Một kỹ sư ưu tú qua đời sau 20 năm bị ngược đãi và bị buộc sống vô gia cư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một kỹ sư chuyên nghiệp đã phải chịu đựng một cuộc đàn áp kéo dài 20 năm trước khi qua đời trong cô đơn và vô gia cư trong khi chờ người chủ cũ của ông phục hồi lại công việc.

Tội của ông là gì? Ông là một tù nhân đức tin tại đất nước Trung Quốc cộng sản. Những sự ngược đãi mà ông phải chịu dưới bàn tay của các quan chức Trung Quốc thật khiến người ta phải rùng mình ớn lạnh: đầu ông bị cảnh sát và tù nhân đập vào tường, các ngón tay của ông bị trầy xước tới mức không thể nhận ra với “bàn chải đánh răng tra tấn”, đầu ngón tay ông bị đâm bằng kim… và ông bị bắt ngâm mình trong bồn nước lạnh vào mùa đông.

Ông Wei Chunyu, 56 tuổi, đến từ thành phố Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh Cát Lâm nằm ở đông bắc Trung Quốc, đã qua đời vào ngày 14/4 vì không chịu từ bỏ đức tin của mình đối với việc tu luyện Pháp Luân Công. Ông chỉ là một trong số hơn 4.000 học viên Pháp Luân Công (danh sách tên) được xác nhận là đã chết do cuộc bức hại.

Epoch Times Photo
Ảnh chụp các học viên Pháp Luân Công đang luyện công ở Quảng Châu, Trung Quốc, trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999. ( Minh Huệ )

Theo Minghui.org (một trang web chuyên đưa tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc), ông Wei - người đã vô gia cư trong 18 năm - đã chết mà không được gặp mặt con lần cuối do sự bùng phát của virus Corona Vũ Hán.

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần với năm bài tập nhẹ nhàng và các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn. Sau khi được giới thiệu ở Trung Quốc vào năm 1992, số lượng người tập Pháp Luân Công ước tính vào khoảng 70 triệu người, nhiều hơn cả số lượng thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào thời điểm đó. Vào cuối những năm 1990, mọi người từ mọi tầng lớp xã hội đã thực hành hệ thống tu luyện ôn hòa này do môn tập có một khả năng chữa bệnh thần kỳ và giúp người học đề cao cả về tinh thần và thể chất.

Tuy nhiên, vào ngày 20/7/1999, lãnh đạo của ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã ra lệnh cấm và phát động một chiến dịch bức hại nhằm vào môn tu luyện (chiến dịch này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay), dẫn đến nhiều học viên bị vây bắt và tống vào các trung tâm giam giữ, trại lao động cưỡng bức và trung tâm tẩy não, nơi họ thường xuyên bị tra tấn và bị ngược đãi vô nhân đạo. Các học viên Pháp Luân Công cũng là nguồn cung cấp nội tạng chính cho ngành cấy ghép tạng vì lợi nhuận được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn.

Một kỹ sư ưu tú bị buộc sống vô gia cư

Sinh ra trong một gia đình nông dân, Wei Chunyu là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Mặc dù cha của Wei không bao giờ có cơ hội được đi học chính thức, nhưng ông vẫn đảm bảo rằng tất cả các con của mình đều được đến trường.

Bốn chị gái của Wei lớn lên và trở thành kế toán, giáo viên và công chức, trong khi ông tốt nghiệp Đại học Công nghệ Vũ Hán và sau đó làm việc tại một công ty sản xuất ô tô.

“[Cha tôi] rất thông minh, và ông luôn đảm bảo rằng tất cả chúng tôi đều được đi học,” Wei kể lại câu chuyện cuộc đời mình trên trang Minghui.org.

“Ông ấy sẽ thuê người để giúp đỡ trong mùa thu hoạch bận rộn, chứ không yêu cầu chúng tôi rời bàn học để ra đồng làm việc. Gia đình chúng tôi đã trở thành một câu chuyện thành công giữa những người dân địa phương”.

Epoch Times Photo
Wei Chunyu thời trẻ. ( Minh Huệ )

Năm 1992, sáu năm sau khi bắt đầu làm việc, Wei được phong tặng danh hiệu kỹ sư chuyên nghiệp và thậm chí còn được vinh danh là công nhân kiểu mẫu. Đến năm 1997, Wei khi đó 33 tuổi đã được thăng chức làm trưởng đơn vị công tác của mình. Khi ấy ông là “kỹ thuật viên ưu tú” trong đơn vị làm việc.

Công việc khó khăn đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông. Mặc dù sự nghiệp của Wei có nhiều triển vọng nhưng sức khỏe của ông lại ngày càng giảm sút. Ông bị chứng mất ngủ và phải dựa vào thuốc ngủ - tuy nhiên chẳng mấy chốc thứ này cũng mất tác dụng đối với ông. Dần dần, khi ông cố gắng ép bản thân làm việc nhiều hơn, ông đã bị sưng mắt và sưng đầu, đầu óc không còn nhanh nhẹn và không nhớ được đồng nghiệp nói gì.

Do lịch trình làm việc dày đặc, ông đã trì hoãn việc gặp bác sĩ trong một năm.

“Vào đầu năm 1997, tôi đã tuyệt vọng đến mức muốn nhảy xuống từ tòa nhà chung cư của mình. Nhưng cuối cùng tôi đã không nhảy khi nghĩ đến vợ và con trai", ông chia sẻ.

“Cơ thể tôi ngày càng trở nên tồi tệ hơn… [và] không thể cầm cự được nữa. Tôi không thể ngủ và cũng không thèm ăn. Bộ não của tôi giống như một tảng đá".

Cuối cùng, Wei đến bệnh viện khám và được chẩn đoán mắc bệnh tăng nhãn áp, nhồi máu não, mất ngủ và teo dây thần kinh thị giác hai mắt. Tình trạng của ông đã cải thiện một chút sau khi ông phẫu thuật và thường xuyên xoa bóp và tiêm thuốc. Ba tháng sau, Wei đi làm trở lại; tuy nhiên, chưa đầy nửa giờ, bệnh của ông lại tái phát sau khi ông hiệu đính một bản vẽ.

Vào tháng 1 năm 1998, khi Wei đang cố gắng chiến đấu với tình trạng sức khỏe yếu kém của mình, một đồng nghiệp nghỉ hưu đã giới thiệu Pháp Luân Công cho ông.

Wei chia sẻ: “Năm ngày sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, tất cả các bệnh tật của tôi đều biến mất. Tôi có thể tiếp tục làm việc trở lại. Các bệnh khác của tôi cũng đã được chữa khỏi và mắt tôi đã hết đau”.

“Tôi bắt đầu tuân theo các nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn của Pháp Luân Công trong cuộc sống của mình. Tôi trở nên quan tâm hơn đến những khó khăn của người khác và không còn yêu cầu được bồi hoàn trong công việc. Việc tuân theo nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn để trở thành một người tốt đã giúp cuộc sống của tôi thoải mái hơn rất nhiều".

Cuộc đàn áp kéo dài 20 năm

Một tháng sau khi chiến dịch bức hại tháng 7 năm 1999 bắt đầu, Wei được yêu cầu ghé qua đồn cảnh sát địa phương. Tuy nhiên, ông đã bị bắt và bị giam 15 ngày tại Trung tâm giam giữ Qichechang.

Wei bị bắt lần thứ hai vào tháng 10 năm 2000 và thường xuyên bị các tù nhân tại Trại giam số 2 Trường Xuân đánh đập.

Hành vi lạm dụng bao gồm việc bị dội 50 đến 60 chậu nước lạnh, đập đầu vào tường, thiếu ngủ và bị kim đâm vào đầu ngón tay. Các tù nhân cũng dùng móc quần áo đánh vào mắt cá chân của ông, làm bị thương màng xương (mô liên kết dày đặc bao phủ xương) và gây ra một lỗ sâu ở bàn chân phải của ông.

Epoch Times Photo
Những hình ảnh của Wei Chunyu với bàn chân phải bị thương, được chụp 15 ngày sau khi ông cần can thiệp y tế. (Minh Huệ )

Ngoài ra, Wei kể lại rằng các tù nhân cũng thích thú khi nhét bàn chải đánh răng vào giữa hai ngón tay của ông và xoay nó thật mạnh, khiến các ngón tay của ông bị trầy xước đến độ không thể nhận ra.

Một năm sau, vào ngày 12/6/2001, Wei bị cảnh sát địa phương bắt cóc từ nơi làm việc đến trung tâm tẩy não sau khi ông từ chối viết “lời cam đoan từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công” và từ chối đến trung tâm tẩy não cùng họ.

Wei nói: “Tôi từ chối và nói với họ rằng hành động của họ là bất hợp pháp. Khi tôi từ chối đi cùng họ, họ ép tôi vào xe của họ và đưa tôi đến Trung tâm tẩy não Xinglongshan.”

Epoch Times Photo
Một màn tái hiện cho thấy bàn chải đánh răng siết chặt giữa các ngón tay. ( Minh Huệ )

Tại trung tâm tẩy não, Wei bị một cảnh sát tên Zhao đấm vào đầu và mặt; viên cảnh sát cũng đập mạnh đầu Wei vào tường.

Wei kể lại với Minh Huệ: “Anh ta tiếp tục đánh tôi và đập đầu tôi vào tường. Anh ta chỉ dừng lại khi anh ta kiệt sức. Tuy nhiên, sự tra tấn không dừng lại. Ngày hôm sau, tôi thấy tay anh ta bị quấn băng y tế".

Wei nói: “Trung tâm tẩy não được quản lý tương tự như một nhà tù… Trung tâm tẩy não buộc các học viên phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công mỗi ngày. Chúng tôi cũng bị buộc phải nghe một giáo sư phỉ báng Pháp Luân Công. Tôi đã bị nhốt trong trung tâm tẩy não gần ba tháng và chính quyền đe dọa sẽ đưa tôi vào trại lao động nếu tôi từ chối cải tạo trước ngày Quốc khánh”.

Để tránh bị khủng bố thêm, Wei đã trốn khỏi trung tâm tẩy não vào ngày 2/9/2001 và trở thành một người vô gia cư.

Một cái chết cô đơn

Cả gia đình Wei đã phải chịu đựng rất nhiều trong cuộc bức hại tàn bạo.

Ông đã bị sa thải khỏi công việc của mình sau khi trốn khỏi trung tâm tẩy não. Vợ của Wei, do áp lực quá lớn từ chính quyền Trung Quốc, đã ly dị ông vì lo sợ cho tương lai của cậu con trai 12 tuổi của họ. Sau khi ly hôn, Wei đã không được gặp con trai trong hơn 10 năm.

Wei nói: “Chị gái thứ hai và thứ tư của tôi cũng tu luyện Pháp Luân Công và bị bức hại vì đức tin của họ. Chị cả của tôi rất lo lắng cho chúng tôi và đã cố gắng giải cứu chúng tôi. Trong khi tôi bị giam giữ, cha tôi đã qua đời vào năm 2001. [Mẹ tôi] đã qua đời vào năm 2013".

Epoch Times Photo
Wei Chunyu. ( Minh Huệ )

Năm 2018, Wei quay trở lại Trường Xuân để chuyển nhượng quyền sở hữu nhà cho con trai mình, đồng thời nộp đơn xin phục hồi công việc cho nơi làm việc cũ. Công ty yêu cầu Wei đợi, nhưng mãi cho đến khi ông qua đời, ông vẫn không nhận được thông tin gì từ họ.

Từ năm 2000 đến năm 2015, thiệt hại kinh tế lũy kế mà Wei phải gánh chịu do cuộc đàn áp đã vượt quá 1,5 triệu nhân dân tệ (gần 5,3 tỷ VNĐ).

Sau khi chịu đựng cuộc đàn áp kéo dài 20 năm, Wei đã để lại một số đồ đạc trước khi qua đời: một số quần áo, thẻ căn cước còn hạn gần 2 năm, một vài bức ảnh mờ từ 20 năm trước cho thấy bằng chứng về việc ông đã bị tra tấn tại Trung tâm giam giữ số 2 Trường Xuân, và hai tài liệu — đơn tố cáo hình sự dài 11 trang đệ trình chống lại Giang Trạch Dân và đơn xin tiếp tục công việc của ông, Minghui.org đưa tin.

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Một kỹ sư ưu tú qua đời sau 20 năm bị ngược đãi và bị buộc sống vô gia cư