Người chủ cảnh sát qua đời, lạc đà buồn bã bỏ ăn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào năm 2019, một con lạc đà ở Sở Cảnh sát Sa mạc Ấn Độ đã đau khổ đến mức không thiết tha ăn uống gì nữa, vì người cảnh sát chăm sóc nó trong nhiều năm đột ngột qua đời do lên cơn đau tim.

Theo The Times of India, ông Shivraj Gadhvi, 56 tuổi, một cảnh sát làm việc tại Sở cảnh sát quận Kutch, bang Gujarat, nằm ở tây bắc Ấn Độ, đã đột tử khi đang tuần tra.

Quận Kutch cách thủ đô New Delhi của Ấn Độ khoảng 1.200 km và là một vùng sa mạc giáp ranh với Pakistan. Jakhau, nơi có đồn cảnh sát, đã là một thành phố cảng từ thời cổ đại, và lạc đà là phương tiện di chuyển chính của cảnh sát địa phương.

Một vị cảnh sát địa phương tên là Khant nói với báo chí rằng, ông Gadhvi thường tuần tra xung quanh khu vực trên những con lạc đà. Vào lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 24/1/2019, ông Gadhvi cho lạc đà ăn như thường lệ và sau đó đưa nó đi tuần tra. Một lúc sau, ông bất ngờ ngã xuống đất. Ông Gadhvi đã được đưa đến bệnh viện địa phương, và sau đó đã qua đời trên đường đến bệnh viện thành phố.

Ông Khant nói: “Vì ông Gadhvi đã qua đời trong khi đang làm nhiệm vụ nên đồn cảnh sát đã tổ chức tang lễ cho ông ấy với tiêu chuẩn cao nhất”.

Ông Khant cũng cho biết thêm, vì ông Gadhvi không thể đến đồn cảnh sát nữa nên chú lạc đà mà ông thường chăm sóc đã buồn bã tới mức bỏ ăn bỏ uống.

“Chúng tôi đang cố gắng hết sức để giúp chú lạc đà bình tĩnh lại”, ông nói.

Cảnh sát cho biết họ đang giúp con lạc đà bình tĩnh lại. (Hình: Phạm vi công cộng)
Cảnh sát cho biết họ đang giúp con lạc đà bình tĩnh lại. (Hình: Phạm vi công cộng)

Lạc đà ở quận Kutch rất đặc biệt

Lạc đà ở quận Kutch rất nổi tiếng bởi vì chúng có khả năng thích nghi với khí hậu khắc nghiệt. Chúng không chỉ có thể đi bộ trên sa mạc mà còn có thể bơi dưới nước, ăn thực vật biển mặn, thậm chí bơi đến các hòn đảo gần đó để kiếm thức ăn.

Theo Kênh Thời tiết Hoa Kỳ, lạc đà ở khu vực này có thể bơi dưới biển sâu và là loài lạc đà duy nhất có thể di chuyển tự do giữa môi trường đất và nước.

Những con lạc đà này cũng có thể giúp cảnh sát di chuyển đến những khu vực không thể sử dụng phương tiện giao thông. Theo New York Times, chúng có thể hỗ trợ các sĩ quan cảnh sát ở các khu vực sa mạc biên giới truy bắt những tên cướp sa mạc.

Lạc đà trên sa mạc Ấn Độ. (Hình: Phạm vi công cộng)
Lạc đà trên sa mạc Ấn Độ. (Hình: Phạm vi công cộng)

Động vật có ‘để tang’ khi chủ chết không?

Các nhà nghiên cứu hành vi của động vật đã quan sát thấy rằng, mặc dù động vật thể hiện cảm xúc khác với con người, chúng thực sự có thể nhận thức được những bất thường trong môi trường xung quanh và có cảm xúc giống như con người.

Động vật có thể nảy sinh tình cảm sâu sắc với những người đã chăm sóc chúng. Khi không tìm thấy người chăm sóc, chúng sẽ bối rối, nhìn xung quanh, thậm chí là “chán nản”, thể hiện qua các hành vi như cào cấu hoặc nhai những thứ xấu. Đặc biệt là những con động vật nhạy cảm có thể bỏ ăn, không tiếp xúc với người khác, v.v.

Tại Hoa Kỳ, khi những người chủ qua đời, một số tổ chức phi lợi nhuận sẽ chăm sóc những con vật nuôi mà họ bỏ lại. Theo Pittsburgh Post-Gazette, một tổ chức có tên Animal Friends đã nhận nuôi hơn 16.000 con vật mất chủ kể từ năm 2006.

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Người chủ cảnh sát qua đời, lạc đà buồn bã bỏ ăn