Người không có ý thức về ranh giới là ‘những đứa trẻ khổng lồ’, cho dù họ bao nhiêu tuổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi tiếp xúc với một người, bạn sẽ thấy rằng giữa hai người luôn có một khoảng ranh giới an toàn về mặt tâm lý. Nếu như người kia tiến đến gần hơn và “vượt qua biên giới” một chút, theo bản năng, bạn sẽ lùi lại. Đây chính là cảm giác về biên giới.

Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta sẽ gặp rất nhiều kiểu người khác nhau. Có những người mang đến cho bạn cảm giác trong lành như nước mát, khiến bạn rất muốn kết giao với họ. Nhưng cũng có những người thường xuyên làm bạn thấy khó xử, và thậm chí khiến bạn không thoải mái.

Họ có thể hỏi những câu mà bạn rất khó trả lời hoặc thường xuyên đưa ra những yêu cầu mà bạn không muốn làm. Ví dụ như: Bạn kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng? Bạn có thể giúp tôi việc này được không, tôi sẽ nói tốt với mọi người về bạn.

Bạn có nghĩ rằng những người như vậy là người ích kỷ hay là người xấu không?

Thật ra có thể họ hoàn toàn không có ý đồ như vậy, chỉ là họ chưa ý thức tốt về ranh giới trong hành động của mình mà thôi.

Cảm giác ranh giới là gì?

Khi tiếp xúc với một người, bạn sẽ thấy rằng giữa hai người luôn có một khoảng ranh giới an toàn về mặt tâm lý. Nếu như người kia tiến đến gần hơn và “vượt qua biên giới” một chút, theo bản năng, bạn sẽ lùi lại. Đây chính là cảm giác về biên giới.

Về bản chất, cảm giác ranh giới là nhận thức về quyền sở hữu của mỗi người. Bạn làm những việc trong pham vi của mình, và tôi cũng làm những việc trong phạm vi của tôi, nếu một trong hai có ý muốn “vượt biên”, thì cần nhận được sự đồng ý của phía bên kia.

Cũng giống như hai quốc gia, giữa hai nước đều có biên giới, khi bạn qua biên giới để hái trái cây từ nước khác, bạn cần phải xin sự đồng ý của nước láng giềng.

Bạn không thể nói, tôi thấy bên ấy có quả mà không hái, tôi thấy phí quá bèn qua đó hái hộ.

Vậy yêu cầu cốt lõi của việc có ý thức về ranh giới là trước tiên bạn phải xác định được ranh giới là gì - từ đó nhận thức được những việc mình “có thể làm” và “không thể làm” và những việc cần sự đồng ý từ đối phương.

Một đứa trẻ khi mới sinh ra sẽ hoàn toàn không có ý thức về ranh giới, nó luôn nghĩ mình và mẹ là một, và không nhận thức ra đâu là của mình, đâu là của những người khác.

Thông thường khi chúng lớn dần, ý thức về ranh giới sẽ dần được hình thành. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, có một số người lớn, họ không có ý thức rõ ràng về khái niệm biên giới này. Mặc dù bề ngoài họ là người trưởng thành, nhưng trong tâm thì vẫn như một đứa trẻ.

Những người như vậy gọi là “những đứa trẻ khổng lồ”, sau khi lớn lên vẫn không biết đâu là của mình, đâu là của người khác.

Trong cuộc sống hay công việc, ý thức về ranh giới là rất quan trọng. (Ảnh: Pixabay)
Trong cuộc sống hay công việc, ý thức về ranh giới là rất quan trọng. (Ảnh: Pixabay)

Tại sao lại có chuyện như vậy?

Nguyên nhân là vì ngay từ khi còn bé, mẹ của họ đã không giúp họ phân biệt ranh giới rõ ràng. Ví dụ, người mẹ đang uống đồ uống, khi đứa trẻ nhìn thấy, nó tiến đến và trực tiếp cầm lên uống. Lúc này, nếu như người mẹ không giải thích và cho rằng điều này là bình thường, thì dần dần sẽ hình thành ý thức trong đứa trẻ về việc “tùy tiện” trong giao tiếp.

Ngược lại, nếu gia đình có tư tưởng về quyền riêng tư thì chuyện như vậy sẽ không thường xuyên xảy ra. Đứa trẻ được hướng dẫn về quyền sở hữu sẽ làm việc mà được người lớn cho phép.

Một khi loại ý thức này không được uốn nắn từ nhỏ, người đó lớn lên sẽ thường vấp phải những “bức tường” trong cuộc sống vì thiếu ý thức về ranh giới.

Tình huống khó xử với cấp trên và đồng nghiệp

Trong công việc hàng ngày, việc trao đổi giao tiếp với đồng nghiệp hay cấp trên là điều hết sức bình thường. Nhưng có những tình huống bất ngờ khiến bạn khó xử.

Nếu muốn “vượt qua ranh giới”, cần phải được sự đồng ý của bên kia. Một số cấp trên có thể không nhận thức được vấn đề này khi quản lý nhân viên.

Hãy lấy một ví dụ.

Một ngày cấp trên bỗng dưng thuyên chuyển bạn qua một vị trí, mà trước đó bạn chưa hề nghĩ tới hoặc không thuộc chuyên môn của bạn. Vị này cũng không thảo luận trước với bạn về ý định đó. Điều này có thể khiến bạn bối rối và hụt hẫng.

Điều này dường như đã vượt qua ranh giới. Người cấp trên đó không nhận ra rằng cần tôn trọng ý kiến của cá nhân cấp dưới. Thay vì làm thành “sự việc đã rồi”, chúng ta nên trao đổi để đạt được mong muốn tốt nhất trong công việc cho cả hai bên. Điều đó tránh cho người cấp dưới rơi vào tình huống bối rối khó xử.

Hoặc như khi bạn vừa bắt đầu một công việc mới, trong một buổi họp, một người đồng nghiệp bất ngờ hỏi bạn: “Bạn kiếm được bao nhiêu tiền trong một tháng?”

Câu hỏi đó chắc sẽ làm bạn không muốn tiếp tục nói chuyện với người này. Thậm chí anh ta vẫn tiếp tục hỏi: “Tôi một tháng kiếm được từng này, còn bạn là bao nhiêu? Tôi đã nói số lương của tôi cho bạn rồi đó”.

Điều này càng bất lịch sự. Bạn kiếm được bao nhiêu tiền trong một tháng là quyền riêng tư của bạn. Quyền riêng tư thuộc về bạn. Người khác không nên hỏi về điều đó.

Nếu bạn chủ động nói với người khác số tiền bạn kiếm được trong một tháng, đây là bạn sẵn sàng chia sẻ với họ, nhưng điều này không có nghĩa là người khác được phép “xâm phạm” quyền riêng tư của bạn.

Quyền bày tỏ và chấp nhận ý kiến

Trong công ty họp bàn về phương thức thực hiện dự án mới. Sau khi thảo luận rất lâu, nhiều vấn đề và nhiều biện pháp được đưa ra. Ông chủ cuối cùng đưa ra quyết định và mọi người sẽ thi hành theo cách đó.

Lúc này một nhân viên đứng lên và tỏ thái độ gay gắt: “Tôi không đồng ý, chúng ta không nên làm như vậy, tôi không muốn thực hiện như thế...”.

Bạn thấy đấy, khi đó người nhân viên đã vượt qua ranh giới.

Tại sao? Bởi vì người sếp triệu tập cuộc họp là để nhân viên có thể đưa ra đề xuất, nhưng quyền đưa ra quyết định là thuộc về người sếp. Đó là ranh giới giữa nhân viên và quản lý trong công ty. Người cấp trên ra các chỉ thị và nhân viên thi hành nó.

Bạn có thể bày tỏ ý kiến cá nhân rằng bạn không đồng tình với ý kiến đó, nhưng với cương vị là cấp dưới, bạn cần thực hành ý kiến của cấp trên đưa ra, miễn nó không phạm pháp và trái với đạo đức.

Bạn có thể tham gia thảo luận và đưa ra đề xuất, nhưng cuối cùng, nếu sếp không chấp nhận đề xuất của bạn, bạn phải chấp nhận nó.

Bạn vẫn phải có trách nhiệm thực hiện mệnh lệnh của sếp, vì đây là quyền của sếp, đây là ranh giới ý thức.

Trong khi trao đổi vấn đề với người khác. Bạn có quyền nêu ra quan điểm của mình, đó là quyền bày tỏ. Còn chấp nhận hay không lại thuộc về đối tác của bạn, đó là quyền chấp nhận.

Bạn không thể bảo ai đó phải làm gì, nếu không làm thì sẽ nhận hậu quả gì… Đó là một loại vi phạm khác. Bạn chỉ có thể nói rằng tôi nhận định điều này theo cách này; nếu là tôi, tôi sẽ làm gì, tôi hy vọng nó có thể giúp bạn một chút.

Lúc này, quyền chấp nhận hay không vẫn nằm trong tay đối phương, đây là ranh giới ý thức.

Trong cuộc sống hay công việc, ý thức về ranh giới là rất quan trọng.

Nhiều hành động không thoải mái thường là do đối phương đã vượt qua ranh giới, vì vậy bạn phải luôn rèn luyện ý thức về ranh giới của mình và cẩn thận để không vi phạm ranh giới của người khác.

Đây là sự tu dưỡng cơ bản của một người trưởng thành. Nếu không có cảm giác về ranh giới, ngay cả khi lớn lên, người đó sẽ là một "em bé khổng lồ" không được chào đón.

Từ Tịnh

Theo aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Người không có ý thức về ranh giới là ‘những đứa trẻ khổng lồ’, cho dù họ bao nhiêu tuổi