‘Một ổ 5k, hai ổ cho luôn...’: Cách làm từ thiện ‘chẳng giống ai’ của một người con đất Sài Thành

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn một tháng qua, có một chàng trai mỗi ngày đều chạy chiếc xe máy ‘cà tàng,’ với lỉnh kỉnh đồ đạc, rong ruổi khắp các con phố Sài Gòn để trao những phần quà đến tận tay người nghèo, người vô gia cư gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Chàng trai ấy có một cách làm từ thiện rất cá tính và không kém phần gần gũi, với một triết lý giản đơn “Nợ đời, nên phải trả”.

Đó chính là anh Phạm Tùng Lâm, hay còn gọi là “Lâm Ống Húc”, 30 tuổi, hiện đang làm thiết kế đồ nội thất trong một xưởng gỗ nhỏ tại TP. Thủ Đức, HCM.

‘Tui tưởng đâu chú là người đi bán dạo’

Những ngày qua, sáng nào anh Lâm cũng thức dậy sớm, lệ khệ chất đầy lên chiếc xe cub 50 của mình với đủ các thứ, nào là bánh, sữa, dầu gió, bánh mì, khẩu trang,...Và rồi, trong bộ đồ jean sờn cũ, cái nón ngồ ngộ và mang đôi dép lào, anh rong ruổi khắp các đường phố Sài Gòn để trao tận tay những món ấy, có lúc kèm còn theo 500k, cho những người dân khó khăn với cách tiếp cận rất bình dân và hóm hỉnh của mình.

Anh đơn giản đến mức nhiều người còn không nỡ nhận bánh anh cho vì tưởng anh cũng là người đi bán dạo. Anh cười giòn tan, rồi với giọng nói chân tình nói họ nhận “Dạ không sao đâu, con còn nhiều lắm, nhà con bán vàng. Thấy con bần bần vậy thôi chứ nhà con giàu lắmmmm”

Có lúc thấy một chú, chắc tại khu vực nhiều người Hoa sinh sống, anh liền gọi “Ê lị à, ăn xôi hông? Ngộ cho lị một hộp xôi nà”. Khi được cảm ơn, anh đáp tỉnh rụi “Ơn nghĩa gì ông ui” rồi lại chạy đi tiếp.

Lại có khi, anh giả bộ “xí gạc” một chú khác để xin 20k đổ xăng với lý do “Hôm nay con đi bán bánh bị ế quá nên hết tiền đổ xăng”. Để rồi chờ chú ấy lấy từng đồng tiền lẻ quấn trong túi nilon rất kỹ ra cho, anh vui vẻ tặng lại chú một ít bánh, khẩu trang, cùng một tờ tiền 500k. Anh đi tiếp mà trong lòng ngập tràn niềm vui bởi hiểu rằng “Nghèo tiền nghèo bạc nhưng người Sài Gòn vẫn rất hào sảng với nhau”.

Mỗi lần gặp ai khó khăn, anh rất hào sảng tặng hết món này đến món khác và không quên lời chút “giữ gìn sức khỏe nghen!”

Với chiếc điện thoại để tạm trong túi áo, anh giúp cho mọi người hiểu hơn về những mảnh đời vất vả trong những ngày giãn cách xã hội này. Bởi anh cho rằng “Tớ chỉ đang tham gia một "vở diễn cuộc đời" vừa hài vừa bi, mà ở đó, "sân khấu" của tớ là cả Sài Gòn này”.

Anh chia sẻ: “Nhiều người nghĩ là tôi đang giúp họ, nhưng thật ra là tôi đang giúp chính mình, tự cứu lấy lí tưởng sống của mình và xóa bỏ đi những khoảng cách xã hội, sự giàu nghèo vốn có vì thật ra tôi cũng lớn lên nhờ những “cô chú xã hội” như vậy đó”.

Tuổi thơ khốn khó

Người xem những video của anh thường nhận xét cách anh nói chuyện với mọi người sao mà mộc mạc, gần gũi quá. Nhưng có lẽ, ít ai biết được rằng, cái gần gũi mà anh có được bởi anh cũng từng như họ, cũng từng trải qua một tuổi thơ đầy khốn khó.

Anh lớn lên trong cảnh khó khăn, nhà không có tiền ăn học nên tối tối, anh lại đến “lớp học tình thương” - nơi mà bạn học của anh là những cô, chú, anh, chị lớn tuổi vốn phải làm đủ loại nghề để mưu sinh vào ban ngày - để cùng theo đuổi con chữ.

Công việc của anh lúc ấy là đi nhặt ve chai và do vẻ ngoài nhem nhuốc nên anh lớn lên trong sự dè bỉu, khinh bỉ của một số người. Nhưng chính những năm khốn khó ấy, anh lại có dịp tiếp xúc được với những cảnh đời khó khăn, giúp anh giờ đây dễ dàng thấu hiểu, đồng cảm và hòa mình với họ hơn.

@lamonghucCộng Hòa, Tân Bình. #lamonghuc #vibula♬ nhạc nền - Lâm Ống Húc

Anh kể: “Lúc nhỏ, Lâm nhận được nhiều sự giúp đỡ từ những người cùng tầng lớp như mình: Một người anh cùng nhặt ve chai thấy hôm đó Lâm nhặt được ít thì chia lại cho Lâm một số chai lọ, chú đạp xe ba gác thấy Lâm đói thì chia nửa ổ bánh mì, cô bán chè bên đường làm sẵn ly trà đá khi thấy Lâm đi ngang qua giữa ngày nắng gắt,…”

Giờ đây, khi đã lớn và tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định. Tuy cũng không phải là đang “có của dư, của để”, nhưng hơn ai hết anh hiểu, trong giai đoạn giãn cách này, những người như anh trước đây rất cần nhận được sự giúp đỡ.

Thế là, anh tự phát, dùng tiền riêng của mình thực hiện việc từ thiện đầy ý nghĩa này, như một cách anh trả ơn cho cuộc đời và giúp anh có thêm niềm tin vào điều tốt đẹp của cuộc sống. Sau này, có một số người bạn cùng chung tay với anh, nhưng anh tuyệt đối không gây quỹ hay kêu gọi rộng rãi.

Để đảm bảo an toàn cho mình và người xung quanh, anh luôn cố gắng tuân thủ 5K và tự xét nghiệm âm tính 2 lần/ngày tại nhà. Thế nhưng, do không phải thuộc bất cứ tổ chức từ thiện nào, nên khi qua các chốt kiểm soát anh hơi gặp khó khăn một chút. Nhưng khi biết anh đi giúp mọi người chứ không phải kinh doanh gì cả thì mọi người đều thông cảm. Thậm chí, giờ đây nhiều anh công an đã quen mặt anh và còn chủ động xin chụp hình với anh.

@lamonghucCông an xin chụp hình với tui chứ giỡn :v ##lamonghuc ##vibula♬ nhạc nền - Lâm Ống Húc

Có lẽ, sau này, khi dịch có qua đi, chắc hẳn mọi người cũng sẽ nhớ mãi hình ảnh một anh Lâm bình dị, rong ruổi trên từng con phố Sài Gòn với tiếng rao đặc biệt: “Bánh mì không cô chú ơi, một ổ 5 ngàn, hai ổ cho luôn,…”. Để rồi, chính hành động tử tế, không ngại gió mưa, sớm tối của anh Lâm suốt hơn một tháng qua thật sự đã giúp được rất nhiều người khó khăn trên đường phố.

@lamonghucTrường Sơn, Tân Bình. ##lamonghuc ##vibula♬ nhạc nền - Lâm Ống Húc

Và chắc anh cũng không ngờ rằng, nó cũng đã giúp rất nhiều người trên cả nước, thông qua những video mộc mạc của anh, cảm thấy thật ấm lòng và nuôi dưỡng được sự thánh thiện trong tâm hồn mình.

Hà Phương



BÀI CHỌN LỌC

‘Một ổ 5k, hai ổ cho luôn...’: Cách làm từ thiện ‘chẳng giống ai’ của một người con đất Sài Thành