Người Hong Kong và những ký ức biểu tình: Tương lai nào cho Hong Kong trước luật An ninh quốc gia?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc biểu tình đòi quyền dân chủ của Hong Kong là sự kiện “thống trị” các trang báo năm 2019.

Sự kiện này bắt đầu từ cuộc diễu hành phản đối dự luật dẫn độ có ảnh hưởng tới tương lai của Hong Kong. Những người biểu tình đã để lại trong lòng người dân thế giới những hình ảnh như: hàng triệu người tập trung trên đường phố, những màn tấn công bạo lực và phun hơi cay của cảnh sát, cảnh tượng thành phố chìm trong lửa đỏ.

Trong khi virus Vũ Hán đã đặt dấu chấm cho cuộc biểu tình này, thì các cuộc biểu tình lại tái kích hoạt khi Trung Quốc ban hành Luật an ninh quốc gia nhắm đến những kẻ bạo loạn và khủng bố - từ ngữ Bắc Kinh dùng để miêu tả những người biểu tình.

Hiện tại đã đánh dấu 1 năm kể từ khi chiến dịch này bắt đầu. Và những “người trong cuộc" tại Hong Kong đã nói gì?

Nhà hoạt động dân chủ: Joshua Wong

Nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Joshua Wong không nằm trong dòng người biểu tình ùa xuống đường vào 9/6 năm ngoái. Lúc đó, cậu đang trong tù, theo lệnh giam 2 tháng vì tham gia vào phong trào Dù Vàng năm 2014.

Joshua Wong (Ảnh: Getty Images)

“Khi hàng triệu người xuống đường vào tháng 6, tôi vẫn đang trong tù, nhưng khi tôi xem tivi, tôi thực sự ấn tượng", cậu nói.

Đối với chàng trai 23 tuổi này, rút lại dự luật dẫn độ là một chiến thắng, nhưng còn 4 yêu cầu nữa - bao gồm điều tra độc lập hành vi vi phạm nhân quyền của cảnh sát; thả người biểu tình; chính phủ dừng ngay việc gọi người biểu tình là “kẻ bạo loạn"; và cho phép quyền bầu cử phổ thông.

“Người Hong Kong sẽ tiếp tục biểu tình để thế giới biết rằng Bắc Kinh đã ban hành một luật lệ tà ác, đầu hàng không phải là một lựa chọn cho chúng tôi", cậu nói.

“Chúng tôi hi vọng sẽ ngăn chặn được việc Hong Kong trở thành một Tân Cương và Tây Tạng tiếp theo".

Mối quan tâm hiện tại của cậu là đấu tranh với luật An ninh quốc gia.

“Tôi không có hi vọng gì về thể chế này, nhưng vẫn còn hi vọng đối với người dân", cậu nói.

“Thời gian sắp hết cho Hong Kong rồi, và chúng tôi cần phải chiến đấu".

Chính trị gia: Claudia Mo

Với Claudia Mo, biểu tình không phải bắt đầu từ 9/6. Bà đã huy động một đám đông vào tháng 3, có khoảng 10.000 người tham dự - không giống như cảnh tượng hàng triệu người tham dự sau đó.

Ban đầu, có rất nhiều người hiểu lầm - họ nghĩ dự luật dẫn độ là ám chỉ những kẻ đào tẩu hoặc những người xấu đã phạm pháp.

Claudia Mo Man-ching, Hong Kong (Ảnh: Getty Images)

“Mọi người không nhận ra ảnh hưởng chính trị của dự luật thời điểm đó", bà nói. “Dự luật mới không nên và không thể trở thành một vũ khí chính trị. Và sau đó làn sóng biểu tình giống như quả bóng tuyết cứ to dần. Chúng tôi đã thành công trong việc thu hút rất nhiều những người nhiệt huyết".

Bà cho rằng những hành động của cảnh sát là không thể tưởng tượng được. Cảnh sát đã được miễn trừ hầu hết những vi phạm theo một báo cáo giám sát năm nay.

“Nhưng họ đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Chính sự bạo lực của cảnh sát làm dậy lên ý chí của những người trẻ để quay lại và trả đũa, theo một cách nào đó", bà chia sẻ.

Cảnh sát Hong Kong tiếp tục sử dụng việc hơi cay và bạo lực đối với “những kẻ bạo loạn", và báo cáo giám sát vào tháng 3 năm nay thật sự gây thất vọng to lớn, họ cho rằng cảnh sát đã hành động dưới sự chỉ dẫn nhưng nên có “không gian cho họ cải thiện".

“Trong bạo lực, họ phải đối mặt với việc thực thi nhiệm vụ, cảnh sát thấy cần thiết dùng bạo lực trong một số trường hợp”, báo cáo viết.

Một trường hợp mà Mo nhớ như in đó chính là khi một nhà báo người Indonesia, Veby Mega Indah, bị bắn và bị mù một mắt.

Bà cũng đề cập đến “Hong Kong speak" - một dẫn chứng về ảnh hưởng của chế độ độc tài toàn trị trong tiểu thuyết 1984.

“Hong Kong đã bị biến thành giống như trong tiểu thuyết của Orwell. Ngày trở thành đêm, và ánh sáng biến thành bóng tối".

Bà lo sợ luật an ninh quốc gia được dùng để khủng bố thành phố. Bắc Kinh thấy điều luật này là cần thiết để đối đầu với việc chống ly khai, đảo chính, khủng bố và can thiệp nước ngoài vào Hong Kong,.

“Tôi khá là bi quan. Tôi có thể thấy một Hong Kong đầy ảm đạm trong những năm tới”, bà chia sẻ.

“Liệu chúng tôi có thể chiến đấu không? Tôi không thể nói bởi vì tôi khá già rồi. Liệu tôi có sống đủ lâu để chứng kiến lịch sử. Tôi không biết. Nhưng chúng tôi sẽ không vô tâm. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục chiến đấu".

Nhà thơ: Tammy Ho

Tammy Lai-Ming Ho, nhà thơ và là chủ tịch của PEN Hong Kong (Hội cây bút ở Hong Kong) đã rất e ngại về sức ảnh hưởng của luật dẫn độ.

“Những cuộc biểu tình nhanh chóng trở thành niềm tự hào, mọi người bắt đầu xuất hiện với số lượng lớn. Nó thể hiện rằng người Hong Kong không phải con bò, và mọi người đã lo lắng về luật pháp kể từ khi Phong trào Dù Vàng kết thúc năm 2014”.

Cô gái cũng giống như những người Hong Kong khác, rất lo lắng tự do của Hong Kong sẽ bị xói mòn.

“Phong trào biểu tình vẫn ở đó, nhưng kẻ thù thì đã lớn hơn, với Luật An ninh Quốc gia trong tay. Người biểu tình không biến mất nhưng quy mô đã nhỏ hơn và ít thường xuyên hơn", cô nói.

“Việc biểu tình đã trở nên rủi ro hơn, khi cảnh sát bắt giữ họ trên đường phố. Nhưng tôi hi vọng người Hong Kong sẽ tiếp tục ra đường, như lễ tưởng niệm ngày 4/6 cho cuộc thảm sát Thiên An Môn, bởi vì rất nhiều thứ đang bị đe doạ”.

Với cô, những ký ức của cuộc biểu tình rất sống động, từ cái chết đầu tiên của người biểu tình, Marco Leung, đến các trường đại học bị biến thành chiến trường giữa sinh viên và cảnh sát.

“Nhưng hình ảnh một cặp đôi trẻ không có khả năng phòng vệ ngồi bệt trên sàn xe tàu hoả bị một đội cảnh sát xịt hơi cay sẽ khiến tôi nhớ mãi", cô nói.

Ho nói rằng sáng tác và viết thơ giống như một phương thuốc giúp cô bày tỏ hết suy nghĩ, và là phương tiện để ghi lại cách người biểu tình đã xử sự trong suốt năm qua.

“Hong Kong đang ở giai đoạn quan trọng trong lịch sử và tương lai thì thật ảm đạm, nhưng tôi hi vọng rằng sức kháng cự và lòng can đảm của người Hong Kong sẽ khiến ý chí của chúng tôi không bao giờ lụi tàn như Bắc Kinh và nhà cầm quyền mong muốn”.

Hoạ sĩ: Badiucao

Đối với nghệ sĩ bất đồng chính kiến Trung Quốc Badiucao, cư trú tại Úc, phong trào phản kháng ở Hong Kong vừa là nguồn cảm hứng nghệ thuật vừa là nghĩa vụ của ông.

“Tôi cảm thấy cần có trách nhiệm dùng nghệ thuật để ghi lại giai đoạn lịch sử tinh thần này", ông nói.

“Tôi dùng nghệ thuật để truyền sức mạnh cho người biểu tình... và tham gia với nghệ thuật của chính tôi".

Hoạ sĩ Badiucao (Ảnh: Getty Images)

Khi ông cố gắng tổ chức một sự kiện liên quan tới Hong Kong ở Úc, ông nói rằng ông đã bị đánh ở một số địa điểm, làm dấy lên mối lo ngại về kiểm duyệt và an ninh.

Công việc của ông bao gồm việc khắc hoạ chân dung những người biểu tình bị hại, vẽ lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam trong nhân vật hoạt hình đang dùng đồ trang sức kì cục: một cái vòng cổ với cái tai lủng lẳng, một chiếc nhẫn có gắn nhãn cầu.

Khi trường Đại học Bách Khoa Hong Kong bị bao vây, khuôn viên trường đã biến thành chiến trường.

“Cảnh sát bắt giữ sinh viên với gậy baton và những vũ khí khác, và sau đó phải chạy trong sân. Đó là một cảnh tượng siêu thực".

“Thật vô lý khi thấy thành phố lâm vào cảnh địa ngục".

Một khái niệm nổi tiếng trong cuộc biểu tình lấy nguồn cảm hứng từ Bruce Lee đó chính là “Hãy giống như nước" - người biểu tình “chảy” khắp thành phố và xây dựng chiến hào để phòng thủ với cảnh sát và duy trì phong trào của họ.

Ông nói rằng cuộc biểu tình ở Hong Kong là một phong trào phi thường trong lịch sử loài người, nhưng vượt xa những hình ảnh lan tỏa trong truyền thông, sự kiện đó đã có một tác động mạnh mẽ đến đời sống.

Điều này đã được minh chứng trong một phòng chat trực tuyến dành cho các bà mẹ mới cho con bú. Những phụ nữ trẻ đăng câu hỏi về việc liệu hơi cay mà họ hít vào có gây hại cho em bé hay không.

"Những chi tiết đó, có vẻ khá vô lý đối với một xã hội như Úc, mọi người sẽ không lo lắng về điều đó nhưng ở Hong Kong, đó là nỗi lo hàng ngày".

Sau tất cả, những nỗ lực của người dân Hong Kong có lẽ không lãng phí. Chí ít, cả thế giới đã nhìn thấy bộ mặt thật của Đảng Cộng sản Trung Quốc và dã tâm dùng Hong Kong làm bàn đạp để thống trị thế giới của thể chế này. Tương lai của Hong Kong thật khó biết trước, nhưng chắc chắn, tinh thần dân chủ và tự do của người dân Hong Kong vẫn sáng rực. Chừng nào tinh thần này còn tồn tại, thì người dân Hong Kong vẫn còn có hi vọng “phục hưng” quê hương của chính họ.

Thiên An
Theo ABC



BÀI CHỌN LỌC

Người Hong Kong và những ký ức biểu tình: Tương lai nào cho Hong Kong trước luật An ninh quốc gia?