Marie Curie: Nhân cách cao quý và cuộc đời phi thường của nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20 (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là một phụ nữ lớn lên trong giai đoạn mà chuyện học hành là điều xa vời, Marie Curie đã trở thành một nhà khoa học đáng ngưỡng mộ, với rất nhiều thành tích mà cho đến nay vẫn chưa có ai sánh bằng. Cả cuộc đời bà là một minh chứng cho chân lý bất biến: Nếu một người giữ được tâm trong sáng và nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của mình, thành công của người ấy sẽ đến cùng với sự vinh danh.

Marie Curie là nhà khoa học nữ huyền thoại và nổi tiếng nhất thế giới. Bà có một bề dày thành tích đáng ngưỡng mộ mà khó ai có thể sánh bằng. Bà là:

  • Người phụ nữ đầu tiên trên thế giới có bằng Tiến sĩ vật lý;
  • Nữ giáo sư đầu tiên của trường Đại học Sorbonne danh tiếng ở Paris;
  • Người phụ nữ đầu tiên nhận Giải Nobel khoa học;
  • Người đầu tiên nhận HAI Giải Nobel. Cho đến nay, bà là nhà khoa học nữ duy nhất đã giành được hai giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau là vật lý và hóa học;
  • Người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu về phóng xạ.

Những thành tựu này càng ấn tượng hơn khi chúng ta đặt chúng vào bối cảnh lịch sử. Vào thời của Marie Curie, những năm cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, tại hầu hết các quốc gia, phụ nữ không được phép học lên đại học, họ thậm chí không được đi bầu cử. Số phận của họ đã được xác định sẵn từ khi sinh ra là: trở thành những người vợ, người mẹ chỉ quanh quẩn trong việc chăm sóc gia đình.

Vậy làm thế nào mà bà có thể vượt trội về mặt khoa học trong một cộng đồng học thuật hoàn toàn là nam giới?

Vì sao bà vẫn sống một cuộc sống đạm bạc, trong khi bà có thể để lại một gia tài kếch xù cho con?

Và bằng cách nào mà bà có thể đạt được nhiều thành tích như vậy, trong khi vẫn nuôi dạy được hai người con thành đạt - một người là nữ khoa học gia thứ hai trên thế giới được trao Giải Nobel và một người là nhà văn thiên tài?

Hãy cùng nhìn lại cuộc đời và nhân cách sống của bà để hiểu hơn về điều ấy.

Môi trường giáo dục tốt từ gia đình

Marie Curie có tên thuở nhỏ là Maria Salomea Sklodowska. Bà sinh ngày 07/11/1867 tại thủ đô Warsaw, Ba Lan, trong một gia có năm anh chị em, cả cha mẹ đều là nhà giáo.

Vào thời đó, Ba Lan bị nước Nga cai trị nên nền giáo dục tốt nhất, những vị trí tốt nhất đều dành cho người Nga. Người Ba Lan ít có cơ hội được học hành và điều ấy còn hiếm hơn đối với phụ nữ. Tuy nhiên, gia đình Skłodowska khác biệt với hầu hết các gia đình khi đối xử bình đẳng và trao cơ hội học hành cho cả con trai và con gái.

Mẹ của Marie là một giáo viên tận tâm với sự nghiệp giảng dạy, ngay cả khi bà bận rộn với việc chăm sóc gia đình. Tuy bà mất vì bệnh lao khi Marie chỉ mới 11 tuổi, nhưng chính sự chăm chỉ của mẹ đã là hình mẫu để Marie noi theo trong suốt cuộc đời.

Cha của Marie, ông Władysław Skłodowska, là một nhà giáo đam mê khoa học. Ông luôn khuyến khích các con tìm tòi, khám phá, tạo điều kiện cho chúng được “chơi” với các thiết bị khoa học và chìm đắm trong thư viện sách rộng lớn của mình từ khi còn bé.

Marie (ngoài cùng bên trái) cùng cha Władysław Skłodowski và hai chị Bronya và Helena, 1890 (Ảnh: Wikipedia Commons)
Marie (ngoài cùng bên trái) cùng cha Władysław Skłodowski và hai chị Bronya và Helena, 1890 (Ảnh: Wikipedia Commons)

Dưới sự giáo dục nghiêm túc và tấm gương của cha mẹ, ngay từ nhỏ, Marie đã rất say mê đọc sách. Bà được đánh giá là một cô bé có trí tò mò, sáng dạ và xuất sắc ở trường học.

Khi đến tuổi trưởng thành, thay vì chỉ quan tâm đến con trai và váy đầm như các bạn nữ đồng trang lứa khác, bà lại ước mơ vào đại học để nghiên cứu khoa học.

Lòng tự trọng và nỗ lực theo đuổi ước mơ

Môi trường gia đình ấm áp và chú trọng học tập ấy đã giúp những đứa trẻ nhà Skodowska có thành tích học tập xuất sắc và nói thông thạo năm thứ tiếng.

Nhưng trong gia đình chỉ mỗi anh trai của Marie được nhận vào Đại học Warsaw, bà và các chị gái đều bị từ chối vào những trường đại học chỉ dành cho nam sinh thời ấy, bất chấp thành tích học tập của họ tốt đến đâu. Cha bà lúc ấy cũng gặp khó khăn về tài chính nên cũng không thể lo cho các con đi du học.

Nhưng với nghị lực kiên cường, Marie và chị gái Bronya đã không từ bỏ ước mơ học hành. Họ làm gia sư để kiếm tiền học tại một trường “đại học chui” bí mật dưới lòng đất dành cho thanh niên Ba Lan và ấp ủ ước mơ đến Paris - nơi mà phụ nữ được cho phép học cao hơn.

Nhận thấy những đồng lương gia sư ít ỏi tại Marsaw sẽ chẳng đủ để hai chị em thực hiện ước mơ ấy, Marie tình nguyện gác lại việc học đại học trong ba năm để đến vùng quê xa xôi làm gia sư cho một gia đình giàu có, và kiếm tiền hỗ trợ chị Bronya đến Paris học ngành y khoa.

Trong những năm tháng khó khăn ấy, bà vẫn tự học mỗi ngày và làm việc không mệt mỏi để chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học tại Pháp. Trừ một giai đoạn khiến bà gần như từ bỏ ước mơ du học, và có thể sẽ sống một cuộc đời là người nội trợ bình thường.

Đó là khi con tim bà rung động vì một chàng trai...

Marie cùng chị Bronya và Kazimierz Żorawski - mối tình đầu của Marie trong những năm làm gia sư để tích lũy tiền cho việc học (Ảnh: tổng hợp)
Marie cùng chị Bronya và Kazimierz Żorawski (mối tình đầu của Marie) trong những năm bà làm gia sư để tích lũy tiền cho việc học (Ảnh: tổng hợp)

Marie yêu say đắm Kazimierz Żorawski - con trai cả của gia đình địa chủ mà bà đến ở với vai trò gia sư. Họ quyết định kết hôn. Nhưng khi chàng trai thông báo với gia đình về ý định ấy, họ đã bị phản đối kịch liệt bởi định kiến xã hội, và sự khinh miệt với thân phận gia sư nghèo khó của bà.

Điều ấy đã xúc phạm đến lòng tự trọng và niềm kiêu hãnh của Marie. Nó thức tỉnh bà quay lại mục tiêu học tập và như tiếp thêm sức mạnh cho bà. Bà quay trở lại Warsaw và làm gia sư thêm hai năm nữa trước khi tích lũy đủ tiền để thực hiện ước mơ.

Năm 24 tuổi, Marie đến Paris để học tại trường Đại học Sorbonne danh tiếng.

Tất cả thời gian và tâm sức dành cho niềm đam mê học tập

Marie quyết định lấy bằng vật lý, nhưng cũng sớm bị thu hút bởi các môn thực nghiệm của hóa học. Mỗi đêm, bà lại tiếp tục với đèn sách trong căn phòng tồi tàn của mình và ngủ ít nhất có thể. Để đỡ mất thời gian cho việc nấu nướng, bà thường chỉ ăn bánh mì và uống trà, rồi lại lao vào việc học. Bà chú tâm vào việc học đến mức có những lúc bà đã bị kiệt sức và ngất xỉu trong lớp.

Có lẽ hơn ai hết, sau những năm dài nỗ lực, bà hiểu được giá trị của việc được đi học và vô cùng trân quý cơ hội ấy.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi đến Paris, nhờ những nỗ lực phi thường, Marie đã nhanh chóng trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất của trường Đại học Sorbonne. Ngay khi đang còn là sinh viên năm thứ ba, bà đã được cấp bằng Thạc sĩ Vật lý và đến năm thứ tư, được cấp tiếp bằng Thạc sĩ Số học.

Sự kết duyên của hai con người ‘không trọng hình thức’

Kế hoạch ban đầu của Marie sau khi tốt nghiệp là trở về Ba Lan để chăm sóc cha mình, nhưng có hai điều khiến bà thay đổi quyết định: yêu khoa học và yêu Pierre Curie.

Marie và Pierre Curie gặp nhau trong năm cuối của bà ở trường đại học. Vào thời điểm đó, bà đang nghiên cứu về tính chất từ ​​tính của thép. Đây là công việc đúng chuyên môn đầu tiên của bà với tư cách là một nhà khoa học.

Vì phòng thí nghiệm của bà không có đủ các thiết bị cần thiết, một người bạn đã gợi ý rằng bà nên nhờ Pierre để có thể làm việc trong một phòng thí nghiệm tốt hơn.

Pierre Curie là chuyên gia hàng đầu của Pháp về từ tính và đang làm việc tại Trường Vật lý và Hóa học. Ông ngay lập tức bị cuốn hút bởi sự thông minh và giản dị của Marie, nhưng tình cảm của ông không được đáp lại.

Vẫn thận trọng với tình yêu, Marie đã từ chối lời cầu hôn của Pierre trong hơn một năm. Nhưng tình yêu chân thành của Pierre và chính niềm đam mê khoa học đã bén duyên cho hai con người đầy tài năng.

Sự kết duyên của hai con người không trọng hình thức và đầy tài năng (Ảnh: tổng hợp)
Sự kết duyên của hai con người không trọng hình thức và đầy tài năng (Ảnh: tổng hợp)

Năm 1895, cặp đôi đã có một đám cưới vô cùng đơn giản, không nhẫn cưới, không nghi thức tôn giáo, ở ngoại ô Paris với gia đình và bạn bè thân thiết nhất.

Bà tâm sự với chị gái Bronya: Em không có cái váy nào, ngoại trừ cái mà em mặc hàng ngày. Nếu chị tử tế muốn tặng em một chiếc váy cưới, xin hãy chọn chiếc váy gọn gàng và tối màu, để sau đó em có thể mặc nó trong phòng thí nghiệm”.

Bà thật sự là một con người giản dị!

Thành tựu đến từ việc biết nghĩ cho nhau

Sau ngày cưới, Marie về làm việc cùng phòng thí nghiệm của chồng. Bà được người chồng Pierre rất tôn trọng, họ trở thành cặp đôi ăn ý, luôn biết nghĩ cho nhau và hỗ trợ nhau hết mình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Với chiếc tĩnh điện kế do chồng sáng chế, Marie tiến đã hành nghiên cứu xem hiện tượng bức xạ từ Uranium, mà nhà vật lý học Henri Becquerel đã phát hiện trước đó, có xuất hiện ở các chất khác không. Đó cũng là đề tài cho luận án tiến sĩ của bà.

Để hỗ trợ vợ, Pierre quyết định gác lại công trình nghiên cứu của mình, đồng hành cùng Marie trong nghiên cứu của bà. Đây là sự khởi đầu của sự hợp tác hiệu quả dẫn đến giải Nobel vật lý được trao cho Pierre, Marie và Becquerel sau này.

Pierre và Marie Curie trong phòng thí nghiệm (Ảnh: Wikipedia Commons)
Pierre và Marie Curie trong phòng thí nghiệm (Ảnh: Wikipedia Commons)

Hai vợ chồng làm việc không ngừng trong khoảng bốn năm trong một căn phòng ẩm thấp của Trường Vật lý và Hóa học.

Đây là những năm hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Marie. Vợ chồng sát cánh bên nhau cùng làm việc. Kỳ nghỉ hè, họ tạm gác công việc sang một bên và đi du lịch cùng nhau.

Họ đã phát triển một phương pháp mới để cô lập nguyên tố phóng xạ bí ẩn từ quặng uranium, gọi là pitchblende. Những kiên trì nỗ lực của họ đã được đền đáp xứng đáng: Họ đã tìm ra không chỉ một mà là hai nguyên tố phóng xạ mới có cường độ phóng xạ cực mạnh. Chúng được Marie đặt tên là polonium (theo tên quê hương Ba Lan của bà) và radium.

Pierre và Marie đã xuất bản hàng chục bài báo cáo trong những năm này, và ngay sau đó một số nhà khoa học khác bắt đầu nghiên cứu về hiện tượng phóng xạ. Một ngành khoa học mới đã ra đời.

Nhưng do tư tưởng trọng nam khinh nữ còn khá nặng nề vào thời ấy, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp chỉ đề cử Henri Becquerel và Pierre Curie cho giải Nobel Vật Lý, mà bỏ qua vai trò quan trọng của Marie trong nghiên cứu.

Không để bất công tiếp tục xảy ra với vợ, Pierre đã lên tiếng. Và sau nhiều nỗ lực của ông, Marie đã được đưa vào danh sách đề cử.

Vào tháng 12/1903, chỉ vài tháng sau khi bảo vệ thành công luận án và trở thành người phụ nữ đầu tiên lấy bằng Tiến sĩ ở Pháp, Marie trở thành phụ nữ đầu tiên được trao giải Nobel.

Giải Nobel thứ hai và một cuộc đời cống hiến vì nhân loại

Năm 1906, Pierre qua đời vì bị một chiếc xe ngựa kéo đè lên khi đang đi trên phố. Vượt qua nỗi đau mất mát, Marie bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại trường Sorbonne và trở thành nữ giáo sư đầu tiên của trường đại học này.

Tuy nhiên, cuộc sống của bà cũng trở nên phức tạp. Khi chồng còn sống, Marie đã được bảo vệ theo một cách nào đó. Cùng với các nhà khoa học, họ làm việc như một nhóm, và Pierre luôn giúp Marie nhận được sự ghi nhận công bằng cho những công trình nghiên cứu của họ.

Nhưng giờ đây khi ông đã ra đi, Marie trở thành mục tiêu dễ dàng cho những ai tin rằng vị trí của phụ nữ là trong bếp. Bà bị loại khỏi Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.

Tuy nhiên, danh tiếng hay học vị không phải là điều quan trọng đối với Marie Curie, bà vẫn tiếp tục lao vào những nghiên cứu mới - phớt lờ những lời xem thường, hoài nghi.

Và kết quả là, 8 năm sau ngày được giải Nobel đầu tiên, vào năm 1911, bà vinh dự nhận được giải Nobel thứ hai, trở thành nhà khoa học đầu tiên nhận hai giải thưởng cao quý. Giải Nobel hóa học ghi nhận những khám phá của Marie trong việc tìm ra hai nguyên tố hóa học radium và polonium.

Marie là nhân vật nữ duy nhất giữa các nhà khoa học kiệt xuất thời ấy. Khi chiến tranh nổ ra, bà hết lòng hỗ trợ và cứu người (Ảnh: tổng hợp)
Marie là nhân vật nữ duy nhất giữa các nhà khoa học kiệt xuất thời ấy. Khi chiến tranh nổ ra, bà hết lòng hỗ trợ và cứu người (Ảnh: tổng hợp)

Năm 1914, Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Marie đã bán huy chương Nobel bằng vàng của mình và chồng, tạm gác lại công việc nghiên cứu, bà xung phong ra tuyến đầu giúp nước Pháp trong cuộc chiến.

Bà trở thành giám đốc của Dịch vụ X-quang Chữ thập đỏ và thành lập Trung tâm X-quang phục vụ cho Quân đội đầu tiên của Pháp. Người ta ước tính, những nỗ lực của bà đã cứu sống hàng nghìn binh sĩ và giúp đào tạo một thế hệ y tá cho tiền tuyến.

Dù có rất nhiều những đóng góp nhân đạo vô cùng to lớn, nhưng bà lại không nhận được bất cứ lời công nhận nào từ Chính phủ Pháp. Nhưng sự công nhận ấy, một lần nữa, cũng không phải là điều bà trông đợi khi bà quyết định dấn thân. Bà làm theo dẫn lối của trái tim yêu thương con người.

Những năm cuối đời, Marie vẫn tích cực hoạt động trong phòng thí nghiệm, ngay cả khi bà đã yếu và gần như mù do tiếp xúc với phóng xạ trong thời gian dài. Bà đã qua đời vào ngày 4/7/1934 ở tuổi 67, bởi những ảnh hưởng nguy hiểm của chất phóng xạ mà bà vốn không biết được khi là người đầu tiên nghiên cứu về nó.

Những nghiên cứu của bà đã góp phần đặt nền móng vững chắc cho một ngành khoa học mới nghiên cứu về cấu trúc của nguyên tử và tính phóng xạ, tạo tiền đề cho những nghiên cứu về cách chữa bệnh ung thư, năng lượng nguyên tử và trong các ngành khảo cổ, địa chất… sau này.

Điều gì đã giúp bà nuôi dạy hai người con thiên tài sẽ được khắc họa rõ nét hơn trong Phần 2 - Nhân cách cao quý làm nên con người vĩ đại.

Hà Phương



BÀI CHỌN LỌC

Marie Curie: Nhân cách cao quý và cuộc đời phi thường của nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20 (Phần 1)