Phận tha hương trong ‘căn nhà vé số’: ‘Về quê không được, ở lại không biết lấy gì ăn’ giữa Sài Gòn mùa dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 9/7, TP. HCM chính thức cho ngưng đại lý vé số và người bán vé số dạo để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Xóm trọ nghèo của những người bán vé số tha hương vội vàng gom hết vé còn lại đem trả đại lý. Gánh nặng và nỗi lo tràn ngập trong ánh mắt họ, vì không biết những ngày tiếp theo sẽ sống như thế nào, khi mà “về quê thì không được, ở lại thì không biết lấy gì ăn”

Những mảnh đời tha hương khốn khó

Trong căn nhà trọ ọp ẹp, ẩm mốc ở chân cầu Nguyễn Văn Cừ (Quận 1) là nơi sinh sống của 32 người bán vé số dạo, đều quê Phú Yên. 10 năm trước, ông Ngô Văn Tiến (60 tuổi) cùng 5 người đồng hương Phú Yên vào Sài Gòn bán vé số kiếm sống, dần dần gặp đồng hương ngoài đường thì rủ nhau về ở chung, chia tiền ăn tiền nhà.

“Ngôi nhà chung” cứ thế đông lên. Đợt dịch này thì chỉ còn 10 người ở lại, những người khác về quê nhân dịp 5/5, gặp dịch bùng phát mạnh nên không thể quay trở lại TP. HCM để tiếp tục công việc.

Căn nhà chật chội mốc meo, đồ đạc treo lỉnh kỉnh này là nơi che mưa nắng, và nơi những con người khốn khó tự đùm bọc cưu mang nhau. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, người thì tuổi cao sức yếu nhưng con cái quá nghèo không chăm lo nổi, phải tự mưu sinh trang trải tuổi già. Người thì nuôi con bị bệnh tâm thần dưới quê, người thì kiếm tiền nuôi người chồng khuyết tật, người thì lo tiền cho con đi học, cho cha già chữa bệnh… Mỗi mảnh đời là một nỗi khốn khó và gánh nặng gia đình khác nhau, có rất nhiều lý do để họ rời xa mảnh đất nơi mình chôn nhau cắt rốn, xa ruộng đồng quê hương lên thành phố để bươn chải.

Cả 2 tháng qua, hàng quán đóng cửa, vé số đã ế ẩm, kiếm từng đồng tiền đã khó. Giờ đây, vé số ngưng hết, không biết những ngày tới thế nào. Bà cụ 75 tuổi tên Sáu Lan ngồi trong góc nhà với bàn chân dán kín cao dán vì tuổi già, cứ trở trời chân tay lại đau nhức. Cụ bà đã có “thâm niên” 11 năm bán vé số ở thành phố này chia sẻ: “Ngủ xếp lớp như cá mòi vậy cháu. Mỗi người được vài ô gạch, cựa mình cũng chật. Mà kệ, mọi người đi bán mệt rồi nên ngủ ngon”.

Buồn nhất trong căn nhà vé số này có lẽ là vợ chồng ông Nguyễn Thành Quý (58 tuổi) và bà Lê Thị Dung (57 tuổi). Sau đợt bão lũ năm ngoái, vợ chồng ông bà cùng vào TP.HCM đi bán vé số. Hơn nửa năm trời, hai vợ chồng chỉ ăn cơm từ thiện và cơm ở nhà, không dám chi tiêu gì, dành dụm được 12,5 triệu đồng định bụng gửi về quê cho cha già chữa bệnh và cậu con trai đang học lớp 11. Nhưng chưa kịp gửi về quê thì bị người xấu lừa lấy hết tiền và vé số, ông kể: “Hôm tôi đi bán gần cầu Kênh Xáng (Q.8) gặp một cô nói, ‘chú, chú đưa tui ủng hộ vé số cho’. Sau đó tôi không biết gì nữa, đến khi định thần lại được thì mở bóp thấy chỉ còn vài chục lẻ, vé số cũng hết sạch. Vội hỏi người gần đó họ nói cô đó vừa chạy vào hẻm, tôi lật đật chạy theo nhưng không thấy ai nữa. Về báo với vợ, bả khóc như mưa”.

Vợ ông, bà Dung thẫn thờ nói: “Mình nghèo mà nó còn lừa. Tôi khóc hết nước mắt, vẫn phải ráng đi bán để có cái ăn”.

Hai vợ chồng lại cặm cụi đi bán vé số lại, tích cóp từ đầu. Chưa bán được mấy ngày thì thành phố ngưng không cho bán nữa.

Bà Dương Thị Như Mai (62 tuổi) - bán vé số nuôi con tâm thần thì chia sẻ, bình thường bà đi bộ từ quận 1 đến quận 7 để bán, 3 giờ sáng bán hết sạch 180 vé, về ngủ ngon lành cả sáng hôm sau. Nhưng từ khi có dịch Covid-19, bà bán đến 2 giờ đã thấy đường phố không bóng người, phải đi bộ về, sáng hôm sau dậy sớm bán tiếp số vé còn dư.

 

Ngày thường, mỗi người trong nhà vé số bán được 180-250 tờ vé số, lời được 180.000-250.000 đồng, nghỉ buổi sáng. Từ khi dịch diễn biến phức tạp, vé số ế. Mỗi ngày rong ruổi 18-20 tiếng ngoài đường, họ chỉ bán được giỏi lắm 100 -120 vé và rồi đến nay thì dừng hẳn.

Tạm gác ‘giấc mơ’

Mỗi mảnh đời là một nỗi khốn khó và gánh nặng gia đình khác nhau, có rất nhiều lý do để họ rời xa mảnh đất nơi mình chôn nhau cắt rốn (Ảnh: tổng hợp)
Mỗi mảnh đời là một nỗi khốn khó và gánh nặng gia đình khác nhau, có rất nhiều lý do để họ rời xa mảnh đất nơi mình chôn nhau cắt rốn (Ảnh: tổng hợp)

Giờ mọi người không phải tất bật bữa cơm chiều cho kịp giờ đi bán, cũng không cần rảo bước hàng chục km để chào mời từng tờ vé số, người thành phố cũng tạm gác giấc mơ đổi đời.

Trong căn nhà chung này, gần chục con người đang ngồi quây quần bên mâm cơm tằn tiện, với nồi canh chỉ lèo tèo miếng đu đủ, chén mắm tiêu, vài miếng cá khô. Bữa cơm lót dạ “trưa không ra trưa, chiều không ra chiều” như thế cho tiết kiệm. Ánh mắt buồn rười rượi, nhìn xa xăm và tiếng thở dài của họ đan xen nhau vì chưa biết phải làm sao. Lâu lâu lại có người hỏi: “Người ta có báo chừng nào mình được đi bán lại không chú Bốn?".

Trách nhiệm với gia đình khiến tâm trạng của mọi người trĩu nặng trước chuỗi ngày thất nghiệp. Nỗi lo trước mắt là tiền ăn tiền trọ, nhưng rồi mọi người cũng tự động viên nhau, “có rau ăn rau có cháo ăn cháo”, rồi trông chờ đến ngày được đi bán lại.

May mắn, trong đợt dịch này nhiều người thành phố ấm áp đã san sẻ với những người khốn khó nên họ được cho gạo, rau, trợ cấp 1,5tr/người. Cũng có nhà hảo tâm tìm đến hỗ trợ “ngôi nhà chung” 3 tháng tiền nhà (18 triệu đồng), và trao tặng mỗi người bán vé số đang bám trụ lại thành phố 500.000 đồng. Nhờ lòng tốt của những nhà hảo tâm mà cuộc sống của họ bớt nặng lòng và có thêm hy vọng hơn.

Bà Như Mai, một người bán vé số trong “nhà chung” chia sẻ: “Người ta biết mình khổ, nên người ta thương. Mà nhà đâu có tủ lạnh, rau củ chỉ để đủ ăn, còn lại đem chia cho hàng xóm. Giờ ai cũng khó hết”.

Chưa biết những ngày sắp tới sẽ thế nào, khi nào thì những người bán vé số dạo lại được rảo bước trên những con đường quen thuộc để tiếp tục cuộc mưu sinh, nhưng trong căn nhà nhìn đâu cũng thấy những mảng tường hoen ố, ngóc ngách nào cũng nhếch nhác, ngột ngạt, vậy mà tấm lòng con người lại rộng mở, ân tình.

Thiên Cầm



BÀI CHỌN LỌC

Phận tha hương trong ‘căn nhà vé số’: ‘Về quê không được, ở lại không biết lấy gì ăn’ giữa Sài Gòn mùa dịch