Những tấm lòng vàng đất Việt: Người may khẩu trang cho Hoa Kỳ, người nấu cơm cho nhân viên y tế Ba Lan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại dịch có thể bóc trần ra những góc khuất trong cách sống của loài người, nhưng đại dịch cũng khiến nhân loại xích gần nhau hơn. Người Việt trong sự kiện lịch sử này đã góp phần vào làn sóng nhân văn, thấm đượm tình người…

Xứng danh Việt Kiều

Khi Mỹ trở thành ổ dịch lớn của thế giới, và chứng kiến lượng vật tư y tế thiếu hụt, hàng chục người Việt ở Kansas (Missouri, Mỹ) đã huy động lực lượng may khẩu trang, thu gom cồn và găng tay để tiếp tế cho các bệnh viện. Đây giống như một lời tri ân họ dành cho nước Mỹ, cùng với quyết tâm đẩy lùi dịch viêm phổi Vũ Hán tại đất nước này.

Nhóm thiện nguyện của người Việt ở Kansas không phân biệt độ tuổi ngành nghề, mỗi người đều dốc sức giúp đỡ cộng đồng với phương châm: “Trao đi và nhận lại bằng cả con tim”.

Theo báo Thanh Niên, mỗi ngày, nhóm thiện nguyện của chị Hạnh Đoàn ở Kansas có thể may được 500-800 khẩu trang. Hiện tại, nhóm đã quyên góp được hơn 15.000 chiếc khẩu trang và nhiều vật phẩm y tế khác đến các bệnh viện trong thành phố. Bên cạnh đó, họ còn mang khẩu trang đến cho nhiều trạm cứu hỏa, đồn cảnh sát, bưu điện và tổ chức nhiều buổi phát miễn phí cho cộng đồng.

Chưa hết, một nhóm phụ nữ gốc Việt ở bang Washington cũng nảy ra sáng kiến may khẩu trang và gửi tặng các nhân viên y tế.

Chỉ trong vòng 3 tuần, nhóm với hơn mười phụ nữ Việt Nam đang sinh sống ở các thành phố Tocoma, Spanaway, Seattle, Bellevue, Federal Way, Renton… đã may hơn 10.000 chiếc khẩu trang để hỗ trợ cho các y bác sĩ ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Bà Ngô Thị Thanh Loan ngụ ở thành phố Seattle chia sẻ trăn trở của bà khi đại dịch xảy ra và tình cảnh thiếu hụt vật tư y tế: “Mình phải làm cái gì đó để chia sẻ nỗi đau này của nhân loại, bất kể màu da hay sắc tộc”, theo VOA.

“Cơn dịch này bùng phát cả thế giới, bản thân tôi còn khỏe mạnh thì tôi nghĩ tôi nên giúp cho các bệnh nhân, nhất là các y bác sĩ. Tôi thấy họ làm việc trong điều kiện như thế thì hết sức thương tâm, thấy mà muốn khóc. Mình còn khỏe mạnh thì mình cứ giúp. Nhìn thấy vậy làm sao mà bỏ qua được!”.

Những con người đất Việt giản dị, nhưng tấm lòng nhân nghĩa vẫn chưa bao giờ vơi cạn…

Không chỉ dừng lại ở xứ cờ hoa, tại vùng Đông Đức, người Việt sở hữu chuyên môn về may cũng tận dụng sở trưởng của mình để sáng tạo ra những chiếc khẩu trang có ích.

Trong khi phải ngồi cách ly ở nhà, nhìn cảnh thiếu thốn khẩu trang cho hệ thống y tế của Đức, một số người ở Berlin, Dresden, Hamburg và các nơi khác đã nghĩ ra và phát động phong trào may khẩu trang mang tặng cho các nơi cần, theo BBC đưa tin ngày 08/04/2020.

“Phong trào nay đã lan rộng, được truyền thông Đức loan tải như một nét đẹp trong cuộc sống chung của cư dân thuộc nhiều nguồn gốc ở Đức”.

Tuy nhiên, do quy định về khẩu trang y tế tại Đức rất ngặt nghèo nên người Việt chỉ may khẩu trang gọi là "để che mặt".

Với những tấm lòng chân, người Việt nhắc nhở nhau và tìm hiểu cách sản xuất cho phù hợp tối đa với yêu cầu y tế và luật pháp. Họ liên hệ với các cảnh sát để tìm chỗ mua nguyên liệu, đồng thời cũng tìm đến các bệnh viện, nhà dưỡng lão, siêu thị để trao tặng những chiếc khẩu trang đầy tâm huyết.

Khi trao tặng, họ cũng ghi rõ thông tin về mặt hàng để tránh hiểu lầm, dùng tên gọi cho phù hợp để tránh phạm luật, ví dụ "cái che miệng" chứ không phải "khẩu trang".

Tinh thần nhân đạo của người Việt còn lan tỏa sang đất nước Ba Lan. Trong bức thư gửi ngài Đại sứ Wojciech Garwel, cộng đồng người Việt ở Ba Lan có viết: "Cảm nhận được mình là một bộ phận của xã hội Ba Lan, chúng tôi mong muốn được giúp đỡ người dân Ba Lan 4100 kit thử virus corona chủng mới…". Sáng kiến từ nhóm doanh nhân trụ cột, đặc biệt là anh Tào Ngọc Tú, cũng như các cựu lưu học sinh, được sự ủng hộ của các đại diện cộng đồng, theo BBC.

Thêm vào đó, những quán ăn Việt tham gia nấu đồ ăn cho bác sĩ và y tá ở các bệnh viện; những người khác sau khi cơn sốc vì phải ở nhà cách ly chống dịch qua đi bắt đầu may khẩu trang vải, bù cho những thiếu hụt ở bệnh viện đang chưa được chính phủ cung ứng ngay lập tức.

Người xung phong đi mua vải, chia cho những người khác ở nhà may. Hàng chục ngàn khẩu trang được cung cấp tới những nơi cần: bệnh viện, đồn công an, cơ quan chính quyền.

Những suất ăn nóng hổi được đưa tới các cơ sở y tế mỗi ngày. Bác sĩ thích khẩu vị đồ ăn Việt, hơn thế lại được phục vụ nóng hổi. Những việc này vẫn không ngừng tiếp diễn, chúng ta có thể dễ dàng theo dõi trên Facebook với hashtag #VNJestesmyZWami (nghĩa là #VNChúngTôiCùngCácBạn).

Có thể, những người Việt nhỏ bé nơi xứ người không phải những anh hùng xuất chúng phi thường, nhưng trong giờ phút khó khăn, họ đã dốc lòng giúp đỡ người khác.

Những hạt gạo đong đầy lòng trượng nghĩa

Chiếc máy “ATM gạo” lần đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM đã tạo ra một hiệu ứng tích cực giữa lúc dân tình hoang mang vì phong toả. Cộng đồng hưởng ứng ý tưởng nghĩ cho người nghèo này, nên những chiếc máy “ATM gạo” đã xuất hiện tại Hà Nội. Kinh tế sa sút, không có nguồn kiếm sống, nhiều người nghèo sống trôi nổi trong xã hội lâm vào thảm cảnh. Và đây là cách xã hội chung tay để mang ánh sáng đến cho tầng lớp khốn khổ.

Và qua đây mới biết, những hạt gạo nhỏ nhưng thơm tấm lòng có ý nghĩa biết bao. Ngay giữa tại Hà Nội, tại một cây “ATM gạo” đặt ở nhà văn hoá Nghĩa Tân do một chủ hàng sách ủng hộ, hàng người đến xếp hàng lấy gạo dài từ nhà văn hoá ra sân vận động rồi vòng quanh sân vận động. Với lượng người lớn, để lấy được 5 cân gạo giá 50.000 - 70.000 đồng phải mất cả buổi sáng hoặc cả ngày. Như vậy, những người ở đây có lẽ đang quá khó khăn mới phải đứng và di chuyển từng bước một…

Thật khó tin rằng ngay tại Hà Nội mà lại có nhiều người khó khăn đến vậy!

Nhà báo Hà Phan cũng chia sẻ một góc nhìn khác về cây "ATM gạo" tại TP.HCM: "Không bắt nhận diện khuôn mặt, chẳng phải khai họ tên và không quá khắt khe, cây ATM gạo miễn phí này còn dặn ai khó khăn lấy nhiều lần cũng được, không hạn chế! Còn bà con mình, đáp lại tấm lòng ấy cũng chỉ lấy vừa đủ dùng. Không vì người ta tốt mà chen lấn xô đẩy hay hốt về xài dần. Chuyện đó đang xảy ra ở ATM Gạo 25 Hoàng Diệu 2, Thủ Đức, TP.HCM anh chị ạ!
Tôi nghĩ cho vậy mới là cho, nhận vậy mới là nhận..."

Và còn rất nhiều các hoạt động như tặng bữa ăn, bánh mì miễn phí đang diễn ra trên khắp đất nước. Những nhà hảo tâm sẵn lòng chuẩn bị những suất ăn nhỏ cho những ai cần. Hi vọng, ai cũng có đủ cái ăn để sống sót qua dịch bệnh. Chỉ một hành động nhỏ của chúng ta, cũng có thể cứu giúp cho nhiều người khác.

Người Việt từ xa xưa vốn đã có lòng trắc ẩn, khi cần, ai nấy đều sẵn sàng “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều". Đây không phải là điều hiếm thấy, nhưng có lẽ chỉ đến khi có biến cố lớn xảy ra, tinh thần đất Việt ta mới được tỏa sáng mạnh mẽ.

Thiên Bình



BÀI CHỌN LỌC

Những tấm lòng vàng đất Việt: Người may khẩu trang cho Hoa Kỳ, người nấu cơm cho nhân viên y tế Ba Lan