‘Squid Game': Trò chơi sinh tồn hay chân dung về 'xã hội thực' của Hàn Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

‘Squid Game' - tựa Việt: ‘Trò chơi con mực’ hiện đang dẫn đầu nền tảng Netflix ở 90 quốc gia. Bộ phim đã tạo nên cơn sốt toàn cầu bởi nội dung và cốt truyện chân thực, đặc biệt phản ánh khoảng cách giàu nghèo thời hậu dịch và cho thế giới bên ngoài một cái nhìn thoáng qua về sự bất bình đẳng trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.

“Squid Game” là bộ phim kinh dị bạo lực ra mắt trên Netflix hôm 17/9 mới đây - Chỉ trong gần một tháng, bộ phim đã gây ra tiếng vang lớn đối với khán giả toàn cầu.

Nội dung phim tập trung vào một trò chơi sinh tồn tàn khốc. Trong đó, 456 người cùng tham gia trò chơi lấy cảm hứng từ các trò chơi dân gian của trẻ em Hàn Quốc, như: Hoa dâm bụt nở, kéo co, bắn bi... để nhận giải thưởng 45,6 tỉ won (khoảng 39 triệu USD) cho người thắng cuộc. Nếu thua cuộc hoặc phạm luật trong trò chơi, người chơi sẽ phải đối mặt với cái chết.

456 người chơi đại diện cho nhiều tầng lớp trong xã hội Hàn Quốc, nhưng tựu chung họ đều đang tuyệt vọng vì các khoản nợ nần trong cuộc sống. Do đó, họ liều mình tham gia vào trò chơi, cố gắng giành được giải thưởng cao nhất với hy vọng đổi đời và giàu lên nhanh chóng.

Các trò chơi trong phim rất đơn giản, nhưng khi người chơi thua cuộc, họ sẽ phải trả giá bằng tính mạng của mình.

Trước đây, những bộ phim truyền hình và điện ảnh có nội dung tương tự như “Trò chơi con mực” có rất nhiều. Trong đó phải kể đến những bộ phim nổi tiếng của Nhật Bản, Mỹ, hoặc các nước Châu Âu. Tuy nhiên, "Squid Game" đã gây ra tiếng vang toàn cầu và trở thành một trong những phim nổi tiếng nhất trong lịch sử của Netflix. Thành công của “Squid Game” không chỉ thúc đẩy một làn sóng tăng trưởng người dùng mới cho Netflix, mà còn khiến giá cổ phiếu của hãng này tăng hơn 20% trong năm nay, vượt trội so với những gã khổng lồ công nghệ là Apple và Amazon.

Trước đây, Hàn Quốc cũng có những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng thế giới như: "Bản tình ca mùa đông" năm 2002, "Nàng Dae Jang Geum" năm 2003 và "The Kingdom" năm 2019, hầu hết chúng đều nằm trong khuôn khổ của những bộ phim truyền hình lãng mạn và cổ trang. Tuy nhiên, hai bộ phim là "Parasite" ( tựa Việt: “Ký sinh trùng”) năm 2019 và "Trò chơi con mực" năm nay, đã nhận được sự hoan nghênh của khán giả quốc tế vì sự can đảm thoát khỏi những chủ đề quá khứ, cho phép ngành điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc tạo ra một cột mốc chói lọi mới.

Vì sao bộ phim Hàn Quốc ‘Squid Game’ gây sốt toàn cầu?

‘Squid Game' - tựa Việt: ‘Trò chơi con mực’ hiện đang dẫn đầu nền tảng Netflix ở 90 quốc gia. (Ảnh: chụp từ Youtube)
Bộ phim ‘Squid Game' - tựa Việt: ‘Trò chơi con mực’ hiện đang dẫn đầu nền tảng Netflix ở 90 quốc gia. (Ảnh: chụp từ Youtube)

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA (Đài tiếng nói Hoa Kỳ), giảng viên và trợ lý giáo sư Areum Jeong thuộc Khoa Nhân văn và Sáng tạo của Đại học Tứ Xuyên - Pittsburgh College (SCUPI) ở Thành Đô cho rằng, cốt truyện của "Trò chơi con mực" là thực tế xã hội nên nó dễ dàng gây được tiếng vang lớn với công chúng.

“Tôi nghĩ rằng các hiện tượng trong xã hội Hàn Quốc, bao gồm bất bình đẳng xã hội, ý thức giai cấp và cạnh tranh tài nguyên, được thảo luận trong bộ phim này, cũng đang tác động đến các quốc gia khác trên thế giới. Như chúng ta có thể thấy bây giờ, khoảng cách giàu nghèo ở nhiều quốc gia đang ngày càng tăng lên” - Bà Areum Jeong nói.

Đạo diễn Hwang Dong Hyuk của "Squid Game" cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng, cốt truyện phim bắt nguồn ý tưởng từ 10 năm trước, nhưng vào thời điểm đó chẳng mấy ai quan tâm đến nó. Anh hoàn thành kịch bản năm 2009 nhưng không nhận được phản hồi tích cực từ các hãng phim. Nhiều nhà sản xuất nói câu chuyện quá bạo lực và khó hút khách. Nhưng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến xã hội và nền kinh tế, khiến mọi người nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa bộ phim với bối cảnh xã hội hiện tại.

Trợ lý giáo sư Areum Jeong cho rằng, mặc dù "Squid Game" là một bộ phim Hàn Quốc, sử dụng ngôn ngữ Hàn và được chơi bằng các trò chơi dành cho trẻ em của Hàn Quốc, khán giả nước ngoài vẫn vượt qua rào cản ngôn ngữ để kết hợp nội dung phim với trải nghiệm của chính họ và khiến bộ phim tạo ra tiếng vang lớn. Không những thế, bối cảnh trong phim được dàn dựng công phu, các sàn đấu hoành tráng, đẹp mắt cho từng phần chơi. Đạo diễn sử dụng những gam màu tươi sáng hay những bản giao hưởng du dương để tạo sự tương phản với câu chuyện đen tối, nhiều bạo lực. Hình ảnh, âm thanh và diễn xuất là những điểm sáng của bộ phim đã góp phần tạo nên thành công trên thị trường quốc tế của “Squid Game”.

"Squid Game" là bộ phim Hàn Quốc, sử dụng ngôn ngữ Hàn và được chơi bằng trò chơi dành cho trẻ em của Hàn Quốc, khán giả nước ngoài vẫn vượt qua rào cản ngôn ngữ để kết hợp nội dung phim với trải nghiệm của chính họ để tạo ra tiếng vang lớn (Ảnh: Chụp từ Youtube)
"Squid Game" là bộ phim Hàn Quốc, sử dụng ngôn ngữ Hàn và được chơi bằng trò chơi dành cho trẻ em của Hàn Quốc, khán giả nước ngoài vẫn vượt qua rào cản ngôn ngữ để kết hợp nội dung phim với trải nghiệm của chính họ để tạo ra tiếng vang lớn (Ảnh: Chụp từ Youtube)

Trong những năm gần đây, âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc đã chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, không chỉ mang lại một cảnh quan kinh doanh mới cho văn hóa đại chúng, mà còn mở rộng góc nhìn của khán giả Âu Mỹ về xã hội và cuộc sống châu Á.

Bà Areum Jeong nói: "Thành công của văn hóa đại chúng Hàn Quốc chắc chắn sẽ khiến khán giả phương Tây quan tâm nhiều hơn đến văn hóa châu Á. Nó có thể làm giảm định kiến ​​của một số người đối với người châu Á hoặc xóa bỏ một số định kiến từng có ​​trước đây".

Sự thật phũ phàng đằng sau ‘Kỳ tích sông Hàn’

Các nhân vật trong “Trò chơi con mực” thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, nhưng hầu hết đều thuộc những người “ngoài lề” xã hội. Họ đã từng từ bỏ việc tham gia cuộc chơi, nhưng sau khi cảm thấy áp lực đến nghẹt thở của cuộc sống thực, họ lại quay lại trò chơi sinh tử để hy vọng - đây là “canh bạc cuối cùng” nhằm thay đổi cuộc sống đang sa sút vì tuyệt vọng của họ. Bộ phim này tuy thành công nhưng cũng phản ánh xã hội hiện thực đằng sau “Kỳ tích sông Hàn” mà người Hàn Quốc tự hào.

"Squid Game" như một bức tranh thu nhỏ phản ánh bối cảnh xã hội Hàn Quốc hiện đại - Một "xã hội mắc nợ" (Ảnh: chụp từ youtube)
"Squid Game" như một bức tranh thu nhỏ phản ánh bối cảnh xã hội Hàn Quốc hiện đại - Một "xã hội mắc nợ" (Ảnh: chụp từ youtube)

Giáo sư nghiên cứu và tầm nhìn Đông Á tại Đại học California, Irvine - ông Kyung Hyun Kim nói với VOA rằng: “Chúng ta nhìn thấy quá trình chuyển đổi từ nghèo đói sang thịnh vượng của Hàn Quốc trong 30 đến 40 năm qua, có thể nói đó là một trong những ví dụ thành công nhất về phát triển kinh tế toàn cầu”.

Ông Kyung Hyun Kim cho rằng, Hàn Quốc đang tiến tới nền dân chủ hóa sau chế độ chuyên chế độc tài kéo dài, nhưng bên cạnh những thành công trong phát triển kinh tế và cải cách dân chủ, Hàn Quốc còn có nhiều mặt "đen tối" khác.

Ông nói: "Hàn Quốc có các vấn đề xã hội như tỷ lệ tự tử cao và sự cạnh tranh gay gắt giữa các thế hệ trẻ, và Hàn Quốc (năm ngoái) là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, với tỷ lệ sinh chỉ 0,84. Những vấn đề này khiến người dân Hàn Quốc khó tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Mặc dù Hàn Quốc đang tận hưởng những kết quả mỹ mãn do thành quả kinh tế mang lại, nhưng người dân cũng đang chế giễu xã hội như thể họ đang sống “Địa ngục Bắc Triều Tiên”.

Bà Areum Jeong cho biết, những người trẻ Hàn Quốc nghĩ rằng, dù họ có làm việc chăm chỉ đến đâu thì cũng không thể mua nhà và nhìn thấy tương lai của cuộc sống. Nói cách khác, giấc mơ mua nhà gần như không thể thành hiện thực, trừ khi họ dựa vào sự hỗ trợ tài chính của cha mẹ.

Theo báo cáo của hãng truyền thông Đài Loan Central News Agency vào ngày 14/9 mới đây, giá nhà ở Seoul, Hàn Quốc, đã tăng vọt trong những năm qua. Trong đó, tỷ lệ giá nhà đang cao hơn 8 lần so với thu nhập bình quân, có nghĩa là người dân không được ăn uống chi tiêu trong 8 năm liên tục mới mua được một căn nhà.

Bà Areum Jeong nói rằng, “Lý thuyết giai cấp thìa" hiện đã rất phổ biến trong xã hội Hàn Quốc, trong đó sử dụng các thuật ngữ như: "thìa vàng", "thìa bạc", "thìa đồng" hay "thìa đất" và "thìa phân" để biểu thị tầng lớp xã hội. Người Hàn Quốc nói chung tin rằng nền tảng gia đình quan trọng hơn nỗ lực của bản thân.

Bộ phim “Trò chơi con mực" phản ánh sự thật tàn khốc của xã hội Hàn Quốc ngày nay. Thậm chí nhiều người phải ngừng lại khi mới xem được một nửa bộ phim vì nó như đang phản ánh cuộc đời của chính họ.

Hàn Quốc đã trở thành một ‘xã hội nợ nần’

Sự phân cấp giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc ngày càng ra tăng và thể hiện rõ nét qua “Lý thuyết giai cấp thìa" hiện đã rất phổ biến trong xã hội Hàn Quốc, trong đó sử dụng các thuật ngữ như "thìa vàng", "thìa bạc", "thìa đồng" hay "thìa đất" và "thìa phân" để biểu thị tầng lớp xã hội. (Ảnh chụp từ youtube)
Sự phân cấp giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc ngày càng gia tăng và thể hiện rõ nét qua “Lý thuyết giai cấp thìa" hiện đã rất phổ biến trong xã hội Hàn Quốc, trong đó sử dụng các thuật ngữ như "thìa vàng", "thìa bạc", "thìa đồng" hay "thìa đất" và "thìa phân" để biểu thị tầng lớp xã hội. (Ảnh chụp từ youtube)

Mặc dù một phần cốt truyện của “Squid Game” có vẻ vô lý, nhưng nhiều khán giả cho rằng bộ phim đã thực sự lột tả được sự bất lực của những con người dưới đáy xã hội - những người đang gánh những món nợ khổng lồ trên lưng. Theo thống kê, nợ hộ gia đình của Hàn Quốc đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, năm ngoái, tổng nợ hộ gia đình chiếm 103% GDP, cao nhất ở châu Á, và Hàn Quốc là quốc gia duy nhất có tỷ lệ nợ hộ gia đình vượt quá 100%. Điều này cho thấy rằng, Hàn Quốc đã trở thành một "Xã hội mắc nợ".

Ông Kyung Hyun Kim phân tích rằng, điều này có liên quan đến “hiện tượng” người trẻ Hàn Quốc tìm mọi cách để chen chân vào cánh cổng hẹp của các tập đoàn lớn. Ông nói: “Đối với những người Hàn Quốc có bằng đại học, rất khó để họ chấp nhận những công việc ‘cổ xanh’ (lao động phổ thông), đây trở thành một vấn đề rất nan giải bởi tỷ lệ dân số có bằng đại học ở Hàn Quốc khá cao. Trình độ giáo dục và dân trí cao khiến nhiều người muốn làm công việc ‘cổ trắng’ trong các tập đoàn lớn như Samsung. Điều này làm tăng nhu cầu vay vốn của những người trẻ tuổi”.

Ông Ho Kyung Choi, người sáng lập Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc Sejong ở Đài Bắc, Đài Loan cho biết, tỷ lệ người trẻ Hàn Quốc đi vay nợ ngày càng tăng, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến giá nhà đất tăng cao và dịch bệnh Covid-19.

Ông Ho Kyung Choi nói với VOA: “Họ (những người trẻ Hàn Quốc) phải vay tiền để mua chúng trước khi giá nhà đất trở nên cao hơn, điều này trở thành một khoản nợ phải trả. Tỷ lệ nợ của Hàn Quốc cũng tăng mạnh. Có rất nhiều người làm việc tự do ở Hàn Quốc như bán gà rán, mở cửa hàng tiện lợi nhỏ. v.v. Bởi vì sau khi dịch bệnh xảy ra, tình trạng phân cực (xu hướng kinh doanh) của họ cũng xảy ra, nên tỷ lệ đi vay để tồn tại cũng tăng lên”.

Học giả: Hàn Quốc có vấn đề phân biệt đối xử nghiêm trọng đối với lao động nhập cư

Trong "Game of Squid", nhân vật duy nhất không phải người Hàn Quốc là một lao động nhập cư bất hợp pháp người Pakistan tên là Ali. Anh ta đã bị ông chủ bắt nạt, chèn ép và bị thương ở tay khi làm việc. Về vấn đề này, Sung Ae Lee - Giảng viên Khoa Truyền thông và Nghệ thuật Sáng tạo, Ngôn ngữ và Văn học tại Đại học Macquarie ở Sydney (Úc), chỉ ra rằng điều này phản ánh lao động nhập cư nước ngoài của Hàn Quốc vẫn phải chịu nhiều bất bình đẳng.

Bà Sung Ae Lee nói với VOA: “Nhiều bộ phim truyền hình ở Hàn Quốc thường mô tả hoàn cảnh của người lao động nước ngoài. Trong ‘Squid Game’, bạn có thể thấy chủ nhân của Ali không muốn trả lương cho anh ta. Điều này cho thấy người lao động nhập cư thường bị đối xử bất công và điều đó cũng khiến mọi người nhận thấy vấn đề bóc lột lao động nhập cư trong xã hội Hàn Quốc là rất nghiêm trọng".

Bà Areum Jeong cũng cho biết, “Trò chơi con mực” thể hiện chân thực những người lao động nhập cư là “người ngoài cuộc” trong xã hội Hàn Quốc, đồng thời cũng cho thấy sự phân biệt giai cấp trong xã hội Hàn Quốc đã ăn sâu trong tâm thức và cuộc sống của người dân.

Ông Ho Kyung Choi nói, hiện có khá nhiều lao động nước ngoài nhập cư bất hợp pháp ở Hàn Quốc, nhiều người trong số họ không hiểu ngôn ngữ và đang đối diện với tình trạng ngày càng khó khăn hơn. Ông nói: "Họ làm việc chủ yếu ở các vùng nông thôn, làng chài, các ngành công nghiệp chính hoặc nhà máy sản xuất, nhưng ấn tượng mà người Hàn Quốc về họ là: ‘Họ không phải là thành viên trong xã hội chúng ta’. Hoặc đó vẫn là tầng lớp rất thấp trong xã hội Hàn Quốc. Nhưng từ góc độ khách quan, họ đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc, nhưng xã hội vẫn có những định kiến ​​nhất định đối với lao động nhập cư, điều đó là không nên”.

Tệ nạn xã hội tồn tại từ lâu và khó cải thiện trong ngắn hạn

"Squid Game" không chỉ trở nên phổ biến trên toàn thế giới, nó còn đánh động đến những vấn đề đã được tích tụ trong xã hội Hàn Quốc từ lâu, thậm chí còn trở thành đề tài bàn tán trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2022 sắp tới. Một số ứng viên sử dụng hình ảnh phim trong áp phích quảng cáo "Squid Game" và thách thức các đối thủ chính trị bằng các trò chơi tương tự trong phim.

Một chính trị gia Hàn Quốc là Huh Kyung Young - Người đã hai lần tranh cử Tổng Thống Hàn Quốc đã đề nghị mua lại số điện thoại in trên tấm thiệp trong "Squid Game" với giá 100 triệu won (hơn 1,9 tỉ đồng). Do số máy đó là có thật và thuộc về một người đàn ông hơn 40 tuổi ở tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, anh này đã phải nhận hơn 4.000 cuộc gọi mỗi ngày sau khi số điện thoại được đoàn phim “bất cẩn” để lộ trên phim. Ông Huh Kyung Young cũng tuyên bố rằng sau khi ông đắc cử, một lệnh tài chính khẩn cấp sẽ được ký kết để người dân trong nước có thể nhận được khoản trợ cấp 100 triệu won (tương đương 83.600 USD) giống như cốt truyện phim “Squid Game”.

Tuy nhiên, khi "Trò chơi con mực" đã trở thành một công cụ tuyên truyền cho các chính trị gia Hàn Quốc, thế giới bên ngoài cũng lo ngại về việc liệu Tổng thống tiếp theo có thể cải thiện được phần nào tình trạng bất bình đẳng khác nhau trong xã hội Hàn Quốc hay không.

Về vấn đề này, bà Areum Jeong tỏ ra bi quan, bà nói: “Rất khó để thay đổi các vấn đề xã hội của Hàn Quốc và suy nghĩ bên trong của mỗi người dân, nếu chỉ dựa vào một nhiệm kỳ tổng thống, hoặc quyền lực của một vài chính trị gia”.

Giáo sư Kyung Hyun Kim của Đại học California, Irvine, cũng không lạc quan trước hiện trạng xã hội ngày nay. Ông nói: "Các hiện trạng xã hội như tỷ lệ bằng cấp cao và tỷ lệ tự tử cao ở Hàn Quốc là những vấn đề căn bản lâu đời. Nó đã ăn sâu vào xã hội và văn hóa Hàn Quốc. Tôi nghĩ rằng, rất khó để Hàn Quốc thay đổi hiện trạng xã hội đầy nhức nhối, bất kể ai được bầu lên làm tổng thống. Rất khó để thay đổi hiện trạng và có thể phải mất đi một thế hệ trước khi xã hội Hàn Quốc có thể đi đúng hướng”.

Đông Mai

Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

‘Squid Game': Trò chơi sinh tồn hay chân dung về 'xã hội thực' của Hàn Quốc?