Marie Curie: Nhân cách cao quý làm nên con người vĩ đại (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người ta thường biết đến Marie Curie như một khoa học với những thành tích đáng nể, nhưng có lẽ ít người để ý rằng: bà còn là một người có nhân cách cao quý, và là một người mẹ xuất sắc, nuôi dạy nên những người con thiên tài.

Phần 1

Vợ chồng nhà khoa học Marie Curie có những người con thiên tài:

  • Cô con gái đầu - Irène Curie (sinh năm 1897) trở thành người phụ nữ thứ hai (sau mẹ) nhận Giải Nobel cùng chồng là Frédéric Joliot, nhờ những công trình nghiên cứu của học trong lĩnh vực phóng xạ và vật lý hạt nhân.
  • Cô con gái thứ hai - Eve Curie (sinh năm 1904) đi theo con đường văn học - nghệ thuật. Eve Curie là nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ piano nổi tiếng và thành công, từng được trao giải thưởng National Book Award (Mỹ) và được đề cử giải Oscar cho các tác phẩm được chuyển hóa thành phim. Chồng bà là Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) giai đoạn 1965-1969 và cũng vinh dự đại diện Quỹ nhận Giải Nobel Hòa Bình.
Các con gái và con rể của bà Marie Curie - Irène Curie và  Frédéric Joliot (hình trên)  Eve Curie và Henry Richardson Labouisse (hình dưới) (Ảnh: tổng hợp) 
Các con gái và con rể của bà Marie Curie - Irène Curie và Frédéric Joliot (hình trên) Eve Curie và Henry Richardson Labouisse (hình dưới) (Ảnh: tổng hợp)

Sự phát triển của một đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường nuôi dưỡng và những hình mẫu xung quanh chúng. Và có lẽ, chính cách giáo dục con, nhân cách sống và cuộc đời của Marie Curie đã là hình mẫu, là tấm gương quý báu cho hai người con gái của bà noi theo, truyền cảm hứng cho họ phấn đấu và đạt thành tựu.

Cân bằng sự nghiệp và cuộc sống gia đình

Những tưởng với khối lượng đồ sộ cũng những công trình nghiên cứu và những thành tích xuất sắc như vậy, Marie Curie sẽ không có thời gian lo cho gia đình. Nhưng trái lại, bà nỗ lực đảm bảo vai trò của một người phụ nữ truyền thống trong gia đình.

Marie chu tất công việc nhà, lo toan về tài chính và cả học nấu ăn để làm hài lòng mẹ chồng. Sau tám tiếng làm việc trong phòng thí nghiệm, bà trở về với vai trò của một người vợ chu đáo, đảm đang; sau đó, bà lại đội chiếc mũ nhà khoa học của mình và nghiên cứu đến khuya. Bà mệt nhưng vui, vì bà hiểu rõ đó là trách nhiệm, là cuộc sống của mình.

Khi mang thai các con, Marie vẫn tiếp tục làm việc trong phòng thí nghiệm và làm việc nhà, mặc cho những mệt mỏi và cảm giác buồn nôn trong suốt thai kỳ. Marie là một người mẹ tận tụy. Bà đã rất cố gắng cho Irene và Eve bú sữa mẹ, và cảm thấy vô cùng tội lỗi khi buộc phải ngừng theo chỉ định của bác sĩ.

Người mẹ trẻ vui mừng với đứa con, nhưng niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã thôi thúc bà trở lại phòng thí nghiệm chỉ vài tuần sau khi sinh.

Pierre Curie rất yêu bà nhưng vốn là người chỉ chú tâm làm khoa học, Marie phải vật lộn với công việc nghiên cứu, chăm sóc trẻ sơ sinh, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, chăm sóc cha mẹ già... nhưng bà chưa bao giờ nghĩ đến việc lựa chọn giữa gia đình và sự nghiệp.

Bà cố gắng chu toàn tất cả. Bà thuê một bảo mẫu chăm sóc em bé vào ban ngày, dưới sự coi sóc của ông bà nội. Khi về nhà, bà gạc lại công việc và dành những khoảng thời gian thật sự chất lượng, vui vẻ bên con.

Người ta thường nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Và chính sự chăm chỉ, vui với vai trò làm mẹ - làm vợ và khéo léo trong sắp xếp cuộc sống ấy của bà đã giúp tạo nên một tổ ấm thật sự cho gia đình, ươm mầm cho những tài năng phát triển.

Tư duy khác biệt về danh lợi

Sau khi tìm thấy các nguyên tố radium và biết được tác dụng siêu việt của nó trong điều trị bệnh ung thư, nhiều người trên khắp thế giới đã viết thư đến ông bà Curie, xin được biết phương pháp chiết xuất.

Pierre trao đổi với vợ: Chúng ta có 2 lựa chọn. Một là chúng ta sẽ chia sẻ cho họ mọi thứ về cách chiết xuất radium mà không cần trả công thứ gì”.

Bà Curie đồng ý ngay: “Vâng, tất nhiên rồi”.

Ông Curie tiếp lời: “Một lựa chọn khác là chúng ta đặt vị trí của mình vào thế của những người phát minh và người giữ quyền sở hữu của phương pháp chiết xuất radium. Nhưng đầu tiên chúng ta phải lấy bằng sáng chế cho công nghệ chiết xuất quặng uranium và thiết lập sở hữu độc quyền công nghệ radium trên toàn thế giới”.

Sở hữu bằng công nhận đặc quyền đồng nghĩa với việc họ sẽ thu được những khoản tiền lớn và có một cuộc sống thoải mái tiện nghi. Ngoài ra, họ còn có thể để lại một khoản tiền thừa kế đáng kể cho con cái.

Tuy nhiên, khi nghe đến đó, bà Curie nói: “Chúng ta không thể làm thế. Nếu chúng ta làm vậy, chúng ta sẽ vi phạm ước nguyện ban đầu khi bước chân vào nghiên cứu khoa học”.

Trong suốt cuộc đời, bà đã được trao 16 huy chương các loại và 117 danh hiệu cao quý, nhưng bà đã không xem chúng quá quan trọng.

Một ngày nọ, một người bạn gái đến thăm nhà Curie. Nhìn thấy đứa con gái nhỏ của bà đang chơi đùa với chiếc huy chương vàng mà Viện hàn lâm Hoàng gia Anh quốc đã trao tặng, người bạn vô cùng ngạc nhiên nói: “Chiếc huy chương đó là một vinh danh cao quý. Sao bạn có thể để một đứa trẻ đối xử với nó như món đồ chơi như vậy?”.

Bà Curie mỉm cười: Tôi muốn con tôi hiểu rằng vinh danh chỉ là một thứ đồ chơi. Bạn chỉ có thể chơi với nó thay vì bảo vệ nó. Nếu không, cả đời sẽ không thành tựu được gì”.

Marie đã từ bỏ danh lợi mà bà vốn có thể có được một cách dễ dàng. Bà sẵn sàng tiếp tục cuộc sống khó khăn về tài chính, chấp nhận đi dạy học để kiếm thêm tiền cho việc mua sắm các thiết bị và nghiên liệu phục vụ công việc nghiên cứu.

Bởi đơn giản đối với bà, tiền tài, danh vọng không phải là mục đích của cuộc đời mình. Bởi bà cho rằng, khoa học để mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại chứ không phải mưu lợi cho bản thân.

Marie Curie là một người có nhân cách cao quý và là một người mẹ xuất sắc, nuôi dạy nên những người con thiên tài (Ảnh: tổng hợp)
Marie Curie là một người có nhân cách cao quý và là một người mẹ xuất sắc, nuôi dạy nên những người con thiên tài (Ảnh: tổng hợp)

Ôn hòa trước mâu thuẫn và khơi gợi sự sáng tạo

Trường tiểu học của Irene Curie mời một nhà khoa học về nói chuyện với học sinh. Nhà khoa học này làm thí nghiệm bằng cách lấy một bể nước đầy, bỏ đồ vật vào và nước tràn ra theo định luật vật lý.

Tuy nhiên ông lại tuyên bố với các học sinh rằng: “Chỉ có đồ vật mới làm nước tràn ra thôi, nếu chú bỏ cá vàng vào nước sẽ không tràn.”

Nhà khoa học dừng cuộc thí nghiệm ở đó.

Irene thắc mắc lắm, về nhà hỏi mẹ.

Marie Curie không đưa câu trả lời ngay mà hỏi lại con gái: “Vậy con nghĩ vì sao bỏ cá vàng vào không làm nước tràn?”

Irene nói: “Có bạn bảo vì cá vàng giương vảy lên hút nước vào. Nhưng con không thấy cá vàng giương vảy lên. Con thì nghĩ là do cá vàng uống hết nước vào bụng nên nước mới không tràn còn bụng cá vàng lại to”.

Marie Curie cười nói: “Nếu con muốn biết vì sao thì cứ thí nghiệm xem”.

Irene vớt cá vàng, thả vào chậu đầy nước và thấy nước tràn ra ngoài. Lúc này, Marie mới bảo: “Giờ con đã hiểu rồi đó, bỏ bất cứ vật gì vào nước đầy nước cũng sẽ tràn ra”.

Irene không vui, vì nghĩ mình bị lừa. Hôm sau em hỏi nhà khoa học: “Chú là nhà khoa học, vì sao lại nói sai?”

Nhà khoa học nháy mắt: “Này cháu gái, sao cháu lại nghĩ rằng tất cả các nhà khoa học đều nói đúng?”. Irene hiểu ra và mỉm cười.

Năm 1935, Irene Curie và chồng đoạt giải Nobel Hóa học.

Cách xử sự không tranh biện hay áp đặt lý thuyết suông của Marie Curie trong mẩu chuyện nhỏ trên - cũng thể hiện một phần nhân cách ôn hòa của bà trước mâu thuẫn. Đó cũng là cách mà bà đã ứng xử khi đối diện với những phản đối hay khinh miệt của những nhà khoa học khác với những nghiên cứu của bà - bà im lặng, làm việc và chứng minh.

Nếu lúc đó, bà dùng kiến thức của mình để áp đặt con, không trao cơ hội cho con tự tìm câu trả lời thông qua việc tự mình thí nghiệm thì có lẽ trí sáng tạo của con cũng bị bóp nghẹt.

Tôn trọng sự khác biệt và kiên trì hoàn tất công việc

Marie Curie là nhà khoa học vĩ đại, nhưng chưa bao giờ bà ép con theo khoa học.

Dù cả nhà đam mê khoa học, nhưng người con gái út của bà, Eve Curie, gần như trái với phong cách của cha mẹ và chị hai. Eve thích nghệ thuật, thích giao tiếp và từ nhỏ đã yêu thích âm nhạc.

Hiểu được tâm lý của con, Marie chưa bao giờ để con nghĩ rằng khác biệt là điều không tốt. Ngược lại, bà khéo léo khuyến khích tài năng của con, cho con thỏa sức sáng tạo trong thơ ca, văn chương và những giai điệu âm nhạc.

Nhưng có một điều bà rất nghiêm khắc với con, và có lẽ đó cũng chính là yếu tố then chốt làm nên thành công trong sự nghiệp của bà. Đó là kiên trì hoàn tất công việc mình đang làm, bất kể đó là công việc quan trọng hay không quan trọng.

Nếu không có lòng kiên trì ấy, thì có lẽ bà đã bỏ cuộc khi bị từ chối vào Đại học Marsaw, khi không có tiền ăn học, khi cảm thấy vô vọng trong các công trình nghiên cứu dài hơi, khi bị mọi người xem thường vì là phụ nữ... Và chắc chắn, cũng sẽ không có Marie Curie mà nhân loại ca tụng ngày hôm nay.

****

Cuộc đời nhà khoa học Marie Curie đã khép lại, nhưng chắc hẳn, những đóng góp của bà cho nhân loại và tấm gương về sự kiên cường, sống hết mình vì lý tưởng cao cả, không màng danh lợi của bà thì vẫn còn mãi. Bà thật sự là nhà khoa học chân chính và xứng đáng là nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20 - cả về thành tựu và nhân cách.

Với khí chất phi phàm, không màng danh lợi, bà thật sự truyền cảm hứng cho chúng ta rằng: Khi một người mang một trái tim thuần khiết, nỗ lực hết mình cho những việc cần làm và vì lợi ích cho nhân loại, thì thành công sẽ đến với họ một cách rực rỡ và bền vững.

Hà Phương



BÀI CHỌN LỌC

Marie Curie: Nhân cách cao quý làm nên con người vĩ đại (Phần 2)