Người mẹ bắt con quỳ ngay tại trường vì trượt lớp 10 - Dù tức giận đến đâu, xin đừng ‘trút lên đầu’ con trẻ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, mạng xã hội xôn xao về câu chuyện một bà mẹ bực tức, quát mắng, bắt con quỳ ngay giữa sân trường vì "7 năm học sinh giỏi mà giờ trường dân lập cũng không nhận". Cô con gái vì sự kỳ vọng, đau khổ, tức giận của mẹ, đã phải “chịu nhục” ngay giữa sân trường...

Khi đến trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) để nhập học cho con, người mẹ được thông báo con gái đã thi trượt vào trường tư này.

Trong lúc tức giận, người mẹ đã bắt con quỳ giữa sân trường. Lúc có người can ngăn vì bà định đánh con, người phụ nữ hét lên: "Để yên cho tôi dạy con, 7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư người ta cũng không thèm nhận”.

Trong kì thi tuyển sinh vừa qua, cô bạn này đạt tổng 36,15 điểm, trong đó cao nhất là 9,3 điểm tiếng Anh. Còn lại được 6,5 điểm Ngữ văn; 3,25 điểm Toán; 7,35 điểm Lịch sử.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường xác nhận có sự việc này diễn ra. Ông cho biết em học sinh này thi trượt tất cả các nguyện vọng trường công lập. Phụ huynh này đã từng đóng phí giữ chỗ ở trường nên theo quy định sẽ được cộng thêm 2 điểm. Nhưng điểm chuẩn năm nay của trường là 39, em ấy cộng thêm 2 điểm nữa cũng chưa đạt được điểm chuẩn.

Vào cuối năm lớp 8, gia đình cô bạn này gặp biến cố lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý nữ sinh. Đến khi thi cấp 3, do phần nào chịu áp lực thi cử nên kết quả làm bài của cô bạn cũng không được như mong muốn.

Cơn giận dữ trút xuống đầu con trẻ

Câu chuyện về cô gái nhỏ nhẫn nhịn quỳ gối trước bao ánh mắt khiến người khác thực sự xót xa. Không biết lúc này bà mẹ muốn gì ở đứa con gái bé bỏng ấy? Đó có phải là đỉnh điểm của sự bất lực, thất vọng sau biết bao kỳ vọng của bậc phụ huynh có con thi trượt?

Cánh cửa nguyện vọng không phải luôn mở cho tất cả sĩ tử, và nhiều lúc thực tế nghiệt ngã khi có học sinh học giỏi, nhưng cuối cùng đã thi trượt vào ngôi trường công lập yêu thích.

"Nếu tôi có mặt ở đó thì cũng sẽ linh động, nhận thêm cháu vào học. Tôi tìm hiểu thì được biết bố của cháu mới mất được một năm. Có lẽ, nỗi đau mất chồng, dồn kỳ vọng vào con quá nhiều, đến khi kết quả không như ý làm người mẹ không kìm nén được cảm xúc. Sau đó, cháu cũng đã được nhận vào trường khác", thầy Hòa chia sẻ.

Qua câu chuyện này, tiến sĩ Hòa mong các bậc phụ huynh không đặt nặng vấn đề thành tích và dạy dỗ con đúng cách hơn. Với điểm thi 36,5; em học sinh này không hẳn đã kém, có thể do em và phụ huynh chọn trường không đúng với thực lực, dẫn đến trượt hết nguyện vọng. Rất nhiều trường ở ngoại thành Hà Nội, điểm chuẩn cũng chỉ hơn 20.

Thi trượt không phải là thất bại!

Thầy Hòa cho rằng cuộc đời của mỗi người không có chuyện lúc nào cũng thành công. Học sinh cũng vậy, có lúc các con sẽ thua thiệt, có khi lại vấp ngã hoặc không vượt qua thử thách về thi cử; nhưng hiện nay, càng hiện đại thì cha mẹ càng để ý đến thành tích, vô tình gây áp lực lên các con.

Con thi trượt, không chỉ phụ huynh thất vọng, mà con trẻ cũng chịu tổn thương rất lớn, bởi chúng không chỉ bỏ lỡ cơ hội trước kỳ thi quan trọng, mà còn phải chịu áp lực nặng nề từ kỳ vọng của cha mẹ.

Khi không được cha mẹ thấu hiểu, nâng đỡ, nỗi buồn thi trượt khiến các em rơi vào tuyệt vọng, nhụt chí gấp nhiều lần. Học tập là quá trình cả đời chứ không chỉ 12 năm trên ghế nhà trường và 4 năm ở giảng đường đại học.

“Việc học chưa bao giờ dừng lại bởi một kỳ thi. Và thi trượt không phải là thất bại mà chỉ là ngã rẽ sang ngả đường khác, đi tới thành công theo một cách khác”, một cô giáo chia sẻ.

Giáo dục là nghệ thuật của sự ‘chậm rãi’

Một cô giáo kể câu chuyện rằng một trong những học trò của cô đã từng đưa đứa con đang học lớp 5 của mình đến nhà cô và hỏi: "Thưa cô, con của em nó không thích ăn và gầy yếu, em phải làm thế nào ạ?"

Cô hỏi: "Con của em bao nhiêu tuổi rồi?"

"Dạ 10 tuổi"

"Cháu bé mới 10 tuổi thì lo gì”.

“Nhưng cô bé học không giỏi, cũng không ăn nhiều và thấp hơn các bạn cùng trang lứa một cái đầu”.

Cô nói: "Hãy đừng so sánh con với một khuôn mẫu nào cả. Quan tâm thái quá đến thành tích học tập hay cân nặng của trẻ lúc này là không cần thiết. Nuôi con là cả một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn. Cũng giống như trồng cà rốt, chúng ta không thể mong cây cà rốt phát triển tốt nếu cứ lâu lâu lại nhổ nó lên để xem củ cà rốt đã to đến đâu rồi”.

Vài năm sau, người học trò ấy dẫn theo một cô gái rạng rỡ, xinh xắn đến - chính là cô bé gầy nhom năm nào - và vui mừng thông báo rằng cô bé đã đậu đại học.

Cô nói: "Em thấy không. Có phải mình đã từng quá vội vàng không? Giờ đây, đứa bé vừa thông minh, xinh đẹp, lại đậu vào một trường đại học danh tiếng như vậy”.

Người học trò đồng ý. "Thật sự lúc đó em đã quá lo lắng. Nhưng giờ đây, em cảm thấy rất tự hào”.

Từ câu chuyện này, chúng ta có thể nhận ra một điều sâu sắc rằng: giáo dục là nghệ thuật của “sự chậm rãi”.

Tâm sự của nữ sinh

Nghĩ lại về ngày hôm đó, cô bạn cho biết không hề trách móc mẹ, vì cũng biết mẹ làm vậy vì quá lo lắng và thất vọng về kết quả học tập của mình.

"Có mẹ nào mà không thương con đâu chứ? Mẹ mình ngoài đời vốn nóng tính, khó kiềm chế cảm xúc. Mình hiểu lúc đấy mẹ mất bình tĩnh thế nào khi biết con gái mình không được theo học trường đó”, nữ học sinh cho biết.

Cô còn cho biết mình khóc không phải vì không được học ở trường đấy, mà vì sợ mẹ nóng giận quá và ngất thì có chuyện không hay. Cô bạn cũng mong cộng đồng mạng ngừng soi xét và cái nhìn tiêu cực về mẹ mình. Bởi mẹ cô phải nuôi 3 người con, tính cũng vốn nóng nên nhiều khi sẽ có những hành động không kiềm chế được.

Nữ sinh nói: "Nhà mình có 3 anh em lận nên một mình mẹ gánh vác cũng mệt lắm rồi. Tính mẹ mình nóng lắm, nhưng cũng rất thương các con. Mình hiểu chuyện đi làm cũng đủ làm mẹ mệt mỏi nên nhiều khi để mẹ xả chút giận cũng không sao".

Nữ sinh tâm sự rằng bạn cảm thấy có lỗi với sự kỳ vọng của mẹ. Hiện giờ, cô bạn cũng được giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn cách làm thủ tục ở trường cấp 3 khác.

Xét cho cùng, một cột mốc nào đó trong cuộc đời không thể quyết định số phận, nhân cách, và tương lai của một người. Các bậc phụ huynh, xin đừng để sự kỳ vọng, tức giận, oán trách của bản thân mình làm tổn thương con trẻ.

Dù con có “thất bại tạm thời”, hay dù bản thân chúng ta đang cảm thấy thất vọng đến đâu, hãy hiểu rằng con trẻ cũng cần sự tôn trọng. Giáo dục chân chính là từ bỏ tính nóng vội, thay vào đó, hãy dùng tình yêu thương, sự cảm thông và khích lệ để khuyến khích, nâng đỡ con trên bước đường dài của cuộc đời.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Người mẹ bắt con quỳ ngay tại trường vì trượt lớp 10 - Dù tức giận đến đâu, xin đừng ‘trút lên đầu’ con trẻ