Những điều độc đáo, kỳ quái ở mỗi quốc gia mà bạn có thể chưa biết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có những điều thú vị ở quốc gia này lại trở thành kỳ quặc ở quốc gia khác. Chúng ta không thể biết hết mọi thứ. Nhưng bạn có thể tìm thấy một số sự thật thú vị và hay ho về các vùng miền khác nhau trên thế giới.

Phần Lan: Cõng vợ là một môn thể thao

Bạn có tin rằng bế hoặc cõng vợ được coi là một môn thể thao? Ở Phần Lan, cõng vợ hay còn gọi là eukonkanto đã được thế giới công nhận là một môn thể thao và cứ vào đầu tháng 7, thị trấn nhỏ Sonkajärv của Phần Lan lại trở nên náo nhiệt với các cặp vợ chồng tham gia cuộc thi có nguồn gốc từ thế kỷ 19. Năm 1992, nó được gọi là Giải vô địch thế giới cõng vợ.

Theo quy định, người phụ nữ phải đủ cân nặng trên 49kg (nếu nhẹ hơn sẽ phải mang một cái ba-lô cho đủ trọng lượng). Mỗi cặp đôi phải vượt qua chặng đường dài 253,5m, vượt chướng ngại vật như hàng rào gỗ cao gần 1m, qua một cái ao đầy bùn đất và một ụ cát trong thời gian ngắn nhất. Cặp đôi nào về đích nhanh nhất sẽ giành chức vô địch. Giải thưởng là lượng bia tương ứng với trọng lượng của người vợ. Từ năm 2005, trò chơi đã được mở rộng ở các quốc gia khác như Úc, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Châu Á.

Mỗi cặp đôi phải vượt qua chặng đường dài 253,5m, vượt chướng ngại vật như hàng rào gỗ cao gần 1m, qua một cái ao đầy bùn đất và một ụ cát trong thời gian ngắn nhất.
Mỗi cặp đôi phải vượt qua chặng đường dài 253,5m, vượt chướng ngại vật như hàng rào gỗ cao gần 1m, qua một cái ao đầy bùn đất và một ụ cát trong thời gian ngắn nhất. (Wikipedia)

Đức: Đập vỡ chén đĩa là điềm lành của cặp uyên ương

Polterabend là một tập tục truyền thống của người Đức diễn ra trước lễ cưới, người thân và bạn bè của cô dâu chú rể sẽ mời khách tới dự lễ này và mỗi vị khách sẽ mang theo vật dụng như bát, chén, đĩa, lọ hoa được làm từ gốm, sứ… ngoại trừ thủy tinh. Khách mời sẽ được yêu cầu tự tay đập vỡ những món đồ mình mang theo và cặp hôn phu sẽ phải tự dọn dẹp bãi “chiến trường” này. Số lượng bát đĩa bị đập vỡ càng nhiều thì tượng trưng cho sự hòa thuận của cặp đôi trong tương lai càng bền vững.

Phong tục này có ý nghĩa là khi cặp vợ chồng cùng nhau làm việc, cùng chia sẻ khó khăn - điều cần thiết để tạo dựng nền móng vững chắc cho mọi cuộc hôn nhân thì chắc chắn cô dâu chú rể có thể sống hạnh phúc bên nhau trọn đời. Ẩn ý của phong tục này là ít nhất cặp đôi đã biết đối mặt với “địa ngục” của đống bát đĩa vỡ ngay từ sự khởi đầu của hôn nhân và mọi thứ sẽ được cải thiện từ đây. Tục Polterabend không thể thiếu trong một đám cưới truyền thống tại Đức.

Số lượng bát đĩa bị đập vỡ càng nhiều thì tượng trưng cho sự hòa thuận của cặp đôi trong tương lai càng bền vững.
Số lượng bát đĩa bị đập vỡ càng nhiều thì tượng trưng cho sự hòa thuận của cặp đôi trong tương lai càng bền vững. (Wikipedia)

Nigeria: Chào người lớn tuổi bằng cách nằm phủ phục xuống đất

Ở châu Phi có nhiều cách chào hỏi nhau độc đáo như nhảy múa, lắc mông hay cọ mũi vào nhau, nhưng với người Yoruba, một bộ tộc cư trú ở Nigeria thì nghi thức chào hỏi được thực hiện khá nghiêm túc. Những đứa trẻ Yoruba khi gặp người lớn tuổi ​​sẽ quỳ xuống chào và tuổi tác càng cao thì mức độ quỳ chào sẽ càng thấp. Nam giới Yoruba khi chào hỏi sẽ nằm rạp xuống đất còn phụ nữ thì ngồi quỳ hai đầu gối, chào hỏi, hai tay chắp đằng sau.

Những cử chỉ chào hỏi này là một chỉ dấu cho sự tôn trọng và bảo vệ những người lớn tuổi trong cộng đồng của họ. Thật thú vị, phong tục độc đáo này là một trong những cách phân biệt người Yoruba với các bộ tộc khác ở Nigeria nói riêng và châu Phi nói chung.

Indonesia: Ngày Tĩnh lặng của Bali

Mỗi năm một lần, đảo Bali nổi tiếng của Indonesia lại chìm trong tĩnh lặng vào dịp lễ Nyepi, thường được gọi là "Ngày Tĩnh lặng". Khi ấy người Bali sẽ ngồi thiền định trong 24 giờ. Theo lịch Hindu, "Ngày Tĩnh lặng" đánh dấu một năm mới của người dân trên đảo và trong ngày này mọi người không được đốt lửa, không đi lại, làm việc hoặc giải trí, chỉ được phép nói chuyện một cách tối thiểu. Những người duy nhất mà bạn có thể nhìn thấy ngoài đường được gọi là Pecalang - người bảo vệ truyền thống - đang đi kiểm tra xem các lệnh cấm có được tuân thủ hay không.

Đảo Bali vốn nhộn nhịp sôi động bỗng im ắng lạ thường. Sân bay Denpasar vắng lặng tạm ngừng các chuyến bay, mạng Internet ngắt kết nối, các điểm du lịch và trung tâm mua sắm tạm đóng cửa. Ôtô và xe máy cũng không được phép lưu thông trên đường phố trừ trường hợp khẩn cấp. Đèn đường cũng tắt, người dân cũng không bật đèn dù ở trong nhà. Chính quyền địa phương cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp mạng di động tạm ngừng dịch vụ trừ các hoạt động công cộng thiết yếu.

Mỗi năm một lần, đảo Bali nổi tiếng của Indonesia lại chìm trong tĩnh lặng vào dịp lễ Nyepi, thường được gọi là "Ngày Tĩnh lặng". Khi ấy người Bali sẽ ngồi thiền định trong 24 giờ.
Mỗi năm một lần, đảo Bali nổi tiếng của Indonesia lại chìm trong tĩnh lặng vào dịp lễ Nyepi, thường được gọi là "Ngày Tĩnh lặng". Khi ấy người Bali sẽ ngồi thiền định trong 24 giờ. (Wikipedia)

Thụy Sĩ: Cửa hàng mua sắm trung thực

Thụy Sỹ là một quốc gia nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa các cường quốc châu Âu, tài nguyên khoáng sản nghèo nàn, núi đồi chiếm hầu hết diện tích nhưng lại trở thành quốc gia giàu nhất thế giới. Điều bí ẩn làm nên sức mạnh cho quốc gia nhỏ bé đó là sự chăm chỉ, cần cù, tiết kiệm và trung thực của người Thụy Sĩ.

Tại giữa dãy núi Alps có các cửa hàng nhỏ bé được gọi là các cửa hàng trung thực. Bạn có thể vào những cửa hàng này mua phô mai tươi, sữa tươi, bánh mì, mật ong và bơ mà không có người bán hàng hay bất cứ ai ở đó để thu tiền hoặc phục vụ bạn. Thực tế, các cửa hàng này thuộc sở hữu của những người nông dân địa phương, họ bận bịu với công việc trang trại nên không dành thời gian để bán hàng. Vì vậy, khách đến mua tự để lại tiền trong một cái giỏ nhỏ ở cửa hàng. Điều đáng kinh ngạc là hình thức đặt trọn niềm tin vào người tiêu dùng của các nhà cung cấp lại mang đến cho họ sự trung thành và trung thực tuyệt vời của khách hàng trong cộng đồng dân cư tại đây.

Quốc Trung



BÀI CHỌN LỌC

Những điều độc đáo, kỳ quái ở mỗi quốc gia mà bạn có thể chưa biết