi, hiện là Giám đốc điều hành của Công ty dược phẩm Hansoh. Bà là người phụ nữ giàu nhất thế giới trong 2 năm liên tiếp. (Ảnh chụp từ video)
Bà Zhong Huijuan, năm nay 60 tuổi, hiện là Giám đốc điều hành của Công ty dược phẩm Hansoh. Bà là người phụ nữ giàu nhất thế giới trong 2 năm liên tiếp. (Ảnh chụp từ video)

Hai năm sau đó, bà đã tạo nên bước đột phá đầu tiên khi sản xuất thành công loại thuốc kháng sinh có tên Cefalexin và trở thành thuốc bán chạy nhất ngay từ khi mới ra mắt.

Đến đầu những năm 2000, công ty bà đã bào chế được 40 loại thuốc mới - trở thành một trong những công ty dược thành công nhất tại Trung Quốc.

Fan Hongwei, 54 tuổi, CEO Hengli, sở hữu 23 tỷ USD

Bà Hongwei bắt đầu sự nghiệp với nghề kế toán và đang là CEO của Hengli, một nhà cung cấp sợi hóa học của Trung Quốc. Bà đến với ngành công nghiệp này cũng nhờ chồng bà là tỷ phú Chen Jianhua - Chủ tịch của Hengli.

Năm 1994, ông Chen và bà Fan đã hùn vốn để mua lại một nhà máy dệt thua lỗ. Họ đã thuyết phục những công nhân cũ ở lại, tiến hành một loạt tái cấu trúc và gặt hái thành công chỉ trong vòng 1 năm.

Với lợi nhuận thu được, họ lại tiếp tục đầu tư vào công ty, nâng cấp thiết bị và mở rộng dây chuyền sản xuất của nhà máy. Đến đầu những năm 2000, công ty của bà đã trở thành một trong những công ty dệt lớn nhất thế giới.

Wu Yajun, 57 tuổi, đồng sáng lập kiêm chủ tịch của Longfor, sở hữu 17 tỷ USD

Bà Wu Yajun là đồng sáng lập của công ty Longfor, một trong những nhà phát triển bất động sản giá trị nhất thế giới. Những năm cuối thập niên 1980, khi Trung Quốc bắt đầu cải cách thị trường, bà bắt đầu nghề viết báo tại một tờ báo địa phương ở Trùng Khánh.

Công việc viết báo đã giúp bà có nhiều nguồn thông tin về bất động sản khiến bà quyết định chuyển sang lĩnh vực này.

Năm 1993, Wu đã cùng với chồng cũ sáng lập ra Longfor. Năm 2004, Longfor bước chân vào thị trường toàn cầu bằng cách liên doanh với Hong Kong Land, một tập đoàn đầu tư, quản lý và phát triển bất động sản.

Bà Wu Yajun là đồng sáng lập của công ty Longfor, một trong những nhà phát triển bất động sản giá trị nhất thế giới. (Ảnh chụp từ video)
Bà Wu Yajun là đồng sáng lập của công ty Longfor, một trong những nhà phát triển bất động sản giá trị nhất thế giới. (Ảnh chụp từ video)

Sự trỗi dậy của các nữ tỷ phú Trung Quốc

Theo giáo sư Ming-Jer Chen của Darden - một chuyên gia hàng đầu về chiến lược kinh doanh và cạnh tranh Đông-Tây, các nữ tỷ phú này đại diện cho thế hệ phụ nữ thuộc tầng lớp doanh nhân siêu giàu mới của Trung Quốc.

Ông Chen nói: “Hầu hết những phụ nữ đó ở độ tuổi 50 trở lên. Họ đã chứng kiến ​​thời gian khó khăn, hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa dưới thời Mao, và trải qua cả khó khăn lẫn cơ hội khi Trung Quốc mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào năm 1979”.

Ông Chen cho rằng điều thúc đẩy tham vọng kinh doanh của họ là mong muốn cải thiện cuộc sống cho con cái. Sự giàu có của họ chủ yếu đến từ lĩnh vực sản xuất và bất động sản, nhưng một số người ngày càng theo đuổi các cơ hội trong lĩnh vực fintech, công nghệ sinh học và AI.

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, doanh nghiệp tự do đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Vào thời Mao Trạch Đông, các nhà tư bản bị coi là kẻ thù của nhà nước. Sau đó, người kế nhiệm của Mao là Đặng Tiểu Bình có ý tưởng rằng để trở nên thịnh vượng, Trung Quốc phải áp dụng một số thực hành tư bản chủ nghĩa, trong khi vẫn giữ nguyên ý thức hệ chính trị của mình.

Các doanh nghiệp thuộc sở hữu cá nhân được hợp pháp hóa vào năm 1981, chuyển Trung Quốc từ một xã hội nông nghiệp biệt lập sang một nền kinh tế thị trường năng động.

Sự bùng nổ sản xuất của Trung Quốc ở Thâm Quyến và các đặc khu kinh tế khác - nơi được phép thử nghiệm chủ nghĩa tư bản, mang lại cho phụ nữ những cơ hội việc làm mới mà trước đây họ không có. Nhiều nữ doanh nhân thành đạt đã vươn lên từ trong các nhà máy, vượt lên hoàn cảnh phi thường.

Thanh Vân

Nguồn tham khảo

https://www.newswise.com/articles/entrepreneurship-in-china-the-rise-of-female-billionaires

https://www.scmp.com/news/people-culture/article/3127254/china-now-home-two-thirds-worlds-top-women-billionaires-four



BÀI CHỌN LỌC

Sự trỗi dậy của các nữ tỷ phú Trung Quốc trên chính trường toàn cầu