Người Pháp hiếm khi nói ‘Anh yêu em’ - Sự lãng mạn của người Pháp là như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi bạn trai của Heise chia tay cô, anh nói: “Anh không còn yêu em nữa”, lời nói này gây bất ngờ cho cô hơn là chuyện tình tan vỡ, bởi bạn trai cô chưa từng nói câu: "Anh yêu em", thì sao có thể nói "Anh không còn yêu em nữa"?. Người Pháp không nói: "Tôi yêu bạn" - vì nó không đủ để miêu tả tình cảm chân thành của họ. Vậy sự lãng mạn của người Pháp là như thế nào?

Người chồng của tôi rất yêu thương tôi. Tôi biết điều này bởi mỗi cuối tuần anh đều gửi cho tôi một bó hoa. Khi tôi kể cho anh ấy nghe về những người phụ nữ xinh đẹp mà tôi đã gặp trong các bữa tiệc, anh sẽ nói rằng: “Anh cảm thấy họ đều giống như nhau!”, ám chỉ rằng tôi là người đặc biệt trong mắt anh.

Khi chúng tôi tham gia một buổi tiệc cocktail cùng đồng nghiệp, anh luôn đưa tay ra để chạm vào cánh tay của tôi, gọi tôi là "ma biche" (con nai nhỏ của tôi) và bày tỏ tình yêu với tôi mỗi ngày. Chúng tôi vẫn thế sau hơn mười năm bên nhau.

Tôi không thể nhớ lần cuối mà anh ấy nói với tôi câu: “Anh yêu em!” là khi nào. Điều này nghe có vẻ bất an với nhiều người, nhưng thực tế lại rất bình thường ở Pháp. Ở đây, một cặp đôi dù có yêu nhau say đắm tới đâu, họ cũng ít khi bày tỏ tình cảm với nhau bằng cách nói này. Đây không phải vì tình cảm của họ chưa đủ lớn hay họ sợ phải hứa hẹn hoặc cam kết điều gì đó.

Như Lily Heise, một nhà văn tự do người Canada và chuyên gia tư vấn tình yêu sống ở Paris đã nhận xét, người Pháp dường như có thể dễ dàng đưa ra lời hứa. "Sau ba lần hẹn hò, thế là xong; họ không còn có những buổi hẹn hò khác và hy vọng có thể ở bên nhau mỗi ngày, trừ khi công việc làm gián đoạn họ”.

Người Pháp không nói câu: “Tôi yêu bạn!”

Khi bạn trai người Pháp của Heise chia tay cô, anh nói: “Anh không còn yêu em nữa”. Nhờ chuyện tình tan vỡ này mà cô được truyền cảm hứng để viết cuốn sách đầu tiên: “I Don't Love You”. Cô chia sẻ rằng, lời nói này gây bất ngờ cho cô hơn là chuyện tình tan vỡ, bởi bạn trai cô chưa từng nói câu: "Anh yêu em" thì làm sao có thể nói "Anh không còn yêu em nữa"?

Người Pháp không nói: "Tôi yêu bạn" - bởi vì họ không có động từ nào để miêu tả tình cảm chân thành của họ đối với những người họ quan tâm. Chỉ có một động từ là "aimer", vừa có nghĩa là "thích", vừa có nghĩa là "yêu". Vì vậy, khi người Pháp sử dụng "aimer" để nói về sở thích của họ đối với bóng bầu dục, bánh mì baguette hay hoa cỏ thì đó không phải là nói quá. Nhưng việc sử dụng cùng một từ để mô tả tình yêu mãnh liệt dành cho em bé sơ sinh, người bạn thời thơ ấu hoặc người bạn đời có thể khiến mọi người cảm thấy tầm thường và thô thiển.

Trong từ điển Pháp - Anh trực tuyến của Larousse có thể hiểu cách người Pháp nói về tình yêu. Ở đây, nội động từ “love” được định nghĩa là "aimer", nhưng các ví dụ về cách thể hiện tình yêu cho thấy từ này hiếm khi được sử dụng.

Theo từ điển của Larousse:

  • Khi nói đến tình yêu thể thao hoặc ẩm thực, thuật ngữ tiếng Pháp thích hợp phải là “passion” (niềm đam mê).
  • Yêu từ cái nhìn đầu tiên là "coup de foudre" (tình yêu sét đánh);
  • Chữ ký cuối bức thư là "effectue Entertainment" (trìu mến, yêu dấu);
  • Và “người đàn ông/phụ nữ của đời tôi” là "homme ou femme de ma vie".

Vậy người Pháp thể hiện tình yêu bằng cách nào?

Cầu Pont Alexandre III tráng lệ chắc chắn là một trong những địa danh lãng mạn nhất ở Paris (Ảnh: Pixabay)
Cầu Pont Alexandre III tráng lệ là một trong những địa danh lãng mạn nhất ở Paris (Ảnh: Pixabay)

Khi không thể nói 'yêu', người Pháp đã học cách sử dụng các cách diễn đạt khác để thay thế. Ví dụ như: "Flattery" (tâng bốc), "chivalry" (tinh thần hiệp sĩ, hoặc hào hiệp) và "romance" (lãng mạn), những từ này đều được du nhập vào tiếng Anh thông qua tiếng Pháp cổ.

Những lời này cho thấy rằng khen ngợi là một hình thức nghệ thuật. Để thể hiện sự ga lăng, đàn ông không do dự xách va li giúp phụ nữ xuống cầu thang tàu điện ngầm, và cũng như sự lãng mạn, vốn ăn sâu vào nền văn hóa đã làm nên món sôcôla hoàn hảo, phát minh ra rượu sâm banh và xây cây cầu Alexandre III lộng lẫy.

Đây không chỉ nói về chuyện tình cảm. Marie Houzelle là một nhà văn người Pháp đã viết cuốn tiểu thuyết “Titan” bằng tiếng Anh. Cô ấy nói rằng cha mẹ Pháp có thể nói: "Cha/mẹ yêu con" với con cái của họ, nhưng nhiều khả năng họ sẽ gọi chúng là “ma puce” (con bọ chét nhỏ của tôi), "mon chou" (cục cưng) hay "ma mignonne" (con ma nghịch ngợm) - đây là những “tên cưng” phổ biến ở Pháp.

Nhà phân tâm học Robert Neuburger đã viết trong ấn bản tiếng Pháp của Tạp chí Slate: "Giống như một lời chào hoặc một nụ hôn, ‘biệt danh’ là một phần của mối quan hệ mật thiết giữa một cặp vợ chồng, một cách xưng hô để phân biệt người bạn đang gọi với những người khác. Nó thể hiện sự gắn kết và sự trân quý theo cách đặc biệt”.

Ở Pháp, biệt danh được sử dụng nhiều và có vai trò cụ thể trong cuộc sống. Một người đàn ông có thể gọi đồng nghiệp nữ của mình là "con mèo nhỏ của tôi". Hay khi một người bạn thân chào một người phụ nữ, cô có thể gọi bạn mình là "ma belle", nghĩa là "vẻ đẹp của tôi".

Nếu bạn tìm kiếm trên các tạp chí trực tuyến dành cho phụ nữ thì bạn sẽ nhận được hàng trăm “biệt hiệu” dành cho cha, mẹ, con, bạn bè hoặc người yêu, chẳng hạn như "ma chéri"; "mon coeur" (cưng à, anh yêu/em yêu); "mon trésor" (bé cưng của tôi); "ma perle ”(ngọc trai của tôi).v.v.

Một cách khác để bày tỏ “tình yêu” của người Pháp đó là những cái ôm và những nụ hôn. Họ vui khi truyền đạt tình cảm của mình bằng cách này ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào họ cảm thấy cần thể hiện tình cảm.

Ở Pháp, việc thể hiện tình yêu một cách công khai là điều không có gì phải tranh cãi, người ta tin rằng việc thể hiện tình yêu giữa chốn đông người là “trái ngọt” của tình yêu.

Nhà xuất bản Parigramme đã xuất bản một cuốn cẩm nang hướng dẫn về những nơi phù hợp nhất để hôn ở Paris có tên là: "Où s'embrasser à Paris".

Tạp chí "ELLE" thì khuyên bạn nên đến Đài phun nước Medici ở Vườn Luxembourg, hoặc ngồi trên một chiếc ghế dài ở Quảng trường Jehan-Rictus, Montmartre, nơi có bức tường với dòng chữ "I love you" được viết bằng nhiều thứ tiếng.

‘Văn hoá nụ hôn’ của người Pháp

Nụ hôn cũng dùng để thay thế “lời yêu” khi nói lời tạm biệt với bạn bè và gia đình. Người Pháp nói 'je t'embrasse' (Hôn nhé!) khi kết thúc cuộc nói chuyện điện thoại với người thân.

Các con tôi kết thúc tin nhắn gửi cho tôi với từ “bises”, còn những người bạn tốt của tôi kết thúc trang trọng hơn một chút với từ “bisous”, cả hai từ này đều có nghĩa là “nụ hôn” xuất phát từ tiếng Latin baesium, một lời chào thấp hơn nghi thức thiêng liêng, và cao hơn cử chỉ lãng mạn.

“Hôn” không chỉ để chào tạm biệt mà còn là một phần trong nghi thức chào hỏi của người Pháp. Ở Paris, một nụ hôn có thể đơn giản như chạm nhẹ vào má. Ở các vùng phía Nam, người ta hôn nhau ba lần khi chào nhau, còn ở vùng Tây Bắc, họ thường hôn nhau bốn lần. Nụ hôn này dành cho gia đình, bạn bè, người quen và đôi khi là cả đồng nghiệp.

Nghi thức này, giống như cái ôm của người Mỹ hoặc cái bắt tay của người Rwanda, nhưng cách chào hỏi này đã bị đặt nghi vấn trong đại dịch Covid-19. Điều này khiến người Pháp phải thử nghiệm các cách “chào hỏi” khác để phù hợp với quy định giãn cách xã hội của họ.

Cú “huých” khuỷu tay là phù hợp nhất, nhưng “lời chào” vẫn có cảm giác vụng về và “lời tạm biệt” trở nên không trọn vẹn khi thiếu vắng những nụ hôn.

Vào tháng 5/2021, nước Pháp cuối cùng cũng nới lỏng các hạn chế phòng dịch Covid-29 - lệnh giới nghiêm được lùi lại đến 21h và các nhà hàng đã có thể phục vụ ngoài trời trở lại.

Người Pháp ăn mừng trước các quán cà phê ở Paris, trong các căn nhà gỗ trên dãy Alps, hay túp lều trên bãi biển ở French Riviera, và chào nhau - đôi khi đeo khẩu trang, đôi khi không.

Mọi người đều tin rằng “nụ hôn” sẽ sớm quay trở lại trong vài tháng nữa. Bởi vì, ở một đất nước mà không dễ nói lời yêu, mọi người đều nóng lòng muốn được thể hiện tình cảm của mình với những người thân hoặc bạn bè.

Đông Mai

Theo aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Người Pháp hiếm khi nói ‘Anh yêu em’ - Sự lãng mạn của người Pháp là như thế nào?