Một thị trấn của Nhật Bản tái chế hơn 80% lượng rác thải, hướng tới một tương lai ‘không rác thải’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất cứ ai đến thị trấn Kamikatsu nằm trên đảo Shikoku, Nhật Bản đều ngạc nhiên vì một điều kỳ lạ: Tại đây không có thùng rác.

Vào những năm 1990, thị trấn Kamikatsu hầu như không tái chế rác thải. Tuy nhiên, một luật mới về phát thải carbon dioxide ra đời đã buộc hai lò đốt của thị trấn phải đóng cửa, và cư dân của hòn đảo buộc phải suy nghĩ về việc xử lý và quản lý chất xả thải.

“Kamikatsu là một vùng nông thôn. Mọi người thường đốt rác sinh hoạt tại nhà hoặc đổ rác ra ngoài môi trường”, Akira Sakano, giám đốc Học viện Zero Waste, nói với Great Big Story.

Năm 2003, thị trấn trở thành địa phương đầu tiên của Nhật đưa ra cam kết không rác thải, cùng một bộ hướng dẫn hoàn toàn mới về việc đổ rác.

Epoch Times Photo
Các ô phân loại rác tại cơ sở tái chế chất thải Kamikatsu vào ngày 2 tháng 7 năm 2020, ở Kamikatsu, Nhật Bản. (Carl Court / Getty Images)

“Trước đây, tôi không phải xem xét rác thải đó là nhựa, rác, hay bất cứ thứ gì có thể đốt được. Tôi đốt mọi thứ trong sân”, Hachie Katayama - một phụ nữ nội trợ giải thích. “Sau đó mọi thứ thay đổi, và hệ thống phân loại rác đã được áp dụng. Ban đầu thật lích kích".

Danh mục gồm 45 loại chất liệu có thể tái chế và cư dân buộc phải tìm hiểu sự khác biệt và phân loại chất liệu sao cho chính xác. Dần dần, hệ thống phân loại rác mới đã dần hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây, và phần lớn rác thải không phải đưa đến lò đốt rác hay các bãi chôn lấp nữa.

Rác tái chế sau đó sẽ xử lý tại trung tâm thu gom rác thải do các tình nguyện viên điều hành. Các vật dụng có thể tái sử dụng sẽ được phân loại, và người dân có thể lấy miễn phí tại cửa hàng tái chế Kuru Kuru.

Epoch Times Photo
Cư dân Nhật Bản Saeko Takahashi đang phân loại rác tại nhà bà ở thị trấn Kamikatsu, tỉnh Tokushima (KAZUHIRO NOGI / AFP qua Getty Images)

“Mục tiêu của chúng tôi là không có rác thải vào năm 2020, nhưng chúng tôi đã gặp phải những trở ngại liên quan đến các quy định nằm ngoài thẩm quyền của chúng tôi”, ông Sakano nói. Ông cũng cho biết thêm rằng, các mặt hàng được thiết kế để sử dụng một lần, chẳng hạn như sản phẩm vệ sinh, vẫn rất khó để tách biệt.

Ngay cả những đồ tái chế cũng phải được rửa sạch đúng cách và bỏ nhãn mác trước khi được đưa đến trung tâm thu gom. Năm 2016, thị trấn đã tái chế được 81% lượng rác thải. Người dân cũng được khuyến khích hạn chế xả rác thải thông qua các chương trình khen thưởng, chẳng hạn như tặng điểm cho người tiêu dùng khi họ từ chối sử dụng đồ nhựa dùng một lần như túi đựng hàng tạp hóa.

Epoch Times Photo
Người dân địa phương phân loại rác thải sinh hoạt tại cơ sở tái chế rác thải Kamikatsu vào ngày 2 tháng 7 năm 2020, ở Kamikatsu, Nhật Bản (Carl Court / Getty Images)

Đầu bếp Taira Omotehara giải thích: “Thức ăn thừa ở đây sẽ trở thành phân trộn cung cấp cho các trang trại địa phương. Những trang trại này lại trồng và cung cấp các loại rau mà chúng tôi đang sử dụng tại đây, trong nhà hàng này”.

Chủ cửa hàng Takuya Takeichi cho biết: “Tôi bắt đầu có ý thức quan tâm đến mọi thứ hơn. Khi tôi mua hàng, tôi sẽ đặt chúng vào trong các hộp các tông. Chúng tôi cũng có thể tái sử dụng các hộp các tông sạch để đóng gói sản phẩm”.

Epoch Times Photo
Một người dân mang đồ gia dụng đã qua sử dụng đến một trung tâm rác thải ở thị trấn Kamikatsu, tỉnh Tokushima (KAZUHIRO NOGI / AFP qua Getty Images)

Nhật Bản sản xuất ra lượng rác thải nhựa lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Mô hình hạn chế chất thải của Kamikatsu là một minh chứng cho thấy mọi chuyện có thể được thay đổi, và các thị trấn khác của Nhật Bản cũng đang bắt kịp xu hướng này.

Ông Sakano cho biết: “Cũng giống như nhiều vấn đề xã hội khác, chúng ta không thể tạo ra sự thay đổi nếu ngay từ đầu chúng ta đã nói rằng mọi thứ không thể giải quyết được. Chỉ khi bạn thay đổi tư duy, thì sẽ ngày càng có nhiều người hơn tham gia cùng bạn, và phong trào sẽ có được bước tiến mới”.

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Một thị trấn của Nhật Bản tái chế hơn 80% lượng rác thải, hướng tới một tương lai ‘không rác thải’