Parler đang bị bịt miệng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công ty truyền thông xã hội Parler - một từ tiếng Pháp có nghĩa là “nói” - đã bị Big Tech nghiền nát và bỏ mặc cho tới chết vào tuần trước. Đây dường như là sự khởi đầu của một cuộc tấn công văn hóa nhằm bóp nghẹt tiếng nói của phe bảo thủ trong lòng nước Mỹ.

Tôi đã bị sốc nhưng không hề ngạc nhiên một chút nào. Trong bài viết trước của mình, tôi đã cảnh báo về một “chế độ tập thể” đang rình rập và độc tài đe dọa bóp nghẹt tự do theo cách mà chính phủ của chúng ta không bao giờ có thể làm được. Chỉ trong vòng một tuần sau khi viết bài, các công ty truyền thông xã hội khổng lồ đã chứng minh lời tôi nói có tính tiên tri như thế nào.

Đây chính là câu chuyện: Sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol vào ngày 6/1, Twitter và Facebook đã phát động một cuộc đàn áp nhằm vào tiếng nói của phe bảo thủ. Các gã khổng lồ truyền thông xã hội này không chỉ hủy tài khoản của Tổng thống Trump, mà Twitter dường như đã phát động một cuộc thanh trừng lớn.

Cây bút của Washington Examiner, Byron York, nam diễn viên kiêm biểu tượng bảo thủ James Woods, và nhà bình luận Brett Hume của Fox News, cùng nhiều người khác, thông báo rằng họ đã bị mất hàng chục nghìn người theo dõi trên Twitter chỉ trong vòng vài ngày. Tương tự, những tiếng nói bảo thủ kém nổi tiếng hơn cũng báo cáo bị mất hàng trăm người theo dõi.

Twitter vẫn chưa hề lên tiếng về những động thái này. Tuy nhiên, có vẻ như công ty đang cố gắng hết sức để bóp nghẹt khả năng giao tiếp của những người bảo thủ trên mạng xã hội.

Tấn công đối thủ

Cuộc tấn công sau đó vào Parler thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Parler là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Twitter với các tính năng gần như tương tự; các thành viên có thể đăng suy nghĩ của họ hoặc các bài báo mới, và “những người theo dõi” có thể nhận xét và thêm các bài đăng gốc vào dòng thời gian của riêng họ.

Parler khác với Twitter, Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác ở một khía cạnh quan trọng. Nó vẫn tuân theo khái niệm ban đầu của phương tiện truyền thông xã hội là cho phép mọi người đăng bài mà không cần kiểm tra thực tế hoặc can thiệp chính trị.

Bởi vì nhiều người bảo thủ tin tưởng một cách hợp lý rằng Twitter và Facebook đang kiểm duyệt các nền tảng của họ với chiều hướng thiên tả nặng nề, Parler đã được coi là “Twitter của những người bảo thủ” (mặc dù công ty chưa bao giờ tự mô tả bản thân như vậy). Thật vậy, nhiều trí thức bảo thủ nổi tiếng và “những người có ảnh hưởng” đã công khai chuyển trọng tâm truyền thông xã hội chính của họ sang Parler trong những tháng gần đây, và mời những người ủng hộ theo dõi tài khoản mới trên Parler của họ.

Cùng lúc Twitter đàn áp các tài khoản của những người bảo thủ, Google, Apple và Amazon cũng đồng loạt hành động để buộc Parler phải ngừng hoạt động.

Đầu tiên, cả Google và Apple đã xóa ứng dụng Parler khỏi các cửa hàng trực tuyến của họ, tuyên bố rằng công ty sẽ bị từ chối cho đến khi Parler kiểm duyệt các bài đăng.

Điều đó gây thiệt hại nhưng không "giết" được Parler vì khách hàng của họ vẫn có thể truy cập vào trang web của công ty. Sau đó, Amazon - công ty lưu trữ các dịch vụ đám mây của Parler - đã thông báo rằng những nội dung được cho là "bạo lực" trên trang của Parler đã vi phạm điều khoản dịch vụ của Amazon, và do đó nó sẽ hủy hợp đồng với Parler. Hiện tại, Parler đang ngoại tuyến, có nghĩa là nó là một công ty truyền thông xã hội đã chết trừ khi nó có thể tìm thấy các dịch vụ lưu trữ web thay thế.

John Matze, Giám đốc điều hành của Parler, nói với người dẫn chương trình Maria Bartiromo trên Morning Futures rằng, kinh nghiệm của công ty anh chứng minh rằng Big Tech “có sức mạnh để tiêu diệt bất kỳ ai”. Anh ấy đã đúng. Tất cả các doanh nghiệp, các nhóm phi lợi nhuận và các cá nhân đều phụ thuộc vào trang web, email, mạng xã hội và những thứ tương tự để hoàn toàn tham gia vào cuộc sống hiện đại. Và những công cụ đó gần như bị kiểm soát hoàn toàn bởi Big Tech.

Khủng hoảng tự do

Đó là một tình trạng khó khăn thực sự. Những tiếng nói độc lập đang bị những công ty này kiểm duyệt vì sự khác biệt trong ý thức hệ. Tuy nhiên vì chính phủ không làm điều này, nên Tu chính án đầu tiên đã không bị vi phạm.

Google, Apple và Amazon dường như sẽ vi phạm luật chống độc quyền. Nhưng khó có khả năng chính quyền Biden sẽ hành động chống lại các công ty vốn là những người ủng hộ nhiệt thành của mình.

Parler luôn có thể kiện, và thực sự, đã tuyên bố ý định tìm kiếm sự giải quyết hợp pháp. Nhưng các bị cáo lại là những doanh nghiệp giàu có và quyền lực nhất trên thế giới, có đủ ảnh hưởng và tiền bạc để làm phá sản công ty mới nổi bằng các động thái và chiến thuật kiện tụng kéo dài. Trong mọi trường hợp, một vụ kiện như vậy sẽ mất nhiều năm.

Dân biểu Devin Nunes đã kêu gọi một cuộc điều tra gian lận. Chúc may mắn với điều đó. Đảng Dân chủ hiện đang kiểm soát hoàn toàn Quốc hội. Tôi nghi ngờ những người như Dân biểu Jerrold Nadler, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp Hạ viện, thậm chí sẽ tổ chức một phiên điều trần.

Những người bảo thủ luôn có thể làm xấu mặt các công ty truyền thông xã hội khổng lồ bằng cách lên án họ công khai. Nhưng Big Tech còn lâu mới xấu hổ. Bên cạnh đó, việc làm xấu mặt trên diện rộng đòi hỏi các phương tiện truyền thông chính thống (MSM) phải dẫn dắt câu chuyện. Có khả năng điều này xảy ra không? Trên thực tế, nhiều tay sai trong MSM là đồng minh của Big Tech và còn công khai cổ vũ họ.

Còn chuyện tẩy chay thì sao? Với vị trí trung tâm của các công ty này, điều đó sẽ khó có thể thực hiện. Bên cạnh đó, Big Tech đã nói rõ rằng họ sẵn sàng mất lợi nhuận vì lý do "cao cả" là nâng cao nhận thức về các vấn đề về công bằng chủng tộc và xã hội (ví dụ như phong trào Black Lives Matter).

Nó sẽ không dừng lại với việc kiểm duyệt mạng xã hội. Tôi ngờ rằng những gã khổng lồ này sẽ sớm chống lại các ngành công nghiệp gây tranh cãi, giống như cái cách mà họ đã làm với Parler. Ví dụ: nếu các công ty điện toán đám mây internet từ chối kinh doanh với ngành công nghiệp súng, nó có thể khiến các nhà sản xuất và người bán súng phải ngừng kinh doanh - vậy là hoàn thành giấc mơ chương trình nghị sự cấp tiến của phe cánh tả mà không vi phạm Tu chính án thứ hai.

Chúng ta đột nhiên phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tự do sâu sắc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Theo một khía cạnh nào đó, nó còn khó khăn hơn vì nó đến từ khu vực tư nhân thay vì chính phủ. Tự do đòi hỏi sự hài hòa. Sự hài hòa xã hội phụ thuộc vào việc mọi người tin rằng họ có một cơ hội bình đẳng để làm mọi việc.

Bóp nghẹt tự do ngôn luận sẽ không thể loại bỏ quan điểm bảo thủ. Hành vi này thực sự là đang đùa với lửa, theo đúng nghĩa đen. Như lịch sử đã dạy cho chúng ta nhiều bài học, những người tuyệt vọng sẽ làm những điều tuyệt vọng. Hy vọng rằng Twitter, Amazon, Facebook và phần còn lại sẽ đạt được sự khôn ngoan tương xứng với sức mạnh của họ, và đảo ngược phương hướng của mình trước khi quá muộn.

Tác giả: Wesley J. Smith là chủ tịch của Viện Khám phá về Chủ nghĩa ngoại lệ của con người.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Parler đang bị bịt miệng