Nhà Ai Cập học lỗi lạc người Anh nhớ lại ‘tiền kiếp’ là người tình của Pharaoh Seti I 3.000 năm trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà Ai Cập học lỗi lạc Dorothy Eady tự nhận mình là nữ tư tế và là người tình của Pharaoh Seti I cách đây… 3.000 năm. Cuộc đời và câu chuyện của bà cho đến nay vẫn làm “đau đầu” các nhà khoa học vì chưa tìm ra lời giải. Bà được xem là một nhân chứng sống về “tiền kiếp”, và là người có đóng góp to lớn cho Bộ Cổ vật Ai Cập.

“Luân hồi” không còn là một khái niệm quá xa lạ đối với con người trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trường hợp của bà Dorothy Eady, một phụ nữ người Anh trở thành nhà Ai Cập học lỗi lạc - lại là một trường hợp đặc biệt.

Theo tờ Ancient Origins, bà Dorothy Eady sinh ngày 16/1/1904 ở Blackhearth, Đông Nam London, Anh. Năm ba tuổi, Dorothy ngã cầu thang và bị thương nặng. Bác sĩ cho rằng cô bé không thể sống sót, nhưng sau đó cô bé đã tỉnh lại và bắt đầu xuất hiện những ký ức về tiền kiếp.

Dorothy lớn lên trong một gia đình theo đạo Cơ Đốc, sau khi bị tai nạn, cô bé chê bai giáo lý Thiên Chúa giáo ở lớp mẫu giáo không bằng tín ngưỡng Ai Cập cổ đại, khiến giáo viên và bạn học cảm thấy khó hiểu. Cô bé cũng từ chối hát thánh ca và bị đuổi khỏi trường.

Năm 4 tuổi, cha mẹ của Dorothy đưa cô bé đến Bảo tàng Anh. Khi nhìn vào bức ảnh ngôi đền của Seti I, vị Pharaoh thuộc Vương triều thứ 19 của Ai Cập cổ đại, cai trị năm 1290 - 1279 trước Công nguyên, Dorothy nói rằng đó là nhà của mình.

Cô bé không hiểu lý do tại sao ngôi đền không có khu vườn và cây cối xung quanh, nhưng lại nhận ra các di tích và hiện vật khác trong phòng trưng bày. Dorothy cứ nhìn chằm chằm vào các cổ vật của Ai Cập, quỳ sụp xuống hôn lên chân những bức tượng. Cô bé ngồi lì dưới chân một xác ướp Ai Cập được trưng bày trong tủ kính, không chịu rời đi. Khi mẹ Dorothy kiên quyết bế lên, cô bé khóc thét và gào to: “Hãy để con ở lại đây, họ mới là người nhà của con”.

Kể từ đó, Dorothy thường xuyên đòi cha mẹ đưa đến Bảo tàng Anh. Niềm đam mê của cô bé với Ai Cập khiến nhà Đông phương học E.A. Wallis Budge (1857-1934) cảm động, khuyên cô hãy tìm hiểu chữ tượng hình. Bất ngờ là, Dorothy học “nhanh như gió” dù đây là ngôn ngữ cần rất nhiều thời gian và công sức. Giáo viên đã hỏi cô làm sao có thể học nhanh như vậy; cô trả lời rằng, cô không học, cô chỉ đang nhớ lại.

Khi Thế chiến thứ I (1914-1918) bùng nổ, Dorothy chuyển tới nhà bà ngoại ở Sussex sinh sống và vẫn tiếp tục tìm đọc các tài liệu về Ai Cập cổ đại.

Nhà khảo cổ học Dorothy Louise Eady khi còn là cô bé, khi đã là một phụ nữ trưởng thành và khi đã về hưu (Ảnh: tổng hợp)
Nhà khảo cổ học Dorothy Louise Eady khi còn là cô bé, khi đã là một phụ nữ trưởng thành và khi đã về hưu (Ảnh: tổng hợp)

Nữ tư tế và người tình của Pharaoh Seti I thời cổ đại

Dorothy khẳng định với cha mẹ rằng, mình không phải là Dorothy Louise Eady mà là Bentreshyt - nữ tư tế đền Seti ở Kom El Sultan, Abydos, Ai Cập trong triều đại Pharaoh Seti Đệ nhất (1290 - 1279 TCN). Cha cô là một người lính, còn mẹ cô là một phụ nữ bán rau. Năm Bentreshyt 3 tuổi, mẹ cô qua đời. Cha Bentreshyt không đủ khả năng nuôi con gái nên đã gửi cô vào Đền Seti ở Abydos và trở thành tu sĩ.

Năm Bentreshyt 12 tuổi, thượng tế cho phép cô chọn rời đền hoặc trở thành người phụng sự. Bentreshyt chọn ở lại và được tuyên bố mình là một trinh nữ hiến thần (consecrated virgin). Năm 14 tuổi, cô gặp gỡ và phải lòng Pharaoh Seti Đệ nhất. Họ yêu nhau say đắm và Bentreshyt đã phá vỡ quy tắc của một tu sĩ là phải thủ tiết suốt đời, cô đã có thai. Sợ Seti I bị trừng phạt và tai tiếng, Bentreshyt đã tự sát.

Sự thay đổi trong hành vi và lời nói của Dorothy khiến cha mẹ cô rất lo lắng, nhiều lần họ phải đưa con gái đến bệnh viện tâm thần chữa trị.

Tình yêu và những ký ức về Ai Cập cổ đại trong cô quá lớn, suốt năm tháng tuổi thơ của cô gắn liền với văn hoá và cổ vật Ai Cập.

Năm 15 tuổi, cô mô tả những cuộc gặp gỡ của mình với Pharaoh Seti I trong giấc mơ và nói rằng Seti I đến thăm cô hàng đêm, giúp cô nhớ lại cuộc sống ở tiền kiếp. Dorothy thấy mình sống giữa Ai Cập trước Công nguyên, xung quanh cô là ngôi đền cổ với những cây cột cao to lẫm liệt. Dưới chân đền là vườn thực vật xum xuê khoe sắc.

Năm 16 tuổi, Dorothy nghỉ học, dành toàn bộ thời gian tới các viện bảo tàng và địa điểm khảo cổ trên khắp nước Anh.

Năm 20 tuổi, cô làm việc cho một tạp chí Anh liên quan đến Ai Cập, viết bài và vẽ hình minh họa ủng hộ sự độc lập của Ai Cập. Cũng trong thời gian này, cô gặp gỡ Eman Abdel Meguid, một sinh viên Ai Cập, sau đó kết hôn với anh và chuyển tới thủ đô Cairo (Ai Cập) vào năm 1933.

Cuộc hôn nhân của cô không có tình yêu, mà chỉ như “tấm vé” để cô có thể trở về Ai Cập - nơi cô luôn tin rằng, đó mới là ngôi nhà thật sự của mình.

Ngay khi vừa bước xuống sân bay, cô hôn lên mặt đất và cảm thấy như mình đã trở về cố hương.

Cô có với Meguid một đứa con trai, đặt tên là Sety. Nhiều đêm, Meguid vẫn thấy vợ mình trong trạng thái như bị thôi miên, lật giấy viết những dòng chữ tượng hình trong vô thức. Một hôm, anh đột ngột lao ra khỏi nhà, lắp bắp nói rằng đã thấy bóng ma của Pharaoh ngồi ngay trên giường mình.

Dorothy không màng đến nỗi bất an của chồng, cô vẫn chuyên chú nghiên cứu văn hóa Ai Cập cổ đại. Năm 1935, Meguid đâm đơn ly dị, chuyển tới Iraq sinh sống.

Sau 2 năm ly hôn, Dorothy chuyển tới Nazlat al-Samman, sinh sống gần tháp Giza. Tại đây, bà có cơ duyên gặp gỡ nhà khảo cổ Selim Hassan và được nhận vào làm việc tại Bộ Cổ vật Ai Cập, bắt đầu những cống hiến không ngờ cho ngành khảo cổ.

Những nghiên cứu và cống hiến trong ngành khảo cổ

Pharaoh Seti I và Đền thờ Seti ở Abydos - Nơi bà Dorothy Eady dành phần lớn thời gian nghiên cứu (Ảnh: tổng hợp)
Pharaoh Seti I và Đền thờ Seti ở Abydos - Nơi bà Dorothy Eady dành phần lớn thời gian nghiên cứu (Ảnh: tổng hợp)

Nhờ hiểu biết chuyên sâu về cổ vật cũng như văn hóa Ai Cập cổ đại, Dorothy được nhiều nhà Ai Cập học nổi tiếng kết giao. Trong bộ sách khám phá khảo cổ lớn gồm 10 tập của Hassan, Cuộc khai quật Giza (Excavations at Giza), ông để riêng một dòng tri ân, gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến bà Dorothy Eady.

Dorothy đã hỗ trợ Hassan rất nhiều trong việc dịch chữ tượng hình, phác thảo sơ đồ kiến trúc, giải thích ý nghĩa các biểu tượng…

Trong Bộ Cổ vật, Dorothy là nữ nhân viên xuất sắc nhất. Bà thông thạo cả 2 ngôn ngữ Ai Cập và tiếng Anh nên dễ dàng biên tập và viết bài.

Dorothy từng cho đăng nhiều bài báo, tiểu luận, chuyên khảo và cho xuất bản những cuốn sách có giá trị. Bà cũng viết một số cuốn sách về riêng mình, cũng như tham gia vào công việc của nhiều nhà nghiên cứu khác.

Năm 1956, Dorothy lúc này đã 52 tuổi, bà chuyển tới Abydos và sống gần ngọn núi Pega-the-Gap. Theo tín ngưỡng cổ xưa, ngọn núi này chính là đường dẫn đến thế giới bên kia.

Tại Abydos, bà hợp tác với các nhà Ai Cập học để khám phá ngôi đền của Seti I. Trước các nhà khảo cổ, Dorothy chỉ đích danh một vị trí, khẳng định nó từng là Vườn Đền (Temple Garden). Khi người ta khai quật địa điểm này, Vườn Đền vốn tưởng chỉ có trong truyền thuyết đã hiện ra trước mắt.

Bà cũng chỉ ra vị trí đường hầm nằm phía Bắc Đền Seti trước khi khai quật, kết quả thu được chính xác như những gì bà nhớ lại từ tiền kiếp. Dorothy còn khẳng định dưới chân ngôi đền này có một thư viện chất đầy tư liệu tôn giáo, lịch sử, song Ai Cập chưa thực hiện cuộc khai quật này.

Dorothy cũng tiết lộ những lời cầu nguyện và nghi lễ truyền thống của người Ai Cập cổ đại. Bà còn biết được nội dung của nhiều sách giấy cói tôn giáo trước khi đọc chúng. Nhiều mô tả của Dorothy về các di tích, bức phù điêu và những thứ khác mà bà thấy trong kiếp trước, sau khi khai quật đều khẳng định rằng: “Ký ức tiền kiếp” của bà đã đúng.

Thời gian ở Abydos, Dorothy chăm chỉ dịch các tài liệu cổ, tái soạn thảo lịch nghi lễ của Ai Cập thời xưa. Bà kể lại rất nhiều nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt đời thường của người Ai Cập trước Công nguyên; ví dụ như phụ nữ vắt sữa vào bát rồi mới cho trẻ sơ sinh uống, nam thiếu niên sớm cắt bao quy đầu, người để tang không cắt tóc và cạo râu…

Dorothy cũng biết khá nhiều phương thuốc dân gian, trợ giúp không ít cho Kent Weekks, nhà Ai Cập học của Mỹ chuyên nghiên cứu y khoa cổ.

Đến năm 1964, bà Dorothy nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục cộng tác với Bộ Cổ vật Ai Cập, bà nhận làm hướng dẫn viên cho du khách tham quan đền Seti.

Đầu thập niên 1970, Dorothy tuyên bố biết vị trí mộ của Hoàng hậu Nefertiti (1370-1330 TCN), khẳng định nó nằm gần mộ pharaoh Tutankhamun (1341-1323 TCN) trong Thung lũng của Các vị vua, nhưng bà từ chối cung cấp vị trí chính xác vì chưa được Pharaoh Seti I “cho phép”.

Giới khảo cổ đã rà soát quanh mộ Tutankhamun, nhưng chỉ tìm được một xác ướp có khả năng là mẹ đẻ của vị pharaoh này chứ không phải Hoàng hậu Nefertiti.

Sau nhiều cống hiến cho nền khảo cổ, bà qua đời ngày 21/4/1981 và được chôn cất tại nghĩa trang Coptic ở Abydos. Câu chuyện luân hồi của bà cho đến nay vẫn là một bí ẩn lịch sử, bởi người ta có thể hoài nghi về “câu chuyện” của bà, nhưng lại không thể phủ nhận những gì mà bà đã làm và đã chứng minh.

Các nhà Ai Cập học cũng không thể phủ nhận đóng góp của bà. Bà Dorothy có kiến thức mà những chuyên gia làm việc tại Ai Cập lâu năm không có được.

Thiên Cầm



BÀI CHỌN LỌC

Nhà Ai Cập học lỗi lạc người Anh nhớ lại ‘tiền kiếp’ là người tình của Pharaoh Seti I 3.000 năm trước