Nhà khoa học ‘không tai’ Phạm Đức Chinh: ‘Hãy xem tôi là người bình thường, đừng nghĩ tôi là người khuyết tật vươn lên’ (Radio)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ khi sinh ra, Phạm Đức Chinh đã mang nhiều dị dạng đau đớn, với khuôn mặt không có xương gò má, 2 vành tai gần như biến mất, miệng hở hàm ếch… Bất kể "lời xúc phạm nhiều đến nỗi không thể kể ra hết trong một ngày”, chàng trai với nghị lực phi thường này đã tốt nghiệp đại học loại giỏi, và trở thành nhà hóa học tài năng...

Lần đầu tiên nhìn thấy Phạm Đức Chinh, hẳn là nhiều người sẽ có chút “sốc nhẹ”, bởi ngoại hình của chàng trai này “quá đỗi đặc biệt”. Nhưng đúng như ông bà ta đã nói: “Đừng trông mặt mà bắt hình dong”, ẩn sau vẻ ngoài lạ thường ấy là cả một tài năng và nghị lực phi thường.

Chàng trai 26 tuổi này đến từ xã Đông Vinh (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) - với ngoại hình không có gò má, vành tai và ống tai; hở hàm ếch - là một tài năng nằm trong top 20 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, và đang đảm nhiệm vai trò là trợ lý nghiên cứu tại Viện.

‘Cảm ơn bố mẹ đã không bỏ rơi con’

Ngay từ khi mới sinh ra anh Chinh đã bị dị dạng, và trông khác hẳn những đứa trẻ bình thường khác. Thương con, bố mẹ đã mang anh đến khắp các bệnh viện lớn, nhỏ, với hy vọng tìm ra căn nguyên bệnh. Nhưng rồi các bác sỹ cũng bất lực. Không đầu hàng trước số phận, bố mẹ anh Chinh đã đưa anh đi phẫu thuật khắp nơi.

Anh Chinh đã phải phẫu thật hở hàm ếch để có thể nói được, phẫu thuật tái tạo lỗ tai, cấy ghép vành tai. Các y bác sĩ cũng đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể giúp anh có được đôi tai như ước muốn, chính vì thế nên thính giác của anh không tốt, việc nghe gặp nhiều khó khăn.

Năm 7 tuổi, khi bắt đầu có nhận thức về thế giới bên ngoài, anh cảm nhận rõ sự khác biệt của mình với mọi người.

Khoảng thời gian đi học này, anh nhiều lần phải đối mặt với ánh mắt kỳ thị, những lời trêu đùa ác ý của bạn bè. “Mọi người đều nghĩ mình không thể đi học, thậm chí còn có lời đồn ‘vì khuyết tật nên được thầy cô nâng đỡ’. Lời xúc phạm nhiều đến nỗi không thể kể ra hết trong một ngày”, anh Chinh tâm sự.

Gia đình là điểm tựa cho anh, là suối nguồn của yêu thương là hy vọng. Với cha mẹ, anh không phải là “gánh nặng” hay mặc cảm, anh là đứa con có hiếu và tài giỏi. Cha mẹ anh đã chăm sóc, thương yêu đứa con nhỏ dị tật, xấu xí của mình, và mãi mãi trong lòng anh luôn tri ân rằng “Cảm ơn bố mẹ đã không bỏ rơi con”.

Người ‘bảo vệ’ trung thành

Ngoài bố mẹ, Chinh còn một người bạn thân là anh Đoàn Trọng Quang, 25 tuổi. Từ mẫu giáo, hai người bạn Quang và Chinh đã cùng đến trường. Những ngày mưa gió, anh Quang sang chở Chinh đi học.

Trong giờ học, anh Quang thường nhắc lại lời thầy cô khi anh Chinh không nghe rõ, nên mọi người gọi họ là "đôi bạn cùng tiến". Tình bạn thật đẹp biết bao, Quang cũng tự nhận anh là 'bảo kê" trung thành và là người bênh vực Chinh mỗi khi anh bị mọi người trêu chọc.

"Mọi người đều nghĩ mình là người giúp đỡ cho Chinh nhưng thực chất là ngược lại. Nhờ Chinh, mình học được cách đối mặt để vươn lên và sống ý nghĩa hơn mỗi ngày", Quang nói.

Nghị lực phi thường

Dường như trời đã ban cho anh Chinh sức mạnh tinh thần đặc biệt, bất kể mọi lời trêu chọc, anh nhanh chóng thích nghi và nỗ lực để tiếp tục đến trường. Lên lớp 8, anh Chinh được làm quen với môn Hoá học, từ đó anh nhận ra “tương lai của mình đây rồi”.

Năm 2012, Chinh đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 25,5 và môn hoá 9 điểm. Nhìn khả năng vươn lên của anh, chẳng còn ai dám chê bai hay chế giễu. Trong 5 năm đi học Đại học, anh Chinh đều đặn đạp xe đến trường, không nghỉ buổi nào, bất kể thời tiết nắng mưa.

"Ở đây, tôi được chào đón vì chẳng ai kỳ thị khi tiếp xúc với một người khuyết tật. Nhờ đó tôi không mất quá nhiều thời gian để ổn định", Chinh nói.

Đến năm 2017, anh vinh dự tốt nghiệp loại giỏi top 20 của trường và được giữ lại làm việc tại Viện nghiên cứu và phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên của trường. Thậm chí, một số nghiên cứu của anh còn được đăng trên tạp chí, báo chí khoa học.

Hằng ngày, anh đều bắt đầu công việc tại phòng thí nghiệm của Viện từ sớm. Anh cũng hướng dẫn sinh viên thực hiện đồ án tốt nghiệp hoặc làm các thí nghiệm nghiên cứu.

Anh Chinh cho biết chưa bao giờ thấy tủi thân vì sinh ra khác biệt, và luôn dặn lòng phải đi lên bằng chính khả năng của mình. Anh cho biết bản thân rất tâm đắc với câu nói: “Sinh ra, mỗi người đã có một số phận. Không thể thay đổi thì đừng than vãn và học cách chấp nhận đứng trên mọi nỗi đau”.

Không phải ai cũng được sinh ra với một hình hài hoàn mỹ, nhưng xin đừng vội tuyệt vọng hay buông xuôi, bởi chúng ta vẫn luôn còn có một nghị lực để sống. Nghịch cảnh thường là nơi sinh ra những “tấm gương” phi thường, và anh Phạm Đức Chinh là một trong những trường hợp đó.

"Tôi không muốn bị gọi là khuyết tật vượt khó, tôi muốn được làm người bình thường", anh Chinh tâm nguyện một điều giản đơn như vậy.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Nhà khoa học ‘không tai’ Phạm Đức Chinh: ‘Hãy xem tôi là người bình thường, đừng nghĩ tôi là người khuyết tật vươn lên’ (Radio)