Sau 25 năm, những điều người Mỹ từng tin tưởng đều hoàn toàn sai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta thường suy nghĩ và hình thành nhiều định kiến khác nhau về xã hội, đôi khi những quan niệm này trở nên phổ biến đến mức nó trở thành xu thế. 25 năm trước, người Mỹ đã từng tin rằng ngoại trừ chất béo, tinh bột không phải là yếu tố gây nên thừa cân; một số người thì lại tỏ ra sợ hãi dòng điện vì nguy cơ mắc bệnh ung thư; số khác thậm chí còn cho rằng Osama Bin Laden là một chiến binh vĩ đại...

Tuy nhiên thời gian trôi đi, người ta bắt đầu nhận thức lại mới về các vấn đề xã hội và tiếp tục hình thành nên những định nghĩa mới. Một số quan niệm từng được tin tưởng và cho là đúng đắn đã dần trở nên lỗi thời hoặc được chứng minh là sai lầm.

Sau đây là 7 hiểu lầm của người Mỹ vào 25 năm trước:

1. Steve Jobs vượt qua định kiến

Tiểu thuyết gia F. Scott Fitzgerald từng để lại một câu nói nổi tiếng: “Không có cơ hội làm lại lần thứ hai trong cuộc đời của người Mỹ”, hàm ý rằng bất kỳ ai cũng phải nỗ lực hết sức vì cơ hội một khi trôi qua sẽ không bao giờ trở lại. Tuy nhiên câu nói này không “linh ứng” lắm với Steve Jobs khi vào năm 1985, ông bị buộc phải rời khỏi chính công ty của mình (đồng sáng lập cùng với Steve Wozniak vào năm 1976).

Steve Jobs cùng Steve Wozniak sáng lập Công ty Apple vào năm 1976.
Steve Jobs cùng Steve Wozniak sáng lập Công ty Apple vào năm 1976. (Getty)

Steve Jobs được so sánh với nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison, người ta xem ông như một thiên tài người Mỹ đích thực. Sau khi rời khỏi Apple, Steve Jobs bắt đầu thành lập Công ty máy tính NeXT. Theo New York Times, NeXT đã bán được khoảng 50.000 chiếc máy tính chỉ trong hơn 7 năm với mức giá cực kỳ đắt đỏ: 9.500 đô la. Thời điểm này, Steve Jobs quản lý hầu như mọi thứ trong công ty trước khi quyết định từ bỏ việc kinh doanh - chế tạo máy tính vào năm 1992, thay vào đó ông tập trung vào việc phát triển phần mềm.

Cũng trong thời gian đó, Apple rơi vào giai đoạn khó khăn và khủng hoảng. Hãng phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ Windows vào năm 1995. Tuy nhiên chỉ 2 năm sau, Steve Jobs đã đánh dấu sự trở lại đầy ngoạn mục sau những ngày tháng “lăn lộn” bên ngoài.

Những kinh nghiệm có được từ công ty cũ đã thay đổi và là động lực cho một Steve Jobs đầy cá tính “phục hồi”. Ông đã quản lý Apple theo một mô hình mới vượt trội hơn rất nhiều so với trước đó. Từ vị thế của một công ty đang lụi tàn, Apple trở thành một “ông kẹ” khuấy đảo thế giới công nghệ trong suốt hơn chục năm qua bằng những phát minh đi trước thời đại, và độc nhất vô nhị.

Steve Jobs được so sánh với nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison, người ta xem ông như một thiên tài người Mỹ đích thực.
Steve Jobs được so sánh với nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison, người ta xem ông như một thiên tài người Mỹ đích thực. (Getty)

Giờ đây nhiều người vẫn tin rằng, nếu Steve Jobs không quay trở lại thì Apple có thể đã chết, chúng ta cũng sẽ không thể sở hữu những chiếc iPhone hay Macbook tuyệt hảo như bây giờ. Và có lẽ chính Steve Jobs là một trong số những con người hiếm hoi phá vỡ được “lời nguyền” của tiểu thuyết gia F. Scott Fitzgerald.

2. Osama Bin Laden là chiến binh tự do và đem lại hòa bình

Năm 1993, Robert Fisk - nhà văn, nhà báo người Anh - đã viết một bài báo rất tích cực về Bin Laden với tiêu đề “Chiến binh chống Liên Xô đưa quân đội của mình đến với con đường hòa bình” (Anti-Soviet warrior puts his army on the road to peace).

Bài báo nói rằng: “Với gò má cao, đôi mắt hí và chiếc áo choàng dài màu nâu, ông Bin Laden tựa như một chiến binh thánh chiến huyền thoại. Những đứa trẻ trong trang phục Hồi giáo nhảy múa chào đón sự hiện diện của ông, những nhà thuyết giáo lỗi lạc đều thừa nhận trí tuệ và sự khôn ngoan của ông”. Hài hước thay, khi đây đã từng là đoạn mô tả về kẻ chủ mưu đứng sau vụ khủng bố kinh hoàng khiến gần 3.000 người thiệt mạng vào ngày 11/9/2001.

Hài hước thay, khi đây đã từng là đoạn mô tả về kẻ chủ mưu đứng sau vụ khủng bố kinh hoàng khiến gần 3.000 người thiệt mạng vào ngày 11/9/2001.
Hài hước thay, khi đây đã từng là đoạn mô tả về kẻ chủ mưu đứng sau vụ khủng bố kinh hoàng khiến gần 3.000 người thiệt mạng vào ngày 11/9/2001. (Getty)

Bin Laden xuất thân trong một gia đình giàu có với truyền thống làm nghề xây dựng. Y đến Afghanistan để tham gia chiến đấu chống lại Liên Xô sau khi người Nga xâm lược đất nước này vào năm 1979, và có dính líu đến tổ chức thánh chiến - được gọi là “những người chiến đấu vì tự do”. Có nguồn tin cho rằng Bin Laden được Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ (CIA) tài trợ gián tiếp.

NBC News cho biết: “Vào năm 1984, ông ta điều hành một tổ chức bình phong có tên Maktab al-Khidamar - MAK - phụ trách vận chuyển tiền, vũ khí và các chiến binh từ thế giới bên ngoài vào cuộc chiến ở Afghanistan”.

Năm 1999, tờ Guardian viết rằng, mặc dù “không thể đánh giá được Osama Bin Laden đã nhận được bao nhiêu viện trợ từ Mỹ”, nhưng người ta tin rằng rất nhiều người nước ngoài đã học được “cách chế tạo bom, phá hoại và chiến tranh du kích đô thị trong các trại huấn luyện ở Afghanistan mà CIA đã giúp thiết lập”. Tuy nhiên, bài báo nói rằng vấn đề không chỉ là về Bin Laden, mà “vấn đề là chúng ta (nước Mỹ) đã tạo ra một lực lượng được đào tạo bài bản và có khả năng quay lại phản bội mình. Đó là một kịch bản kinh điển của Quái vật Frankenstein”.

Vì thế, thay vì là người mang đến hòa bình, Osama Bin Laden lại trở thành “quái vật” nguy hiểm nhất.

Vì thế, thay vì là người mang đến hòa bình, Osama Bin Laden lại trở thành “quái vật” nguy hiểm nhất.
Vì thế, thay vì là người mang đến hòa bình, Osama Bin Laden lại trở thành “quái vật” nguy hiểm nhất. (Getty)

3. Tội phạm ngày càng trỗi dậy và trở thành “siêu ác nhân”

Vào đầu những năm 1990, tỷ lệ tội phạm trên toàn nước Mỹ tăng vọt khiến người dân đã hình thành một tâm lý lo sợ sự xuất hiện của những “siêu ác nhân”. Như tờ New York Times từng đưa tin vào năm 2014, ý tưởng về những kẻ siêu ác nhân “dựa trên quan điểm cho rằng vào một thời điểm nào đó sẽ xuất hiện một nhóm những thanh thiếu niên sa đọa về đạo đức, hung ác và tàn bạo đến mất kiểm soát, không bị lương tâm ràng buộc phá hoại và gây ra sự hỗn loạn đối với cấu trúc xã hội”.

Các nhà tội phạm học như James A. Fox đã nói rằng một “cuộc tắm máu bạo lực” sẽ tàn phá đất nước. Trong khi đó, John DiLulio Jr - một nhà khoa học chính trị đã cảnh báo rằng, “sự hoành hành của tội phạm và bạo lực thanh thiếu niên” sẽ gây tổn hại cho khu vực nội thành, chúng sẽ “tràn vào trung tâm cao cấp - các quận trong thành phố, các vùng ngoại ô và thậm chí cả khu vực nông thôn”. Sau đó, ông nhấn mạnh “tất cả các nghiên cứu chỉ ra rằng người Mỹ đang ngồi trên đỉnh của một quả bom tội phạm nhân khẩu học”.

Tuy nhiên, toàn bộ những khái niệm và suy diễn về “siêu ác nhân” hoàn toàn chỉ là thuyết âm mưu. Ngược lại với những cảnh báo và tâm lý hoảng sợ trên, tỷ lệ tội phạm trên toàn nước Mỹ ngày càng giảm xuống nhanh chóng và đất nước này cũng trở nên an toàn hơn.

4. Nguy cơ ung thư từ dòng điện

Vào đầu những năm 1990, người ta lo ngại việc sống gần đường điện cao thế sẽ gây hại cho sức khỏe của con người, đặc biệt là trẻ em.
Vào đầu những năm 1990, người ta lo ngại việc sống gần đường điện cao thế sẽ gây hại cho sức khỏe của con người, đặc biệt là trẻ em. (Getty)

Vào đầu những năm 1990, người ta lo ngại việc sống gần đường điện cao thế sẽ gây hại cho sức khỏe của con người, đặc biệt là trẻ em. Nhà báo Ted Koppei từng nói trên chương trình ABC’s Nightline rằng: “Mối nguy tiềm tàng từ trường điện từ đang biến hàng triệu người trở thành động vật thí nghiệm”.

Sau đó, tờ New York Times cho biết: “Nỗi sợ hãi đã lớn đến mức dường như có thể sờ thấy được đã bao trùm khắp các vùng lãnh thổ của đất nước, khi xuất hiện ngày càng nhiều những báo cáo về bệnh ung thư ở trẻ em có gia đình sống gần đường điện cao thế”.

Một số nhà khoa học đã xem xét các nghiên cứu được thực hiện vào những năm 1990 và đưa ra kết luận: Rủi ro từ hệ thống đường điện cao thế hầu như không tồn tại. Năm 2014, John Moulder - một chuyên gia trong lĩnh vực này đã tuyên bố rằng: “Chưa ai chứng minh được rằng các dòng điện từ có thể tác động xấu đến tế bào người hay động vật, do đó nó không thể gây ra ung thư”.

Tuy vậy, nỗi sợ hãi về trường điện từ vẫn tồn tại đối với một số người cho đến ngày nay. Moulder giải thích rằng: “Một khi những thứ như thế này trở thành một phần trong ký ức chung của chúng ta, sẽ không có cách nào để xóa mờ nó vĩnh viễn”.

5. Căn bệnh thế kỷ AIDS sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn

Vào năm 1991, Magic Johnson - một trong những tuyển thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng rổ NBA - đã bất ngờ tiết lộ anh bị nhiễm HIV và ngay lập tức rời khỏi đội Los Angeles Lakers. Tin tức lan truyền và gây sốc đến nỗi một số nhà báo thậm chí đã bật khóc.

Vào năm 1991, Magic Johnson - một trong những tuyển thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng rổ NBA - đã bất ngờ tiết lộ anh bị nhiễm HIV và ngay lập tức rời khỏi đội Los Angeles Lakers.
Vào năm 1991, Magic Johnson - một trong những tuyển thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng rổ NBA - đã bất ngờ tiết lộ anh bị nhiễm HIV và ngay lập tức rời khỏi đội Los Angeles Lakers. (Getty)

Vào thời ấy, nếu ai đó tuyên bố bị nhiễm AIDS, đó không khác gì họ đang nhận án tử hình. Người ta thậm chí còn coi AIDS như một căn bệnh đồng tính nam, vì vậy khi Johnson tiết lộ anh bị nhiễm bệnh “do quan hệ tình dục khác giới không dùng biện pháp bảo vệ an toàn” đã gây ra chấn động thực sự.

Tuy nhiên sau hơn 25 năm, Johnson không những vẫn sống mà còn khỏe mạnh như một chú ngựa hoang dã. Trong khi đó, AIDS lại trở thành một căn bệnh có thể điều trị được ở Hoa Kỳ nhờ vào phác đồ trị liệu dựa trên sự kết hợp của ba loại thuốc kháng retrovirus được gọi với cái tên khá mĩ miều: “triple cocktail”.

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh, khoảng 1,2 triệu người Mỹ đang sống chung với căn bệnh này, và số trường hợp dương tính được chẩn đoán đã giảm 19% trong giai đoạn từ năm 2005 - 2014. Mặc dù bệnh AIDS vẫn gây tử vong, nhưng giờ đây nó không còn được xem là án tử hình cho những ai bị nhiễm bệnh nữa.

6. Ong sát thủ sẽ tiêu diệt nhân loại

Ban đầu, người ta cho rằng loài ong này sẽ phù hợp với khí hậu Nam Mỹ, nhưng cuối cùng chúng lại được gọi với cái tên “ong sát thủ” và sinh sôi tràn lan khắp thế giới
Ban đầu, người ta cho rằng loài ong này sẽ phù hợp với khí hậu Nam Mỹ, nhưng cuối cùng chúng lại được gọi với cái tên “ong sát thủ” và sinh sôi tràn lan khắp thế giới. (Getty)

Ngày nay hầu hết mọi người đều biết rằng loài ong thực sự đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái của chúng ta. Sự tồn tại và phát triển của các loài thực vật dựa vào khả năng thụ phấn từ những chú ong cần mẫn. Theo BBC, nhiều nhà khoa học đã lo ngại trước nguy cơ tuyệt chủng đối với loài ong khi các loại cây trồng sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu và hóa chất.

Nhưng vào đầu những năm 1990, người ta lại cảm thấy sợ hãi đối với loài ong, đặc biệt là “ong mật Châu Phi”. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ong mật Châu Phi được đưa đến Brazil vào những năm 1950. Ban đầu, người ta cho rằng loài ong này sẽ phù hợp với khí hậu Nam Mỹ, nhưng cuối cùng chúng lại được gọi với cái tên “ong sát thủ” và sinh sôi tràn lan khắp thế giới cho đến khi xuất hiện tại Hoa Kỳ vào năm 1990.

Tại Mỹ, sự xuất hiện của ong sát thủ đã gây ra phiền toái và hoảng sợ cho phần lớn dân chúng. Một vài người đã chết khi cố gắng đuổi đàn ong đi, điều này khiến không ít người lo sợ rằng chúng sẽ giết thêm nhiều người hơn nữa.

BBC cho biết, nhiều người tin rằng loài ong sát thủ có kích thước “khổng lồ và được trang bị nọc độc gây chết người”, tuy nhiên thực tế “ong sát thủ nhỏ hơn ong mật thông thường”, và “nọc độc của chúng cũng kém độc hơn”. Sự khác biệt chính là chúng có khả năng chích nọc độc và truy đuổi mục tiêu trong khoảng cách xa hơn so với ong thường. Vì vậy ong sát thủ chưa bao giờ là mối đe dọa giống như mọi người nghĩ.

7. Chế độ ăn ít chất béo với rất nhiều carb* là chìa khóa để giảm cân

(*) Carb - Carbohydrate bao gồm hàm lượng đường, tinh bột, chất xơ có trong thực phẩm.

Chế độ ăn ít carb là bí quyết để giảm cân.
Chế độ ăn ít carb là bí quyết để giảm cân. (Wikimedia Commons)

Năm 1992, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã công bố một kim tự tháp dinh dưỡng để giải thích cho người Mỹ những gì họ nên ăn. Phần đáy của tháp đề xuất 6 - 11 khẩu phần carb mỗi ngày, “chất béo và dầu” nên được “sử dụng một cách tiết kiệm”. Trong khi đó, thịt và các loại hạt chỉ nên bao gồm hai hoặc ba phần. Chế độ ăn kiêng ít chất béo với rất nhiều carb được coi là cách để có sức khỏe tốt và giảm cân.

Một trong những nhân vật hot nhất trong nền văn hóa đại chúng vào thời điểm đó thúc đẩy chế độ ăn kiêng này là Susan Powter. Vào những năm 1990, Susan nổi tiếng với câu nói “Stop the Insanity!” (Ngăn chặn sự điên rồi!”. Cô tuyên bố: “Cuộc thập tự chinh giảm cân nhấn mạnh đến chế độ ăn ít chất béo và ưu tiên nhiều tinh bột. Không phải thực phẩm làm bạn béo mà chính chất béo mới là tác nhân khiến bạn mập lên”.

Tuy nhiên Susan đã nhầm, thực tế có rất nhiều thứ khác có thể khiến chúng ta béo lên. Tờ Time viết rằng chế độ ăn kiêng của cô ấy “gây ra tình trạng chạy theo thực phẩm ít béo đã qua chế biến như SnackWells hay sữa chua đông lạnh. Nhưng hóa ra, những món ăn đó lại chứa đầy đường và một mớ calo. Kết quả là bạn đã tăng cân”.

Năm 2011, FDA đã đề xuất hướng dẫn dinh dưỡng mới với tên gọi MyPlate. Khuyến nghị này nhấn mạnh ưu tiên các thực phẩm có nguồn gốc từ rau quả, giảm lượng carb/ngũ cốc trong chế độ ăn. Viện Y tế Quốc gia Mỹ cũng đã công bố một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy những người đang giảm cân thường sử dụng các loại thực phẩm ít carb hơn so với chất béo.

Vì vậy, ý tưởng lấp đầy dạ dày bằng bánh mì trắng, gạo và ngũ cốc như kim tự tháp dinh dưỡng ban đầu đã hoàn toàn lỗi thời.

Hoàng Tuấn
Theo Grunge.com



BÀI CHỌN LỌC

Sau 25 năm, những điều người Mỹ từng tin tưởng đều hoàn toàn sai