Phụ thuộc vào công nghệ, cái giá nào chúng ta đang phải đánh đổi?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta không thể phủ nhận một điều rằng công nghệ đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống con người hiện nay. Các cụm từ như “Thời đại số hóa”, “cách mạng công nghệ”, “thời đại 4.0” liên tục được nghe thấy trên tivi, đài báo, trang mạng thông tin, hoặc ở trong các quán cafe, trà đá vỉa hè - nơi gặp gỡ yêu thích của mọi người bây giờ.

Hãy thử lần lại quá khứ cách đây hơn 10 năm, để thấy rằng công nghệ đã thay đổi chúng ta như thế nào?!

Kỷ nguyên của công nghệ

Người viết bài thuộc về thế hệ cuối của 8x. Vào những năm 2005, trang mạng cá nhân Yahoo360 xuất hiện và trở thành trào lưu với các cư dân mạng. Đó là một dạng nhật ký trên mạng, mà ở đó bạn có thể sáng tạo từ ảnh đại diện, hình nền trang chủ của bạn, các bài viết có thể đóng hoặc mở, nhạc nền cho trang cá nhân và rất nhiều hỗ trợ khác từ nhà cung cấp Yahoo, để bạn có thể thỏa sức sáng tạo ra một ngôi nhà “ảo” trên mạng cho mình.

Vào những năm 2005, trang mạng cá nhân Yahoo360 xuất hiện và trở thành trào lưu với các cư dân mạng.
Vào những năm 2005, trang mạng cá nhân Yahoo360 xuất hiện và trở thành trào lưu với các cư dân mạng. (Internet)

Sự xuất hiện của Yahoo360, là tiên phong cho những trang dạng “nhật ký cá nhân ảo” sau này. Yahoo360 chính thức đóng cửa năm 2009, nhưng ngay sau đó Facebook đã nhanh chóng thế chân người tiền nhiệm và cho đến hiện nay vẫn đang là trang mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Facebook không đa màu sắc như Yahoo360, nhưng sự tương tác nhanh nhẹn, hiểu ý người dùng, nắm bắt được xu hướng và nhất là chia sẻ liên kết với các mạng xã hội khác rất hiệu quả. Điều đó khiến Facebook có thể kết nối với gần như tất cả mọi người trên thế giới thông qua Instagram, Tiktok, Pinterest, Zalo, Youtube, Twitter…

Yahoo360 chính thức đóng cửa năm 2009, nhưng ngay sau đó Facebook đã nhanh chóng thế chân người tiền nhiệm và cho đến hiện nay vẫn đang là trang mạng xã hội lớn nhất thế giới. 
Yahoo360 chính thức đóng cửa năm 2009, nhưng ngay sau đó Facebook đã nhanh chóng thế chân người tiền nhiệm và cho đến hiện nay vẫn đang là trang mạng xã hội lớn nhất thế giới. (Good Free Photos - CC0)

Nói về các trang mạng xã hội, không thể không nói đến một trợ thủ đắc lực, đã giúp cho những mảnh đất như Facebook, Instagram, Twitter… ngày càng phát triển mở rộng; đó là chiếc điện thoại thông minh. Không bàn đến tiến trình từ một chiếc điện thoại nghe gọi thông thường cho đến việc chiếc điện thoại thông minh đầu tiên ra đời như thế nào. Tôi còn nhớ năm 2006, khi ấy một người bạn đại học sử dụng một chiếc Sony Ericsson K800i - chiếc điện thoại di động được cho là nghe nhạc hay nhất lúc bấy giờ và tích hợp 3G cũng như giải trí đa phương tiện. Tất cả những gì chúng tôi thao tác trên một chiếc điện thoại thông minh khi ấy chỉ là nghe nhạc, chụp một vài bức ảnh độ phân giải thấp, kiểm tra email, và cài vào game ứng dụng. Nhưng sau chừng 10 năm thì, Iphone, Samsung mới là những cái tên được nói đến nhiều nhất. Một chiếc “điện thoại thông minh” đúng nghĩa, đã ngày càng làm thay đổi thói quen sinh hoạt, thay đổi suy nghĩ, các mối quan hệ của con người.

Một chiếc “điện thoại thông minh” đúng nghĩa, đã ngày càng làm thay đổi thói quen sinh hoạt, thay đổi suy nghĩ, các mối quan hệ của con người. 
Một chiếc “điện thoại thông minh” đúng nghĩa, đã ngày càng làm thay đổi thói quen sinh hoạt, thay đổi suy nghĩ, các mối quan hệ của con người. (Pixabay)

Hiện giờ, chúng ta sẽ nhìn thấy hình ảnh này ở bất cứ đâu. Một bạn trẻ đang độ tuổi đi học, một doanh nhân thành đạt, một bác xe ôm hay một chị bán hàng ngoài chợ… ai cũng có thể sở hữu một chiếc “điện thoại thông minh”. Và mọi người có thể truy cập internet ở bất cứ đâu họ hiện diện.

Và bởi sự lan rộng của các ứng dụng công nghệ, cùng với sự nâng cấp không ngừng các phiên bản điện thoại. Hiện nay người ta kết nối với nhau trên điện thoại dễ dàng hơn. Một cuộc gọi video có thể làm cho hai người cách nhau nửa vòng trái đất dễ dàng liên lạc và gặp mặt bất cứ lúc nào. Mua một món hàng không cần phải tới tận cửa hàng và xếp hàng thanh toán như mọi khi. Thông tin đến với người dùng nhanh chóng, cập nhật hơn. Người ta sẽ không cần phải đi ra khỏi nhà để mua một tờ báo mới có thể biết được thế giới đang diễn ra những gì. Ngày nay, chỉ cần gõ lên bàn phím bất kỳ thông tin nào bạn quan tâm, bạn sẽ tìm thấy nhiều hơn điều mình muốn biết.

Công nghệ đã đem tới rất nhiều thay đổi, trong đó có những “thói quen truyền thống” đang dần mất đi một cách nhanh chóng và thay vào đó, mọi người tích hợp tất cả những thói quen ấy chỉ trên một chiếc điện thoại.

Công nghệ đã đem tới rất nhiều thay đổi, trong đó có những “thói quen truyền thống” đang dần mất đi một cách nhanh chóng.
Công nghệ đã đem tới rất nhiều thay đổi, trong đó có những “thói quen truyền thống” đang dần mất đi một cách nhanh chóng. (Wikimedia Commons)

Nhưng có phải tất cả những thay đổi đó điều mang tính tích cực chăng? Bài viết xin đưa ra một vài quan điểm chia sẻ cùng bạn đọc.

Sự lỏng lẻo về hiểu biết và những mối quan hệ rời rạc

Theo báo cáo Vietnam Digital Advertising, trong năm 2019, trung bình hằng ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 tiếng 42 phút - tương đương với 1/4 ngày để truy cập Internet trên tất cả các thiết bị.

Các mối quan hệ xã hội và trong gia đình trở nên lỏng lẻo, bởi mọi người đang mất dần những tương tác cần thiết để xây dựng nên sự gắn bó giữa những người thân, cha mẹ con cái. Bạn bè gặp gỡ nhau nhưng phần lớn thời gian họ ngồi cạnh nhau đó là để check Facebook hay email. Những câu chuyện bàn luận tới chủ yếu là những điều xảy ra trên mạng xã hội.

Bởi vì mọi người không dành thời gian để lắng nghe nhau một cách thực sự. Nên nguy cơ dễ đổ vỡ giữa các mối quan hệ ngày càng nhiều, cha mẹ ông bà than phiền con cháu chỉ dành sự tập trung cho công nghệ, con cháu lại đổ lỗi cho người lớn không chịu hiểu mình.

Bạn bè gặp gỡ nhau nhưng phần lớn thời gian họ ngồi cạnh nhau đó là để check Facebook hay email. Những câu chuyện bàn luận tới chủ yếu là những điều xảy ra trên mạng xã hội. 
Bạn bè gặp gỡ nhau nhưng phần lớn thời gian họ ngồi cạnh nhau đó là để check Facebook hay email. Những câu chuyện bàn luận tới chủ yếu là những điều xảy ra trên mạng xã hội. (Garry Knight Flickr - CC BY 2.0)

Gần đây, tôi có được biết đến một cuốn sách do Mark Bauerlein viết “Thế hệ lầm lì nhất”. Trong cuốn sách này, tác giả để lộ những sự kiện rối loạn và không thoải mái mà công nghệ đang biến thanh niên thành “thế hệ lầm lì nhất từng có trong lịch sử”.

Tác giả than rằng: “Thời đại số thức đã thay đổi nền tảng về cấu trúc gia đình, và kết quả là ở chỗ thanh niên ít gần gũi dưới sự hướng dẫn của người lớn hơn trước đây. Bây giờ họ có thể bỏ qua bố mẹ họ theo đủ mọi cách trong thời kỳ thanh thiếu niên, và điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây trong lịch sử loài người. Nếu bị bỏ không kiểm tra, những phát triển này có thể làm nảy sinh “thời đại đen tối của dốt nát”. Ông ấy cảnh báo các bậc cha mẹ: “Thay đổi phải tới từ bố mẹ và thầy cô giáo. Bố mẹ phải học cảnh giác hơn… Điều đáng ngạc nhiên là nhiều bố mẹ thậm chí vẫn không biết con cái họ có tài khoản Facebook hay tài khoản phương tiện xã hội khác. Họ không biết môi trường xã hội mạnh thế nào với đứa con 13 tuổi…”

Người trẻ hiện nay quan tâm đến điều gì?

Trong cuốn sách của Mark Bauerlein, ông viết: “Thanh niên ngày nay chỉ quan tâm tới bản thân họ. Người 15 hay 18 tuổi chăm nom về cái gì? Họ chăm nom về điều mọi người 15 hay 18 tuổi khác đang làm, và bất kì cái gì đặt họ vào trong việc tiếp xúc lẫn nhau…”. Và ai mà thèm quan tâm tới những gì đang xảy ra tại nước Mỹ hay Châu Phi, khi mà họ có đề tài để bàn đến là bữa tiệc cuối tuần ở nhà một người bạn.

Thanh niên ngày nay chỉ quan tâm về điều mọi người 15 hay 18 tuổi khác đang làm. Ai mà thèm để ý tới những gì đang xảy ra tại nơi khác, khi mà họ có đề tài để bàn đến là một buổi đi chơi sắp tới. 
Thanh niên ngày nay chỉ quan tâm về điều mọi người 15 hay 18 tuổi khác đang làm. Ai mà thèm để ý tới những gì đang xảy ra tại nơi khác, khi mà họ có đề tài để bàn đến là một buổi đi chơi sắp tới. (Pixabay)

Theo một khảo cứu toàn cầu từ Trung tâm nghiên cứu Pew, ngày nay ít sinh viên đại học đọc sách và phần lớn những người độ tuổi 18-34 ít hiểu biết về biến cố hiện thời hơn là thế hệ trước. Khảo cứu này thấy rằng trên khắp thế giới, phần lớn thanh niên chỉ đọc Facebook, Twitter, Instagram, Snapchat, WeChat, và các phương tiện xã hội khác, điều làm cho họ không đọc và học cái gì có nghĩa mà chỉ những thứ vô giá trị và không cần thiết.

Có một câu chuyện, khi tôi ngồi cafe với một cô gái sinh năm 1995, đôi khi chủ đề mà tôi nhắc đến là những sự kiện đang xảy ra tại thời điểm hiện tại, ví dụ như lũ lụt ở miền Nam Trung Quốc, biểu tình ở Hong Kong... thì nhận được cái lắc đầu từ cô bạn này với câu nói “không nói chuyện lịch sử, không địa lý, không chính trị...”. Đó là một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ đang dần bỏ qua những sự kiện đang diễn ra xung quanh họ. Hệ lụy là họ thường bị động khi tiếp nhận thông tin và không có khả năng tư duy độc lập và dễ dàng chấp nhận bất kỳ cái gì họ được dạy và hiếm khi nghi vấn thông tin liệu nó có nghĩa hay không.

Hãy ví dụ về một người trẻ khác. Hoàng Chi Phong là một thanh niên Hong Kong, rất am hiểu các vấn đề về “thời sự” và thậm chí là cả lịch sử hay luật pháp. Cậu tham gia biểu tình “phong trào ô dù” (một phong trào biểu tình đòi quyền bầu cử công bằng cho người Hong Kong) từ năm 17 tuổi. Và được coi là một biểu tượng cho phong trào này, mặc dù nó đã kết thúc thất bại. Một người trẻ đầy đủ hiểu biết và bản lĩnh, sẽ biết phân tích và nhận định đúng sai. Học hỏi cách thức vận hành của thế giới hiện tại và tìm thấy con đường, mục tiêu cho cuộc đời mình. Tất nhiên, bài viết không khuyến khích thanh niên hiểu biết để biểu tình như Hoàng Chi Phong. Nhưng nếu cuộc sống được ví như một ván cờ, thì chí ít chúng ta cũng nên biết mình đang tiến lên vì điều gì và lý tưởng mà chúng ta muốn cống hiến đó là gì.

Một người trẻ đầy đủ hiểu biết và bản lĩnh như Hoàng Chi Phong, sẽ biết phân tích và nhận định đúng sai. Học hỏi cách thức vận hành của thế giới hiện tại và tìm thấy con đường, mục tiêu cho cuộc đời mình.
Một người trẻ đầy đủ hiểu biết và bản lĩnh như Hoàng Chi Phong, sẽ biết phân tích và nhận định đúng sai. Học hỏi cách thức vận hành của thế giới hiện tại và tìm thấy con đường, mục tiêu cho cuộc đời mình. (Getty)

Bỏ qua văn hóa đọc, người trẻ ngày càng viết lách kém

Quay trở lại thập niên 90 của thế kỷ 20, hẳn là trong rất nhiều người thế hệ 7x, 8x hoặc đầu 9x vẫn còn nhớ đến những tờ báo học trò như “Mực tím”, “Hoa học trò”, “Áo trắng”... gắn liền với những cây bút tên tuổi thời bây giờ như anh Chánh Văn, chị Trang Hạ, nhóm Vòm Me Xanh… Những cái tên ấy giờ đã qua thời viết cho tuổi học trò, nhưng thế hệ 7x, 8x trước đây đã từng xao xuyến, từng rung động bởi những mơ mộng được dệt lên từ văn chương của những cây bút có tâm và có tầm này.

Nhưng thế hệ trẻ ngày nay, dường như ít ai gây dựng được ảnh hưởng văn chương như thế hệ cũ. Vì sao vậy? Thế giới thông tin đang ngày càng mở, phương thức tiếp cận không còn bị hạn chế như trước đây, nhưng tại sao chúng ta ít thấy những bài viết hay?

Trong một bài phân tích của tác giả Annie Holmquist về một bài viết của Tiến sĩ Edwin Lewis trong tác phẩm: “A First Book in Writing” (Sách luyện viết cơ bản), được viết văn 1897. Đã phân tích những lý do tại sao đa phần người trẻ không còn văn hay chữ tốt như ngày trước.

Thế hệ 7x, 8x hoặc đầu 9x vẫn còn nhớ đến những tờ báo như "Hoa học trò"... gắn liền với nhiều cây bút tên tuổi thời bấy giờ như anh Chánh Văn, chị Trang Hạ...
Thế hệ 7x, 8x hoặc đầu 9x vẫn còn nhớ đến những tờ báo như "Hoa học trò"... gắn liền với nhiều cây bút tên tuổi thời bấy giờ như anh Chánh Văn, chị Trang Hạ... (Internet)

Đầu tiên đó là việc họ đã không còn thói quen đọc các tác phẩm kinh điển. Các tác phẩm kinh điển có một đời sống rất phong phú, khi nó đã trải qua hàng trăm hàng nghìn năm mà người ta vẫn đang không ngừng phân tích và bình luận về nội hàm bên trong đó. Một bộ sách như vậy có thể tác giả phải mất hàng mấy chục năm để hoàn thành. Từ kết cấu câu chuyện, các tuyến nhân vật, hình thức nghệ thuật, cách biểu đạt, ngôn từ, từ vựng… tất cả đan xen nhưng không hề rối rắm và đặc biệt nó khiến cho chúng ta mỗi lần đọc lại có những khám phá mới.

Bây giờ sách mới rất nhiều, nhưng lại thiếu đi những cuốn sách chất lượng, ngôn ngữ biểu đạt càng ngày càng đơn giản, ít sự trau chuốt về ngôn từ, cách xây dựng nội dung và nhân vật thường giống nhau.

“Không có cách nào giúp chúng ta ghi nhớ từ vựng mới, hiểu được ngữ điệu vô cùng đa dạng của văn xuôi, biết được thế nào ngữ điệu của một câu văn hay bằng cách đọc và thấm từng trang sách. Khi đọc, sự lên xuống của ngữ điệu không chỉ đơn thuần là vấn đề giọng nói; đó còn là vấn đề về tư duy, suy nghĩ của người đọc, người học…”, Tiến sĩ Edwin Lewis viết.

Các cuốn sách kinh điển được trau chuốt lối viết cẩn thận với ngôn từ phong phú và sâu sắc. Các tình tiết cùng yếu tố nghệ thuật đan xen lẫn nhau nhưng vẫn đảm bảo yếu tố chặt chẽ, không rườm rà, thực sự mang lại lợi ích cho người đọc.
Các cuốn sách kinh điển được trau chuốt lối viết cẩn thận với ngôn từ phong phú và sâu sắc. Các tình tiết cùng yếu tố nghệ thuật đan xen lẫn nhau nhưng vẫn đảm bảo yếu tố chặt chẽ, không rườm rà, thực sự mang lại lợi ích cho người đọc. (Pxfuel)

Điều thứ hai đó là: thói quen đọc lướt. Sự phát triển công nghệ khiến cho giới trẻ hình thành thói quen đọc lướt, đọc rối. Họ thường muốn thâu thập thông tin một cách nhanh chóng nên thường chỉ chú trọng vào những từ khóa trong tác phẩm mà thường bỏ qua việc nghiên cứu sâu nội dung của tác phẩm đó. Nhưng nội hàm của một cuốn sách sẽ không chỉ qua đôi ba từ mà có thể tóm tắt hay cảm nhận được. Nó đòi hỏi người đọc phải bỏ tâm trí vào đó để suy nghĩ và thực sự tận hưởng những cảm xúc mà chính mình trải qua khi đọc tác phẩm.

Điểm cuối cùng mà bài viết của Tiến sĩ Edwin Lewis đề cập đến đó chính là thói quen học thuộc các trích đoạn.

Thời đại hiện nay chúng ta đang quá đề cao đến sự sáng tạo và cảm xúc. Và cho rằng việc học thuộc dường như chỉ là việc “học vẹt” và nó kìm hãm sự sáng tạo của người trẻ. Nhưng chúng ta đã quên rằng, sáng tạo và cảm xúc cũng cần phát triển dựa trên một nền tảng. Nền tảng đó càng vững chắc, có bề dày và chiều sâu thì nó lại càng làm bệ đỡ tốt cho sự sáng tạo của chúng ta.

Hãy ví dụ về các tác giả ngày nay, họ thường sử dụng tư liệu là các tác phẩm kinh điển ngày xưa rất nhiều. Một bài viết có thể trích dẫn nhiều tư liệu sẽ thể hiện sự đa dạng về chất liệu và chiều sâu. Không những thế còn cho thấy sự hiểu biết nhất định của tác giả về đề tài mà mình đưa ra.

Công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đại đa số người dân ở mọi nơi. Nếu đến một quán cafe không có wifi, hẳn nhiều người sẽ rất sốt ruột khi không thể kiểm tra email, kiểm tra Facebook hay nhắn tin với bạn bè. Nhưng như đã nói ở trên, những hệ lụy về việc quá say mê vào công nghệ đang khiến chúng ta mất đi nhiều thứ quý giá, mà khó có thể lấy lại trong một thời gian ngắn. Có lẽ đã đến lúc mọi người cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về cách thức sử dụng công nghệ. Nó đang làm đời sống chúng ta tiện ích hơn hay phụ thuộc hơn? Gắn kết hơn hay rời xa hơn?

Từ Tịnh



BÀI CHỌN LỌC

Phụ thuộc vào công nghệ, cái giá nào chúng ta đang phải đánh đổi?