Phương pháp KonMari: Bài học ‘Dọn dẹp’ từ người phụ nữ ‘có ảnh hưởng nhất thế giới’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại sao những video của Marie Kondo - chỉ đơn giản là ngồi gấp quần áo ngăn nắp - lại thu hút hàng chục triệu lượt xem? Đơn giản là con người ta thích ngắm nhìn cách người khác dọn dẹp và giải quyết vấn đề, điều đó phần nào tháo gỡ những lộn xộn, rối bời trong tâm hồn họ.

Phương pháp dọn dẹp KonMari có thể là lựa chọn hay cho bạn, bởi nó không chỉ giúp bạn dọn dẹp hiệu quả mà còn chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa.

Trong giai đoạn bạn phải ở nhà hầu như cả ngày vì dịch bệnh này, nếu tận dụng tốt thời gian thì đây chính là giai đoạn quý báu để bạn có dịp ‘sống chậm’, suy ngẫm về những gì thật sự quan trọng và sắp xếp lại mọi thứ trong ngôi nhà của mình.

Nhà là nơi mang lại cảm giác ấm áp và bình yên. Nhưng sẽ ra sao nếu mỗi ngày ngôi nhà trông bừa bộn, hỗn độn đến mức chẳng còn chỗ đặt chân? Có phải bạn cũng từng chán nản vì dù có cố công dọn dẹp đến mấy thì tình hình cũng sẽ như cũ?

Vậy, hãy thử thực hiện theo Phương pháp KonMari: Hãy một lần đối mặt với căn nhà của mình, dọn dẹp và thiết lập cho nó một trật tự mới”.

Phương pháp KonMari từ khi được giới thiệu thông qua cuốn sách “Dọn dẹp cùng Marie Kondo” đã được đông đảo người dân trên thế giới đón nhận nhờ tính hiệu quả, ngăn nắp cũng như dễ áp dụng của nó - không chỉ giúp mọi người sắp xếp lại đồ đạc một cách gọn gàng, khoa học, mà còn cải biến cuộc sống và tinh thần của nhiều người.

Chính vì vậy mà Marie Kondo đã được tạp chí danh tiếng Time bình chọn là một trong “Top 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới”. Cuốn sách của cô đã được dịch ra 42 thứ tiếng và liên tục đứng đầu trên các bảng xếp hạng uy tín của Amazon, New York Times, Brazilian Newspaper...

Vậy Phương áp KonMari áp dụng như thế nào? Thông điệp cuộc sống ẩn chứa trong phương pháp ấy là gì?

6 điểm sau có thể giúp bạn hiểu hơn về điều ấy.

  1. Giao tiếp với đồ vật của mình

Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, vì lâu nay nhiều người vẫn quan niệm “đồ vật là những thứ vô tri, vô giác”. Nhưng với người có tín ngưỡng thì điều này không khó để lý giải, bởi họ tin rằng mọi vật đều có linh hồn, đều là những sinh mệnh. Và ngày nay khoa học cũng đã chứng minh điều tương tự.

Vốn là người theo đạo Shinto, Marie Kondo cũng tin vào điều ấy. Bởi thế mà nguyên tắc đầu tiên của cô là: hãy tôn trọng và thấu hiểu những vật dụng xung quanh mình.

Một khi bắt đầu để tâm và suy nghĩ về những món đồ xung quanh mình, chúng ta sẽ nhận ra nhiệm vụ cũng như tầm quan trọng của chúng trong cuộc sống. Từ đó, ta có thể xác định và phân loại được đâu là đồ vật thật sự cần thiết và có ý nghĩa đối với bản thân mình.

Mọi vật đều có linh hồn và sinh mệnh, nên hãy tôn trọng và thấu hiểu những vật dụng xung quanh mình. (Ảnh: Marie Kondo)

Từ quy tắc này soi vào cuộc sống hiện đại – khi chủ nghĩa tiêu dùng ngày càng được cổ vũ – chúng ta đang dễ bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm. Chúng ta không chỉ mua sắm đồ đạc vì nhu cầu, mà còn mua vì sở thích, hứng thú hay thậm chí chỉ là để có thêm màu sắc hay kiểu dáng khác của cùng món đồ.

Mua sắm hay shopping xả stress không hoàn toàn sai, nhưng dễ dẫn tới sự lãng phí và thừa thãi. Thậm chí, ngay cả khi đã mua rồi, “tâm lý tiếc rẻ” với suy nghĩ “nhỡ sau này cần dùng tới thì sao” lại khiến chúng ta khó mà vứt đi món đồ cũ. Kết quả là không gian sống của chúng ta dần ít đi, để nhường chỗ cho “những thứ không cần dùng đến”.

Đồng cảm với đồ vật của mình, cảm nhận được nỗi buồn của chúng khi bị lãng quên sẽ giúp chúng ta biết trân trọng những gì mình có, sống có trách nhiệm và siêng dọn dẹp hơn để không chỉ chúng ta, mà chính đồ vật phục vụ ta cũng tỏa sáng hơn.

  1. Nhận ra đâu là thứ mang lại cho bạn niềm vui

Cuộc sống tràn ngập niềm vui và tinh thần lạc quan sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, đẩy lùi bệnh tật. Triết lý dọn dẹp của Marie Kondo cũng chú trọng đến “niềm vui” (spark joy) trong việc lựa chọn những món đồ giữ lại bên mình. Đây cũng là điểm đặc biệt làm nên thành công của phương pháp KonMari.

Vì vạn vật có linh hồn nên nó sở hữu một mối liên hệ chặt chẽ với trái tim của chúng ta. Giống như khi gặp người yêu, con tim bạn đập nhanh hơn một chút. Do vậy, Marie Kondo khuyên mọi người khi phải phân vân lựa chọn giữa việc bỏ hay giữ một món đồ, chúng ta hãy cầm vật đó lên và tự hỏi: “Món đồ này có mang lại niềm vui cho mình không?”.

Nếu món đồ đó còn mang lại cho bạn niềm vui, cơ thể bạn lập tức có những phản ứng sinh lý nhất định. Môi bạn bỗng mỉm cười nhẹ và như có một âm thanh vang lên trong lòng. Đây chính là thứ bạn cần giữ lại.

Trong thực tế, hầu hết chúng ta có rất nhiều món đồ không thực sự cần thiết. Vì thế, hãy bắt đầu từ việc lựa chọn những thứ mang lại cho ta cảm giác hạnh phúc, những thứ mà ta muốn giữ. Điều này sẽ giúp bạn dễ giải quyết vấn đề hơn và công việc dọn dẹp cũng trở nên vui hơn. Kết quả là xung quanh bạn đều là những món đồ bạn thật sự yêu quý và mang lại cho bạn niềm vui.

Khi phải phân vân lựa chọn giữa việc bỏ hay giữ một món đồ, chúng ta hãy cầm vật đó lên và tự hỏi: “Món đồ này có mang lại niềm vui cho mình không?”.(Ảnh: Marie Kondo)

Trong quá trình tự tay tiếp xúc, cân nhắc về niềm vui và sự yêu thích của đồ vật để quyết định giữ lại hay bỏ đi, bạn sẽ được tái kết nối với những vật mình đang sở hữu, nhận ra được những giá trị chúng cho cuộc sống.

Quá trình ra quyết định dựa trên niềm vui này cũng dần giúp ta hình thành thói quen tập trung vào những điều thật sự ý nghĩa đối với bản thân mình, kể cả trong công việc và các mối quan hệ. Giúp ta bớt bị cuốn vào những chuyện công cần thiết và giữ cho tâm hồn mình luôn an yên.

  1. Dọn dẹp theo danh mục, không phải theo phòng

Chúng ta thường có thói quen dọn dẹp theo từng phòng hay từng khu vực. Tuy nhiên, Marie Kondo lại hướng dẫn điều ngược lại. Cô khuyến khích mọi người hãy bắt đầu bằng việc phân loại các hạng mục đồ đạc mà bạn muốn dọn theo thứ tự:

  • Quần áo
  • Sách
  • Hồ sơ
  • Đồ linh tinh
  • Kỷ vật

Thay vì dọn từ phòng khách sang phòng ngủ và nhà bếp, bạn hãy chia đồ đạc của bạn theo những danh mục trên. Mang hết tất cả các thứ thuộc cùng một danh mục ra, trải chúng hết lên sàn và bắt đầu dọn dẹp.

Khi lấy ra tất cả đồ đạc của mình, đôi khi bạn sẽ phải ngạc nhiên vì tìm kiếm được chiếc áo yêu quý hay chiếc kẹp kỷ niệm đã mất tích từ lâu đấy. Và đặc biệt, nguyên tắc này còn giúp bạn nhận thấy có rất nhiều món đồ nào mình không dùng, kết hợp thêm với câu hỏi “Món đồ này có mang lại niềm vui cho mình không?” để bỏ đi thêm những thứ không cần thiết.

Một lợi thế khác là điều này khiến bạn phải dọn dẹp hết tất cả mọi thứ, tất cả các khu vực. Bởi bạn đã lôi mọi thứ và làm chúng lộn xộn hết trên sàn. Và điều tất nhiên là bạn không thể cứ để chúng ở đó, bạn cần dọn dẹp hết. Thay vào đó, nếu bạn dọn theo từng khu vực thì đến khi dọn xong một vài nơi, đã thấy mệt và chán, thì việc dọn dẹp những vị trí khác lại trở thành một cái hẹn.

Thế nên, không chỉ đơn thuần là dọn dẹp, nguyên tắc “bày bừa” này còn giúp rèn luyện tính kiên trì, sự quyết tâm cũng như tư duy đã làm thì phải làm đến cùng cho bạn. Tư duy này không chỉ tốt cho việc nhà mà nó còn là điều không thể thiếu khi muốn trở thành một người có trách nhiệm. Còn tính thần trách nhiệm chính là tiền đề của những người thành công.

Cách xếp quần áo theo chiều đứng của Marie Kondo giúp tiết kiệm diện tích và đồ ít bị nhăn hơn (Ảnh: Marie Kondo)

  1. ‘Cho đi’ mang lại niềm vui hơn là sự nuối tiếc

Khi đứng giữa núi đồ đạc ngổn ngang và cố gắng đặt câu hỏi liệu món đồ này có đem lại niềm vui cho mình không? Chúng ta dễ rơi vào cái bẫy của sự tiếc nuối. Tuy nhiên, cuộc đời của một vật còn có ích gì khi cứ chôn chân mãi trong tủ hàng năm trời. Chi bằng ta để chúng ra đi, đến tay những người sẽ cho chúng một cuộc sống có ích hơn.

Vì vậy, đừng nghĩ rằng việc vứt bỏ những món đồ không cần thiết là lãng phí, mà hãy coi đó là cách chúng ta quẳng bớt đi những vụn vặt, không còn ý nghĩa và giữ lại bên mình những gì bản thân thực sự cần và trân trọng.

Những cuộc chia tay với đồ đạc không đơn thuần chỉ là sự buông bỏ, đó còn là trách nhiệm với tài chính cá nhân và gia đình, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và công sức ta cứ phải chăm sóc, dọn dẹp.

Trong các show truyền hình thực tế mà Marie tham gia, hình ảnh người ta thấy nhiều nhất là… rác. Những túi nilon bóng căng phồng đầy rác. Có những căn hộ chỉ hai vợ chồng, nhưng có tới 150 túi đồ cần cho đi.

Việc những túi rác được chở đi, trả lại sự ngăn nắp và sạch sẽ cho ngôi nhà khiến ta trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn (Ảnh: Marie Kondo)

Việc những túi rác được chở đi, trả lại sự ngăn nắp và sạch sẽ cho ngôi nhà khiến ta trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Đồng thời quá trình dọn dẹp này cũng giúp ta “sắp xếp” lại sự bừa bộn trong quan điểm về tiêu dùng và cất trữ đồ đạc của ta.

Có lẽ đây cũng chính là một phần của nghệ thuật cho đi và giúp ta sống thực tế, cầu tiến, hướng đến hiện tại và tương lai hơn.

  1. Biết ơn những thứ đã từng đồng hành cùng ta

Việc chia tay với những món đồ từng gắn bó với mình thường khiến ta buồn và tiếc nuối. Vậy thì bạn hãy nói lời “Cảm ơn” chúng, cảm ơn vì đã từng ở cùng và hỗ trợ bạn. Thái độ biết ơn sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ lòng, và tâm hồn cũng dần tràn ngập bởi tình yêu thương.

Cũng giống như những mối quan hệ. Có những người từng gắn bó rất thân thiết với bạn, nhưng do hoàn cảnh thay đổi, mối quan hệ ấy cũng dần nhạt phai hoặc không tiếp tục được nữa. Vậy hãy sống thật chân thành trong những lúc bên nhau, và biết ơn vì họ đã đồng hành với bạn trên một quãng đường đời.

  1. Duy trì thói quen dọn dẹp hằng ngày và biến nó thành nếp sống của bạn

Quá trình “đại dọn dẹp” ngôi nhà mình theo phương pháp KonMari, chắc hẳn sẽ mang lại những thay đổi rất lớn trong suy nghĩ và thói quen của bạn.

Việc tiếp theo là bạn hãy duy trì thói quen gọn gàng. Khi dùng xong bất kể vật gì, hãy ngay lập tức trả chúng về đúng “ngôi nhà” của mình. Ví dụ: khi ngủ dậy, chăn luôn được gấp lại và gối được xếp ngăn nắp, uống cà phê xong thì ngay lập tức rửa tách và cất lại vào tủ bếp…

Càng trì hoãn những công việc nhỏ nhặt này, bạn càng mất nhiều thời gian để thu xếp lại sau đó, và “cơn ác mộng của sự bừa bộn” sẽ lại tiếp diễn.

Khi bạn sống một cách gọn gàng, ngăn nắp, với những dòng suy nghĩ, những quyết định gọn gàng, ngăn nắp, tất cả mọi thứ sẽ đều “spark joy” (lan tỏa niềm vui).

Tại sao những video Marie Kondo - đơn giản là - ngồi gấp quần áo lại thu hút hàng chục triệu lượt xem? Đơn giản là con người ta thích ngắm nhìn cách người khác dọn dẹp và giải quyết vấn đề, điều đó phần nào tháo gỡ những lộn xộn, rối bời trong tâm hồn họ.

Marie Kondo đã giúp chúng ta nhận ra: dọn dẹp không chỉ là một việc nhàm chán mà nó hoàn toàn có thể mang lại cho ta niềm vui và tác động tích cực đến cuộc sống của chúng ta.

Dọn dẹp không gian sống theo phương pháp KonMari giúp chúng ta thay đổi cách đánh giá về vật chất và giá trị trong cuộc sống, chú trọng đến giá trị lâu dài, hướng tới những điều đem lại cảm xúc tích cực. Chẳng phải đó cũng là những điều giúp ta tìm lại được sự thanh thản, dần hình thành một lối sống đơn giản nhưng tỉnh thức và ngập tràn niềm vui?

Chẳng phải đó là điều chúng ta cần lúc này hay sao?

Vậy đừng đọc suông, hãy đặt điện thoại xuống và bắt tay vào lên kế hoạch dọn nhà ngay, bạn nhé!

Hà Phương



BÀI CHỌN LỌC

Phương pháp KonMari: Bài học ‘Dọn dẹp’ từ người phụ nữ ‘có ảnh hưởng nhất thế giới’