Từ thăng hoa tới bi kịch: Số phận bi thảm của một Hoàng tộc “gói gọn” trong quả trứng Phục sinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sáng Phục sinh tại St.Petersburg, trong phòng khánh tiết, hoàng hậu Maria tiến đến trước mặt Nga hoàng Alexander III khẽ nhún gối, cầu chúc lễ Phục sinh an lành trước khi hôn chồng ba lần theo truyền thống. Alexander III mỉm cười đáp lại: “Mừng lễ vui vẻ, em yêu” rồi đưa cho Hoàng hậu chiếc hộp nhỏ.

Ồ, món quà không lớn lắm đâu. Bề cao chỉ khoảng một tấc. Nhưng cả triều đình nước Nga và chẳng bao lâu trên khắp thế giới, người ta không ngừng bàn tán về nó…

Sự kỳ diệu trong sáng Phục sinh

Vào một sáng rạng rỡ của mùa Phục sinh năm 1884, Nga hoàng Alexander III chờ sẵn trong cung điện, nâng niu trên tay một món quà nhỏ. Món quà kỷ niệm 20 năm ngày cưới của Alexander III và hoàng hậu Maria Fedorovna.

Khi hoàng hậu Maria tiến đến trước mặt Nga hoàng Alexander III cầu chúc lễ Phục sinh an lành trước khi hôn chồng ba lần theo tục lệ, Alexander III mỉm cười đáp lại: “Mừng lễ vui vẻ, em yêu” rồi đưa cho Hoàng hậu chiếc hộp nhỏ. Bên trong là một quả trứng, nhưng không phải là quả trứng tô vẽ thông thường mà người ta vẫn thường tặng nhau trong ngày lễ này. Nó được tráng một lớp men thiên sứ, đẹp lạ thường dưới ánh sáng lung linh của cả ngàn ngọn nến.

Bên trong quả trứng là một con gà mái bằng vàng có đôi mắt hồng ngọc, nhưng tuyệt hơn cả là trong con gà lại ẩn chứa bản sao một chiếc vương miện thu nhỏ của Nga hoàng. Tuyệt tác này đã gợi lên niềm thương nhớ cố hương của hoàng hậu, và ngầm kỷ niệm ngày lên ngôi của Nga hoàng Alexander III.

Bên trong quả trứng là một con gà mái bằng vàng có đôi mắt hồng ngọc, nhưng tuyệt hơn cả là trong con gà lại ẩn chứa bản sao một chiếc vương miện thu nhỏ của Nga hoàng. (Wikipedia)
Bên trong quả trứng là một con gà mái bằng vàng có đôi mắt hồng ngọc, nhưng tuyệt hơn cả là trong con gà lại ẩn chứa bản sao một chiếc vương miện thu nhỏ của Nga hoàng. (Wikipedia - CC BY-SA 2.0)

Bằng sự tài hoa và tinh thần sáng tạo pha chút liều lĩnh, anh thợ trẻ kim hoàn Peter Carl Fabergé đã khéo léo “lồng” cuộc sống của Nga hoàng vào lòng quả trứng mỏng manh, bề cao chỉ có 12cm.

Người khai sinh ra môn nghệ thuật mới

Sinh năm 1846, Peter Carl Fabergé là con của một người Pháp nhập cư tại Nga, nhưng suốt thời niên thiếu, anh lại trưởng thành và học nghề kim hoàn tại Đức. Năm 24 tuổi, Faberge trở về Nga, thừa hưởng cửa hàng kim hoàn tại St.Petersburg do cha để lại.

Trong suốt 10 năm chèo lái cửa hàng với kinh nghiệm thương trường còn non nớt, chàng trai trẻ Faberge vẫn chỉ loay hoay chế tác những mặt hàng trang sức “tầm thường” giống như bất kỳ người thợ kim hoàn nào thời ấy.

Faberge tự nhủ phải sáng tác một tác phẩm để đời, tác phẩm ấy phải đáp ứng yêu cầu vừa đẹp vừa “quái”, vừa không “đụng hàng” với bất kỳ ai, ví như sẽ “nhét” cả một tòa lâu đài bằng vàng vào trong… quả trứng. Có người biết chuyện đã cười khẩy cái ý định “ngông cuồng” ấy của Faberge.

Chẳng để tâm, Faberge vẫn miệt mài nuôi dưỡng và thực hành với ý tưởng đó của mình. Anh chăm chỉ đến tu viện thành phố, vùi đầu xem xét những món đồ quý giá của Nga hoàng được lưu trữ và bày biện tại đây, bao gồm các đồ chế tác bằng vàng và đồ gốm sứ. Với sự trợ giúp của người bạn là Michael Perchin, Faberge đã thử nghiệm kỹ thuật phủ men kết hợp với vàng trên các mẫu thử.

Peter Carl Fabergé
Peter Carl Fabergé. (Wikipedia)

Phủ men mờ khi ấy là một kỹ thuật phối sắc hết sức phức tạp, đòi hỏi người làm phải rất công phu, như phải tráng tới mấy lần nước men, phải nung mẫu vật trong lò sau mỗi lần tráng. Tuy nhiên, thời ấy người ta chỉ biết sử dụng một số màu sắc cơ bản, vì vậy Faberge đã tự mày mò và tìm ra được tới 140 sắc thái màu khác nhau, trong đó lớp men sò được ưa chuộng nhất bởi nó có thể biến đổi màu sắc huyền ảo dưới các sắc độ ánh sáng khác nhau. Chất liệu Faberge thường sử dụng bao gồm vàng, bạc, đồng, niken, paladi và nhiều loại đá quý như kim cương, thạch anh, mã não, hồng ngọc…

Những cuộc thử nghiệm đã đem lại kết quả tuyệt vời: Nga hoàng không thể phân biệt đâu là nguyên mẫu chiếc hộp đựng thuốc lá của mình, đâu là bản copy của Faberge. Mọi công sức của Faberge đã đền đáp bằng đơn “đặt hàng” đầu tiên: “Hãy làm cho hoàng hậu của ta một món quà Phục sinh thật đặc biệt!”. Không ai có thể tin được rằng, Faberge đã biến ý tưởng ngông cuồng của mình thành sự thật.

… đến những quả trứng vô giá

Sự thành công của món quà Phục sinh đã giúp Faberge có thêm nguồn cảm hứng sáng tạo. Faberge đã trở thành người thiết kế những quả trứng Phục sinh riêng cho Nga hoàng trong suốt 11 năm, cho tới khi Alexander III qua đời và hoàng tử Nicholas II lên kế vị, vẫn giữa truyền thống ấy.

Còn được gọi là Trứng Chân dung Alexander III.
Còn được gọi là Trứng Chân dung Alexander III. (Wikipedia - CC BY-SA 2.0)

Kể từ năm 1894, mỗi năm Nga hoàng Nicholas II cho đặt thiết kế 2 quả trứng, một quả cho Hoàng thái hậu Maria và một quả cho hoàng hậu Alexandra cho đến năm 1917.

Như vậy Faberge đã thiết kế ra được tổng cộng 56 quả trứng, trong đó 44 quả vẫn còn nguyên vẹn, 2 quả chỉ còn tồn tại qua những bức ảnh. 12 quả trứng Phục sinh khác được một chủ mỏ vàng người Siberia tên là Alexander Ferdinandovich Kelch đặt làm. Tuy nhiên bộ trứng Phục sinh của Hoàng gia mới là những tác phẩm vô giá, buộc người ta phải nghiêm mình kính nể trước sự kỳ tài của người thợ thủ công bậc thầy Faberge.

Không chỉ mang tính nghệ thuật thiết kế kim hoàn đỉnh cao, mà những quả trứng này đều là những tác phẩm nghệ thuật mang tính lịch sử mà Faberge đã mô phỏng hoặc sao chép tại các tu viện, hoặc mường tượng lại từ những điều mắt thấy tai nghe.

Một số những quả trứng ấy ghi lại biến cố lịch sử của nước Nga, như quả trứng Đăng quang được Faberge làm tặng Nga hoàng Nicolas II năm 1897 nhân ngày lễ lên ngôi. Đây cũng là quả trứng nổi tiếng nhất trong bộ trứng Hoàng gia với lớp vỏ trứng được phủ men vàng, bao quanh là những cành nguyệt quế đan chéo, ở mỗi giao điểm có một con ó phủ men đen. Trên ngực mỗi con ó lại được gắn một viên kim cương nhỏ xíu. Tuyệt vời hơn bên trong quả trứng chỉ cao 12,7cm này, lại đặt cả một cỗ xe ngựa hoàng gia.

Miệt mài suốt 15 tháng ông mới chế tác xong chính xác từng chi tiết nhỏ của mô hình thu nhỏ này. Thay vì nước sơn đỏ và vải bọc của cỗ xe thật, Faberge đã sử dụng màu men đỏ và xanh da trời phủ bên trong mô hình, khung xe mạ vàng, cánh cửa xe bằng pha lê, còn mỗi bánh xe được bọc bằng platinum. Trên đỉnh cỗ thiên mã là một chiếc vương miện gắn những viên kim cương hồng.

Trứng Đăng quang được Faberge làm tặng Nga hoàng Nicolas II năm 1897 nhân ngày lễ lên ngôi. Đây cũng là quả trứng nổi tiếng nhất trong bộ trứng Hoàng gia.
Trứng Đăng quang được Faberge làm tặng Nga hoàng Nicolas II năm 1897 nhân ngày lễ lên ngôi. Đây cũng là quả trứng nổi tiếng nhất trong bộ trứng Hoàng gia. (Wikipedia - CC BY-SA 3.0)

Tất nhiên mọi thứ đều bé tí xíu, và để nhìn rõ người ta phải dùng kính lúp. Sự sáng tạo đã không còn đường biên nữa, Faberge đã hóa phép cho cả một Thung lũng hoa lan vào trong quả trứng. Cái “nhà kính” cao 19,7cm của Thung lũng hoa lan ấy được ông đặt trên một bệ đỡ bốn chân bằng vàng, quấn quýt những sợi gai kim cương hồng, xanh. Toàn bộ vỏ ngoài “nhà kính” là một lớp men hồng nhạt gắn vô số những viên ngọc trai, bên trong thung lũng nền xanh sứ là những bông hoa lan cũng bằng ngọc.

Nhưng điều làm người ta thán phục nhất chính là bức chân dung của Nicholas II và hai cô công chúa Olga và Tatiana. Ba bức chân dung trải rộng theo hình quạt nổi bật trên đỉnh quả trứng và Thung lũng hoa lan được coi là một kỳ tác nghệ thuật vô song của con người.

Không có gì có thể cản được sức sáng tạo của Faberge nữa. Ông cho trứng nở ra cả một Đoàn tàu xuyên Siberia (1900), ông đặt trong lòng một quả trứng một Du thuyền Hoàng gia Standard (1909). Ông “lấn át” không gian chật hẹp của quả trứng bằng Nhà thờ Uspensky đồ sộ, Lâu đài Gatchina nguy nga tráng lệ…

Năm 1911, Faberge đã làm một quả trứng Kỷ niệm năm thứ 15 lên ngôi của Nicholas II. Có thể gọi đây là một album gia đình 7 người gồm Nga hoàng Nicholas II, hoàng hậu Alexandra cùng 5 người con của ông. Kiệt tác này không chỉ gây choáng váng về vẻ đẹp tinh tế và tráng lệ của nghệ thuật trang hoàng, mà còn khiến bao người sửng sốt vì mối liên hệ giữa 7 chân dung trên quả trứng với thảm kịch mà gia đình Nga hoàng Nicholas II sắp phải đối diện.

Cung điện Gatchina.
Cung điện Gatchina. (Wikipedia)

Kết cục thảm khốc

Sa hoàng Nicholas II trị vì nước Nga từ năm 1897 cho tới năm 1917. Trong năm này, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa diễn ra ở Nga đang trên đà thắng thế. Ngày 15/3/1917, Sa hoàng Nikolai II thoái vị. Sau khi những người cộng sản Bolshevik lên nắm chính quyền, việc giám sát gia đình Sa hoàng đã trở nên nghiêm ngặt hơn. Ngày 22/3/1917, Sa hoàng Nicholas II bị phế truất. Kế đến, ông cùng vợ và 5 người con bị giam lỏng ở cung điện Aleksandr tại Tsarskoe Sel.

Cùng với bốn người hầu cận còn lại, gia đình Sa hoàng bị đưa tới quản thúc tại căn biệt thự Ipatiev ở thị trấn Yekaterinburg, thuộc dãy núi Ural. Nơi này được gọi là “nhà” với mục đích đặc biệt là để: Giam giữ. Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 17/7/1918, trong căn biệt thự kiên cố ở thị trấn Yekaterinburg, gia đình hoàng tộc gồm Sa hoàng Nicholas II, Hoàng hậu Aleksandra, cùng năm người con, bốn người hầu đã bị những người cộng sản Bolshevik đánh thức, và lệnh cho họ phải mặc quần áo rồi tới tập trung trong căn hầm của biệt thự.

Cựu Sa hoàng Nicholas II vẫn bình tĩnh bồng đứa con trai út xuống dưới tầng hầm. 11 con người đứng gần nhau như thể họ đang chuẩn bị chụp ảnh chân dung gia đình trong căn hầm trống trải. Họ không hề biết điều khủng khiếp đang chờ đợi họ cho đến khi đột nhiên hơn chục người đàn ông được trang bị vũ trang hạng nặng bước vào phòng.

Một người chỉ huy những kẻ hành quyết phía sau anh ta đã đọc một tuyên bố khiến 11 con người kinh ngạc: "Theo lệnh Chủ tịch của Xô viết khu vực, hoàn thành ý chí của Cách mạng, đã ra lệnh rằng cựu Sa hoàng Nicholas Romanov, đã thực hiện vô số tội ác đẫm máu đối với người dân, nên bị xử bắn". Khi lời tuyên án kết thúc, họ bắt đầu nổ súng vào gia đình hoàng gia, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ.

Ngày 17/7/1918 ấy đã trở thành ngày đen tối đối với hoàng tộc khi cả gia đình Sa hoàng đã bị xử bắn đồng loạt. 11 thi thể bị lôi ra khỏi tầng hầm căn biệt thự, bị chất lên xe tải và chuyển tới khu rừng Koptyaki. Các nhà sử học tin rằng, thi thể của các thành viên trong gia đình Sa hoàng Nicholas II đã bị quẳng xuống một đường hầm dẫn đến một mỏ nông có tên là Ganina Yama, mà những người cộng sản Bolshevik đã chôn lấp vội vã bằng cách cho nổ lựu đạn làm sập mỏ.

Phải tới năm 1991, giới chức Nga mới phát hiện ngôi mộ tập thể của gia đình Sa hoàng Nicholas II ở khu vực gần Yekaterinburg. Sau đó, các chuyên gia đã tiến hành kiểm tra, xét nghiệm ADN để xác nhận thân phận của từng thành viên trong gia đình Sa hoàng Nicholas II. Khi có kết quả chính thức, chính quyền Nga dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin đã tổ chức lễ chôn cất long trọng tại Saint Petersburg.

Sa hoàng Nicholas II
Sa hoàng Nicholas II. (Wikimedia Commons)

Kết

Theo quan niệm quy chiếu khắc nghiệt của lịch sử dưới thời Xô viết, những tuyệt tác trứng Hoàng gia của bậc thầy kim hoàn Peter Carl Fabergé khi ấy không khác gì là những món đồ xa hoa phù phiếm, là thứ đặc ân của một nền quân chủ đang hồi suy tàn.

Nhưng nếu xét trên phương diện nghệ thuật, Peter Carl Fabergé là người dám đi ngược lại sở thích của Hoàng tộc Nga nói riêng và xu hướng kim hoàn tại châu Âu thời ấy nói chung - thích những món đồ xa hoa to lớn và thô thiển - để áp đặt một phong cách trang nhã và tinh xảo cho riêng mình.

Khi ấy, mỗi quả trứng của người thợ tài hoa Peter Carl Fabergé không chỉ là những kiệt tác của nhân loại, mà còn phản chiếu rõ nét về một triều đại, một gia tộc vào thời điểm tang thương tại ngã ba lịch sử.

Xuân Trường



BÀI CHỌN LỌC

Từ thăng hoa tới bi kịch: Số phận bi thảm của một Hoàng tộc “gói gọn” trong quả trứng Phục sinh