Số phận éo le: Sinh ra sau một vụ cưỡng hiếp, nay người đàn ông này đứng ra bảo vệ sự sống của thai nhi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Ryan Bomberger lên 13 tuổi, mọi điều anh biết về câu chuyện nguồn gốc của mình đã thay đổi.

Trước đó anh đã biết mình được nhận nuôi - cha mẹ nuôi và anh chị em của anh là người da trắng, còn anh lại mang hai chủng tộc. Tuy nhiên, mỗi một đứa trẻ được nhận nuôi đều trải qua một quá trình tự hỏi tại sao chúng lại được nhận làm con nuôi. Vì vậy, anh đã rất sốc khi biết rằng mẹ ruột của anh đã không thể giữ anh lại bởi vì anh được sinh ra từ một vụ cưỡng hiếp.

Bomberger, một chuyên gia sáng tạo và đồng sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ sự sống The Radiance Foundation (Quỹ Radiance), cho biết: “Thật là kinh khủng khi nghĩ về điều đó. Bạn phải viết lại câu chuyện nguồn gốc của mình theo khái niệm bạo lực nhất, và điều đó thực sự khó khăn đối với tôi”.

Bomberger nói: “Nhưng bởi vì tôi được cha mẹ yêu thương quá, nên tôi đã biến nỗi đau đó thành một điều có tính xây dựng".

Bomberger được nhận nuôi khi mới vài tuần tuổi trong một gia đình thường thể hiện tình yêu thương của họ thông qua những hành động và sự phục vụ cộng đồng xung quanh. Anh là người con đầu tiên trong số những đứa trẻ mà họ nhận nuôi; và trong vòng 12 năm tiếp theo, hầu như mỗi năm cha mẹ anh sẽ nhận nuôi một đứa trẻ khác.

Anh chia sẻ: “Vì vậy, mặc dù tôi được sinh ra từ một vụ cưỡng hiếp, nhưng tôi đã được nhận nuôi trong tình yêu thương, và tôi lớn lên trong một gia đình 15 người, và trong số 13 đứa trẻ thì có 10 người trong số chúng tôi là con nuôi. Chúng tôi là người da trắng, da đen, hai chủng tộc và người Mỹ bản địa, người Việt Nam, một số khuyết tật về thể chất, một số khuyết tật về khả năng học tập, nhưng tất cả đều được nhận nuôi và yêu thương”.

Trường hợp ngoại lệ

Cú sốc của Bomberger biến thành sự biết ơn chứ không phải là sự cay đắng. Bomberger nói: “Chà, mẹ ruột của tôi đã rất can đảm khi vượt qua trải nghiệm kinh hoàng đó và vẫn trao cho tôi sự sống, và trao cho tôi món quà là được nhận làm con nuôi". Sự nuôi dạy đầy tình yêu thương của gia đình đã xây dựng cho anh một nền tảng để thấy rằng cuộc sống là một món quà và cuộc sống là có mục đích.

Vài tuần sau, trong một bài tập thuyết trình lớp 8, anh đã nói về câu chuyện của chính mình từ lập trường ủng hộ sự sống.

Bomberger nói: “Tôi nhận ra mình có một câu chuyện mạnh mẽ để kể". Các phản hồi cho bài phát biểu của anh rất đa dạng, nhưng đối với một số người, đó là một bài phát biểu khai sáng và để lại ấn tượng không thể xóa nhòa. “Tôi hầu như không bao giờ có thể quên những gì phá thai gây ra, không chỉ là về những sự sống mà nó phá hủy, mà còn về những người mà nó sẽ xóa sổ hoàn toàn khỏi cuộc sống của người khác”.

Bomberger nói: “Trường hợp như tôi chỉ chiếm 1% nhưng lại thường được sử dụng để biện minh cho việc phá thai. Mẹ ruột của tôi đã trải qua nỗi kinh hoàng và bạo lực của việc cưỡng hiếp, vì vậy tôi chính là một trong những trường hợp ngoại lệ được coi là 'chính đáng' để phá thai".

"Bất cứ khi nào bạn nói về việc phá thai, bạn sẽ nhận được câu hỏi: 'Chà, còn chuyện cưỡng hiếp thì sao?'" Anh đã thấy nhiều người nói rằng họ ủng hộ sự sống nhưng lại lưỡng lự khi đề cập đến câu hỏi đó.

“Tôi sẽ trả lời câu hỏi đó. Tôi chính là ví dụ hữu hình ngay trước mặt họ, và tôi biết được sức nặng của nó, bởi vì tôi là một ví dụ chân thực chứ không phải là điều gì đó trừu tượng. Thật dễ dàng để từ chối một điều gì đó trừu tượng”.

Khi một sinh mạng bị phá bỏ, hoặc không bị phá bỏ, sẽ có một hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Bomberger chưa bao giờ gặp mẹ ruột của mình, nhưng nếu có thể gặp mặt mẹ, anh nhất định sẽ cảm ơn bà vì hành động dũng cảm của bà và cho bà thấy ảnh hưởng của hành động đó. Nhờ có bà, anh đã trở thành một người anh, một người chồng, một tác giả, một diễn giả, một ca sĩ và nhạc sĩ, một nhà thiết kế từng đoạt giải Emmy, và nhiều hơn thế nữa, và câu chuyện của anh đã chạm đến nhiều mảnh đời khác.

Chủng tộc và phá thai

Khoảng 10 năm trước, Bomberger và vợ Bethany đã thành lập Quỹ Radiance. Với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận non trẻ, họ đã quyết định thực hiện một chiến dịch sáng tạo ngoài trời.

Ở Georgia, Atlanta, 15 bảng quảng cáo trang web TooManyAborted.com đã được dựng lên, và tuyên bố rằng: “Trẻ em da đen là một loài đang có nguy cơ tuyệt chủng”.

Các biển quảng cáo được đặt ở các cộng đồng người da đen, vì hoạt động tiếp thị phá thai và các phòng khám phá thai có lịch sử hàng thập kỷ nhắm vào các cộng đồng thiểu số, và việc phá thai đã có tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với người da đen.

Theo dữ liệu quốc gia, phụ nữ da trắng chiếm 37% số ca nạo phá thai và phụ nữ da đen chiếm 36%, nhưng phụ nữ da đen chỉ chiếm 13% dân số quốc gia (so với người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha là 60%).

Bomberger nói: “Chúng tôi đã nêu bật lịch sử của thuyết ưu sinh của sự phân biệt chủng tộc trong quá khứ và hiện tại vẫn không thay đổi của Planned Parenthood". Như dự đoán, những phản ứng họ nhận được có sự phân cực rõ rệt. Có sự đưa tin tiêu cực, hoài nghi từ các phương tiện truyền thông tự do, và sự ủng hộ mạnh mẽ từ những tiếng nói ủng hộ sự sống - và một số nhà lãnh đạo dân quyền.

Alveda King, cháu gái của Martin Luther King, Jr., có sự hiểu biết sâu sắc về việc phá thai. Bà đã tự mình phá thai hai lần, sau đó là sẩy thai và ly hôn. Sau đó, bà biết rằng vào những năm 1950, mẹ bà đã mang thai bà khi còn là sinh viên đại học và chuẩn bị phá thai - khi đó là bất hợp pháp - nhưng đã bị ngăn lại bởi cha bà, người đã nhìn thấy bà trong một giấc mơ. Kể từ năm 1983, bà đã trở thành một tiếng nói ủng hộ cho những đứa trẻ chưa sinh, và nhanh chóng hỗ trợ cho công việc của Quỹ Radiance.

alveda king
Alveda King (giữa), cháu gái của Martin Luther King Jr., phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump và các nhà lãnh đạo có tín ngưỡng khác tại Nhà Trắng ở Washington, DC vào ngày 29 tháng 7 năm 2019. (SAUL LOEB / AFP qua Getty Images)

Bomberger nói rằng sự kiện này đã có ảnh hưởng rất lớn. Trên thực tế, phản ứng của Planned Parenthood rất đáng nói, họ cảm thấy bị đe dọa đến mức họ đã triệu tập một hội nghị các nhà báo và các blogger tại trụ sở chính của họ “để cố gắng tìm ra cách phản bác thông điệp của chúng tôi".

Bomberger cho biết: “Điều xảy ra sau đó là Planned Parenthood đã sản xuất một bộ phim tài liệu dài 20 phút có tên “A Vital Service” (Một dịch vụ thiết yếu) để đáp lại chiến dịch của chúng tôi". Bộ phim nhấn mạnh việc chăm sóc sức khỏe mà các phòng khám có thể cung cấp cho phụ nữ da đen, vì họ có tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và ung thư cổ tử cung cao hơn. Nhưng cả nước đã bị sốc trước số lượng đáng kinh ngạc của các ca nạo phá thai của phụ nữ da đen.

Bomberger nói rằng việc ngành công nghiệp phá thai nhắm mục tiêu đến những chủng tộc khác nhau là không có gì mới và đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, nhưng giờ đây đang có ngày càng nhiều người hiểu biết rõ ràng hơn về nó. Anh nói: “Có nhiều nhà lãnh đạo trong cộng đồng người da đen đang thức tỉnh trước trước vấn nạn này, mặc dù đây là nơi việc phá thai khó được cảm nhận nhất theo thống kê; và điều này là một chiến thắng tuyệt vời”.

Một vài năm trước, cựu cầu thủ NFL Ben Watson đã có một bài phát biểu trích dẫn số liệu thống kê cho thấy rằng số lượng trẻ sơ sinh da đen bị phá bỏ còn nhiều hơn số trẻ da đen được sinh ra còn sống ở thành phố New York, và điều này đã gây chú ý. Những người kiểm tra thực tế đã xem xét câu chuyện và thấy rằng các số liệu thống kê là đúng. Tuy nhiên sự chênh lệch này vẫn không thay đổi.

Phá thai là một chủ đề nóng, gây chia rẽ ở Hoa Kỳ. Watson gần đây đã thực hiện một bộ phim tài liệu, "Những trái tim bị chia cắt của nước Mỹ", trong đó anh đã nói chuyện cởi mở và trung thực với những người ở cả hai phía của vấn đề.

Epoch Times Photo
Ben Watson trong bộ phim tài liệu “Những trái tim bị chia cắt của nước Mỹ”. (Được phép của Divided Hearts of America)

Không thể phủ nhận chủng tộc là một vấn đề trong cuộc tranh luận phá thai - các chuyên gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và dân số da đen đang ở vị trí bấp bênh nhất, với một người được phỏng vấn trích dẫn thống kê rằng nếu điều này tiếp tục, xu hướng này sẽ không thể đảo ngược vào năm 2050 .

Watson cho biết từ lâu anh đã biết các số liệu thống kê về việc dân số da đen tạo nên số ca nạo phá thai một cách không cân đối như thế nào, và đã định hướng để đấu tranh chống lại những bất công này trong suốt cuộc đời. Watson viết trong email: “Phản ứng của tôi là tìm hiểu lý do tại sao. Càng nghiên cứu và nói chuyện với những người bị ảnh hưởng trực tiếp, tôi càng nhận thấy rằng có một số yếu tố góp phần vào tình trạng khó xử này”.

Watson đã nói chuyện với hơn 30 chuyên gia, nhà lập pháp, bác sĩ, những phụ nữ từng phá thai, những người sống sót sau khi phá thai và những người cha bị ảnh hưởng bởi phá thai. Watson nói: “Nó chạm đến tất cả chúng ta theo một cách nào đó".

Quan điểm mới

Khi Bomberger bắt đầu tổ chức các buổi nói chuyện, anh đã có dịp đến nhiều trường đại học nổi tiếng, bao gồm cả các trường Ivy League.

Bomberger nói: “Tôi nghĩ mình không xứng đáng, đây là một trường Ivy League, họ sẽ đưa ra những câu hỏi trí tuệ sâu sắc - thậm chí còn có cả trích dẫn nữa. Nhưng mọi chuyện lại hoàn toàn không phải như vậy”. Thay vào đó, tại Harvard, mọi người biểu tình chống lại anh và các nhà hoạt động đã la hét chửi bới anh. Anh nói rằng đó là một sự phản ánh tồi tệ và đáng thất vọng về ngôi trường.

Nhưng theo Bomberger, điều nhanh chóng được tiết lộ lại là những sinh viên ủng hộ phá thai thực sự biết rất ít về việc phá thai - và những người tham dự buổi thuyết trình của anh đã rời đi với tầm nhìn được mở rộng hơn.

Bomberger nói: “Điều đó phụ thuộc vào lăng kính mà bạn nhìn nhận thế giới: Nếu tôi coi họ là kẻ thù của mình, tôi sẽ đối xử với họ giống như cách một số người trong số họ đối xử với tôi, nhưng tôi không làm như vậy. Tôi thấy họ là những người đáng được yêu thương và đáng được trân trọng và tôn trọng, ngay cả khi họ không cho đi bất cứ tình yêu hoặc sự tôn trọng nào".

Anh cũng thừa nhận thật không dễ dàng để đứng đó và mỉm cười khi bị tấn công, nhưng niềm tin của anh vào Chúa khiến cho anh tin rằng tất cả sinh mệnh đều có giá trị, và Bomberger đã luôn sống bằng niềm tin của mình.

Anh nói: “Mọi sinh mệnh đều bình đẳng và có giá trị không thể hủy bỏ, đó là điều đã thúc đẩy tôi và Bethany”.

Trong mỗi bài thuyết trình của mình, Bomberger đều chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể nói về bất kỳ vấn đề nào - nghèo đói, Medicaid (bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho người có thu nhập thấp), tỷ lệ giam giữ, chủng tộc - và trả lời mọi câu hỏi trong suốt các phiên hỏi và trả lời dài sau đó.

Bomberger nói: “Những người tự nhận mình là ủng hộ phá thai, trong nhiều trường hợp, suy nghĩ của họ đã bị thay đổi. Tôi không nói rằng mọi sinh viên đến buổi thuyết trình đều thay đổi, nhưng điều này thực sự là rõ ràng. Đã có nhiều sinh viên đến gặp tôi và nói, 'Tôi đã ghét anh khi anh đến, nhưng anh đã cho tôi thấy một quan điểm mà tôi chưa từng nghe trước đây'".

“Trong khuôn viên những trường đại học này, họ chỉ nhận được một góc nhìn hẹp hòi, đơn nhất như vậy, họ chưa bao giờ có được một góc nhìn trung thực. Harvard là một ví dụ hoàn hảo, vị giáo sư mà tôi đang tranh luận cùng không biết gì về… tác động của phá thai đối với cộng đồng da đen. Nhưng đây là lý do tại sao chúng tôi làm những gì mà chúng tôi đang làm. Khuôn viên các trường đại học của chúng ta cần nhiều sự thật hơn".

ryan bomberger
Ryan Bomberger phát biểu tại Harvard. Anh nhận thấy rằng trong hầu hết khuôn viên các trường đại học, sinh viên chỉ được trình bày "một góc nhìn hạn hẹp, đơn nhất".

Ngoài 50 bài thuyết trình trên phương tiện truyền thông mỗi năm, quỹ Radiance còn tạo ra các tờ thông tin, meme, video và bài báo. Hai vợ chồng Bomberger cũng đã viết hai cuốn sách. Các chiến dịch quảng cáo mà họ bắt đầu đã vấp phải nhiều sức cản hơn trong những năm qua khi họ phải đối diện với những công ty sẵn lòng treo biển quảng cáo ủng hộ việc phá thai (“Phá thai là một giá trị gia đình”) nhưng lại từ chối quảng cáo ủng hộ sự sống của họ.

“Họ nói rằng chiến dịch của chúng tôi là 'một quảng cáo tấn công'", Bomberger nói về WhatAbortionReallyIs.com của họ, với những thông điệp như "Phá thai là mất quyền làm cha". Một bảng quảng cáo có nội dung “Phá thai gây nguy hiểm cho chúng ta” cũng đã bị từ chối.

Bomberger nói: “Điều đó ngăn cản chúng tôi làm những gì chúng tôi đã bắt đầu".

Bomberger nói: “Theo quan điểm của mình, tôi cho rằng sự sáng tạo của bản thân là do Chúa ban cho tôi. Nó luôn khẳng định sự sống, nó luôn chiếu sáng, nó luôn mặc khải - đó là hy vọng của chúng tôi, rằng chúng tôi tiết lộ điều gì đó khác biệt cho mọi người. Họ có thể đã nghe thông điệp này cả nghìn lần nhưng vì cách chúng tôi tạo ra hoặc thiết kế nó, họ sẽ nhìn và cảm nhận nó theo cách khác".

“Vợ tôi và tôi không thể làm được công việc mà chúng tôi đang làm nếu chúng tôi không tin rằng tất cả chúng ta đều được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời”.

Quỹ Radiance được đặt theo tên của con gái của Ryan và Bethany là Radiance. Hai người đã gặp nhau trong một cuộc họp lập kế hoạch cho một trung tâm mang thai - Ryan là ca sĩ của sự kiện và Bethany đang làm công việc tiếp thị - và Bethany là một bà mẹ đơn thân vào thời điểm đó, người đã mang thai ngoài ý muốn. Cặp đôi hiện có bốn người con, hai trong số đó là con nuôi, và Bomberger nói rằng điều quan trọng nhất mà anh muốn truyền lại cho chúng là những gì mà cha mẹ đã truyền lại cho anh.

Bomberger nói: “Cha mẹ tôi là những người theo đạo Thiên chúa, và điều quan trọng nhất họ dạy chúng tôi là yêu thương nhau, và chúng tôi thấy họ thực hiện điều đó không chỉ đối với 13 đứa trẻ mà họ yêu thương và chăm sóc, mà cả với những người xung quanh. Trong quá trình lớn lên, tôi đã được chứng kiến sự giúp đỡ vô tư của cha mẹ đối với những người gặp khó khăn. Và tất nhiên, gia đình chúng tôi cũng cần được giúp đỡ - chúng tôi không giàu có - và tôi lớn lên khi chứng kiến ​​họ dành tình yêu cho mọi người. Đối với các con tôi, đó là điều quan trọng nhất, yêu thương nhau và yêu cả những người khó yêu nữa”.

Anh cũng nói thêm: “Hãy chung tay, khi bạn yêu Chúa như cha mẹ tôi đã làm, dòng chảy tự nhiên của việc kính yêu Chúa chính là yêu thương mọi người". Có thể điều này không hề dễ dàng trong nền văn hóa của chúng ta, nơi mà bây giờ có xu hướng ghét hơn là yêu, nhưng tình yêu là thứ cho phép hòa giải và giao tiếp. "Mọi người thường phản ứng tích cực trước tình yêu hơn so với sự xa lánh và ghét bỏ".

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Số phận éo le: Sinh ra sau một vụ cưỡng hiếp, nay người đàn ông này đứng ra bảo vệ sự sống của thai nhi