Người giải cứu tê tê ở Việt Nam được trao giải 'Nobel Môi trường' danh giá

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sáng ngày 16/6, Giải thưởng Goldman Environmental Prize - giải thưởng môi trường lớn nhất và danh giá nhất hành tinh đã được trao cho anh Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam - Save Vietnam's Wildlife (SVW).

Anh Nguyễn Văn Thái (SN 1982, người Ninh Bình), là người sáng lập Save Vietnam's Wildlife (SVW) năm 2014, có trụ sở tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Từ đó tới nay, SVW đã thành lập hai trung tâm phục hồi loài tê tê, một tại Cúc Phương, và một tại Vườn Quốc gia Pù Mát.

Anh cũng là người thành lập nhóm Anti-Poaching (nhóm tuần tra bảo vệ rừng, giải cứu thú rừng) đầu tiên ở Việt Nam và phối hợp cùng Kiểm lâm bảo vệ Vườn quốc gia Pù Mát. Đội của anh trực tiếp tuần tra và “bám rừng” hàng tháng trời để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, giải cứu thú rừng bị dính bẫy, gỡ các rông bẫy, phá hủy lán trại dựng trái phép của lâm tặc.

Với tình yêu thương đặc biệt dành cho động vật, anh Thái cùng các cộng sự đã gắn bó với công việc này suốt 15 năm qua.

Đại diện Việt Nam đạt giải 'Nobel xanh' danh giá

Tới nay, tổ chức phi lợi nhuận SVW đã triệt phá nhiều đường dây mua bán trái phép động vật hoang dã lớn, giải cứu gần 2.000 cá thể tê tê, giúp giảm 80% hoạt động săn trộm loài động vật này.

Chỉ trong 3 năm từ khi nhóm chống săn bắn trái phép được thành lập tại Vườn Quốc gia Pù Mát, nhóm tuần tra này đã phá hủy 10.000 bẫy săn, tịch thu 90 khẩu súng, 800 lồng nhốt, bắt được 600 đối tượng săn bắn và mua bán trái phép động vật hoang dã.

Anh Thái và các cộng sự "bám rừng", bảo vệ động vật hoang dã
Anh Thái và các cộng sự "bám rừng", bảo vệ động vật hoang dã (Ảnh: tổng hợp)

Ngoài hoạt động bảo vệ rừng và động vật hoang dã, anh Thái còn tổ chức các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam về tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã.

Anh đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu, tham dự các hội thảo quốc tế và xây dựng các quy trình đầu tiên về theo dõi và phục hồi tê tê ở Việt Nam; đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê tại Ninh Bình, đây là Trung tâm phục hồi chức năng cho Tê tê Châu Á đầu tiên của Việt Nam.

Những cá thể tê tê được giải cứu sẽ đưa về các trung tâm phục hồi này để chăm sóc, sau đó chúng được trả về môi trường tự nhiên. Nhờ đó mà 80% những cá thể bị thương nặng đã được cứu chữa và phục hồi.

Những đóng góp không mệt mỏi của anh Nguyễn Văn Thái và các cộng sự đã được hội đồng Giải thưởng Môi trường Goldman vinh danh. Goldman Environmental Prize miêu tả những đóng góp của anh Nguyễn Văn Thái và SNW đã mang tới những tác động to lớn "về sự hiểu biết và nỗ lực bảo vệ" tê tê - loài động vật đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Giải thưởng Môi trường Goldman được thành lập 1989 được ví như "Nobel xanh", được trao tặng hàng năm cho các “anh hùng” môi trường trên thế giới. Năm nay do dịch Covid-19, giải thưởng được trao trực tuyến, phần thưởng bao gồm Cúp và số tiền 200 nghìn USD, được sử dụng để mở rộng các hoạt động chuyên môn, hợp tác quốc tế.

Tiếng kêu cứu từ thiên nhiên hoang dã

Tê tê, voi châu Phi, tê giác, hổ là những loài động vật hoang dã bị săn bắn nhiều nhất trên thế giới (Ảnh: tổng hợp)
Tê tê, voi Châu Phi, tê giác, hổ là những loài động vật hoang dã bị săn bắn nhiều nhất trên thế giới (Ảnh: tổng hợp)

Hiện nay, số lượng và quy mô của nhiều quần thể động vật hoang dã đang bị suy giảm trên toàn thế giới. Việc săn bắt và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đe dọa sự tồn tại lâu dài của quần thể nhiều loài. Voi châu Phi, tê giác, hổtê tê là những loài nằm trong tầm ngắm, trong đó, tê tê là loài động vật có vú đang bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới.

Người ta ước tính rằng các nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam là những nơi có nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã cao nhất, bởi chúng được xem là nguồn nguyên dược liệu dùng cho y học cổ truyền Đông y, các mặt hàng trang sức và xa xỉ phẩm...

Buôn bán động vật hoang dã phổ biến rộng rãi đã tạo thành một trong những hoạt động kinh tế bất hợp pháp lớn nhất - mà có thể so sánh với việc buôn bán ma túy, buôn người và buôn vũ khí.

Việc săn bắt và giết hại động vật hoang dã không chỉ làm mất đi sự đa dạng sinh học, tuyệt chủng các giống loài, mất cân bằng sinh thái, mà còn gây nguy cơ làm xuất hiện và lây lan các bệnh truyền nhiễm mới ở người, bao gồm cả các loại virus mới xuất hiện.

Do đó, việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ thiên nhiên hoang dã là vô cùng quan trọng. Mức độ suy giảm đa dạng sinh học trên thế giới và Việt Nam hiện nay đang dẫn tới nguy cơ gây ra đợt tuyệt chủng lần thứ 6 và đe dọa đến sự tồn tại của loài người.

Bởi chúng ta đều biết rằng:“Thiên nhiên vẫn có thể tồn tại nếu không có con người, nhưng con người không thể tồn tại mà không có thiên nhiên!”

Đông Mai



BÀI CHỌN LỌC

Người giải cứu tê tê ở Việt Nam được trao giải 'Nobel Môi trường' danh giá