Nghiện thiết bị điện tử khiến trẻ ‘suy giảm trí tuệ’ - 8 cách hạn chế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với sự phổ biến của các dòng điện thoại thông minh và thiết bị điện tử, chứng nghiện của trẻ em đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội hiện đại. Nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ kiểm soát thời gian sử dụng trong vòng 2 giờ, thì khả năng học tập và nhận thức sẽ được cải thiện đáng kể.

Theo một báo cáo năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, hơn một nửa thanh thiếu niên Mỹ (54%) được phỏng vấn tin rằng họ dành quá nhiều thời gian cho điện thoại di động, và 9 trong số 10 thanh thiếu niên cho biết đây là vấn đề chính mà thế hệ của họ đang phải đối mặt.

Vấn đề nghiện smartphone không chỉ xuất hiện ở Hoa Kỳ. Một cuộc khảo sát thanh thiếu niên Anh cho thấy các vấn đề của trẻ em Anh có thể nghiêm trọng hơn. Vào tháng 5 năm nay, Đại học Leeds Beckett đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với học sinh tiểu học và trung học từ 11 - 18 tuổi và phát hiện ra rằng, trong số gần 600 người được hỏi, 96% thanh thiếu niên sẽ kiểm tra điện thoại di động 2 phút một lần, và 85% người dành 4 - 6 giờ mỗi ngày để lên mạng, gây gánh nặng lớn cho việc học hành và sức khỏe.

Ngày nay, khi tất cả các loại thiết bị: TV, máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động, đồng hồ thông minh đang âm thầm đánh cắp thời gian của con người, chúng ta cần phải giúp thế hệ sau giải quyết. Như Tristan Harris, người từng là nhà đạo đức công nghệ tại Google, cho biết các nền tảng công nghệ đã "làm suy giảm trí tuệ" của hàng triệu trẻ em.

Thiết kế của các sản phẩm công nghệ là khiến người ta phải ‘ghiền’

Một trong những lý do chính khiến các thiết bị điện tử có thể gây nghiện là thời gian sử dụng và lưu lượng truy cập của người dùng, là sản phẩm quan trọng của các hãng công nghệ, khi thiết kế sản phẩm họ cũng chủ ý nghiên cứu hành vi gây nghiện của con người. Vì vậy, khi sử dụng điện thoại di động và xem phim, việc rơi vào cơn nghiện là điều đương nhiên. Điều này đặc biệt khó cưỡng lại đối với trẻ em hoặc thanh thiếu niên mà khả năng tự kiểm soát vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Harris, người đã làm việc tại Google ba năm, nói rằng anh là một ảo thuật gia trong những năm đầu của mình. Anh tin rằng việc thiết kế sản phẩm cũng giống như ảo thuật. Nhà ảo thuật sẽ tìm kiếm những điểm mù, góc cạnh và giới hạn mà mọi người không thể nhận ra. Harris nói: "Một khi bạn hiểu cách nhấn các nút trong tâm trí mọi người, bạn có thể thao tác chúng như một cây đàn piano."

Khi sử dụng điện thoại di động và xem phim, việc rơi vào cơn nghiện là điều đương nhiên. Điều này đặc biệt khó cưỡng lại đối với trẻ em hoặc thanh thiếu niên mà khả năng tự kiểm soát vẫn đang trong giai đoạn phát triển. (Pxhere)
Khi sử dụng điện thoại di động và xem phim, việc rơi vào cơn nghiện là điều đương nhiên. Điều này đặc biệt khó cưỡng lại đối với trẻ em hoặc thanh thiếu niên mà khả năng tự kiểm soát vẫn đang trong giai đoạn phát triển. (Pxhere)

Nguyên tắc gây nghiện

Harris nói rằng nguyên tắc gây nghiện của các nền tảng công nghệ thực ra cũng giống như bản chất của máy đánh bạc. Ông chỉ ra rằng mọi người kiểm tra điện thoại di động của họ trung bình 150 lần một ngày, nhưng không phải lần nào đó cũng là một hành động có ý thức.

Harris giải thích rằng khi mọi người đăng bài viết hoặc ảnh lên Internet, họ không thể ngừng kiểm tra xem họ nhận được bao nhiêu lượt thích và bình luận, điều này giống như kéo tay cầm của một chiếc máy đánh bạc. Khi bộ não kết hợp việc "thu hút sự chú ý của người khác" và "tăng lượng người hâm mộ mới" với việc kiểm tra điện thoại di động, nó sẽ hình thành thói quen liên tục kiểm tra.

Ngoài ra còn có Nỗi sợ bỏ lỡ điều gì đó quan trọng (Fear of Missing Something Important, FOMSI) có thể củng cố các hành vi gây nghiện, đó là nỗi sợ bỏ lỡ một cái gì đó mới, thông báo mới hoặc tin nhắn mới. Ngoài ra, trang mạng xã hội được thiết kế có chủ ý để chỉ cần nó được làm mới, sẽ có một lượng thông tin không giới hạn để duyệt, điều này khiến mọi người phải nán lại trên màn hình.

Lo sợ bỏ lỡ thông tin quan trọng và hy vọng được bạn bè công nhận sẽ khiến hành vi nghiện ngập của thanh thiếu niên thậm chí còn tồi tệ hơn. Trong một nghiên cứu tại Đại học Ritz Baker, một đứa trẻ 13 tuổi cho biết: "Nếu cháu không thường xuyên lên mạng, cháu lo rằng mọi người không muốn làm bạn với cháu nữa. Họ muốn cháu thích các bài đăng của họ. nếu cháu không online thì có thể quên nhấn like giúp họ".

"Nếu cháu không thường xuyên lên mạng, cháu lo rằng mọi người không muốn làm bạn với cháu nữa. Họ muốn cháu thích các bài đăng của họ. nếu cháu không online thì có thể quên nhấn like giúp họ".
"Nếu cháu không thường xuyên lên mạng, cháu lo rằng mọi người không muốn làm bạn với cháu nữa. Họ muốn cháu thích các bài đăng của họ. nếu cháu không online thì có thể quên nhấn like giúp họ". (Pixabay)

Làm thế nào để tránh tình trạng nghiện điện thoại di động của trẻ em?

Giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử giúp ích rất nhiều cho thể chất, tinh thần và học tập của trẻ. Một nghiên cứu với hơn 4.500 học sinh đã chỉ ra rằng, nếu kiểm soát được thời gian sử dụng các sản phẩm 3C trong vòng 2 giờ, việc học và nhận thức của trẻ sẽ được cải thiện đáng kể. Ngược lại, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào tháng 1 năm 2020 đã chỉ ra rằng, trẻ em sử dụng mạng xã hội hơn 5 giờ mỗi ngày có tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng trầm cảm tăng đáng kể, với trẻ em gái tăng 50% và trẻ em trai tăng 35%.

Nếu nghi ngờ con mình nằm trong diện nghiện các thiết bị này, các chuyên gia khuyên rằng tốt nhất cha mẹ nên nhanh chóng tìm gặp bác sĩ gia đình, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ trị liệu tâm lý… để đánh giá cũng như cũng như hỗ trợ giúp trẻ thoát khỏi tình trạng nguy hiểm trên một cách dễ dàng hơn. Các chuyên gia cũng nhắc nhở rằng, hầu hết tất cả trẻ em nghiện điện thoại di động ở mức độ nặng đều có các triệu chứng khác như tăng động, trầm cảm, lo âu, trầm cảm, bắt nạt học đường và các vấn đề khác, do đó cần phải đánh giá kỹ lưỡng.

Sau đây là đề xuất của các chuyên gia dành cho cha mẹ và trẻ em nhằm giảm sự phụ thuộc của trẻ em vào điện thoại di động:

  1. Bắt đầu quản lý ngay từ khi còn nhỏ: Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 18 tháng tuổi sử dụng màn hình điện tử ngoại trừ việc sử dụng video để liên lạc với người thân, bạn bè ở xa, thời gian sử dụng màn hình để học chỉ nên trong vòng 1 tiếng từ 2 đến 5 tuổi. Quy định sớm có thể nuôi dưỡng trẻ phát triển các sở thích khác và giảm thiểu sự cố xảy ra.
  2. Cha mẹ làm gương: Cha mẹ cũng phải quản lý thời gian sử dụng điện thoại để nêu gương tốt cho con cái.
  3. Đánh giá môi trường gia đình và áp lực: điện thoại di động và máy tính có thể chỉ là nơi giải quyết áp lực của trẻ, cần kiểm tra môi trường gia đình xem trẻ có cảm thấy áp lực không.
  4. Ăn tối cùng nhau hai lần một tuần: Các chuyên gia tâm thần trẻ em khuyên cha mẹ và con cái nên cố gắng ăn tối cùng nhau hai lần một tuần. Nguyên nhân khiến nhiều trẻ lạm dụng điện thoại là do mối quan hệ cha mẹ - con cái bị xa lánh.
  5. Quy định thời gian sử dụng: Đối với trẻ em bắt đầu sử dụng điện thoại di động, tổng thời gian sử dụng phải được quy định rõ ràng, quy định chỉ cuối tuần mới được chơi trò chơi điện tử.
  6. Không được tải APP một cách tùy tiện: Phải được sự đồng ý của phụ huynh trước khi tải APP.
  7. Tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ khác: Cho trẻ tiếp xúc với flycam, kính hiển vi, rô bốt, hoặc học lập trình để chuyển hướng sự chú ý của trẻ đến các sản phẩm công nghệ và trau dồi thêm hứng thú.
  8. Khuyến khích các hoạt động thể thao: khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể thao như bóng đá, quần vợt, đạp xe, đi bộ đường dài, leo núi và các hoạt động khác, điều này sẽ cho phép trẻ xây dựng sự tự tin và học cách tương tác với mọi người.

(Ảnh chủ đề: Nenad Stojkovic Flickr - CC BY 2.0)

Bảo Vy
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nghiện thiết bị điện tử khiến trẻ ‘suy giảm trí tuệ’ - 8 cách hạn chế