Nhiều trường đại học Mỹ vẫn nhận tiền từ các tổ chức “bình phong” của ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã chỉ định Viện Khổng Tử là cơ quan tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ. Tuy nhiên, hàng chục trường đại học Mỹ, bao gồm ĐH nổi tiếng như ĐH Stanford và ĐH Columbia tiếp tục nhận hàng triệu đô la từ chương trình giáo dục toàn cầu do ĐCSTQ điều hành.

Vẫn răm rắp nghe lời ĐCSTQ

Chính quyền Tổng thống Trump đã dán nhãn các thực thể chịu sự kiểm soát trực tiếp của các thế lực nước ngoài là “các cơ quan đại diện nước ngoài”, và việc chỉ định họ phải tuân theo các yêu cầu hành chính tương tự như các yêu cầu áp dụng cho lãnh sự quán và đại sứ quán.

ĐCSTQ đã chi hơn 150 triệu USD tài trợ cho hơn 100 chương trình của Viện Khổng Tử trên khắp nước Mỹ.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã gọi nhóm Viện Khổng Tử này là “một thực thể thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền toàn cầu và gây ảnh hưởng xấu của Bắc Kinh đối với các trường học của Hoa Kỳ. Các Viện Khổng Tử được tài trợ bởi CHND Trung Hoa và là một phần của bộ máy tuyên truyền và ảnh hưởng toàn cầu của ĐCSTQ”.

Mục đích của chương trình là quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Nhiều trường đại học Mỹ phụ thuộc vào nguồn tài trợ của các Viện Khổng Tử để hỗ trợ văn hóa Trung Quốc và các lớp học tiếng Quan Thoại. Nhưng những Viện Khổng Tử này - dưới sự chỉ đạo của ĐCSTQ - từ lâu đã bị chỉ trích vì hạn chế quyền tự do học thuật trong khuôn viên trường ĐH Mỹ, và gây áp lực buộc các trường phải kiểm duyệt các bài phát biểu mà ĐCSTQ không chấp thuận.

Theo BBC, một trường đại học của Mỹ đã hủy cuộc nói chuyện với nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo Tây Tạng - Đức Đạt Lai Lạt Ma - trong khi một trường đại học khác loại bỏ các tham chiếu đến Đài Loan khỏi tiểu sử của một diễn giả trong trường đại học trước áp lực từ Viện Khổng Tử.

Viện Khổng Tử cũng cấm nhân viên của mình nói về các chủ đề như trại tập trung Tân Cương và các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Tất cả đều là vì tiền

Bất chấp cảnh báo của chính quyền Tổng thống Trump, một số trường đại học tại Mỹ vẫn có kế hoạch tiếp tục mối quan hệ với những Viện “bình phong” này của ĐCSTQ.

Các trường đại học như ĐH Suny Albany và ĐH George Washington cho rằng, họ không tin rằng chương trình này có nguy cơ đe dọa đến tự do học thuật.

Trong khi đó, ĐH Stony Brook và ĐH Tufts nói rằng họ đang xem xét “chỉ định” của chính quyền Trump để quyết định xem họ có cần thay đổi mối quan hệ của trường với Viện Khổng Tử hay không.

Tất nhiên, những trường này vẫn đang cố gắng bao biện để vẫn được tiếp tục hợp tác với các chương trình của Viện Khổng Tử, tất cả là bởi khoản tài trợ “đi kèm” lên tới 1 triệu đô la từ ĐCSTQ.

Tuy nhiên, đã có 22 trường đại học đã loại bỏ các chương trình của Viện Khổng Tử này tính từ đầu năm tới nay. Năm 2019, 21 trường đã đóng cửa Viện Khổng Tử. Các trường đại học đã liệt kê rất nhiều lý do cho việc đóng cửa, từ đại dịch virus corona Vũ Hán đến những lo ngại về ngân sách, nhưng các chuyên gia tin rằng áp lực chính trị cũng đóng một vai trò lớn.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn khen ngợi các trường đại học đã chấm dứt mối quan hệ với chương trình này, nhưng cảnh báo rằng họ có thể tìm những cách khác để hợp tác với chính phủ Trung Quốc.

Bà cho biết: “Tôi rất vui vì một số trường đại học đã nhận ra tác hại của các Viện Khổng Tử. Tuy nhiên, công việc của chúng tôi sẽ chưa dừng lại cho đến khi mọi Viện Khổng Tử bị đóng cửa, ngay cả khi họ núp bóng dưới một cái tên khác, hoặc thông qua một chi nhánh Hanban khác. Chúng tôi phải luôn cảnh giác và linh hoạt để theo kịp các “chiến thuật” của ĐCSTQ”.

Ví dụ ĐH Pace đã cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử vào năm ngoái, nhưng vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân viên của Viện này trong một chương trình châu Á mới thay thế Viện. Trong khi đó, ĐH Michigan đang hợp tác với Hanban, chi nhánh của ĐCSTQ chịu trách nhiệm tổ chức Viện Khổng Tử, để tìm các thỏa thuận thay thế sau khi kết thúc mối quan hệ với Viện vào năm ngoái.

Giám đốc Nghiên cứu của Hiệp hội Học giả Quốc gia Rachelle Peterson cho biết trong khi nhiều trường đại học cắt đứt mối quan hệ với Viện Khổng Tử, họ vẫn kết nối với ĐCSTQ: "Các trường đại học không lấy đó làm bài học, họ chỉ đang chơi một trò chơi PR."

Thật không may, nhiều trường đại học Mỹ vẫn hợp tác toàn diện với ĐCSTQ khi tự kiểm duyệt, miễn sao chính quyền tà ác này vẫn đổ tiền vào ngân sách của trường họ. Có thể nói, những trường ĐH Mỹ vẫn còn tiếp tục bắt tay với ĐCSTQ, họ đã đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích quốc gia.

Đông Bắc



BÀI CHỌN LỌC

Nhiều trường đại học Mỹ vẫn nhận tiền từ các tổ chức “bình phong” của ĐCSTQ