Nhận án oan tử hình, người đàn ông Nhật Bản 46 năm bị biệt giam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỗi ngày, bất kể thời tiết, người đàn ông 83 tuổi Iwao Hakamada đều đi bộ xung quanh thành phố nhỏ Hamamatsu của Nhật Bản khoảng 6 tiếng. Một tình nguyện viên sẽ đi đằng sau ông vài bước chân để đảm bảo ông không bị thương hay không tìm được đường về nhà.

Hakamada mắc phải chứng bệnh “rối loạn tâm thần”, kết quả của việc bị biệt giam gần 50 năm vì án tử hình. Đây có lẽ là kỉ lục thế giới khi ông là người tử tù có thời gian giam giữ dài nhất thế giới. Tòa án kết luận ông giết chết 4 người, nhưng chứng cứ cho thấy ông không phải là thủ phạm.

Ông Hakadama và tình nguyện viên (Ảnh: Getty Images)

Vụ án nhiều uẩn khúc

Hakamada sinh năm 1936, ông là con út trong gia đình có 6 anh chị em. Gia đình ông rất nghèo nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc và bình ổn trong thành phố biển Hamamatsu. Năm 1959, khi mới 23 tuổi, ông trở thành một võ sĩ quyền anh. Vào năm 1966, khi vụ án xảy ra, ông đang làm việc trong một nhà máy sản xuất tương miso. Quản lý của ông, vợ, cùng 2 đứa con đã bị đâm chết trong nhà của họ tại Shizuoka, trung tâm Nhật Bản. Sau đó ngôi nhà bị đốt cháy. Hakamada sống ở trong nhà trọ dành cho công nhân, ngay cạnh xưởng làm miso. Vì thế ông trở thành nghi phạm duy nhất. Không ai có thể chứng thực được bằng chứng ngoại phạm của Hakamada rằng ông đã chạy từ phòng ngủ ký túc của mình để giúp dập tắt đám cháy.

Thêm vào đó, vết thương ở một ngón tay của Hakamada càng làm cho cảnh sát nghi ngờ ông là hung thủ. Hai tháng sau vụ thảm sát, cảnh sát khám nơi ở của Hakamada. Họ phát hiện một bộ pijama có dính một vết máu rất nhỏ và có mùi xăng. Cảnh sát cho rằng vết máu trên bộ pijama đó là của một trong các nạn nhân.

Cảnh sát đã giam giữ ông trong 3 tuần, và theo như tài liệu ghi chép từ trung tâm giam giữ, họ thẩm vấn ông 14 tiếng/ngày. Hakamada cáo buộc cảnh sát dùng gậy để đánh ông, thỉnh thoảng dùng đinh ghim đâm vào người ông để ông không ngủ được, và không cung cấp thức ăn đầy đủ cho ông đến khi ông thú tội. Cảnh sát buộc tội Hakadama vì muốn có tiền để mua một căn nhà nên đã đột nhập vào nhà của chủ xưởng và dùng một con dao gọt trái cây đâm hơn 40 nhát vào bốn người trong gia đình này, lấy đi hơn 200.000 yên, rồi phóng hỏa. Nhưng sau đó, Hakadama lại rút lại lời nhận tội trước tòa.

“Thật sự ấn tượng về khoảng thời gian cuộc thẩm vấn diễn ra. Ngày qua ngày, gần đến cuối ngày thứ 20, Hakamada đã nhận tội”, theo David Johnson, giáo sư xã hội học và chuyên gia về hệ thống luật ở Nhật Bản của trường Đại học Hawaii. Ông còn cho biết, lời thú tội giả có thể là lý do chủ yếu dẫn đến các phán quyết sai lầm ở Nhật Bản.

Thông thường, tỉ lệ kết án ở Nhật Bản là hơn 99%, nghĩa là hầu hết các vụ án đưa lên tòa án đều được phán quyết có tội. Một phần vì các công tố viên chỉ trình tòa các vụ án họ nghĩ sẽ thắng, và rất nhiều vụ án được phán quyết dựa trên lời thú tội của nghi phạm.

Iwao Hakamada trước khi bị bắt vào năm 1966 (Ảnh: Getty Images)

Bộ pijama là chứng cứ duy nhất mà cảnh sát dùng để bắt Hakamada nhưng lại bị công tố viên lờ đi. Thay vào đó, công tố viên trình ra một chứng cứ mới. Họ mang một một bộ quần áo dính nhiều vết máu mà cảnh sát tìm thấy trong bể miso, nơi Hakamada làm việc. Vết máu trên bộ quần áo được xác định là có nhóm máu trùng với nhóm máu của các nạn nhân và máu của Hakamada. Công tố viên cáo buộc Hakamada đã mặc bộ quần áo này trong đêm xảy ra án mạng.

Trong lúc Hakamada bị bắt, truyền thông Nhật Bản đã ác quỷ hoá con người Hakamada, họ khẳng định ông là một tội phạm bạo lực chỉ vì ông từng là một võ sĩ.

Những người ủng hộ Hakamada cho rằng cảnh sát đã làm giả chứng cứ để buộc tội ông. Họ cho rằng, con dao gọt trái cây dài 12,19 cm không thể còn nguyên vẹn sau khi đâm hơn 40 nhát vào các nạn nhân. Chiếc quần mà công tố viên cáo buộc Hakamada mặc trong đêm xảy ra án mạng không thể thuộc về ông, vì nó quá chật đối với Hakamada.

Tuy nhiên, ngày 11/9/1968, ba thẩm phán thuộc Tòa án quận Shizouka vẫn tuyên bố Hakamada có tội, phạt tử hình cho tội danh giết người, cướp của, và phóng hỏa.

46 năm sống cùng 4 bức tường

Với Hakamada, hàng thập kỉ sống với 4 bức tường đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm thần của ông. Ông thường xuyên viết thư gửi cho chị gái Hideko của mình khoảng thời gian đó.

Ông Hakadama năm 2014 (Ảnh: Getty Images)

Trong bức thư đầu tiên từ những năm 1960, ông viết những dòng chữ ngay ngắn tràn đầy hi vọng.

“Báo cáo về phiên sơ thẩm đầu tiên cho thấy bằng chứng là giả và tòa án đã diễn giải sai sự thật, vì vậy em rất tin rằng sẽ được tái thẩm và tuyên bố vô tội. Em sẽ ổn thôi nên chị đừng lo lắng”.

Vào năm 1980, sau 12 năm kháng cáo, tòa án Tối cao quyết định giữ nguyên phán quyết tử hình. Hideko nói rằng đây là một bước ngoặt trong cuộc đời của em trai bà. “Không lâu sau đó, em nói với tôi người đàn ông ở buồng bên cạnh đã bị mang đi, và ông ấy nói ‘lâu quá, hi vọng anh sẽ sống tốt’, nhưng không bao giờ trở lại nữa. Và khi đó án tử hình trở nên thật với em tôi hơn bao giờ hết, nó cảm thấy rất sợ hãi”.

Từ đó những lá thư của Hakamada cho thấy tâm trí ông có dấu hiệu khác thường; ông viết về những con quỷ hành hạ ông trong phòng tắm.

“Tôi có thể nói là em trai tôi có vấn đề nghiêm trọng về thần kinh. Vậy nên tôi thăm nó mỗi tháng, nhưng thỉnh thoảng nó không muốn gặp tôi. Tôi vẫn kiên trì đến, để cho nó biết gia đình không bỏ rơi nó”.

Gần 50 năm sau khi ông Hakamada bị giam giữ, Hideko đã nộp đơn phúc thẩm khi có thêm bằng chứng xét nghiệm DNA: Luật sư của Hakamada cho biết máu của ông không khớp với vết máu ở hiện trường vụ án.

Tòa án quận đã tái thẩm vụ án vào năm 2014, viết rằng “rất có thể cảnh sát điều tra đã làm giả bằng chứng quan trọng” và sẽ “không công bằng khi giam giữ ông vì khả năng rõ ràng là ông ấy vô tội”. Ngày 27/3/2014, Hakamada được trả tự do về với chị gái ông.

“Tôi nhớ rất rõ ngày hôm đó. Tôi đã 81 tuổi và nở nụ cười đầu tiên kể từ khi tôi 33 tuổi. Nó giống như tôi được trở lại là chính mình lần nữa”, Hideko chia sẻ.

Bà Hideko Hakamada - chị gái của ông Hakadama (Ảnh: Getty Images)

Đây còn là niềm vui dành cho cả một thẩm phán trong vụ việc này. Norimichi Kumamoto là một trong 3 thẩm phán của vụ án đã nói rằng, ông tin Hakamada vô tội nhưng ông không thể thuyết phục được 2 thẩm phán còn lại. Và vì vậy, là người đứng đầu ban hội thẩm, ông ấy phải viết án tử hình cho Hakamada. Gương mặt Hakamada khi nghe phán quyết của tòa hôm đó ám ảnh ông mãi. Vài tháng sau, ông đã xin rút khỏi tòa án, xa lánh gia đình và một mình đi dọc đất nước.

Khi Hakamada được phóng thích, Kumamoto gặp ông để xin lỗi. Vị thẩm phán yếu đuối đến mức ông không thể nói thành lời, nhưng Hideko tin rằng chuyến thăm này rất có ý nghĩa với em trai bà.

Nỗi đau chưa dứt...

Nhưng câu chuyện chưa kết thúc tại đây. Ở Nhật Bản, công tố viên có thể kháng cáo phán quyết, và vào tháng 6/2018, Tòa án Dân sự Tối cao Tokyo (Tokyo High Court) đã lật lại quyết định phóng thích Hakamada. Vụ việc được chuyển lên Tòa Thượng thẩm (Supreme Court). Và nếu Hakamada thua kiện, ông ấy có thể phải quay trở lại với án tử hình.

Ông Hakadama vào năm 2018 (Ảnh: Getty Images)

Luật sự Kiyomi Tsunogae, một thành viên của đội biện hộ cho Hakamada đã chia sẻ rằng: “Công tố viên không chịu thừa nhận rằng cảnh sát đã ngụy tạo chứng cứ và phạm lỗi trong 50 năm trước”. Tsunogae cho rằng thẩm phán nhiều khi liên quan đến chính trị và làm hài lòng chính phủ nhiều hơn là thực thi công lý. Hiện tại, vẫn có sự nghi ngờ về bằng chứng liên quan đến DNA, chuyên gia nhân chứng đã không giữ tài liệu ghi chép thông tin này. Mặc dù vậy, giáo sư Johnson tin tưởng rằng tòa án đã phán quyết sai và Hakamada xứng đáng được xét xử lại.

Nhiều người cho rằng, việc thả tự do cho Hakadama sau đó bắt ông quay lại tù giam là một bi kịch cho người đàn ông này.

Hiện tại, tòa án vẫn cho phép Hakamada tại ngoại ở nhà chị gái của mình; cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ ông. Hakamada dường như không hiểu về tình huống mình đang gặp phải nhưng vẫn rất lạc quan. “Tôi thấy ổn, tôi khỏe mạnh. Thế giới đang phát triển và trở thành một nơi tốt đẹp - các công ty nói với bạn rằng bạn có thể kiếm rất nhiều tiền và chính phủ không phạt bạn thêm nữa”.

Thiên An
Tham khảo PRI, CNN



BÀI CHỌN LỌC

Nhận án oan tử hình, người đàn ông Nhật Bản 46 năm bị biệt giam