‘Phép màu’ của ĐCS Trung Quốc: Dân đói cùng cực vẫn được coi là đã ‘thoát nghèo’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc đã “xóa được đói nghèo”, một nghiên cứu do Thụy Sĩ tài trợ được công bố mới đây đã cho thấy rằng Trung Quốc không hề đạt được “phép màu” này.

Vào ngày 25/2, chính quyền Trung Quốc đã tổ chức một lễ trao giải, trong đó ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc đã thành công xóa đói giảm nghèo, dựa trên các tiêu chuẩn nghèo của nước này.

Ông Tập nói về công cuộc xóa đói giảm nghèo này như sau: “[Trung Quốc] đã tạo ra một kỳ tích khác trong biên niên sử của lịch sử. [Đó là một] thành tựu lịch sử quan trọng”.

Không trợ cấp an sinh cho người nghèo vì đã ‘xóa nghèo thành công’

Vào ngày 6/4, chính quyền Trung Quốc đã phát hành một sách trắng có tiêu đề “Thực tiễn của Trung Quốc trong việc xóa đói giảm nghèo cho người dân”. Với báo cáo này, chính quyền Bắc Kinh muốn đặt Trung Quốc làm hình mẫu cho thế giới.

Bill Bikales, nhà kinh tế học hàng đầu của Liên hợp quốc tại Trung Quốc, viết trong báo cáo “Phản ánh về công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Trung Quốc” (pdf) vừa được công bố vào ngày 8/6 rằng: “Trung Quốc đã không xóa được đói nghèo”.

Ông Bikales chỉ ra rằng, chính quyền Bắc Kinh chỉ tập trung vào những người sống ở nông thôn và được đăng ký thuộc hộ nghèo vào năm 2014-2015, nhưng không cập nhật danh sách trong những năm tiếp theo, và cũng không tính đến phần lớn dân số Trung Quốc hiện đang sống ở các khu vực thành thị.

Ông Bikales viết: “Không có số liệu thống kê nào được công bố [ở Trung Quốc] về các hộ gia đình mới trở nên nghèo do cú sốc thu nhập xảy ra [do đại dịch] và việc hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo không được đăng ký vẫn rất hạn chế. Để nắm bắt chính xác tác động của COVID-19 đối với tình trạng nghèo đói ở ngoài các quận và làng đã được xác định, cần phải có các hệ thống - nhưng chúng hiện đang không có”.

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng nếu thu nhập của một người cao hơn 3.218 nhân dân tệ (500 USD) mỗi năm, người đó không thể bị coi là nghèo. Nếu thu nhập của một người nghèo đạt tới 4.000 nhân dân tệ (625 USD), người đó sẽ bị loại khỏi danh sách những người đủ điều kiện nhận trợ cấp an sinh xã hội và không bao giờ có thể bị coi là người nghèo nữa.

Trung Quốc tuyên bố rằng do chi phí hàng hóa tiêu dùng ở Trung Quốc thấp, các cá nhân không cần phải có thu nhập quá cao để sinh sống.

Trong những tháng qua, nhiều người sống ở Trung Quốc đại lục nói với The Epoch Times rằng họ vẫn không thể có đủ nước sạch, lương thực và phương tiện giao thông công cộng, nhưng chính quyền từ chối chi trả trợ cấp an sinh xã hội cho họ vì Trung Quốc được cho là đã thành công “xóa bỏ đói nghèo”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tiết lộ rằng, ngay cả những người đã ra khỏi danh sách đói nghèo vẫn đang sống trong cảnh nghèo khó cùng cực, và chính quyền địa phương đã nói dối chính quyền trung ương.

Epoch Times Photo
Nông dân Liu Qingyou tại nhà của mình ở huyện Baojing, thuộc tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc vào ngày 12 tháng 1 năm 2021. (Noel Celis / AFP qua Getty Images)

Tiếng nói của người dân

Những người được phỏng vấn cho biết, một lượng lớn người Trung Quốc sống ở các vùng nông thôn không có nước sạch để uống và không có đủ tiền để mua thịt và các loại thực phẩm giàu protein và chất béo khác. Có nhiều người Trung Quốc mặc dù sinh sống ở thành thị nhưng cũng không thể nuôi sống bản thân và gia đình mình.

“Cha tôi và những người cùng làng của ông ấy không có tiền. Họ ăn những gì họ trồng được và nói chung là không có thịt. Cha tôi cũng không có đủ tiền để trả tiền điện, chưa kể đến việc xây dựng các công trình vệ sinh, tắm rửa”, một phụ nữ họ Vương nói với The Epoch Times tiếng Trung hôm 25/2.

Cô Vương hiện đang sống ở một thành phố có điện, nước, internet và điện thoại. Cha của cô sống ở thị trấn Taohe - một vùng núi thuộc huyện Tích Xuyên, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Cô Vương cho hay: “Người dân ở đó không có nước máy. Họ dựa vào một hồ chứa kích thước nhỏ [có thể dự trữ nước mưa] và nước được vận chuyển đến từ bên ngoài. Họ không có tiền để chi trả cho bệnh viện, phòng khám, thậm chí là thuốc men. Họ chỉ đơn giản là chống lại bệnh tật bằng cách sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể. Một khi bệnh nặng, họ chỉ biết nằm nhà chờ chết”.

Epoch Times Photo
Nông dân trồng cây Saxaul ở Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc phía tây bắc Trung Quốc vào ngày 22 tháng 4 năm 2019. (Lintao Zhang / Getty Images)

Một người đàn ông họ Vương khác là một công nhân nhập cư Bắc Kinh đến từ tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc. Ông nói với The Epoch Times tiếng Trung vào ngày 2/3 rằng, nông dân ở Hà Bắc nói chung không có tiền để chi trả cho bảo hiểm y tế, chính quyền thì không cung cấp dịch vụ y tế miễn phí và nông dân thì không có tiền để khám chữa bệnh.

Ông Vương nói: “Chúng tôi chỉ đến một phòng khám nhỏ nếu mắc một số bệnh không gây tử vong. Một khi bị bệnh nặng, chúng tôi sẽ cố gắng vay tiền từ người thân. Nếu vay được tiền, chúng tôi sẽ đến khám ở một bệnh viện. Nếu không, chúng tôi chỉ có thể ở nhà và chờ chết”.

Phần lớn người nghèo ở Trung Quốc không có điện thoại, cũng không có máy tính, và cơ quan kiểm duyệt của chính quyền thì không cho phép các sự thật liên quan được phơi bày trực tuyến.

Tuy nhiên, bằng chứng về tình trạng nghèo đói cùng cực có thể được tìm thấy trong những cuộc trò chuyện của mọi người, cũng như trong báo cáo của các phương tiện truyền thông về các chủ đề khác.

Vào ngày 12/12/2020, một tài khoản mạng xã hội đã đăng một bài báo dài trên WeChat, trong đó nói về những đứa trẻ ở khu vực thành thị đã tự tử vì gia đình quá nghèo nên không thể trả tiền học phí, ăn uống, cũng như chi phí khám chữa bệnh cho chúng.

Ông Bikales đã viết trong nghiên cứu của mình rằng, 63% người Trung Quốc sống ở các thành phố và những người này chưa bao giờ được đưa vào danh sách nghèo đói của Trung Quốc. Và trái ngược với tuyên bố của ông Tập, ngay cả những người nghèo nằm trong danh sách cũng vẫn chưa thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Vào tháng 4, CCTV đã đưa tin về một số trường hợp ở huyện Lạc Nam, tỉnh Thiểm Tây nằm ở phía tây bắc Trung Quốc, trong đó người dân không có một ngôi nhà an toàn để ở và không có nước sạch để uống. Các quan chức địa phương đã nói dối về tình hình, và cố gắng giật điện thoại di động của phóng viên trong khi phóng viên đang dùng nó để ghi hình.

Epoch Times Photo
Một nông dân đang làm việc trên cánh đồng tại Zhongba, một hòn đảo nhỏ gần thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc vào ngày 29 tháng 11 năm 2020. (Noel Celis / AFP qua Getty Images)

Ra khỏi Danh sách đói nghèo

Lạc Nam được đưa ra khỏi danh sách đói nghèo vào tháng 2/2020, có nghĩa là tất cả cư dân trong huyện được cho là có thu nhập cao hơn ngưỡng nghèo.

Vào giữa tháng 4, khi CCTV đến huyện Lạc Nam, các phóng viên tìm thấy một ông già họ Leng sống trong một căn nhà một phòng được xây bằng gạch và bị dột nát. Căn nhà không có bếp, phòng tắm hay hệ thống sưởi.

Ông Leng đã từng nằm trong danh sách nghèo đói. Ông nói với CCTV rằng ngôi nhà gạch này từng là nơi chứa đồ của người thân của ông. Do ngôi nhà làm bằng bùn của ông đã bị nứt và có thể đổ sụp bất cứ lúc nào, nên người thân của ông đã cho phép ông đến sống trong ngôi nhà gạch này. Ông Leng không có thu nhập và không có tiền để thuê nhà.

CCTV đã đến thăm hai ngôi làng ở huyện Lạc Nam, cả hai ngôi làng này đều không có nước sạch để uống. Người dân trong làng cần phải lái xe một quãng đường dài để mua nước từ các thị trấn khác, và nước này cần phải được lọc trước khi sử dụng.

Nhìn chung, người dân ở đây rất nghèo nên hầu hết họ không có tiền để thường xuyên mua nước. Họ dự trữ nước mưa, và trong cuộc sống hàng ngày họ cố gắng tiết kiệm bất kỳ giọt nước nào có thể.

Trang tin The Paper có trụ sở tại Thượng Hải đã đưa tin về một trường hợp khác ở tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc vào ngày 19/11/2020.

Chính quyền địa phương ở huyện Trấn Hùng, thành phố Chiêu Thông đã loại anh Jiang Tongxun khỏi danh sách nghèo đói vào tháng 10/2020 vì chính quyền cho biết tổng thu nhập của Jiang vào năm 2020 là 5.811,76 nhân dân tệ (908 USD). Con số này cao hơn 4.000 nhân dân tệ (625 USD) - ngưỡng thu nhập để một người có thể lọt vào danh sách đói nghèo của Trung Quốc vào năm 2020.

Jiang không đồng ý với chính quyền và từ chối ký vào giấy từ bỏ quyền nhận trợ cấp an sinh xã hội.

Theo dữ liệu của chính quyền, Jiang đã kiếm được 3.000 nhân dân tệ (465 USD) khi làm công nhân nhập cư, nhận được 2.568 nhân dân tệ (398 USD) phúc lợi an sinh xã hội từ chính quyền, và 243,76 nhân dân tệ (38 USD) trợ cấp từ chính quyền để mua hạt giống và phân bón phục vụ cho nông nghiệp.

Jiang cho biết anh không hề nhận được trợ cấp từ chính quyền, và kinh phí xóa đói giảm nghèo đến từ chính quyền trung ương hoặc cấp tỉnh được phân bổ cho những người dân trong làng có quan hệ tốt với các quan chức. Báo cáo cho biết Jiang đã bị loại ra khỏi danh sách đói nghèo và bị chính quyền chỉ trích.

Nhiều người dân Trung Quốc nói với The Epoch Times trong các cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng, 4.000 nhân dân tệ không đủ để duy trì mức sống cơ bản.

Zhou, một người đàn ông đã nghỉ hưu sống ở thành phố Thượng Hải, nói với The Epoch Times tiếng Trung vào ngày 25/2: “Chi phí ăn uống tối thiểu là 500 nhân dân tệ (78 USD) một tháng cho một người ở Thượng Hải. Bạn cần chi 200 nhân dân tệ (31 USD) cho phương tiện đi lại, và hơn 2.000 nhân dân tệ (310 USD) để thuê phòng… 4.000 nhân dân tệ một năm có nghĩa là 333 nhân dân tệ một tháng. Bạn không thể sống sót với mức thu nhập này”.

Hu Ping, tổng biên tập danh dự của tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh có trụ sở tại New York và là chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 26/2 rằng: “Trung Quốc vẫn còn cực kỳ nghèo trong năm nay… Trung Quốc hiện có bao nhiêu ngũ cốc? Bao gồm cả các sản phẩm nông nghiệp khác, Trung Quốc cần nhiều hơn những gì họ có [để có thể nuôi sống người dân]”.

Epoch Times Photo
Nông dân thu hoạch bắp cải tại quận Huarong ở tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc vào ngày 5 tháng 3 năm 2020. (Noel Celis / AFP qua Getty Images)

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

‘Phép màu’ của ĐCS Trung Quốc: Dân đói cùng cực vẫn được coi là đã ‘thoát nghèo’