‘Mẹ hổ’ dạy con triệu phú: Người mẹ nghèo và cách nuôi dạy con trở thành triệu phú

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai anh em ruột Justin Kan và Danie Kan từng thành lập công ty khởi nghiệp ở độ tuổi 20 và bán lại các startup với giá khoảng 1 tỷ USD. Còn người em út của họ hiện là một kỹ sư phần mềm xuất sắc. Sự thành công của 3 anh em trai này chính là nhờ sự dạy dỗ của “mẹ hổ” - cách mà họ gọi người mẹ nghèo của mình từ bé.

Người con trai cả Justin Kan, đã sáng lập startup mang tên justin.tv (hiện là Twitch – nền tảng livestream về game nổi tiếng) khi đang học vật lý và tâm lý học tại Đại học Yale. Năm 2014, Twitch được Amazon mua lại với giá 970 triệu USD. Ngoài ra, anh còn là một nhà đầu tư.

Daniel Kan là người con trai thứ 2, đã sáng lập công ty phát triển xe tự lái Cruise. Năm 2016, Cruise được General Motors mua lại với giá hơn 1 tỷ USD tiền mặt và cổ phiếu.

Và con út là Damien Kan, hiện là một kỹ sư phần mềm xuất sắc tại Alto Pharmacy.

‘Mẹ hổ’ dạy con triệu phú

Hai anh em Justin Kan và Danie Kan từng thành lập công ty khởi nghiệp ở độ tuổi 20 và bán lại các startup với giá khoảng 1 tỷ USD và trở thành triệu phú (Ảnh: tổng hợp)
Hai anh em Justin Kan và Danie Kan từng thành lập công ty khởi nghiệp ở độ tuổi 20 và bán lại các startup với giá khoảng 1 tỷ USD và trở thành triệu phú (Ảnh: tổng hợp)

Khi trả lời tờ báo kinh doanh nổi tiếng Business Insider, triệu phú Justin đã chia sẻ rằng, chính nhờ "Luật giáo dục việc nhà" của người mẹ đã dạy họ cách thành lập và quản lý một công ty, thành công của họ ngày hôm nay là nhờ vào việc làm việc nhà từ khi còn nhỏ.

Mẹ của anh em nhà Kan sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Malaysia. Năm 17 tuổi, bà nhập cư vào Mỹ và không biết chút tiếng Anh nào. Nhưng bà rất chăm học. Sau nhiều năm nỗ lực, bà đã vào học ở một trường cao đẳng cộng đồng với học phí rẻ, và sau đó học lên Đại học Washington, lấy bằng cử nhân vật lý và bằng thạc sĩ khoa học máy tính.

Khi ra trường, bà làm việc cho công ty thiết bị dữ liệu Digital Equipment Corp, rồi vài năm sau chuyển sang lĩnh vực bất động sản. Bà đã sinh và nuôi dạy ba người con được đánh giá là "siêu thông minh”.

Họ gọi mẹ mình là “mẹ hổ” nhưng không phải theo nghĩa là người mẹ này giữ quyền quyết định tuyệt đối trong mọi hoạt động của con, mà vì bà yêu cầu khắt khe trong việc học tập của con, và nghiêm khắc khi cần thiết để thúc đẩy con nỗ lực hơn nữa.

“Mẹ hổ”có tính kỷ luật cao với 3 con, nhưng phương pháp thúc đẩy con cái của bà không phải là sử dụng việc trừng phạt, bởi bà không thích trừng phạt con cái. Thay vào đó, bà thường đặt ra các tiêu chuẩn cao rồi động viên các con thực hiện, và cũng lấy bản thân làm tấm gương.

Một lần, bà chịu trách nhiệm sửa chữa một ngôi nhà đổ nát để bán lại hoặc cho thuê. Nhiều cuối tuần liên tiếp, ba anh em Justin phải đến ngôi nhà này để giúp mẹ. Họ làm những việc khá nặng nhọc như quét sơn, lau chùi dọn dẹp hay sửa đồ đạc. Sau đó, họ còn giúp bà làm một số việc khác như nhập dữ liệu.

Ban đầu, 3 anh em đều cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi, nhưng khi họ than vãn thì mẹ sẽ nói với họ rằng, “Đây chỉ là chút việc nhỏ, nếu các con phải sống nơi mẹ đã từng sống thì các con sẽ không chịu nổi quá một ngày”.

Mỗi khi ra ngoài làm việc, “mẹ hổ” cũng yêu cầu các con phải lao động mà không quan tâm tới ánh nhìn dò xét từ người khác.

‘Mẹ hổ’ và cách phân chia việc nhà

Một cách rất hay để dạy dỗ con cái nhận thức được “giá trị của sự lao động” là để các con làm việc nhà từ bé. Nhưng cách mà người mẹ này giao việc cho các con cũng rất đặc biệt.

Gia đình có ba cậu con trai, nhưng mẹ họ không giao nhiệm vụ cho từng người riêng lẻ như những ông bố bà mẹ khác. Thay vào đó, bà lập một "Danh sách việc nhà" và để ba người con trai tự thương lượng và lựa chọn những việc cần làm. Hơn nữa, nếu không hoàn thành việc nhà trong danh sách, không ai được phép chơi điện tử!

Trông có vẻ như không công bằng và có thể 3 người con sẽ xảy ra tranh cãi “việc to việc nhỏ”, nhưng không. Họ đã phối hợp với nhau để tạo thành một đội cùng hoàn thành “nhiệm vụ”. Họ ngồi lại để sắp xếp, tìm hiểu đặc điểm của từng người, tính toán khối lượng công việc để phân chia nhau… việc này giống như một khoá học để nâng cao kỹ năng “làm việc nhóm” hơn là “làm việc nhà”.

Và khiến cho 3 anh em thay đổi tư duy, từ “chỉ nghĩ về bản thân” sang “hiểu rõ trách nhiệm của mình” và học cách để phối hợp với nhau.

Justin đã áp dụng cách mẹ anh giao việc cho các con vào việc điều hành startup. Sau khi rời Twitch, anh đảm nhiệm vai trò CEO của một startup sản xuất phần mềm và dịch vụ cho ngành pháp lý.

Anh nói, "Một startup giống như con thuyền đang đi trên nước. Để thành công, tất cả đều phải phối hợp với nhau trong công việc. Khi công ty càng lớn mạnh và quy mô nhân sự càng lớn, điều đó càng khó duy trì. Vì vậy, nó yêu cầu người quản lý phải lãnh đạo các nhóm theo cách hướng tới mục tiêu tập thể”.

Vị triệu phú cũng nhấn mạnh rằng, chính phương pháp giáo dục này của người mẹ đã dạy anh em họ làm việc theo nhóm, biết cách đặt ra mục tiêu và làm thế nào để đạt được mục tiêu đó.

Không chỉ hướng cho con mình nhận thức giá trị và sự chăm chỉ trong mọi việc. “Mẹ hổ” còn dạy các con hiểu được cái giá và thành quả của sự cố gắng.

"Mẹ cũng nói với chúng tôi, đau khổ và hạnh phúc cùng song song tồn tại trong cuộc sống này. Con người phải chấp nhận chung sống giữa cái tốt và cái xấu. Các con không thể loại bỏ những thành phần xấu, nếu không thì những khoảng thời gian hạnh phúc sẽ trở nên vô nghĩa", Justin chia sẻ.

Vị triệu phú này khẳng định: “Nếu không làm việc chăm chỉ, tôi sẽ không có được như ngày hôm nay. Đây là điều tôi học được từ mẹ mình. Đây cũng là điều làm nên giá trị cuộc sống”.

Đông Mai



BÀI CHỌN LỌC

‘Mẹ hổ’ dạy con triệu phú: Người mẹ nghèo và cách nuôi dạy con trở thành triệu phú