Người ra đi không kèn không trống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta thường hay 'ghét chết mà ham sống' chẳng qua vì không được học những giáo huấn đúng đắn về tâm linh để chuẩn bị cho khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời mình.

Mùa dịch và phong tỏa, bạn tôi ngồi trong nhà và vô tình chụp được tấm hình hai mẹ con đưa tiễn người quá cố từ nhà ra đến chốt rồi quay về. Người mất rồi không có tro cốt chứ nói chi là quan tài, chỉ là di ảnh tiễn đưa, ngay cả 3 cây nhang cũng chỉ cắm làm kiểu vậy chứ không đốt, người ở lại đau lòng đưa tiễn người thân vài bước đường, nhưng cũng phải đi theo quy định, cách nhau 2 mét mới được! Còn cảnh nào buồn hơn nữa không! Cũng không biết có bao nhiêu cái ‘đám tang di ảnh’ không có xác, không kèn, không trống như thế này trong suốt mấy tháng dịch bệnh vừa qua?

Bố của người bạn thân thời đi học, năm nay ông 87 tuổi, tuy có nhiều bệnh trong người nhưng nhìn chung sức khỏe vẫn ổn, có thể lên xuống lầu, ra vào vui vẻ đầm ấm với vợ con và các cháu nhỏ. Trước trung thu, được phường vận động nên ông cũng đi tiêm 1 mũi vắc xin.

Tôi được biết Bộ Y tế ban hành ngày 15/7: “Người từ 65 tuổi trở lên thuộc nhóm phải chuyển tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện, đây là những người đa số có nhiều bệnh nền, vì vậy, cần phải thận trọng khi tiêm chủng, có chỉ định của bác sĩ, nghĩa là những người này không tiêm chủng ở điểm tiêm lưu động.”

Nhưng ông được tiêm ở địa phương rồi y tế cho về nhà chứ không theo quy định như trên. Thiết nghĩ những nhân viên y tế này cũng ‘liều’ thật, chẳng thăm khám hay cân nhắc mà cứ ‘vô tư’ tiêm vắc xin cho một ông lão gần 90 tuổi với đủ mọi bệnh nền, bệnh già, cũng chẳng phải là ‘đối tượng trẻ’ đang trong độ tuổi đi làm hay tham gia cộng đồng mà có thể nhiễm bệnh và lây lan.

Sau đó, ông cảm thấy trong người khó chịu, mệt mỏi, chán ăn suốt 10 mấy ngày, đến gần trung thu thì ông ăn lại được đôi chút. Nhưng bất ngờ con trai ông thấy mệt trong người, xét nghiệm ra là dương tính, và, dù đã tiêm phòng nhưng ông cũng bị nhiễm virus dương tính. Tuổi già sức yếu, ông suy hô hấp nên phải thở oxy, Sài Gòn quá tải nên không có bệnh viện nào muốn nhận thêm một bệnh nhân nặng như ông.

Ông thở oxy mấy hôm, y sĩ đến nhà chăm sóc, ông cứ nằm mê man, chỉ à ừ khi con cháu gọi và ăn chút cháo, vì ông dương tính nên rất hạn chế người chăm sóc. Một bình oxy sử dụng 24 tiếng nhưng ông chỉ thở 8 tiếng là hết một bình. Tuổi già sức yếu, dịch bệnh hành hạ trong thân, các bệnh nền lâu nay không hẹn mà gặp… tất cả cùng ập đến, ông như ngọn đèn trước gió!

Và rồi, chuyện gì đến đã đến, ông ra đi vào một buổi sáng ảm đạm, trời không mưa không nắng, chỉ đúng một tiếng sau khi ông nhắm mắt, quân đội đã đến quấn xác ông đưa đi và hẹn gia đình một tuần sau sẽ trả cốt. Ồ, hóa ra do xác ông dương tính nên không được phép làm đám tang tại nhà!

Ông cả đời là cán bộ cao cấp, từng được cơ quan đưa đi đào tạo nước ngoài và trở về là hiệu trưởng một trường đại học danh tiếng, gia cảnh khá giả, vợ khỏe mạnh, con cháu đầy đàn. Vậy mà, giây phút cuối đời chỉ có 2 người con bên cạnh, một người cũng dương tính đang ‘vật vã’ với bệnh như ông, người còn lại là con gái ông. Tôi không biết ông ra đi có mãn nguyện không, nhưng 87 năm sống trên đời này gắn bó với biết bao nhiêu điều, quan trọng nhất là vợ con và cháu, tôi nghĩ, hẳn là ông không mãn nguyện!

Quân đội chỉ quấn ông lại rồi mau chóng đưa đi, còn tặng lại trước nhà ông một sợi dây đỏ giăng ngang ‘nhà có người dương tính’... Là bạn bè lâu năm, tôi muốn đến thăm viếng, thắp cho ông một nén nhang, an ủi gia đình, nhưng cũng không đến được. Ông ra đi âm thầm lặng lẽ không kèn, không trống, không người tiễn đưa. Thậm chí một cái quan tài tươm tất cũng không có chứ nói chi đến một đám tang 3 ngày theo truyền thống.

Chưa kể là Sài Gòn có quá nhiều người chết do covid, 4 trung tâm hỏa táng với chưa tới 40 cái lò thiêu chạy hết công suất cũng thiêu không hết lượng xác tấp nập mỗi ngày, cấp đông chờ thiêu cũng không còn chỗ, chôn tập thể cũng đã được triển khai. Nên khi gia đình nhận cốt của ông, liệu có sai sót, nhầm lẫn không, có thực sự là cốt của ông hay không còn là điều khó nói!

Tôi nhớ hồi đi học, suốt 12 năm ròng, một câu ‘châm ngôn’ to tướng và đập vào mắt mỗi ngày là “học, học nữa, học mãi”. Thuở nhỏ tôi là đứa trẻ siêng năng học hành chăm chỉ, có thể nói là cứ cắm đầu mà học theo câu ‘châm ngôn’ kia. Sau này lớn lên, tôi tự hỏi: Ừ, ‘học, học nữa, học mãi’ nhưng học gì? Học đến bao giờ? Tôi thấy con người ta học đủ thứ, lo đủ thứ chuyện trên đời, nhỏ học chữ, lớn học tri thức, học kinh nghiệm sống, học làm giàu, học làm bố mẹ… Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghe ai nói đến ‘học làm người ra đi’...

Trăm năm bãi bể hóa nương dâu, đời người có được trăm năm chăng, hay chỉ mấy mươi năm ngắn ngủi rồi lại ra đi nơi cát bụi. Hành trình dài vô tận của một sinh mệnh qua nhiều kiếp có lẽ là vô số lớp học phải trải qua trong thân xác con người. Chúng ta thường hay ghét chết mà ham sống chẳng qua vì không được học những giáo huấn đúng đắn về tâm linh để chuẩn bị cho khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời mình. Nó vốn không phải là thời điểm đáng sợ nhất, mà ngược lại là một khoảnh khắc thăng hoa của linh hồn khỏi cuộc sống đau khổ nơi trần thế. Thay vì bỏ cả đời học vô số kỹ năng để trở nên thành công, thứ mà chẳng thể đem theo khi nhắm mắt, có lẽ đã đến lúc người ta nên nghĩ về một cuộc sống tu dưỡng và học hỏi về tâm linh để chuẩn bị cho khoảnh khắc cuối cùng được hoàn hảo hơn thì tốt biết mấy.

Chết là trở về với tinh thể sao trời

Trả trái đất những gì vay mượn trước

Chào những bộ hành tuổi xanh xuôi ngược

Tôi xuống ga đời trả lại vé quê hương

(Thơ ‘Di chúc’ của Lê Đại Thanh)

Cao Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Người ra đi không kèn không trống