‘Rùa và Thỏ’ thời hiện đại: Cuộc thi chạy của thí sinh ‘kỳ lạ’ làm đảo lộn mọi quan niệm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào năm 1983, một lão nông 61 tuổi tham gia cuộc thi chạy đường dài 875 km của Úc trong 5 ngày. Điều kỳ lạ là ông đã chạy một mạch không ngừng nghỉ trong suốt thời gian đó, khiến tất cả mọi người phải thay đổi quan niệm về giới hạn thể lực của con người. Và điều thú vị là ông chỉ "chạy cho vui" chứ không cần nhận thưởng.

Ông lão ấy tên là Cliff Young, một lão nông chăn cừu người Úc.

Nước Úc hàng năm đều tổ chức một cuộc thi chạy đường dài. Người tham gia phải chạy từ Sydney đến Melbourne, tổng quãng đường dài 875 km. Đây là một trong những cuộc thi gian khổ nhất thế giới.

Để hoàn thành quãng đường này, thí sinh phải chạy trong 5 ngày, nên đã thu hút rất nhiều các vận động viên đẳng cấp thế giới tham gia. Những vận động viên này đều có tuổi dưới 30, đã trải qua huấn luyện chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, một vận động viên đặc biệt đã làm đảo lộn mọi thứ...

'Rùa và Thỏ'

Khi xuất hiện ở vạch xuất phát, ông Cliff mặc một bộ đồng phục công nhân, chân đi đôi giày bảo hộ lao động. Ban đầu mọi người đều ngỡ ông là một khán giả. Nhưng khi ông tiến lên bục để kiểm tra số hiệu và bước vào giữa nhóm vận động viên, khán giả lẫn các vận động viên khác đều kinh ngạc.

Các hãng truyền thông lập tức tò mò và hứng thú với sự có mặt của ông Cliff, họ đến phỏng vấn vị thí sinh đặc biệt này, rằng liệu ông có nghĩ mình sẽ hoàn thành cuộc thi này hay không?

Trông ông ấy như đang kéo lê chân đi bộ vậy, nhưng cuối cùng "chú Rùa" đã chiến thắng ngoạn mục (Ảnh từ video)
Trông ông ấy như đang kéo lê chân đi bộ vậy, nhưng cuối cùng "chú Rùa" đã chiến thắng ngoạn mục (Ảnh từ video)

Trước những nghi ngờ của mọi người, ông Cliff bình thản trả lời rằng: “Tôi tin tôi nhất định sẽ hoàn thành cuộc thi. Các anh xem, tôi sinh ra và lớn lên ở một nông trại, ở đó không có xe, không có ngựa. Bất kể thời gian nào, cho dù mưa to gió lớn, tôi cũng phải ra ngoài chăn dê. Khi dê chạy lung tung hỗn loạn, tôi phải bắt chúng. Do đó tôi tin tưởng mình có thể hoàn thành cuộc thi này”.

Cuộc thi bắt đầu, ông Cliff mau chóng bị rớt lại phía sau tất cả các vận động viên khác. Trông ông ấy như đang kéo lê chân đi bộ vậy.

Nhiều người còn lo lắng đến sự an toàn của ông vì cuộc thi phải chạy trong 5 ngày. Để chạy hết quãng đường dài này, các vận động viên chuyên nghiệp thường phải chạy mỗi ngày 18 tiếng đồng hồ, ngủ 6 tiếng. Nhưng ông Cliff không biết những điều ấy.

Buổi sáng ngày thứ hai, mọi người kinh ngạc phát hiện ra Cliff vẫn xuất hiện giữa đội ngũ các vận động viên. Thì ra cả đêm hôm trước ông vẫn chạy.

Phóng viên tiếp tục phỏng vấn ông Cliff rằng trong phần còn lại của cuộc thi, ông dự kiến hoàn thành như thế nào? Câu trả lời của ông khiến mọi người càng bối rối hơn, ông nói rằng ông sẽ chạy một mạch cho đến khi cuộc thi kết thúc.

Ông Cliff cứ như thế chạy một mạch... Đêm cuối cùng, khi mọi người vẫn đang say giấc nồng, ông đã vượt qua tất cả các vận động viên, trở thành là người đầu tiên cán đích, đồng thời lập kỷ lục của cuộc thi này.

Lão nông trở thành huyền thoại Ultramarathon

Gần nửa đêm ngày 2/5/1983, một cảnh tượng lạ kỳ ở Sydney, khoảng 5.000 người không ngủ, tụ tập dọc con phố trung tâm để chào đón người chiến thắng cuộc đua siêu marathon dài 850 km (xuất phát từ Melbourne trước đó 5 ngày).

Đêm cuối cùng, khi mọi người vẫn đang say giấc nồng, ông đã vượt qua tất cả các vận động viên, trở thành là người đầu tiên cán đích (Ảnh từ video)
Đêm cuối cùng, khi mọi người vẫn đang say giấc nồng, ông đã vượt qua tất cả các vận động viên, trở thành là người đầu tiên cán đích (Ảnh từ video)

Khi cán đích cuộc đua siêu marathon khắc nghiệt nhất thế giới đó, ông “mới” 61 tuổi. Là một nông dân chăn cừu ở Beech Forest, vùng tây nam bang Victoria (Úc) trong một trang trại rộng mệnh mông, nuôi tới 2.000 con cừu; và vì không có tiền mua ngựa, nên mỗi lần bão tới là ông phải chạy bộ ra lùa lũ cừu về, có khi phải chạy suốt 2-3 ngày đêm.

Ông Cliff được trao phần thưởng 10.000 đô la cho danh hiệu vô địch. Sau cuộc thi, ông cho biết mình không hề hay biết là cuộc thi lại có tiền thưởng, và ông tham gia cuộc thi không phải vì tiền thưởng.

Cuối cùng, ông đã chia đều số tiền ấy cho 5 vận động viên còn lại vì lý do: “Tôi không tham dự vì tiền thưởng và họ xuất sắc hơn tôi”.

Nghĩa cử này của ông khiến cho toàn bộ người dân Úc kính phục.

Tạo hình ông Cliff Young trên màn ảnh.
Tạo hình ông Cliff Young trên màn ảnh.

Năm tiếp theo, Cliff Young lại đăng ký tham gia. Ông về thứ 7 vì chấn thương ở hông và ống quyển. Cliff được trao tặng một chiếc xe Mitsubishi vì lòng dũng cảm, nhưng ông lại tặng nó cho một vận động viên khác là Bob McIlwaine.

Một món quà khác là chiếc đồng hồ, ông cũng tặng cho một đứa bé, vì cho rằng: “Tại sao tôi lại cần đồng hồ? Tất cả những gì tôi cần biết chỉ là khi nào trời sáng, trời tối và khi tôi đói”.

Năm 1997, ở tuổi 75, ông Cliff trở thành người lớn tuổi nhất chạy vòng quanh Úc và vận động quyên góp cho trẻ em vô gia cư. Đáng tiếc, ông đã phải bỏ dở cuộc chinh phục này sau khi đã chạy được 6.520 km trên tổng 16.000 km vì chấn thương.

Năm 2000, ở tuổi 78, ông Cliff lại tiếp tục hoàn thành 921 km tại một cuộc đua 1.600 km khác. Năm 2003, ông Cliff qua đời ở tuổi 81.

Ngày nay, để tiết kiệm thể lực, thì “chạy lê bước kiểu Cliff Young” (“Young Shuffle”) đã được rất nhiều vận động viên chạy đường dài và chạy Marathon áp dụng.

Ông Cliff là một minh chứng của sức mạnh tinh thần khi có thể chạy liên tục không nghỉ suốt 5 ngày 5 đêm. Khả năng của con người lớn hơn chúng ta nghĩ rất nhiều, nó vượt qua các lý thuyết khoa học về nhân thể, giới hạn tuổi tác, sinh lý, giới hạn chịu đựng...

Vì thế, chúng ta không thể nhân danh khoa học mà bài xích tất cả những gì khoa học chưa nhận thức được, chưa nghiên cứu ra, cần biết rằng con người có những năng lực kỳ diệu, và cuộc sống còn vô vàn điều bí ẩn mà khoa học chưa khám phá ra.

Nếu chỉ nhận thức bó buộc trong cái khung hiện có, thì nhân loại mãi mãi chẳng thể đạt được thành tựu gì to lớn.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

‘Rùa và Thỏ’ thời hiện đại: Cuộc thi chạy của thí sinh ‘kỳ lạ’ làm đảo lộn mọi quan niệm