Mẹ ông Tập Cận Bình khuyên con 'Cao xứ bất thắng hàn'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 9/5 vừa qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã hiếm hoi tiết lộ câu chuyện về mẹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bà Tề Tâm, đã dành lời khuyên "hợp lý" cho người con trai “quyền lực” của bà.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho biết, bà Tề Tâm rất chú trọng đến vấn đề giáo dục con cái, thường xuyên viết thư, thông qua các quy tắc gia đình, để nhắc nhở con trai là ông Tập Cận Bình khi ông công tác tại các địa phương, cũng như khi ông đã ở trên cương vị lãnh đạo. Và những lời khuyên dạy này được coi là "lời hứa" của hai mẹ con ông Tập.

"Bà Tề Tâm thường khuyên răn ông rằng ‘cao xứ bất thắng hàn’ và dặn dò ông cần nghiêm khắc với bản thân", CCTV cho biết.

Câu nói trên nghĩa là đứng ở chỗ cao thì không chịu nổi gió lạnh, ý chỉ người có quyền cao chức trọng thường không có bạn bè thân thiết, luôn cảm thấy bị người khác chơi xấu, hoặc có những áp lực nặng nề khó vượt qua được.

Nếu xét đến những thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt, ông Tập quả là đang trong "cơn gió lạnh”. Những thách thức nhân khẩu học của Trung Quốc đã vào trường hợp cấp bách nhất và nghiêm trọng nhất thế giới.

Chưa kịp giàu đã già

Dân số Trung Quốc đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ những năm 1960. Tỷ lệ sinh giảm và lực lượng trong độ tuổi lao động già hóa đã mang đến một trong những thách thức kinh tế và xã hội nghiêm trọng nhất đối với chính quyền Bắc Kinh.

Phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 11/5, ông Ninh Cát Triết, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, chỉ có 12 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra ở Trung Quốc vào năm ngoái. Đây là năm thứ tư liên tiếp tỷ lệ sinh của nước này giảm và cũng là mức thấp nhất kể từ cuộc thống kê chính thức năm 1961.

Nói cách khác, Trung Quốc chưa kịp giàu đã già.

"Lão hóa đã trở thành vấn đề quốc gia cơ bản của Trung Quốc trong thời gian tới", ông Ninh nói trong cuộc họp báo công bố kết quả điều tra dân số.

Theo The New York Times, lão hóa dân số có thể ảnh hưởng tiêu cực, làm phức tạp Giấc mộng Trung Hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình. Giấc mộng Trung Hoa là lời cam kết về sự thịnh vượng kinh tế lâu dài và sự trẻ hóa quốc gia, có thể được coi là di sản chính trị của ông Tập.

Chuyên gia về nhân khẩu học Lương Kiến Chương cho biết. "Đây là một quả bom hẹn giờ dài hạn".

Kết quả điều tra dân số 10 năm/lần cũng cho thấy dân số nước này đang già đi nhanh chóng. Dân số trên 65 tuổi hiện chiếm 13,5% tổng dân số, tăng 8,9% so với năm 2010.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã dựa vào lực lượng lao động trẻ đông đảo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và họ sẵn sàng làm việc chăm chỉ với mức lương thấp. Ngày nay, giá nhân công đang tăng cao, một phần là do thiếu lao động.

New York Times cho hay, chính sách một con được thực hiện từ năm 1980 có thể đã ngăn chặn 400 triệu trẻ sơ sinh ra đời và cũng làm giảm số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Một phụ nữ trẻ Trung Quốc cho hay: "Về bản chất tôi không thích trẻ con, dù chúng đáng yêu thì đáng yêu, nhưng tôi không muốn sinh con hay chăm sóc chúng".

Xem ra, "cơn gió lạnh" về nhân khẩu học có thể xem là mối đe dọa đến "Giấc mộng Trung Hoa" của ông Tập Cận Bình.

Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

Mẹ ông Tập Cận Bình khuyên con 'Cao xứ bất thắng hàn'