Uống cà phê hoặc trà từ cốc giấy có khiến bạn ăn phải 75.000 hạt vi nhựa mỗi ngày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối với nhiều người, một ngày không bắt đầu cho đến khi họ uống tách cà phê nóng đầu tiên. Bất kể bạn uống gì để làm ấm cơ thể vào một buổi sáng se lạnh, một nghiên cứu mới cho thấy chiếc cốc bạn chọn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Ấn Độ đã tiết lộ rằng chiếc cốc giấy đựng cà phê và các đồ uống nóng khác có thể giải phóng hàng chục nghìn hạt nhựa độc hại vào đồ uống của bạn.

“Khi đựng cà phê hoặc trà trong 15 phút, lớp vi nhựa trên cốc sẽ biến chất. Nó giải phóng 25.000 hạt kích thước micromet vào đồ uống nóng của bạn”, Tiến sĩ Sudha Goel - tác giả chính của nghiên cứu - giải thích trong một tuyên bố với SWNS.

"Một người bình thường uống khoảng ba tách trà hoặc cà phê hàng ngày, trong một chiếc cốc giấy, như vậy cuối cùng người đó sẽ ăn vào 75.000 hạt vi nhựa nhỏ không nhìn thấy bằng mắt thường".

Các hạt nhỏ trong cốc cà phê giấy đang là mối quan tâm ngày càng tăng

Các nhà nghiên cứu cho biết những vi nhựa gần như vô hình này đang trở thành mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người. Chúng thường có chiều ngang nhỏ hơn 0,2 inch, nhưng có thể nhỏ bằng 1/5 chiều rộng của sợi tóc người.

Đầu năm nay, một nhóm nghiên cứu ở Hoa Kỳ đã lần đầu tiên phát hiện ra vi nhựa bên trong nội tạng người. Người ta sợ rằng sự ô nhiễm này có thể dẫn đến ung thư hoặc vô sinh. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng ô nhiễm vi nhựa có thể gây viêm ở động vật.

Các nhà sản xuất đã sản xuất khoảng 264 tỷ chiếc cốc giấy vào năm ngoái, nhiều trong số đó dùng để đựng trà, cà phê, sô cô la nóng và thậm chí cả súp. Con số này tương đương với 35 chiếc cốc giấy cho mỗi người trên hành tinh này của chúng ta.

Nhu cầu về các sản phẩm dùng một lần tiện dụng đã được thúc đẩy trong bối cảnh đang ngày càng có nhiều người hơn tìm kiếm các bữa ăn chế biến sẵn để phục vụ cho lối sống ngày càng bận rộn của họ. Cốc giấy cũng không yêu cầu làm sạch và thường không gây ra phản ứng dữ dội về môi trường như hộp nhựa và hộp xốp. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Sudha nói rằng sự thuận tiện này cũng đi kèm với cái giá của nó.

Nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Ấn Độ, ông Kharagpur, cho biết: “Vi nhựa hoạt động như 'người chuyên chở' các chất gây ô nhiễm như ion, kim loại nặng độc hại như palađi, crom và cadmium, cũng như các hợp chất hữu cơ có khả năng kháng nước và có thể xâm nhập vào giới động vật".

"Khi nạp chúng vào cơ thể thường xuyên theo thời gian, các tác động đến sức khỏe có thể sẽ rất nghiêm trọng".

Mức độ ô nhiễm 'đáng kinh ngạc' trong đồ uống nóng

Trong các thí nghiệm, nhóm của Tiến sĩ Sudha đã đổ nước siêu tinh khiết (MilliQ) ở nhiệt độ từ 85 đến 90 độ C (185-195 độ F) vào một chiếc cốc giấy và để trong 15 phút. Sau đó, các nhà nghiên cứu phân tích chất lỏng nóng này dưới kính hiển vi huỳnh quang. Các lớp lót bằng nhựa cũng được kiểm tra riêng biệt để tìm ra những thay đổi về tính chất vật lý, hóa học và cơ học. Tiến sĩ Sudha mô tả kết quả nghiên cứu là "rất đáng kinh ngạc."

“Chúng tôi có thể xác nhận sự giải phóng các hạt vi nhựa vào nước MilliQ bằng máy quét. Một cốc giấy dùng một lần tiếp xúc với chất lỏng nóng trong 15 phút sẽ giải phóng khoảng 10,2 tỷ hạt kích thước submicron”.

Quá trình thay thế cốc giấy tốn kém

Giám đốc Viện Công nghệ Ấn Độ, Giáo sư Virendra Tewari, gợi ý quay trở lại với những chiếc cốc đất nung truyền thống vẫn được sử dụng ở nhiều vùng của Ấn Độ.

Tiến sĩ Sudha cho rằng sự tiện lợi của cốc giấy khiến việc tìm kiếm một loại cốc thay thế phù hợp trở nên khó khăn. Trong các văn phòng hiện đại, những sản phẩm này đi đôi với máy bán cà phê và máy pha chế đồ uống nóng khác.

Người phát ngôn của tổ chức từ thiện môi trường Ecolife cho biết: “Chắc chắn có một yếu tố thúc đẩy từ các công ty lắp đặt và bảo trì các máy bán cà phê hoặc trà phổ biến ở các văn phòng. Ngoài việc ăn phải vi nhựa, như đã nêu trong nghiên cứu, cốc giấy còn để lại những chất dẻo mỏng gây ô nhiễm môi trường. Cốc giấy dùng một lần không phân hủy trong bãi rác và không thể tái chế. Có một nhu cầu liên tục và ngày càng tăng đối với chúng, và chỉ có cách tiếp tục phá rừng mới có thể đáp ứng cho nhu cầu này”.

Ecolife đang nghiên cứu các loại màng không phải nhựa, có nguồn gốc từ thực vật có thể phủ lên cốc giấy và có thể phân hủy sinh học. Thật không may, quá trình này làm cho chúng đắt gấp đôi.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bán trà và cà phê ven đường có biên lợi nhuận bán hàng rất nhỏ. Điều này khiến họ phải phục vụ đồ uống trong những chiếc cốc rẻ nhất có thể, thường được lót bằng sáp, khiến chúng càng trở nên nguy hiểm hơn.

Thanh Hương

Theo studyfinds.org



BÀI CHỌN LỌC

Uống cà phê hoặc trà từ cốc giấy có khiến bạn ăn phải 75.000 hạt vi nhựa mỗi ngày