Những biện pháp khắc nghiệt nhất thời Covid-19: Phạt tù, phun hoá chất và đánh đập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng lệnh phong toả để đối phó với virus corona Vũ Hán. Theo đó, một số nơi thực thi các biện pháp cứng rắn để trừng phạt người không tuân thủ cách ly. Điều này gây ra nhiều ý kiến trái chiều và thậm chí làm tổn thương những nhóm người nghèo và yếu thế trong xã hội.

Úc

Trong vòng 15 ngày qua, chính quyền Australia đã thực hiện nhiều quy định mới và nghiêm ngặt để yêu cầu người dân tuân thủ việc cách ly xã hội, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Theo đó, ngồi trên ghế đá ăn bánh mì kebab, lau rửa kính chắn gió xe ô tô ngay giữa ngã tư hay ngồi yên trong xe mà không có lý do chính đáng... cũng có thể bị xử phạt ở bang New South Wales (NSW) và Victoria, Úc.

Chính phủ và cảnh sát cho rằng họ không muốn thực thi các biện pháp mạnh tay này, nhưng cái họ cần là sự phối hợp. Hiện tại, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về các chính sách của chính phủ.

Chính quyền Australia đã thực hiện nhiều quy định mới và nghiêm ngặt để yêu cầu người dân tuân thủ việc cách ly xã hội, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Chính quyền Australia đã thực hiện nhiều quy định mới và nghiêm ngặt để yêu cầu người dân tuân thủ việc cách ly xã hội, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. (Ảnh: Getty)

Theo The Guardian, nếu vi phạm, mức phạt cho mỗi cá nhân ở bang NSW sẽ có thể lên tới 11.000 đô Úc (hơn 155 triệu VNĐ), hoặc 6 tháng tù giam, thậm chí là cả hai. Trong khi đó ở bang Victoria, số tiền phạt có thể lên tới 19.800 đô la Úc (hơn 280 triệu VNĐ) khi ra tòa, và 1.652 đô la Úc (hơn 23 triệu VNĐ) nếu phạt tại chỗ.

Hình thức phạt tiền đã được hai bang NSW và Victoria thi hành, hiện đã có hơn 50 trường hợp vi phạm bị xử phạt ở đây. Kể từ 17/03, đã có hai người vi phạm ở NSW phải nhận trát hầu tòa.

Ngày 1/4, cảnh sát NSW đã phạt 13 người phạm luật. Một số trường hợp bị phạt sau khi đã cảnh báo nhiều lần, hoặc phạt kèm khi đang vi phạm lỗi khác. Theo ghi nhận, một thanh niên 21 tuổi đã bị phạt 1.000 đô la Úc (hơn 14 triệu VNĐ) khi đang ăn bánh mì trên ghế đá ở Newcastle. Trước đó cảnh sát đã cảnh cáo thanh niên này đến 2 lần.

Ngày 02/04, ủy viên cảnh sát NSW Mick Fuller nói rằng các quy định đưa ra là điều cần thiết, để bảo vệ người dân.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động lại nói rằng việc trao quyền phạt và bỏ tủ vào tay cảnh sát sẽ gây ra nhiều hậu quả cho những người phải tiếp xúc nhiều với đội ngũ này. Luật sư Samantha Lee từ trung tâm pháp lý Redern ở Sydney cho biết cảnh sát nên được "cung cấp các chỉ dẫn rõ ràng và nghiêm ngặt trước khi áp đặt các quy định" và phạt tiền chỉ là phương án cuối cùng.

Các nhà hoạt động lại nói rằng việc trao quyền phạt và bỏ tủ vào tay cảnh sát sẽ gây ra nhiều hậu quả cho những người phải tiếp xúc nhiều với đội ngũ này.
Các nhà hoạt động lại nói rằng việc trao quyền phạt và bỏ tủ vào tay cảnh sát sẽ gây ra nhiều hậu quả cho những người phải tiếp xúc nhiều với đội ngũ này. (Ảnh: Getty)

Ấn Độ

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, ngày 25/3, Ấn Độ công bố lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 3 tuần. Theo đó, cảnh sát Ấn Độ sẵn sàng dùng các biện pháp mạnh tay để răn đe người vi phạm. Nếu không tuân thủ yêu cầu cách ly, người dân sẽ bị cảnh sát… đánh đòn. Nhiều nơi thậm chí còn áp dụng hình phạt hít đất.

Nhưng chưa dừng ở đó, theo The Guardian, một số hình phạt khắc nghiệt hơn vẫn đang được áp dụng. Một vài tuần trước, một video ngắn được đăng tải trên mạng đã cho thấy dân lao động nhập cư ở Ấn Độ phải ngồi khom lưng bên vệ đường để cảnh sát phun xịt hoá chất, nhằm khử khuẩn họ trước khi họ về các tỉnh thành nơi mình ở.

Những công nhân trở về từ Delhi bị phủ một lớp tẩy trắng, sodium hypochlorite, hoá chất có thể gây hại cho da, mắt và phổi, theo Indian Express. Trong khi đó, ở bang Punjab, những người bị buộc tội là vi phạm yêu cầu cách ly, sẽ phải tập squat và hét lên: “Chúng tôi là kẻ thù của xã hội. Chúng tôi không thể ngồi ở nhà".

Mặc dù đã có sự đồng thuận toàn cầu rằng cần nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước dịch viêm phổi Vũ Hán, và điều này dẫn đến việc phải tạm thời hy sinh một số quyền tự do cá nhân, nhưng chuyên gia Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã thúc giục các quốc gia phải đảm bảo các biện pháp chống dịch của họ là “vừa phải, cần thiết và không phân biệt chủng tộc".

Xem thêm:

Philippines

Tại Philippines, cảnh sát và chính quyền địa phương thậm chí còn nhốt những người vi phạm cách ly vào chuồng chó, trong khi nhiều người khác bị bắt ngồi dưới cái nắng gắt giữa trưa.

Đảo Luzon của đất nước này đang bị phong tỏa trong 1 tháng, hơn 40 triệu người dân phải ở trong nhà. Đây sẽ là trải nghiệm vô cùng thoải mái cho những ai có một nơi ở xa hoa, rộng rãi, nhưng sẽ trở thành “địa ngục” cho những gia đình nghèo khổ có căn phòng chật hẹp mà lại đông thành viên, dưới cái nóng như đổ lửa của Manila.

Khắp đất nước, hơn 17.000 người đã bị bắt giữ do vi phạm lệnh phong toả, theo trang Rappler. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã chỉ ra rằng, những hành động kiểu này sẽ phản tác dụng nếu tất cả người vi phạm được đưa vào cùng một cơ sở giam giữ.

Kenya

Những nhà hoạt động nhân quyền ở Kenya cảnh báo những chính sách mạnh tay không chỉ gây ra sự hoảng loạn cho xã hội mà còn gia tăng tỉ lệ lây nhiễm của virus.

Cụ thể là, ở cảng thành phố Mombasa tuần trước, cảnh sát đã phun xịt hơi cay vào những người trên phà, khiến hàng trăm người ho và đưa tay lau nước mắt. Chính quyền cũng đánh người vi phạm bằng gậy baton.

Vào thứ Ba (31/3), cảnh sát Kenya đã phải gửi lời chia buồn sâu sắc tới một gia đình. Đứa con 13 tuổi của bọ bị bắn và chết trên ban công ở Nairobi khi cảnh sát di chuyển qua khu vực lân cận, thi hành lệnh giới nghiêm trước dịch bệnh.

“Họ đến và hét, đánh chúng tôi như những con bò, và chúng tôi phải tuân thủ luật pháp", Hussein Moyo - cha của cậu bé bị bắn chết - chia sẻ.

“Nếu những biện pháp này dùng để bảo vệ người dân khỏi virus, thì thực tế cho thấy nó đã phản tác dụng", theo nhóm nghiên cứu Cải cách Chính sách của Cảnh sát ở Kenya.

Nhiều người dấy lên nỗi lo sợ rằng, chính phủ sử dụng các quan ngại về dịch bệnh để tăng cường quyền lực cá nhân, từ đó đưa ra những chế tài để dập tắt những ý kiến chỉ trích.

Nga

Nước Nga dự kiến ngày 25/3 dự luật được đưa ra thảo luận, áp đặt các hình phạt nghiêm khắc, có thể lên tới 7 năm tù giam, đối với người vi phạm. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt từ 500.000 ruble (khoảng 154,3 triệu đồng) tới 2 triệu ruble (khoảng 617,3 triệu đồng).

Trong dự luật, nếu người vi phạm khiến 1 người tử vong hay cố ý lây nhiễm sang nhiều người, họ có thể phải đối mặt với 5 năm tù giam, thậm chí lên tới 7 năm tù giam nếu khiến hơn 2 người tử vong.

Nga cũng đưa ra nhiều hình phạt nghiêm khắc cho những người cố ý vi phạm.
Nga cũng đưa ra nhiều hình phạt nghiêm khắc cho những người cố ý vi phạm. (Ảnh: Getty)

Pháp

Theo Euronews, cảnh sát Pháp đã phạt nhiều người vô gia cư do vi phạm yêu cầu của chính phủ trong việc phải tự cách ly ở nhà. Trước đó tổng thống Emmanuel Macron ban bố lệnh tự cách ly toàn quốc, mọi người dân Pháp phải ở nhà và chỉ được ra ngoài để đi làm, tập thể dục hay mua các vật dụng cần thiết. Chính sách có hiệu lực trong ít nhất 15 ngày, và người vi phạm có thể bị phạt từ 38 euro đến 135 euro (khoảng 971.000 đồng - 3.451.000 đồng).

Những người vô gia cư bị phạt ở Paris, Lyon và Bayonne. Nhưng trớ trêu là họ không có nơi nào để về, và họ không được phép ở những nơi công cộng. Giám đốc Liên đoàn Đoàn kết của Pháp (France’s Federation of Solidarity), tổ chức gồm 800 tổ chức từ thiện chống nghèo đói và vô gia cư, chia sẻ rằng: “Chúng tôi sẽ xin lời khuyên về việc gửi yêu cầu cho chính phủ dừng chế tài này ngay lập tức", theo AFP.

Nhiều người vô gia cư hoảng loạn và gọi đến tổ chức từ thiện. Hiện tại, các nhà ở hỗ trợ đã chật cứng và những địa điểm người vô gia cư thường lui tới như trung tâm mua sắm đều đóng cửa, vì vậy họ không có chỗ ngủ, và họ sợ hãi các hình phạt. Vài ngày sau, Pháp mở một trung tâm cách ly cho người vô gia cư bị nhiễm virus mà chưa cần đến bệnh viện. Tuy nhiên, những người vô gia cư không có triệu chứng vẫn chưa có nơi để về.

Trong báo cáo gần đây, tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, các chính phủ cần bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do truy cập thông tin của người dân. Việc hạn chế quyền tự do di chuyển có thể chấp nhận được, nhưng chúng ta cần đảm bảo tính minh bạch và “tôn trọng nhân phẩm con người".

Minh Anh



BÀI CHỌN LỌC

Những biện pháp khắc nghiệt nhất thời Covid-19: Phạt tù, phun hoá chất và đánh đập