Những tỷ phú ‘giàu nứt đố đổ vách’ nhưng lại có cuộc sống giản dị bất ngờ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Rất nhiều người trong chúng ta đã từng mơ ước rằng nếu như được làm tỷ phú, chúng ta sẽ có thể chi tiêu thỏa thích để mua những chiếc máy bay riêng, biệt thự nghỉ mát ở mọi quốc gia, xe hơi sang trọng, và tất cả những thứ xa xỉ tương tự. Thế nhưng, không phải ai trong danh sách những người giàu có của Forbes đều sống một cuộc sống xa hoa. Mặc dù số dư ngân hàng của họ còn cao hơn GDP của một số quốc gia, nhưng đây là những vị tỷ phú lựa chọn lối sống tiết kiệm thay vì tiêu xài hoang phí.

Tỷ phú Lucio Tan

Tỷ phú Lucio Tan, người Philippines sở hữu tài sản 3,1 tỷ USD, nhưng ông không dùng những chiếc điện thoại đắt tiền. Thay vào đó, vị đại gia này luôn mang theo 4 chiếc điện thoại Nokia cũ trong túi.

Sau nhiều năm bôn ba trên thương trường, ở tuổi gần 90, người đàn ông này đang tận hưởng cuộc sống như mình mong muốn, thức dậy sớm để chơi golf, nghỉ ngơi vào buổi sáng và buổi chiều, và thưởng thức tiệc cocktail. Món ăn yêu thích của ông chỉ là rau xào và cá hấp, duy trì thói quen uống nước ép cà rốt và ăn hoa quả tươi tráng miệng.

Nói về bí quyết thành công của mình, ông cho hay: "Không có bí quyết gì cả, chỉ cần làm việc chăm chỉ". Ông thường đặt ra các mục tiêu cao và cố gắng đạt được điều đó thông qua sự cố gắng, chăm chỉ.

Trước khi thành tỷ phú, ông làm công việc lau sàn nhà tại một nhà máy sản xuất thuốc lá, sau đó được nhận vào làm các vị trí khác nhau tại nhà máy này.

Năm 1966, ông thành lập tập đoàn thuốc lá Fortune. Năm 1982, ông thành lập nhà máy bia Asia. Từ sự thành công đó, ông tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực khác.

Ông là người sáng lập và là chủ tịch tập đoàn LT Group hay còn gọi là Lucio Tan Group kinh doanh ở nhiều lĩnh vực. Công ty của ông nắm quyền điều hành Philippines Airlines vào tháng 9/2014.

Bên cạnh công việc kinh doanh, ông không quên trách nhiệm với cộng đồng và những người kém may mắn. Thông qua quỹ Tan Yan Kee Foundation, đại gia Lucio Tan đã dành thời gian và nguồn lực cho các dự án giúp cải thiện cuộc sống của người dân Philippines. Đặc biệt, ông Lucio Tan là người tài trợ nhiều cho lĩnh vực giáo dục. Tỷ phú này đài thọ cho 1000 sinh viên đến Trung Quốc mỗi năm, lập quỹ để xây dựng trường học.

Tỷ phú Chuck Feeney

Tỷ phú Chuck Feeney, 85 tuổi, và người vợ Helga đang sống trong một căn hộ cho thuê tại San Francisco, Mỹ. Người sáng lập tập đoàn miễn thuế toàn cầu Duty Free Shoppers (DFS) không có ô tô hay vật dụng xa xỉ nào. Đồ phụ kiện đáng giá nhất của ông là chiếc đồng hồ trị giá 15 đô la, theo Irishtimes.

Nếu nhìn bề ngoài, không ai nhận ra đây từng là CEO của một tập đoàn nổi tiếng, bởi ông sống như một người bình thường. Ông chưa bao giờ mặc đồ hiệu, chỉ đeo những chiếc kính đã cũ, đi máy bay hạng phổ thông, uống rượu trắng loại hai tại các nhà hàng...

"Tôi luôn có một suy nghĩ là phải dùng sự giàu có của mình để giúp đỡ mọi người. Tôi cố sống một cuộc sống bình thường, giống như khi tôi lớn lên. Tôi đặt mục tiêu làm việc thật chăm chỉ, nhưng không phải để làm giàu", Feeney nói trên Irishtimes.

Hành trình "sống để cho đi" của Chuck Feeney chính thức bắt đầu từ ngày 23/11/1984, khi ông ký một loạt giấy tờ để quyên góp toàn bộ tài sản, bao gồm tiền mặt và 38,75% cổ phần sở hữu trong DFS của mình cho tổ chức do chính ông sáng lập, nay được biết đến là Atlantic Philanthropies (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương). Quỹ là nơi ông thực hiện ước mơ cả đời của mình, đó là làm những điều có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc sống của người khác.

Feeney sau đó tiếp tục quản lý doanh nghiệp, mua và bán tài sản trên khắp thế giới, vì vậy, mọi người vẫn nghĩ ông là một tỷ phú, ngay cả tạp chí Forbes. Vì mọi thứ đều được giấu kín, nên tới năm 1988, ông còn được Forbes xếp thứ 23 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất hành tinh.

Trong nhiều năm Feeney đã giữ bí mật về lòng nhân ái, sự hào phóng của mình. Mãi cho đến năm 1997, những hoạt động từ thiện của Feeney mới được hé lộ sau khi ông bán cổ phần trong Duty Free Shoppers cho hãng thời trang cao cấp của Pháp LVMH.

Lúc đó người ta mới biết Tổ chức từ thiện Đại Tây Dương do Feeney sáng lập đã trao tặng hàng tỷ đô la vào giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế, bảo vệ nhân quyền... cho Mỹ, Ireland, và một lượng lớn tiền nữa cho các công tác từ thiện ở Việt Nam, Australia, Nam Phi, Thái Lan và Cuba. Riêng Việt Nam, từ năm 1998 đến 2013, Atlantic đã tài trợ gần 382 triệu đô la cho các thư viện, đại học và xây dựng hệ thống y tế công cộng.

Feeney từng chia sẻ ông quý trọng tiền bạc nhưng rất ghét phung phí nó. Ông mang quan điểm này để nuôi dạy, giáo dục 5 người con ngay từ khi còn bé. Ông yêu cầu con phải đi làm thêm trong kỳ nghỉ, như bán kem, phục vụ nhà hàng... và bắt các con phải tuân thủ nguyên tắc tiết kiệm nghiêm ngặt. Ông để cho con phải tự lo các chi phí sinh hoạt để con hiểu được giá trị đồng tiền.

Tỷ phú Azim Hasham Premji

Azim Hasham Premji là người kỳ quặc. Ông trùm kinh doanh 75 tuổi này không tuân theo ​​những điều mọi người thường nghĩ về một tỷ phú. Ông thích ăn sôcôla và không sợ món này ngay cả lúc nửa đêm. Ông cũng thích trải nghiệm thức ăn đường phố khi đi du lịch.

Với cách sống chi tiêu tiết kiệm, ông được thế giới kinh doanh coi là Uncle Scrooge (nhân vật nổi tiếng trong loạt truyện về vịt Donald với sự giàu có và lối sống kín đáo).

Chưa hết, ông cũng quyên góp 75% tài sản của mình cho hoạt động từ thiện. Với tổng trị giá khoảng 21 tỷ USD, khoản quyên góp của ông cho Azim Premji Foundation, tổ chức phi lợi nhuận tập trung giáo dục, đã đưa Premji trở thành một trong những nhà từ thiện hàng đầu thế giới.

Từ nỗ lực cứu công ty dầu mỏ đang mắc nợ của gia đình ở Amalner đến việc thành lập một tập đoàn chân chính có doanh thu hơn 10 tỷ USD là hành trình phấn đấu kéo dài năm thập kỷ của Azim Premji. Ông không có kiến ​​thức về ngành công nghệ thông tin (CNTT), nhưng công ty của ông (Wipro) đã trở thành một phần của bộ ba công ty khởi nghiệp về CNTT, cùng Infosys và TCS, đưa Ấn Độ có mặt trong bản đồ dịch vụ phần mềm toàn cầu.

Vào cuối năm 1971, ông đã đặt ra các nguyên tắc, chính trực, tôn trọng con người và lấy khách hàng làm trung tâm, làm tôn chỉ trong hoạt động kinh doanh. Tập đoàn của ông được biết là luôn quyết liệt giữ vững những giá trị này.

Chia sẻ về Premji, Nandan Nilekani, chủ tịch của công ty đối thủ Infosys, nói: “Ông ấy là một người đàn ông khác thường”. Quả đúng như vậy. Không giống hầu hết tỷ phú, ông không đi lại với tấm vé hạng nhất và cũng dành niềm tin vào các sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ.

Sự tôn trọng của Premji với các nguồn tài nguyên được thể hiện rõ qua tính tiết kiệm của ông. Premji đi xung quanh để tắt đèn và quạt sau khi mọi người đã ra khỏi văn phòng, kiên trì yêu cầu cả hai mặt của một tờ giấy phải được sử dụng khi photocopy, và dùng tiền túi của mình để trả cho các cuộc gọi cá nhân mà ông thực hiện tại nơi làm việc.

Một người bạn của Premji, lãnh đạo doanh nghiệp Kiran Mazumdar-Shaw, kể lại cách tỷ phú này ngụy trang bằng một chiếc mũ và một bộ ria mép giả khi muốn mua một số tác phẩm nghệ thuật. Lý do của ông là: "Thời điểm họ biết tôi là Azim Premji, họ sẽ tính phí tôi rất nhiều".

Trên thực tế, những thành tựu kinh doanh của Premji thường bị lu mờ bởi sự hào phóng nổi tiếng của ông. Khi dịch bệnh Covid-19 gõ cửa Ấn Độ, tập đoàn Wipro đã quyên tặng khoảng 180 triệu USD, số tiền hỗ trợ lớn nhất từ một công ty Ấn Độ, bên cạnh việc phân phát hàng triệu suất ăn và giường bệnh cho những người có nhu cầu.

Thanh Hương



BÀI CHỌN LỌC

Những tỷ phú ‘giàu nứt đố đổ vách’ nhưng lại có cuộc sống giản dị bất ngờ