Sách tôn giáo bị tịch thu và đốt ở Trung Quốc, các tín đồ bị phạt tù

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều năm trước, sự khủng khiếp của vụ thảm sát Holocaust đã mở đường cho Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền; tuy nhiên, quyền cơ bản của chúng ta về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng vẫn đang bị chà đạp trong các xã hội bị cai trị bởi các chế độ độc tài.

Dưới chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thực hành một niềm tin nhất định, in ấn, hoặc thậm chí đọc các sách tôn giáo có thể dẫn đến việc bị bỏ tù và ngược đãi. Các tín đồ tâm linh ở Trung Quốc - có thể là Cơ đốc nhân, Phật tử, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, hoặc các học viên Pháp Luân Công - không chỉ phải đối mặt với sự đàn áp tàn bạo hoặc cưỡng bức lao động mà những cuốn sách tín ngưỡng của họ còn bị đốt cháy hoặc bị vứt bỏ dưới bàn tay của ĐCSTQ.

Các chính sách cưỡng chế nhằm buộc những tín đồ tôn giáo này từ bỏ đức tin của họ và đi theo hệ tư tưởng cộng sản dựa trên chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa Mác.

Đó là công việc của ma quỷ. Tình hình ngày càng trở nên thảm khốc; chính phủ [ĐCSTQ] đang từng bước gia tăng áp lực. Cuối cùng, họ muốn loại bỏ hoàn toàn niềm tin tôn giáo.

- Một nhà truyền giáo của Nhà thờ Tam Tự ở Trung Quốc

Cấm các sách tôn giáo

Theo Bitter Winter, một tạp chí về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc, địa điểm Nhà thờ Tam Tự ở một trong những ngôi làng thuộc quyền quản lý của huyện Lan Lăng (tỉnh Sơn Đông) đã bị phá bỏ vào tháng 7/2020.

Một quan chức chính quyền huyện nói với hội thánh rằng "tất cả các nhà thờ quá gần các cơ quan chính phủ phải bị phá hủy", và điều tương tự cũng xảy ra đối với "những nhà thờ trông đẹp hơn các tòa nhà chính phủ".

Theo bài báo, quan chức này đã nói rằng: “Niềm tin vào Đảng Cộng sản là tôn giáo duy nhất được cho phép”.

Trong một bài báo khác, tạp chí Bitter Winter cho biết, trong cùng tháng, 26 người ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đã bị kết án với tội danh “hoạt động kinh doanh bất hợp pháp” vì liên quan đến việc in ấn các ấn phẩm tôn giáo để lưu hành nội bộ cho Phái đoàn Tin mừng Hàn Quốc.

Giám đốc và hai thành viên của phái đoàn đã bị phạt nặng và nhận các mức án tù lần lượt là 3 năm 10 tháng và 3 năm 6 tháng, trong khi một số quản lý nhà in bị phạt 15.000 USD (khoảng 345 triệu VNĐ) và bị kết án 3 năm tù.

Ngay cả dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh cũng đang bị giám sát nghiêm ngặt. Trong một báo cáo khác gần đây, một nhân viên của công ty chuyển phát nhanh ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, nói với Bitter Winter rằng ĐCSTQ đã thực hiện “kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa qua đường bưu điện” vào năm 2020.

Nhân viên này cho biết: “Chỉ cho phép gửi những cuốn sách được chính phủ phê duyệt qua đường bưu điện. Tất cả các sách có 'thông tin xấu', kể cả tôn giáo, đều không được phép gửi đi. Nếu bị cơ quan công an phát hiện vi phạm các quy định này, công ty sẽ bị phạt và bị đóng cửa”.

Epoch Times Photo
Một phụ nữ đọc Kinh thánh tại nhà thờ Christian Glory ở Vũ Hán vào ngày 23 tháng 9 năm 2018. (NICOLAS ASFOURI / AFP qua Getty Images)

Trích dẫn một sự cố khác, báo cáo cho biết một người mẹ theo đạo Cơ đốc sống ở thành phố Tế Nguyên, tỉnh Hà Nam, đã ghé qua một bưu điện vào tháng 6/2020 để gửi các bản văn phúc âm cho con gái của bà đang sống ở nước ngoài. Nhưng các nhà chức trách đã nói với bà rằng các ấn phẩm của bà là "đối tượng bất hợp pháp", báo cáo cho biết.

Bà nói: “Tôi biết rằng việc gửi các vật dễ cháy, ma túy, súng và đạn dược là bất hợp pháp, nhưng ngay cả các tài liệu tôn giáo cũng là bất hợp pháp".

Khi ĐCSTQ đang leo thang hạn chế đối với các ấn phẩm tôn giáo, những người trong ngành in ấn cũng gặp khó khăn. Một giám đốc bộ phận bán hàng ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, nói với Bitter Winter vào tháng 9/2020 rằng không được phép in các tài liệu tôn giáo, “đặc biệt là Cơ đốc giáo”.

Người quản lý cho biết: “Bất cứ ai nhận thực hiện các đơn hàng như vậy đều vi phạm pháp luật và có thể bị bỏ tù. Đây là ranh giới mà chúng tôi tuyệt đối không được phép vượt qua”.

Các nhà chức trách cũng tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo rằng các doanh nghiệp đang tuân thủ các quy tắc.

Một quản lý nhà in ở cùng thành phố cho biết: “Họ đã kiểm tra kho của tôi, xem xét kỹ lưỡng tất cả hồ sơ, và thậm chí xem xét các giấy tờ trên sàn nhà để xem chúng có chứa nội dung bị cấm hay không”.

Ông cho biết thêm: “Nếu bất kỳ nội dung nào như vậy bị phát hiện, tôi sẽ bị phạt, hoặc tệ hơn, doanh nghiệp của tôi sẽ bị đóng cửa. Bất kỳ nội dung tôn giáo nào cũng sẽ khiến cho vấn đề trở nên có tính chính trị. Mặc dù các biểu ngữ trên đường phố nói rằng mọi người được phép tín ngưỡng tôn giáo, nhưng đức tin duy nhất mà họ có thể thực hành tự do chính là tin vào Đảng Cộng sản”.

Epoch Times Photo
Một công nhân vận hành máy móc trong nhà máy in ở làng Nanjie, thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, vào ngày 26 tháng 9 năm 2017. (GREG BAKER / AFP qua Getty Images)

Tạp chí đã báo cáo vào năm 2019 rằng chế độ ĐCSTQ cũng đang cố gắng "Hán hóa" Kinh thánh bằng cách buộc các giáo sĩ giải thích các giáo lý dựa trên hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mác.

Một nhà thuyết giáo Tam Tự nói với Bitter Winter: “Đây là một sự bóp méo đức tin Cơ đốc. Đó là công việc của ma quỷ. Tình hình ngày càng trở nên thảm khốc; chính phủ [ĐCSTQ] đang từng bước gia tăng áp lực. Cuối cùng, họ muốn xóa bỏ hoàn toàn niềm tin tôn giáo”.

Vứt bỏ và đốt sách tôn giáo

Ngoài việc cấm các ấn phẩm tâm linh, chính quyền Trung Quốc còn không tiếc công sức tịch thu các sách tôn giáo không được ĐCSTQ chính thức chấp thuận.

Vào tháng 3 năm ngoái, chính quyền địa phương đã phá dỡ một nhà thờ Tam Tự ở huyện Ngư Đài của Tế Ninh sau khi cho rằng đây là một “công trình xây dựng bất hợp pháp”.

Một thành viên hội thánh nói với Bitter Winter: “Các quan chức đã xông vào nhà thờ của chúng tôi trước khi chúng tôi thu dọn xong đồ đạc của mình. Họ xé nát tất cả Kinh thánh và hình ảnh của Chúa Jêsus”.

Chen Yu, chủ một cửa hàng sách trực tuyến Cơ đốc giáo ở thành phố Thai Châu, tỉnh Chiết Giang, đã bị kết án 7 năm tù và bị phạt 200.000 nhân dân tệ (khoảng 717 triệu VNĐ) vì đã “bán các ấn phẩm tôn giáo không được phê duyệt nhập khẩu từ Đài Loan, Hoa Kỳ và các nước khác”, theo báo cáo tháng 10/2020 của International Christian Concern. Các nhà chức trách cũng lên kế hoạch tiêu hủy 12.864 cuốn sách Cơ đốc từ hiệu sách của ông.

Kiểm soát hoàn toàn những tín đồ tôn giáo bằng cách phá hủy các sách tôn giáo và phá hủy những nơi thờ tự không phải là điều mới mẻ đối với ĐCSTQ nhằm thúc đẩy sự thống trị độc tài của mình. Là một chế độ bắt nguồn từ chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa duy vật, ĐCSTQ đã liên tục đàn áp các nhóm tôn giáo và tâm linh kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1949.

Khi ĐCSTQ phát động cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài một thập kỷ vào năm 1966, các ngôi chùa đã bị cướp phá, và các cuộn giấy, sách, di vật và thậm chí cả tượng Phật cũng bị đốt cháy.

Epoch Times Photo
Các bức tượng Phật bị phá hủy trong cuộc Cách mạng Văn hóa, kéo dài từ năm 1966 đến năm 1976. (Pat B / CC BY-SA 2.0)

Vài thập kỷ sau, vào tháng 7/1999, lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã ra lệnh xóa sổ môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một hệ thống thiền định cổ xưa dựa trên các nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn.

Cục Công an sau đó đã ban hành các văn bản chính thức cấm hiển thị bất kỳ biểu tượng hoặc hình ảnh nào liên quan đến môn tu luyện Pháp Luân Công, cũng như cấm sở hữu hoặc phân phối các cuốn sách của môn này, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.

Minghui.org (Minh Huệ), một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên ghi lại cuộc bức hại Pháp Luân Công, đã biên soạn một báo cáo, trong đó có một số bản tin ghi lại việc ĐCSTQ “tiêu hủy thống nhất toàn quốc” hàng triệu ấn phẩm Pháp Luân Công, cụ thể là sách và băng video, bằng cách ném chúng vào máy nghiền giấy hoặc đốt chúng.

Epoch Times Photo
Sách Pháp Luân Công bị đốt ở thành phố Thọ Quang, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, vào ngày 4 tháng 8 năm 1999. Chính quyền tại các thành phố trên khắp Trung Quốc đã đốt hàng triệu sách và tài liệu Pháp Luân Công sau khi chế độ cộng sản phát động chiến dịch đàn áp môn tu luyện tinh thần này vào tháng 7 năm 1999. (STR / XINHUA / AFP qua Getty Images)

Kể từ đó, vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bắt, bỏ tù và tra tấn, thậm chí có người còn bị mổ cướp nội tạng. Nhiều người trong số họ đã bị bắt vì từ chối từ bỏ đức tin của mình hoặc vì sở hữu những cuốn sách.

Trong báo cáo đầy đủ về “Tiêu hủy sách và băng đĩa trước công chúng”, Minh Huệ đã trích dẫn một số trường hợp do các nhà báo nước ngoài, các tờ báo nhà nước ở Trung Quốc, các nhân chứng và học viên Pháp Luân Công xác nhận rằng hàng triệu ấn phẩm đã bị chuyển vào thùng rác, đốt cháy và xé rách trong các hoạt động phá hủy hàng loạt.

Epoch Times Photo
Sách Pháp Luân Công bị nghiền nát dưới bánh xe lu trong cuộc phá hủy toàn quốc năm 1999 đối với các ấn phẩm và tài liệu của môn tu luyện tinh thần này. (ClearWisdom.net/CC0 1.0)

Mặc dù Phật giáo là một trong những tôn giáo được công nhận ở Trung Quốc, nhưng các ngôi chùa và tín đồ của họ vẫn bị chính quyền nhắm tới.

Bitter Winter báo cáo rằng các quan chức chính phủ ở tỉnh Sơn Tây đã tịch thu gần 882 pound (khoảng 400 kg) sách và đĩa tôn giáo từ chùa Fengci vào tháng 10/2020. Trong cùng tháng, một số hộ gia đình nghèo khó ở thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây, đã được lệnh đốt các sách Phật giáo trong chùa Foguang nếu không sẽ có nguy cơ bị thu hồi trợ cấp sinh hoạt tối thiểu.

Theo báo cáo, vào mùa xuân năm 2020, các cuốn sách và đĩa CD tôn giáo đã bị đốt trong chùa Núi Phật Nằm ở thành phố Ulanqab ở Nội Mông của Trung Quốc.

Một Phật tử từ thành phố Ulanqab cho biết: “Những cuốn sách và đĩa CD đó đã được đốt trong lư hương từ ba đến bốn ngày”.

“Phần còn lại của các sách tôn giáo và đĩa CD đã được mang đi trong một chiếc xe tải chất đầy. Chỉ riêng đĩa CD đã nặng ba bốn trăm ký”.

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Sách tôn giáo bị tịch thu và đốt ở Trung Quốc, các tín đồ bị phạt tù