Vì sao người xưa nói rằng: ‘Nữ nhi hiền thục không nuôi chó, đàn ông mạnh mẽ không nuôi mèo’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa nhìn nhận rằng: là một "phụ nữ tốt thì không nên nuôi chó, ngược lại, người đàn ông tốt cũng sẽ không nuôi một con mèo". Tại sao người xưa lại nói như vậy? So với xã hội hôm nay thì việc con gái thích nuôi chó, con trai thích nuôi mèo chẳng phải vẫn rất tốt hay sao?

Phụ nữ hiền thục không nuôi chó

Phụ nữ hiền thục không nuôi chó
Phụ nữ hiền thục không nuôi chó. (Pxhere)

Từ góc độ phong thủy mà xét, phụ nữ thuộc âm thủy, trong khi chó (đặc biệt là chó đực) lại là hành thổ thuộc dương, vì dương thổ có thể ức chế âm thủy, vậy nên có mối quan hệ tương khắc nghiêm trọng. Đối với một số người là nữ giới đặc biệt kiêng kỵ trong vấn đề này, thì nuôi chó không phải là một lựa chọn tốt cho sự an toàn của gia đình.

Một lý do khác, phụ nữ thời cổ đại thường chú trọng sự dịu dàng, đoan trang và thùy mị. Tuy nhiên, quá trình nuôi dưỡng chó thường xuyên buộc người chủ phải huấn luyện, khiển trách và thể hiện sự nghiêm khắc. Trong mắt người xưa, một phụ nữ quát lớn, dạy chó hành động theo ý muốn... có thể dễ dàng bị coi là hành vi không đứng đắn. Họ cho rằng quá trình này có thể vô tình khiến phụ nữ mất đi sự dịu dàng và trở nên nam tính hơn, đồng thời khiến hình ảnh phái yếu thêm phần cứng cáp và mạnh mẽ.

Dựa trên hai giả thuyết này, câu nói "phụ nữ hiền thục không nuôi chó" đã bắt đầu được lan truyền trong dân gian. Tất nhiên, một số người dân ở vùng thôn quê vẫn sẽ quen với việc nuôi chó, nhưng tốt hơn hết người đàn ông nên chịu trách nhiệm huấn luyện vì sau tất cả, chó vẫn rất trung thành và có thể giúp đỡ gia đình của họ.

Đàn ông mạnh mẽ không nên nuôi mèo

Đàn ông mạnh mẽ không nên nuôi mèo
Đàn ông mạnh mẽ không nên nuôi mèo. (Unsplash)

Tương tự như cách giải thích vì sao phụ nữ không nên nuôi chó, xét từ góc độ phong thủy, vì đàn ông là thể thuần dương, mèo là thể thuần âm, sự tương khắc này có thể dẫn đến dương khí của đàn ông bị mèo hút mất.

Từ góc độ lịch sử, trong cung đình thời xưa, nhiều hoạn quan thường có sở thích nuôi mèo. Lúc bấy giờ, người ta tỏ ra khinh thường các hoạn quan, nên quý nhân không coi trọng và cũng không xem việc nuôi mèo là một sự lựa chọn.

Thậm chí đến ngày nay, nhiều người vẫn cho rằng mèo có một tính cách khá quái gở, lại còn thường “gây họa” mà vẫn tỏ ra mình “vô tội”. So với loài chó, mèo là loài ham ăn ham ngủ và rất lười biếng, chưa kể chúng cũng có tính cách thất thường và thích nũng nịu. Kiểu tính cách thất thường và “làm nũng” này khá thiên về con gái, vì vậy những người đàn ông nuôi mèo lâu năm dễ thay đổi tính cách do tiếp xúc lâu với mèo, theo thời gian họ trở nên thiếu nam tính một cách không tự biết.

Vì vậy, trong mắt người xưa, phụ nữ nuôi mèo là thích hợp hơn cả, vì mèo không khỏe như chó, cần một người chủ kiên nhẫn và cẩn thận hơn để chăm sóc chúng. Trong khi đó, loài chó vốn bản tính vô tư, nhưng cũng rất hung dữ và mạnh mẽ, không nhất định phù hợp với tính khí của phái nữ, cho nên sẽ tốt hơn nếu là đàn ông nuôi dưỡng.

Mèo và chó ít khi hòa thuận.
Mèo và chó ít khi hòa thuận. (Wikimedia Commons)

Mặc dù vậy, nếu một người phụ nữ phải nuôi chó, cô ấy cũng có thể lựa chọn nuôi một con chó cái; nhưng đối với đàn ông, tốt hơn hết là nên nuôi một con chó thay vì một con mèo.

Tất nhiên, không ít người sẽ nhanh chóng phủ nhận và cho rằng chúng là những suy nghĩ hết sức lạc hậu và thiếu cơ sở khoa học. Thêm vào đó, nhiều người hiện nay có thể chọn nuôi mèo và chó, cùng với nhiều thú cưng khác để mang lại nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống, giúp cơ thể và tâm trí được thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng. Chính vì không nhận thấy bất kỳ sự tác động rõ rệt nào từ việc nuôi chó hoặc mèo trong gia đình, cho nên đối với họ, đây cũng không nhất định là một vấn đề to tát.

Con người giữa các thời đại khác nhau đã hình thành nên những cơ sở lý luận và quan niệm đạo đức khác nhau. Có thể thấy, người xưa nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa nam và nữ dựa trên yếu tố phong thủy, cũng như sự đối lập của loài chó và mèo để đúc rút ra những kinh nghiệm dân gian mà không phải khoa học có thể chứng minh được bằng phương pháp thông thường. Chẳng hạn như việc con người từ xa xưa đã có thể vẽ ra được hệ thống kinh mạch chằng chịt bên trong cơ thể người, vốn dĩ đây không phải là thứ có thể quan sát được bằng mắt thường. Vậy làm sao họ có thể chứng minh được điều đó có tồn tại, và thậm chí ngày nay khoa học cũng phải thừa nhận?

Thực tế, con người trong quá khứ dù không có sự phát triển về mặt kỹ thuật hiện đại, nhưng bằng cách nào đó, họ vẫn có thể đoán trước được những sự kiện sắp xảy ra; thậm chí chỉ cần nhìn vào tướng mạo của một người, có thể thấu tỏ tương lai của người đó giàu - nghèo, sang - hèn như thế nào; hoặc xa hơn là nhìn vào những biểu hiện của tự nhiên, của các tinh tú (vì sao) trên bầu trời để báo trước về những thiên tai hay biến động của thời cuộc. Đến hôm nay, không ít những phương pháp cổ xưa như vậy đã được xã hội hiện đại chấp nhận, và coi chúng như một môn khoa học để nghiên cứu như Phong thủy, Kinh Dịch, Tử Vi, Nhân tướng học v.v...

Bảo Vy
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao người xưa nói rằng: ‘Nữ nhi hiền thục không nuôi chó, đàn ông mạnh mẽ không nuôi mèo’