Nhân viên Bộ ngoại giao Mỹ đã rơi vào bẫy của gián điệp Trung Quốc như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2019, nhà ngoại giao Mỹ Candace Marie Claiborne bị kết án 40 tháng tù vì khai man về việc nhận tiền từ tình báo Trung Quốc để trao đổi các tài liệu mật của Mỹ. Câu chuyện cho thấy, tình báo Trung Quốc đã đi sâu như thế nào để khai thác những điểm yếu trong hệ thống an ninh quốc gia Mỹ.

Lý lịch trong sạch

Khi bà Candace Claiborne đến Bắc Kinh vào tháng 11/2009 để làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan này đã bắt đầu gia tăng cảnh giác trước mối đe dọa của tình báo Trung Quốc.

Lúc đó, Đại sứ quán Mỹ thực sự như một pháo đài trị giá 434 triệu USD, được thiết kế để chống lại sự xâm nhập cả trong trường hợp bị tấn công. Toà nhà được trang bị kính chống đạn, nhiều trạm kiểm soát an ninh và một hào nước bao quanh.

Để đề phòng khả năng bị nghe trộm, toàn bộ các phần cấu thành toà nhà được nhập khẩu nguyên kiện từ Mỹ. Song bất chấp sự cẩn trọng trên, cuối cùng, 2 công nhân xây dựng người Mỹ vẫn bị phát hiện đã cung cấp thông tin chi tiết về tòa nhà cho tình báo Trung Quốc.

Môi trường làm việc của Đại sứ quán Mỹ khá căng thẳng, bao gồm các cuộc họp và cảnh báo an ninh thường xuyên về những chiến thuật hết sức xảo quyệt của cơ quan tình báo Trung Quốc.

"Tôi luôn nhắc nhở các nam nhân viên rằng: Hãy nhìn vào gương đi, chẳng có người phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ nào lại tới làm quen với một gã đàn ông 50 tuổi cả", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Bà Claiborne lại không phải là đối tượng khiến Đại sứ quán Mỹ nghi ngại. Người phụ nữ 53 tuổi vào thời điểm đó, là mẹ của 4 người con đã trưởng thành, có phong thái của một người làm việc có nguyên tắc.

Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm việc cho chính phủ với một anh trai tham gia không quân và người còn lại làm cho FBI, bà Claiborne quyết định theo đuổi ước mơ và chuyển tới New York. Sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ, Claiborne cuối cùng đi theo truyền thống gia đình.

Bà được Bộ Ngoại giao Mỹ đào tạo để sắp xếp lịch hẹn, chuẩn bị chương trình nghị sự cho các cuộc họp và ghi chép. Công việc của Bà Claiborne ở đại sứ quán liên quan đến những thông tin tuyệt mật và bà đã được duyệt lý lịch để đảm bảo “không có rủi ro tuồn tin tức ra ngoài”.

Thông thường, Bộ Ngoại giao Mỹ giới hạn mỗi nhân viên chỉ được làm 2 nhiệm vụ tại 1 quốc gia, nếu hơn thì cần có yêu cầu miễn trừ đặc biệt. Điều này dựa trên lo ngại rằng, nếu một nhân viên ở đâu đó quá lâu, người này sẽ không còn cảnh giác với các mối đe dọa tiềm tàng.

Bà Claiborne khi đó có hồ sơ hoàn toàn trong sạch, đã dễ dàng vượt qua các bài đánh giá an ninh để tiếp tục ở lại Trung Quốc. Mặc dù vậy, bà Claiborne có một điểm yếu mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã đánh giá không đúng mức.

Doanh nhân Trung Quốc bí ẩn

Một người tên là Jamal - bí danh được các nhà điều tra đặt cho người có quan hệ thân thiết với bà Claiborne. Dữ liệu liên lạc giữa 2 người cho thấy, Jamal đôi lúc đã sống cùng và thường phụ thuộc vào bà Claiborne về tài chính.

Sau đó, Jamal đã tốt nghiệp Đại học Salisbury, tiểu bang Maryland và sống ở Washington D.C, làm những công việc dành cho người mới ra trường. Jamal đã đi cùng Claiborne trong chuyến đi đầu tiên của bà tới Bắc Kinh, theo học một trường quốc tế. Jamal cảm thấy thích cuộc sống ở Trung Quốc và đã kết bạn với một số người địa phương.

Trong thời gian này, Claiborne quen biết một người đàn ông địa phương tên Wu. Ông Wu sở hữu công ty xuất nhập khẩu và spa tại Thượng Hải. Không có dấu hiệu nào cho thấy 2 người có quan hệ tình cảm, nhưng họ đủ thân thiết để Claiborne viết thư gửi cho ông Wu trước chuyến đi thứ 3 đến Trung Quốc, hỏi về việc liệu Jamal có thể tiếp tục việc học ở Trung Quốc hay không.

"Cậu ấy (Jamal) cần một nơi ở và có thể là cả vé máy bay... ông có gợi ý gì không?", bà Claiborne viết trong bức thư.

Dù sao, ông Wu cũng nói rằng sẽ giúp đỡ.

Khi bà Claiborne sắp xếp xong mọi thứ ở Bắc Kinh, ông Wu đã tìm thấy nhiều lựa chọn cho Jamal để học tập và làm việc tại Trung Quốc. Dần dần, bà Claiborne ngày càng phụ thuộc vào người đàn ông này nhiều hơn. Cuối cùng, mục đích thực sự của ông Wu đã bị các nhà điều tra Mỹ phát hiện: Ông ta thực chất là một điệp viên Trung Quốc.

Trên truyền thông, người ta thấy rằng Mỹ ngày càng lo ngại về khả năng Bắc Kinh thâm nhập vào mạng viễn thông ở nước ngoài. Nhưng trường hợp của Claiborne cho thấy, mối đe dọa đôi khi đến từ những điều đơn giản hơn nhiều, theo SCMP.

Sự kiên nhẫn và mưu mẹo trong hoạt động tình báo

Cuối cùng, nhân viên ngoại giao này bị kết tội lừa dối chính phủ, các chuyên gia tình báo của Mỹ cho rằng, trường hợp của Claiborne là đáng báo động.

"Vụ án cho thấy cơ quan tình báo nước ngoài (Trung Quốc) sẵn sàng dành nhiều năm và nhiều nguồn lực để tiếp cận ngay cả một nhân viên ở cấp văn phòng", ông Ryan Gaynor, một đặc vụ giám sát của FBI, người điều tra vụ án, nhận định.

Dấu vết từ những liên lạc với ông Wu và câu chuyện của bà Claiborne cho thấy sự kiên nhẫn và mưu mẹo trong hoạt động tình báo của Bắc Kinh.

Câu hỏi quan trọng nhất xung quanh vụ án là: Làm thế nào để một người phụ nữ bình thường, kỷ luật, làm việc cho chính phủ, lại bị thao túng bởi tình báo nước ngoài?

Bà Claiborne đã tình cờ gặp ông Wu, người nói tiếng Anh rất tốt, và họ thường xuyên liên lạc email với nhau. Bà Claiborne cũng từng nghĩ ông ta chỉ là một doanh nhân tốt bụng. Song đến năm 2011, bà đã rõ ràng về nhiều chuyện hơn.

Theo hồ sơ tòa án, vào tháng 4/2011, bà Claiborne nhận được một khoản tiền qua chuyển khoản trị giá 2.480 USD từ một công ty Hong Kong có tên Delta Shipping cùng khoản ghi chú rằng “đó là khoản tiền dành cho Jamal”. Bà Claiborne không khai báo về khoản tiền này.

Nhưng sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung năm 2011, ông Wu đã yêu cầu bà Claiborne cung cấp tài liệu đánh giá nội bộ về cuộc đối thoại này của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đây là một bước ngoặt quan trọng, theo ông Robert David Booth - cựu Phó Giám đốc Cơ quan Phản gián của Bộ Ngoại giao Mỹ.

"Cuối cùng, bà ta cũng phải ngừng ảo tưởng", ông Robert nói.

Hồ sơ tòa án cho thấy, các nhân viên tình báo đã tặng quà và thanh toán các khoản chi phí lên tới hàng chục nghìn USD cho cả Claiborne và Jamal. Như vậy, các đặc vụ nước ngoài đã khống chế Claiborne thông qua Jamal.

Sau khi rời khỏi Trung Quốc, Claiborne nỗ lực tránh liên lạc với những người này. Bà Claiborne sau cùng đã bị buộc tội, và ngoài mức án 40 tháng tù giam, bà còn bị phạt 40.000 USD trong phiên tòa ngày 9/7/2019.

Thanh Vân

Theo Justice.gov



BÀI CHỌN LỌC

Nhân viên Bộ ngoại giao Mỹ đã rơi vào bẫy của gián điệp Trung Quốc như thế nào?