Nhật ký những ngày phong tỏa: Sài Gòn ‘đêm trở gió’, xin đừng để người nghèo ‘gục ngã’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sài Gòn "đêm trở gió" trong những ngày áp dụng quy định chống dịch theo Chỉ thị 16, dù nói ra hay không, chúng ta đều có chung mối băn khoăn: Người nghèo sẽ lấy gì để sống trong thời gian giãn cách? Nhiều người kêu gọi cộng đồng cố chịu đựng vì lợi ích chung, nhưng dù sao đi nữa, chúng ta vẫn nên “bước cùng nhau”, đừng để những phận người mong manh lẻ loi hay gục ngã...

Chợt nhớ rằng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lúc cảm thán: Có những căn nhà trống gió thổi lùa qua mọi ngõ ngách. Tâm hồn con người cũng có lúc gió lạnh lùa quanh”.

Khi sinh kế không còn, hoạt động cứu trợ từ thiện có lúc tạm ngưng, gói cứu trợ của nhà nước chưa biết khi nào đến tay, thì người nghèo phải làm thế nào đây?

Các quán cơm từ thiện bị yêu cầu tạm đóng cửa để đáp ứng quy định theo Chỉ thị 16. Nhưng suy cho cùng, đó chẳng phải là cứu cánh cuối cùng của người nghèo?

Có người cho rằng nếu chẳng may người nghèo “đi lang thang”, bị nhiễm bệnh thì thêm khổ. Nhưng nhiều người thương cảm thì cho rằng, nếu để họ ở nhà không có cái ăn, thì chết vì đói sẽ đến trước nguy cơ chết vì virus.

Vì thế, cơm miễn phí cho người nghèo vẫn nên được phục vụ trong suốt thời gian giãn cách, chỉ cần đảm bảo điều kiện an toàn, hướng dẫn người dân nghèo xếp hàng nhận cơm phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và rửa tay khử khuẩn theo đúng quy định.

Quán cơm từ thiện Nụ Cười 1 ở quận 5 đã được hoạt động trở lại sau thời gian bị cấm. Cán bộ phường sẽ tham gia cùng tình nguyện viên của quán trao các phần cơm tới tận tay cho người nghèo được địa phương lên danh sách.

Người lao động nghèo cũng “biết phận mình”, họ đầy tự trọng. Họ đến nhận những suất ăn miễn phí trong lúc khó khăn, và đảm bảo nguyên tắc 5K, trong trật tự và từ tốn.

Việc làm từ thiện cần được công nhận là lý do “chính đáng” để các tình nguyện viên, nhà hảo tâm có thể cùng lo cho người nghèo trong tình thế cấp bách.

Ngày hôm nay, Sài Gòn đang bị phong tỏa theo chỉ thị 16, càng về khuya, khi mọi người đã chìm trong giấc ngủ, bên góc đường góc đường kia vẫn có người nằm trăn trở vì gió lạnh… (Ảnh tổng hợp)
Ngày hôm nay, Sài Gòn đang bị phong tỏa theo chỉ thị 16, càng về khuya, khi mọi người đã chìm trong giấc ngủ, bên góc đường góc đường kia vẫn có người nằm trăn trở vì gió lạnh… (Ảnh tổng hợp)

Long đong những phận người

“Tôi có được nhận hỗ trợ không? Tôi phải gặp ai, làm gì? Sẽ nhận được tiền lúc nào và như thế nào?”, đó là những câu hỏi quan trọng nhất mà người dân gặp khó khăn mong nhận được câu trả lời.

Những người thuộc tầng lớp trung lưu còn cầm cự, xoay sở được do có một quỹ tiết kiệm nhỏ hoặc to, hay các khoản đầu tư... Những lao động nghèo thì hiếm khi có cùng điều kiện này. Cuộc sống của họ hầu như quanh năm chạy ăn từng bữa.

Trong khi đó, sự hỗ trợ của chính quyền còn nhiều bất cập. Những người không sinh sống tại nơi mình đăng ký hộ khẩu thì sao, họ không có tên trong danh sách được hỗ trợ ở quê nhà, cũng không thuộc danh sách ở thành phố.

Những người vẫn chưa nhận được hỗ trợ do không có giấy xác nhận hộ nghèo thì thế nào? Có lẽ không lâu nữa, những người này sẽ lâm vào khốn cùng.

Nhiều người dân cho rằng thay cho các loại giấy tờ, nếu cán bộ phát gói cứu trợ hay đại diện xã phường cần thêm "bằng chứng", người dân luôn sẵn sàng cung cấp thông tin rằng quanh họ đang có ai “đếm bữa” từng ngày.

Nhiều người kêu gọi cộng đồng cố chịu đựng vì lợi ích chung của xã hội, nhất là khi dịch đang căng thẳng. Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta vẫn nên “bước cùng nhau”, đừng để những phận người mong manh lẻ loi hay gục ngã.

Xót xa trước cảnh người đàn ông bới rác kiếm ăn giữa dịch Covid-19 ở Sài Gòn (Ảnh: tổng hợp)
Xót xa trước cảnh người đàn ông bới rác kiếm ăn giữa dịch Covid-19 ở Sài Gòn (Ảnh: tổng hợp)

Hãy đặt mình vào vị trí của người nghèo

Nhiều ý kiến cho rằng để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của nhóm “yếu thế nhất” - những người lao động nghèo và người vô gia cư, theo cách nhanh nhất, chúng ta có thể phát tiền trực tiếp, phát cơm từ thiện, với điều kiện đảm bảo 5K chống dịch.

Gói cứu trợ 62 nghìn tỷ đã không thành công. Gói cứu trợ mới 26 ngàn tỷ đồng làm sao đến tay dân nghèo? Để trả lời câu hỏi, chúng ta cần đặt mình vào vị trí người thụ hưởng.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng nhiều người nghèo chưa có tài khoản ngân hàng nên phương án chuyển khoản sẽ chỉ khả thi với một bộ phận. Song, nhiều người trong số họ có điện thoại và điện thoại thông minh. Các phương tiện này giúp họ dễ dàng tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là ứng dụng chuyển tiền qua điện thoại di động - mobile banking hoặc mobile money.

Chính quyền có thể chuyển khoản, phát tiền mặt hoặc phiếu mua hàng cho người người dân nghèo. Những phương thức này đều khả thi, nhanh chóng, tiện lợi và rẻ. Ngoài ra, chuyển qua ứng dụng mobile banking chỉ mất 1.000 đồng.

Các nước như Mỹ và châu Âu đã phát tiền trực tiếp cho dân khi dịch bùng phát vào năm ngoái, thiết nghĩ đất nước chúng ta không nên bỏ qua điều này, vì lợi ích toàn cục lớn hơn: Mục tiêu an dân và chống dịch. Người nghèo đang chờ đợi tiền cứu trợ. Chính sách do con người làm ra và thực thi. Vấn đề là chúng ta có đặt mình vào vị trí người nghèo hay không?

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lúc cảm thán rằng: Hãy đau đớn đi. Biết đau nỗi đau của người khác và của chính mình là dấu hiệu của lòng nhân ái. Cái tín hiệu đó phát đi và mọi người nhận được”.

Với Sài Gòn, văn hóa chia sẻ và tương thân tương ái trong hoạn nạn cũng là một truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, đừng để những câu chữ hành chính hay những diễn giải chủ trương khiến điều này gián đoạn, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn cấp bách như hiện nay.

Cũng đừng để vì thiếu cái ăn mà người nghèo phải “gục ngã”...

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Nhật ký những ngày phong tỏa: Sài Gòn ‘đêm trở gió’, xin đừng để người nghèo ‘gục ngã’