NASA khởi động 'cơn sốt vàng Mặt Trăng', phá thế độc quyền của Trung Quốc về đất hiếm

Giúp NTDVN sửa lỗi

NASA đang khơi mào một cuộc chạy đua với “cơn sốt vàng trên Mặt Trăng”, bằng cách trả tiền cho các công ty hàng không vũ trụ do các tỷ phú Mỹ điều hành để chiết xuất kim loại đất hiếm (REM) từ Mặt Trăng. Những nỗ lực này của NASA có thể được bắt đầu vào năm 2025 và là bước đệm quan trọng nhằm phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc đối với đất hiếm.

Theo reuters.com, Giám đốc NASA Jim Bridenstine gần đây đã tweet rằng, cơ quan không gian “đang mua đất Mặt Trăng từ một nhà cung cấp thương mại! Đã đến lúc thiết lập sự chắc chắn về quy định để khai thác và kinh doanh các tài nguyên không gian”.

Sáng kiến nhắm mục tiêu vào các công ty có kế hoạch gửi robot khai thác tài nguyên Mặt Trăng, là một phần trong mục tiêu của NASA trong việc thiết lập cái mà Giám đốc NASA gọi là "chuẩn mực hành vi" trong không gian, và cho phép tư nhân khai thác trên Mặt Trăng theo những cách có thể giúp duy trì các sứ mệnh phi hành gia trong tương lai. NASA cho biết họ xem các tài nguyên được khai thác là tài sản của công ty, và các vật liệu sẽ trở thành "tài sản duy nhất của NASA" sau khi mua.

Mặt Trăng chứa hàng trăm tỷ, nếu không muốn nói là hàng nghìn tỷ đô la tài nguyên chưa được khai thác, bao gồm hàng tấn kim loại quý thuộc nhóm bạch kim (scandium và yttrium) được sử dụng trong thiết bị điện tử hiện đại. Ngoài ra còn có rất nhiều Helium-3, một loại khí rất hiếm, có tiềm năng cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện nhiệt hạch hạt nhân sạch. Và quan trọng nhất là đất hiếm (Rem).

Đất hiếm là một trong những "ngòi nổ" trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cuối năm 2019, truyền thông của ĐCSTQ đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ để trả đũa.

Khoảng 80% lượng đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ đến từ Trung Quốc. Đây là nguyên liệu rất cần thiết để sản xuất các sản phẩm điện tử và công nghệ, từ điện thoại thông minh, xe điện cho đến thiết bị quân sự...

Giám đốc Bridenstine cho biết dự án Artemis của NASA “sẽ đặt nền tảng cho sự hiện diện lâu dài bền vững trên bề mặt Mặt Trăng và sử dụng Mặt Trăng để xác nhận các hoạt động và hệ thống không gian trước khi bắt đầu chuyến du hành xa hơn nhiều đến sao Hỏa”.

Ông cho biết việc thúc đẩy khai thác đá Mặt Trăng sẽ hoàn toàn tuân thủ Hiệp ước Không gian Vũ trụ năm 1967, trong đó nêu rõ không quốc gia nào được phép tuyên bố chủ quyền quốc gia đối với mặt trăng hoặc các thiên thể khác.

Giám đốc NASA nhận định hoạt động khai thác đất hiếm từ Mặt Trăng sẽ sớm trở thành hiện thực bởi làn sóng đầu tư vào ngành công nghiệp không gian đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Các tỷ phú như Jeff Bezos, Elon Musk và Richard Branson là nhà sáng lập các công ty hàng không vũ trụ Blue Origin, SpaceX và Virgin Galactic.

Mike Gold, Giám đốc quan hệ quốc tế của NASA, nói với Reuters: “Đây là một bước nhỏ đối với tài nguyên không gian, nhưng là một bước nhảy vọt lớn về chính sách và tiền lệ”.

“Họ đang trả tiền cho công ty để bán cho họ một tảng đá mà công ty sở hữu. Đó là sản phẩm”, Joanne Gabrynowicz, cựu tổng biên tập Tạp chí Luật Không gian, cho biết. “Một công ty phải tự quyết định xem liệu có đáng chấp nhận rủi ro tài chính và công nghệ để làm điều này để bán một tảng đá hay không”.

Theo chương trình Artemis của NASA, chính quyền của Tổng thống Donald Trump dự kiến ​​sẽ đưa các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt trăng vào năm 2024. NASA đã thực hiện sứ mệnh đó như một tiền đề cho chuyến du hành đầu tiên của con người lên sao Hỏa trong tương lai.

Đông Bắc

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

NASA khởi động 'cơn sốt vàng Mặt Trăng', phá thế độc quyền của Trung Quốc về đất hiếm