Một sinh viên Trung Quốc bị cướp danh tính hé lộ hệ thống lừa đảo chuyên nghiệp trong thi cử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào khoảng đầu tháng 7, 10 triệu học sinh khắp Trung Quốc đã tham gia kỳ thi Gaokao - một cuộc thi đầu vào cho các trường đại học mang tính chất quyết định tới tương lai của các em.

Tuy nhiên “treo trên đầu” các em học sinh là một bí mật vừa được tiết lộ: hàng trăm học sinh khóa trước là nạn nhân của một vụ bê bối trộm danh tính và cướp kết quả thi.

Với Chen Chunxiu, đây là kỳ thi có thể thay đổi mọi thứ. Làm tốt ở kỳ thi Gaokao có nghĩa là một đứa con gái của một nông dân như cô sẽ có cơ hội thực hiện ước mơ vào đại học. Nếu cô trượt, ước mơ sẽ chỉ dừng lại là mơ ước.

Thật buồn là cô đã trượt.

Bị các trường đại học từ chối, cô phải làm rất nhiều việc để kiếm sống: công nhân nhà máy, bồi bàn, trước khi trở thành một giáo viên mầm non.

Nhưng 16 năm sau, cô rất sốc khi phát hiện ra sự thật là mình đã đỗ vào trường Đại học Công nghệ Sơn Đông năm đó. Tuy nhiên, điểm của cô - và thực tế, toàn bộ danh tính của cô - đều bị đánh cắp bởi một cô gái khác, và họ đã “thay cô" nhập học.

Trường hợp của Chen chỉ là một trong số 242 học sinh bị trộm danh tính diễn ra ở tỉnh Sơn Đông vào giữa năm 2002 và 2009, theo một hãng truyền thông.

Kỳ thi Gaokao ở Trung Quốc là kỳ thi khắc nghiệt nhất, cũng là cơ hội duy nhất để những học sinh nghèo nuôi dưỡng ước mơ đổi đời.
Kỳ thi Gaokao ở Trung Quốc là kỳ thi khắc nghiệt nhất, cũng là cơ hội duy nhất để những học sinh nghèo nuôi dưỡng ước mơ đổi đời. (Getty)

Một hệ thống lừa đảo gây sốc

Gaokao là một kỳ thi rất khó, một kỳ thi phổ thông trung học nhằm kiểm tra khả năng tiếng Trung, Toán và tiếng Anh cùng các môn học tự chọn khác của học sinh.

Đây là tiêu điểm của hệ thống giáo dục từ những năm 1950, nhưng bị gián đoạn trong suốt Cách Mạng Văn Hoá. Nhưng đây không chỉ là một kì thi. Với hàng triệu người - đặc biệt là những ai không trong diện ưu tiên và nghèo khó - đây là một tấm vé đi đến thành công và thay đổi số phận.

Gia đình của Chen rất kỳ vọng vào cô bé. Và câu chuyện chấn động của cô trong vài tuần gần đây đã được cộng đồng Trung Quốc bàn tán xôn xao.

Vì họ sống trong nghèo khó và chỉ có đủ tài chính cho một đứa trẻ đến trường, nên cha mẹ đã để anh trai ít có triển vọng hơn của cô bỏ học và nhường lại cho cô. Đây là một trường hợp hiếm có ở vùng nông thôn Trung Quốc, thông thường con trai sẽ được ưu tiên đi học hơn con gái.

Với hi vọng này, Chen đã tham dự kỳ thi Gaokao vào năm 2004. Kể từ đó, các học sinh thi đại học ở Trung Quốc sẽ không nhận được giấy từ chối nhập học, nếu bạn không nhận được giấy nhập học, thì có nghĩa là bạn đã trượt. Vì vậy sau một thời gian đợi đến tháng 9, khi kỳ học bắt đầu, Chen chấp nhận sự thật rằng chẳng có bức thư nào chuyển tới và quyết định lên thành phố làm việc.

Thành công hay thất bại của một đời người được quyết định bởi cuộc thi này. Vậy nên việc tìm cách gian lận để có kết quả tốt đã bắt đầu xuất hiện.
Thành công hay thất bại của một đời người được quyết định bởi cuộc thi này. Vậy nên việc tìm cách gian lận để có kết quả tốt đã bắt đầu xuất hiện. (Getty)

Nhưng vào tháng 5 năm nay, cô quyết định đăng ký học một khóa tại chức. Sau khi nhập tên mình vào trang web của chính phủ, Chen phát hiện ra trong danh sách cô đã nhập học vào năm 2004 và tốt nghiệp năm 2007. Nhưng bức ảnh của nhân vật lại không phải là cô. Và sự thật dần dần sáng tỏ, tiết lộ một hành vi lừa đảo có quy mô đã diễn ra.

Theo như truyền thông nhà nước Xinhua, chú của kẻ mạo danh - vốn là một quan chức địa phương - bị buộc tội cùng với một giám đốc tuyển sinh địa phương đã truy cập thông tin thi cử của Chen. Chen đã đạt 546/750 điểm, so với người mạo nhận danh tính chỉ đạt 303 điểm.

Cha của kẻ mạo danh sau đó bị buộc tội đã chặn thư nhập học của Chen tại bưu điện quận trước khi đăng tải. Với sự giúp đỡ từ hiệu trưởng trường trung học của Chen, họ đã làm giả một bảng điểm trung học hoàn toàn mới mang thông tin chi tiết của kẻ mạo danh.

Ảnh chụp cho thấy giấy thông báo nhập học trùng khớp với thẻ ID của Chen Chunxiu
Ảnh chụp cho thấy giấy chứng nhận do Ủy ban thôn cấp xác minh nội dung hoàn toàn trùng khớp với thẻ ID của Chen Chunxiu. (Tổng hợp từ chinanews)

Họ hàng của kẻ mạo danh cũng làm việc với giám đốc sở cảnh sát và nhân viên từ trường Đại học Công nghệ Sơn Đông để chắc chắn rằng việc nhập học diễn ra suôn sẻ và che mắt được mọi người. Chen và gia đình nghèo khổ của mình đã không có một cơ hội nào khác. Kẻ mạo danh tên thật là Chen Yanping sau đó đã dùng danh tính của Chen Chunxiu.

Kẻ mạo danh tên thật là Chen Yanping vốn chỉ đạt 303 điểm, đã dùng danh tính của Chen Chunxiu (được 546/760 điểm) để làm giả hồ sơ, và nhập học tại Đại học Công nghệ Sơn Đông.
Kẻ mạo danh tên thật là Chen Yanping vốn chỉ đạt 303 điểm, đã dùng danh tính của Chen Chunxiu (được 546/760 điểm) để làm giả hồ sơ, và nhập học tại Đại học Công nghệ Sơn Đông. (Ảnh: jqknews)

Cho tới hôm nay, bạn học của kẻ mạo danh vẫn gọi họ là Chen Chunxin. Bằng cấp của cô bị thu hồi và cô bị sa thải. Chính phủ cho biết vẫn đang điều tra trường hợp này.

“Tôi muốn hỏi riêng cô ấy rằng tại sao cô ấy lại đánh cắp danh tính của tôi. Cô ấy đã thay thế tôi - cô ta hi vọng điều gì xảy ra với tôi? Cô ta thật ích kỷ", Chen nói với CCTV trong một cuộc phỏng vấn.

Câu chuyện của Chen sau đó đã kích động làn sóng giận dữ, rất nhiều đã hỏi rốt việc việc học chăm chỉ nhiều năm cho kì thì có đảm bảo cơ hội công bằng vào đại học cho tất cả mọi người.

“Một vài người không biết được tầm quan trọng của kỳ thi Gaokao cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Cha mẹ đã làm việc rất vất vả để con cái họ có thể đi học… nhưng giấc mơ của họ đã bị chặn lại vì quyền lực", một người chia sẻ trên Weibo.

“Tôi muốn hỏi riêng cô ấy rằng tại sao cô ấy lại đánh cắp danh tính của tôi. Cô ấy đã thay thế tôi - cô ta hi vọng điều gì xảy ra với tôi? Cô ta thật ích kỷ"
“Tôi muốn hỏi riêng cô ấy rằng tại sao cô ấy lại đánh cắp danh tính của tôi. Cô ấy đã thay thế tôi - cô ta hi vọng điều gì xảy ra với tôi? Cô ta thật ích kỷ". (Ảnh chụp video)

‘Người nông dân thì có thể làm gì chứ?’

Theo Chu Zhaohui, một nghiên cứu sinh ở Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, gian lận trong kỳ thi Gaokao gồm 2 loại: một loại là nạn nhân không biết mình bị lừa, và loại số 2 là cả hai bên đều đồng thuận với sự gian lận này, có thể là vì một khoản tiền đã thoả thuận.

Loại thứ nhất thường có nhiều hơn một bên tham gia.

“Nhập học thường liên đới tới rất nhiều bên: trường học, tổ chức thi, văn phòng nhập học và các bộ phận quản lý hộ gia đình. Vì vậy nếu có sơ hở trong khâu nào, nó chỉ thể hiện rằng đây là một hành động lừa đảo có tổ chức", ông Chu nói với BBC tiếng Trung.

Trong những trường hợp này, nạn nhân thường có địa vị xã hội thấp và vì thế không có khả năng chống trả. Thậm chí khi họ tìm ra sự thật, như trong trường hợp của Chen, cha cô đã nói:

“Một người nông dân thì có thể làm được gì chứ. Nếu tôi có quyền lực, họ sẽ không dám làm điều đó với con bé", ông nói với một hãng truyền thông Trung Quốc.

Tại cuộc họp quốc hội Trung Quốc vào tháng 6, có ý kiến kêu gọi đưa việc trộm danh tính nhập học vào tội hình sự. Một đại biểu cho rằng nó còn “nguy hại hơn là các vụ trộm tiền".

Quan chức tỉnh Sơn Đông nói sẽ đưa ra một quy trình mới để đảm bảo những trường hợp như thế này sẽ không xảy ra.

Học sinh cần nộp thư nhập học, chứng minh thư, giấy phép cư trú và giấy tham gia kì thi trước khi xác nhận việc nhập học. Kết quả thi sẽ được đăng tải trực tuyến và gửi qua tin nhắn.

Giáo sư Cheng Fangping, tại trường đại học Renmin, nói với BBC rằng, các giấy tờ của sinh viên ngày nay đều đăng tải trực tuyến nên sẽ khó làm giả hơn. Bộ Giáo dục cũng thông báo rằng bất cứ học sinh nào phát hiện có liên quan tới việc trộm danh tính sẽ không được phép nhập học.

Chính quyền địa phương đã điều tra trường hợp của Chen Chunxiu và 46 người đã bị xử phạt. Chen đang cố gắng khiếu nại và lấy lại những gì lẽ ra cô đáng được hưởng trong cuộc đời, cô muốn nhập học lại tại đại học Sơn Đông.

Sau khi cộng đồng phẫn nộ vì trường hợp của Chen, trường đại học nói rằng sẽ cố gắng giúp Chen “biến ước mơ thành hiện thực".

Thiên An
Theo BBC



BÀI CHỌN LỌC

Một sinh viên Trung Quốc bị cướp danh tính hé lộ hệ thống lừa đảo chuyên nghiệp trong thi cử