‘Kỵ sĩ bóng đêm’ - Lòng tốt có tồn tại trong một thế giới đã tha hóa?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn một thập kỷ trôi qua, The Dark Knight “Kỵ sĩ bóng đêm” vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm điện ảnh đa chiều giàu ý nghĩa nhất mọi thời đại. Không chỉ hấp dẫn bởi những pha kịch tích, gây cấn, bộ phim còn đặt ra cho khán giả câu hỏi sâu sắc: Liệu lòng tốt có thật sự tồn tại trong một thế giới đã tha hóa?

Bộ phim xoay quanh cuộc chiến của Batman (danh tính thật là Bruce Wayne) và Joker - một tên sát nhân đa nhân cách với khuôn mặt hóa trang của một gã hề, kèm theo các vết sẹo trên mặt.

Kỵ sĩ bóng đêm mở đầu bằng cảnh Joker cướp nhà băng cùng nhiều đồng phạm khác. Nhưng hắn đã gài bẫy khiến đồng bọn giết lẫn nhau trước khi hắn giết người cuối cùng. Sự hỗn loạn trong thành phố Gotham dần vỡ ra như một vết nứt.

Quan điểm của hắn là thách thức công lý, muốn cho Batman nhận ra định hướng hành hiệp trượng nghĩa của anh là sai lầm, và khẳng định sự điên loạn tạo nên công bằng.

Điều khiến người xem ám ảnh là sự điên cuồng, tàn bạo và vô tổ chức của Joker, khả năng dày vò, tàn sát người vô tội của hắn, biến thành phố Gotham thành tro tàn.

Tâm hồn quái vật

Bài thơ nổi tiếng của Martin Niemoeller tại Đài tưởng niệm Holocaust (tưởng niệm những nạn nhân trong các cuộc thảm sát của Đức Quốc xã) ở Boston có một phần nội dung như sau:

Họ sát hại người Do Thái, và tôi im lặng bởi tôi không phải người Do Thái.
Rồi họ sát hại các thành viên công đoàn, và tôi im lặng vì tôi không phải là thành viên của công đoàn.
Rồi họ sát hại người Công giáo, và tôi im lặng vì tôi là người theo đạo Tin lành.
Đến khi họ sát hại tôi, thì chẳng còn ai để lên tiếng cho tôi được nữa...

Đó là một lời nhắc nhở rằng chúng ta cần lên tiếng vì công lý, và không được giữ thái độ “trung lập” giữa thiện và ác.

Joker là người duy nhất cười trong suốt bộ phim, vì hắn tin rằng lực lượng tà ác của mình sẽ chiến thắng.

Joker là người duy nhất cười trong suốt bộ phim, vì hắn tin rằng lực lượng tà ác của mình sẽ chiến thắng. 
Joker là người duy nhất cười trong suốt bộ phim, vì hắn tin rằng lực lượng tà ác của mình sẽ chiến thắng. (Wikipedia - Fair Use)

Hãy xem những lời nói dối đầu độc tâm hồn người dân của Joker. Tên hề nói dối mọi lúc để đạt được điều mình muốn. Phân cảnh mở đầu cho thấy cách hắn ta sử dụng lời nói dối để thao túng mọi người, kích động đám đồng phạm tin rằng họ sẽ có được phần lớn hơn bằng cách giết hại lẫn nhau. Hắn ta nói dối đám đông để khiến họ tin rằng hắn là người chạy việc chứ không một tên cướp. Xuyên suốt tác phẩm chúng ta phát hiện rằng không thể tin bất cứ điều gì Joker nói.

“Người thấy đấy, đạo đức của họ, quy tắc của họ, đó là một trò đùa tồi tệ. Họ sẽ bỏ rơi chúng khi có dấu hiệu rắc rối đầu tiên”, Joker nói với Batman. “Họ chỉ tốt khi thế giới cho phép họ. Ta sẽ chỉ cho người thấy… những người văn minh này, họ sẽ ăn thịt lẫn nhau".

Joker biết rằng nếu tinh thần của một người bị phá vỡ, và họ không thể thể hiện tình người tốt đẹp nhất trong chúng ta, thì họ sẽ bị tước đi hy vọng, và thực sự sẽ trở thành giống như hắn… một tâm hồn quái vật.

Vì thế, tên hề điên loạn lại tiếp tục bài thử thách Thiện - Ác của hắn, khi đặt chất nổ trong hai chiếc phà, một bên chở các phạm nhân và một bên chở dân thường. Hắn bảo các hành khách rằng cách duy nhất để tự cứu mình là kích hoạt chất nổ trên chiếc phà kia, nếu không cả hai chiếc sẽ bị hủy diệt.

Và ở trận chiến cân não này, Joker đã thua, không phải thua Batman mà là thua cái thiện trong tâm hồn của mỗi người. Hắn đã tìm cách khơi gợi cái ác khi đặt người ta vào hoàn cảnh sinh tử, thì chính thiện tâm tốt đẹp trong tâm hồn con người lại là điều hắn không bao giờ ngờ tới. Đó là lúc người ta dám hi sinh bản thân mình vì người khác.

Một tù nhân đã ném một thiết bị kích nổ lên chiếc phà kia, để những người trên phà của anh ta không phải đấu tranh nữa về việc “liệu họ có nên cho chiếc phà kia nổ tung hay không”.

Áp phích của phim: "Kỵ sĩ bóng đêm”. (Ảnh: Wikipedia - Fair Use)
Áp phích của phim: "Kỵ sĩ bóng đêm”. (Ảnh: Wikipedia - Fair Use)

Joker là một tên tội phạm điên loạn. Thế giới quan của hắn chỉ là những điều xấu xa. Những điều xấu xa nuôi dưỡng hắn và hắn tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi cho con người, ép những người khác cũng đi theo cái ác, để họ trở nên giống như hắn: coi cái ác là điều hiển nhiên, coi sự tàn bạo là điều bình thường.

Sự nguy hiểm của Joker là hắn quá hiểu lòng người. Hắn nhìn thấu được mọi sự xấu xí, yếu đuối của con người. Và hắn lợi dụng điều đó để thực hiện những mục đích xấu xa của mình.

Đừng giữ thái độ trung lập giữa Thiện và Ác

Bà Hannah Arendt, nhà tư tưởng chính trị nổi tiếng đã đặt ra cụm từ “sự tầm thường của cái ác” để mô tả cách Adolf Eichmann, một trong những người tổ chức chính của vụ Đại đồ sát người Do Thái (Holocaust). Ông ta phụ trách công tác hỗ trợ và quản lý hậu cần trong việc đưa hàng loạt người Do Thái vào các trại hành quyết trong suốt Thế Chiến thứ II.

Trong phiên xét xử ở Jerusalem năm 1961, Eichmann liên tục tuyên bố rằng ông ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo mệnh lệnh và các quyết định không phải do ông ta đưa ra. Tuy nhiên, ông ta vẫn bị kết tội là tội phạm chiến tranh và bị xử tử bằng cách treo cổ.

Bà Arendt đã tham dự phiên tòa, bà nhận định rằng ngoại hình và tính cách của Eichmann đều bình thường. Do đó, bà cho rằng tội ác có thể là những hành động khác thường của những người bình thường.

Khi người ta chỉ biết phục tùng hay giữ “thái độ trung lập” trong một chế độ toàn trị mà không suy nghĩ gì, họ đã trở thành một phần của chế độ đó, họ chấp nhận những hành vi vô đạo đức của chính quyền đó, và họ đồng lõa với tội ác, giống như Eichmann vậy thôi.

Holocaust được coi là một trong những cuộc thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử đối với một dân tộc. Nó cướp đi sinh mạng của hơn 6.000.000 người Do Thái. (Ảnh: Wikipedia)
Holocaust được coi là một trong những cuộc thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử đối với một dân tộc. Nó cướp đi sinh mạng của hơn 6.000.000 người Do Thái. (Ảnh: Wikipedia)

Mục sư Martin Luther King – nhà lãnh đạo nổi tiếng của phong trào đấu tranh đòi quyền của người da đen ở Mỹ, người đoạt giải Nobel Hòa Bình (1964) từng viết: “Ai chấp nhận cái ác một cách thụ động cũng tham gia vào nó nhiều như người giúp gây ra nó. Ai chấp nhận cái ác mà không phản đối nó thì thực sự đang hợp tác với nó”.

Một người dân Vũ Hán ngẫm lại bản thân trong thời gian Vũ Hán bị phong tỏa, anh cho biết anh đã mù quáng tin vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và giờ đây bản thân anh đã có được “trải nghiệm” qua cách mà chính quyền này xử lý trong đại dịch:

“Khi họ trục xuất những người lao động nhập cư ở Bắc Kinh, tôi tự nhủ: ‘Tôi đã làm việc rất chăm chỉ, tôi không phải là người nhập cư, tôi sẽ không bị trục xuất’.

Khi họ xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương (dành cho người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi), tôi đã nghĩ: ‘Tôi không phải là người dân tộc thiểu số, tôi không có tín ngưỡng tôn giáo nào, tôi sẽ không gặp rắc rối’.

Tôi đồng cảm với nỗi đau khổ của người dân Hong Kong, nhưng tôi nghĩ: ‘Tôi sẽ không ra ngoài biểu tình vì dân chủ – điều đó không liên quan gì đến tôi”.

Lần này nó (dịch bệnh) ập đến quê hương tôi. Nhiều người tôi biết đã bị bệnh và một số đã chết – tôi không thể chịu đựng thêm được nữa”.

“Sợ hãi” là từ khóa trong series phim về Batman, và từ này được sử dụng nhiều lần trong các hoàn cảnh khác nhau, như là những cách khác nhau mà nỗi sợ hãi có thể được sử dụng. Joker là bậc thầy của nỗi sợ hãi, một kẻ sử dụng lớp ngụy trang bệnh hoạn của chính mình để gây ra nó.

Ngày nay, có một hiện thực kinh hoàng hơn trong xã hội, mang “bộ mặt” còn đáng sợ hơn cả Joker. Tháng 6/2019, tại London, Vương quốc Anh, sau khi điều tra về những cáo buộc có cơ sở, Hội đồng xét xử quốc tế do Ngài Geoffrey Nice làm chủ tịch đã công bố kết luận: Nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm được ĐCSTQ cho phép và hậu thuẫn đã diễn ra rất nhiều năm ở Trung Quốc “trên quy mô lớn”, và đang tiếp tục ở hiện tại.

Nhân loại chúng ta đang sống trên một hành tinh nơi tội ác tột cùng đang tồn tại”, báo cáo cho biết.

Hội đồng xét xử quốc tế do Ngài Geoffrey Nice (ở giữa) làm chủ tịch đã công bố kết luận...( Ảnh qua endtransplantabuse.org)
Hội đồng xét xử quốc tế do Ngài Geoffrey Nice (ở giữa) làm chủ tịch đã công bố kết luận...( Ảnh qua endtransplantabuse.org)

Vào tháng 7 năm 2006, ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, và ông David Matas, luật sư nhân quyền người Canada, đã công bố một báo cáo điều tra, trong đó kết luận rằng “… từ năm 1999, chính quyền Trung Quốc và các cơ quan của họ ở nhiều tỉnh thành, các bệnh viện, và cả các trại tạm giam và ‘toà án nhân dân’ đã hành quyết không biết bao nhiêu tù nhân lương tâm Pháp Luân Công. Nội tạng của họ như tim, thận, gan và giác mạc hầu như đều bị lấy hết cùng lúc để bán với giá cao”.

Cuộc chiến với bóng đêm

Trong "Kỵ sĩ bóng đêm", một tù nhân vẫn là con người có lương tri, bất chấp nguy hiểm tính mạng để làm một việc tốt, anh đã can đảm ném một thiết bị kích nổ lên chiếc phà kia, để những người trên phà của anh ta không phải đấu tranh nữa về việc “liệu họ có nên cho chiếc phà kia nổ tung hay không”.

‘Kỵ sĩ bóng đêm’ tỏa sáng với cuộc chiến Thiện - Ác, một giám đốc ngân hàng chiến đấu chống lại bọn cướp. Một thẩm phán đảm nhận một vụ án lớn chưa từng có, trong nỗ lực cuối cùng để trấn áp cái ác. Và Batman, người chiến đấu đến cùng vì công lý, dù không được tán dương hay thừa nhận.

Ngày 4 tháng 8 năm 2018, trong cuộc thi ba môn phối hợp được tổ chức hàng năm tại New Jersey, Hoa Kỳ. Có một vận động viên đã gây sự chú ý của mọi người tên là Jenny Mitchell. Bà mặc bộ đồ thi đấu có in dòng chữ “Trả lại tự do cho Pháp Luân Đại Pháp” (Freedom for Falun Dafa), chung cuộc, bà đã đoạt giải ba ở nhóm tuổi 65 – 69. Năm đó bà đã 67 tuổi.

Bà từng là người mắc chứng trầm cảm, và đã tìm lại được ý nghĩa chân chính của cuộc đời, bà muốn bản thân trở thành người tốt hơn. Bà tham gia thi chạy với thông điệp “Trả lại tự do cho Pháp Luân Đại Pháp” - đề cập đến tội ác mà chính quyền Trung Quốc gây ra là “một loại tội ác chưa từng thấy trên hành tinh này".

Bà Jenny Mitchell tham gia thi chạy với thông điệp “Trả lại tự do cho Pháp Luân Đại Pháp” (Ảnh: minghui.com)
Bà Jenny Mitchell tham gia thi chạy với thông điệp “Trả lại tự do cho Pháp Luân Đại Pháp” (Ảnh: minghui.com)

Ông Kim Học Triết, người đã bị kết án 10 năm tù vì liên quan đến vụ việc vạch trần sự vu khống của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công. Trong tù, ông bị tra tấn dã man. Sau đó, ông đã trốn thoát khỏi Trung Quốc và ra nước ngoài.

Vào ngày 5 tháng 3 năm 2002, ông Kim đã cùng các học viên ở Trường Xuân tham gia chèn tín hiệu truyền hình và phát hai video, một video về vụ tự thiêu được dàn dựng và một video về sự phổ biến của Pháp Luân Công trên toàn thế giới. Nó kéo dài gần 50 phút và phủ sóng khoảng 300.000 gia đình (hoặc một triệu người) trên 32 kênh. Nhiều cư dân ở Trường Xuân đã biết được chân tướng của Pháp Luân Công và cách ĐCSTQ bịa đặt để vu khống môn tu luyện này.

Sự trả thù từ ĐCSTQ vô cùng dữ dội và khốc liệt. Trong vòng một giờ sau khi vụ việc xảy ra, cựu chủ tịch Giang Trạch Dân ban hành mật lệnh “giết không khoan nhượng”. Khoảng 5.000 học viên ở Trường Xuân đã bị bắt. Trong số đó, ít nhất 8 người thiệt mạng. Hơn nữa, 15 học viên đã bị kết án phi pháp với các thời hạn từ 4 đến 20 năm. Sau khi bị bức hại cả về thể chất và tinh thần, một số trong số họ đã chết và một số bị rối loạn tâm thần.

Theo một nhân chứng mô tả trong một bài báo trên Minh Huệ thì ông Lưu Hải Ba “bị lột trần và bị cùm trong tư thế quỳ trên ghế hổ. Đầu ông cũng bị kẹp. Hai cảnh sát đã gây sốc ông trong khi cưỡng bức nhét dùi cui điện vào hậu môn của ông ấy”. Một số học viên tiếp tục bị tra tấn cho đến khi tử vong, nhưng họ chưa bao giờ nhượng bộ.

Đối mặt với nỗi kinh hoàng, câu trả lời không phải là tuyệt vọng hay bạo lực, thậm chí không nên là sự cân nhắc về nó. Đó là sự từ chối cái ác điên cuồng của khủng bố, từ chối chơi trò chơi của khủng bố. Đứng trước một thảm kịch như vậy, không có sự trung lập giữa thiện và ác.

Nhà triết học, nhà văn, nhà hoạt động nhân đạo người gốc Do Thái Elie Wiesel từng nói rằng: Chúng ta phải đứng về phía nào? Sự trung lập giúp kẻ áp bức, không giúp gì cho nạn nhân. Im lặng khuyến khích kẻ tra tấn, không giúp gì cho người bị tra tấn. Đôi khi chúng ta phải can thiệp. Khi tính mạng con người bị đe dọa, khi phẩm giá con người bị đe dọa, thì biên giới và sự nhạy cảm quốc gia trở nên không còn phù hợp. Bất cứ nơi nào con người bị bức hại vì chủng tộc, tôn giáo hoặc quan điểm chính trị của họ, thì nơi đó - vào thời điểm đó - phải trở thành trung tâm của vũ trụ”.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

‘Kỵ sĩ bóng đêm’ - Lòng tốt có tồn tại trong một thế giới đã tha hóa?