Nhóm lao động nghèo đi từ Bình Dương về quê, giấy xét nghiệm hết hạn mà vẫn chưa tới nhà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn 100 người từ Bình Dương về quê ở các tỉnh phía Bắc. Đi mất 3 ngày 3 đêm, đến được Sóc Sơn thì 41 người bị lạc, giấy xét nghiệm cũng hết hạn mà họ vẫn chưa về đến nhà.

Hôm 6/10, đội CSGT tại chốt kiểm soát dịch 19 trên tuyến Quốc lộ 2, địa phận huyện Sóc Sơn (Hà Nội), tiếp nhận đoàn người gồm 41 người đi từ Bình Dương về Hà Giang, Lai Châu nhưng bị lạc đường.

Đại úy Nguyễn Xuân Khương, Đội CSGT số 15, Tổ trưởng chốt kiểm dịch 19 trên tuyến QL2 cho biết: “Cả 41 trường hợp đều là người dân tộc ở các tỉnh phía Bắc, đi làm ở TP. HCM, Bình Dương về quê qua Hà Nội thì bị lạc đoàn. Khi qua chốt 19 đã được bố trí chỗ ngồi riêng, nghỉ ngơi uống nước, ăn nhẹ, đồng thời tiến hành khai báo y tế, test nhanh Covid-19 miễn phí”.

Tại chốt kiểm dịch, anh Sùng Mí Pó (SN 2000 ở Hà Giang) - một trong 41 người bị lạc đường kể lại, cả đoàn có hơn 100 người, quê ở các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, là công nhân từ Bình Dương, TP. HCM về quê bằng phương tiện xe máy. Đoàn người đã đi 3 ngày 3 đêm rồi và hẹn nhau ở Hà Nam. Sau một hành trình dài cả nghìn km, về được đến Sóc Sơn thì lạc nhau, chỉ còn lại nhóm 41 người này. Đến được Sóc Sơn thì giấy xét nghiệm Covid-19 của họ cũng hết hạn mà nhóm người vẫn chưa về được tới nhà.

Theo anh Lê Anh Trung, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, hầu hết người dân là lao động nghèo, không có tiền, đi từ các tỉnh phía Nam ra, giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng vừa hết hạn.

Khi đến chốt kiểm dịch 19, QL 2, nhóm của anh Sùng Mí Pó được tạo điều kiện để di chuyển tiếp trong hành trình dài về quê ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Lực lượng trực tại chốt đã thực hiện test nhanh để cấp giấy cho bà con di chuyển qua các địa phương khác, tặng nước uống, đồ ăn và xăng xe…

Cả 41 người dân này đều cho kết quả âm tính, sau đó CSGT đã liên hệ bàn giao đoàn người cho công an tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục dẫn đoàn về cầu Trung Hà (tỉnh Phú Thọ) để nhập đoàn lớn, trở về quê hương.

Giấy xét nghiệm Covid-19 mang tính chất tạm thời

Theo medlatec cho biết, giấy xét nghiệm Covid-19 không phân biệt là xét nghiệm khẳng định hay xét nghiệm nhanh. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý đến hiệu lực của tờ giấy này.

Ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế, giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 không mang tính chất dài hạn, mà chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn. Cụ thể, giấy chỉ mang ý nghĩa xác nhận một người không bị nhiễm SARS-CoV-2 ngay tại thời điểm thực hiện xét nghiệm. Và sau khi xét nghiệm xong, kết quả đã có thể khác đi, không chắc chắn là người đó không có mầm bệnh trong người.

Còn theo các chuyên gia xét nghiệm, chuyên gia dịch tễ, việc đặt ra thời hạn 3 ngày, 5 ngày hay 7 ngày cho giấy xét nghiệm là hoàn toàn không có cơ sở và căn cứ. Do đó, việc một số tỉnh thành yêu cầu người dân phải có giấy xét nghiệm trong một khoảng thời gian nhất định và dựa vào đó để “thông chốt” là thiếu hợp lý.

Hiện nay, dòng người lao động ở các thành phố lớn vẫn đang ồ ạt trở về quê nhà bất chấp mùa mưa bão đang tới gần. Có hàng trăm, hàng ngàn người chạy xe máy, tận dụng đủ các loại phương tiện dù là thô sơ nhất để tìm cách về quê, như đi xe đạp, đi bộ, dù quãng đường về quê nhà có khi lên tới hàng ngàn cây số.

Như vợ chồng ​​chị Trần Nhã Loan (quê Trà Vinh) chỉ xách theo bộ đồ, giắt túi vài chục nghìn túc tắc đi bộ từ TP. HCM về quê Trà Vinh. Hai vợ chồng đi bộ về quê vì chủ nhà trọ đuổi, không có tiền trả, không thuê tiếp được. Sau khi bị đuổi khỏi nhà trọ, 2 vợ chồng lay lắt ngủ ngoài gầm cầu đã hai đêm, nên dù xa xôi và mệt mỏi nhưng cũng quyết tâm đi bộ trở về quê nhà.

Vợ chồng ​​ chị Trần Nhã Loan (quê Trà Vinh) chỉ xách theo bộ đồ, giắt túi vài chục nghìn túc tắc đi bộ từ TP. HCM về quê Trà Vinh (Ảnh: cắt từ video)
Vợ chồng ​​ chị Trần Nhã Loan (quê Trà Vinh) chỉ xách theo bộ đồ, giắt túi vài chục nghìn túc tắc đi bộ từ TP. HCM về quê Trà Vinh (Ảnh: cắt từ video)

"Trước giãn cách, tôi đi làm công ty may nhưng sau đó dịch bùng phát công ty phát hết lương tháng cuối, khoảng hơn 4 triệu đồng cho hơn 10 ngày làm việc rồi báo nghỉ đến giờ là thất nghiệp 3 tháng rưỡi rồi. Còn chồng tôi đi làm phụ hồ" - chị Loan chia sẻ.

Bên cạnh đó, chị Loan cho biết trong suốt nhiều tháng giãn cách, cả gia đình chị chỉ nhận được 5 kí gạo, cuộc sống rất khó khăn nên đành phải trở về quê. Vợ chồng chị Loan cũng cảm thấy vui khi dọc đường đi có rất nhiều người giúp đỡ cho đồ ăn, nước uống, bánh mì, sữa... trên suốt hành trình về Trà Vinh.

Thiên Cầm

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Nhóm lao động nghèo đi từ Bình Dương về quê, giấy xét nghiệm hết hạn mà vẫn chưa tới nhà