Kỷ lục gia Dương Anh Vũ: Hành trình từ 'siêu dốt' 8 năm thi lại thành tài năng 'Siêu trí tuệ'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kỷ lục gia Dương Anh Vũ là người Việt đầu tiên giành được 4 kỷ lục thế giới về “Siêu trí nhớ học thuật”, nhưng ít ai biết rằng anh từng là một cậu học trò được mệnh danh “siêu dốt”, chịu không biết bao nhiêu trận đòn roi từ bố vì... học quá dốt. Làm thế nào mà vị giám khảo Siêu Trí Tuệ có thể trở nên thông minh và có trí nhớ “siêu việt’ như hiện tại?

Dương Anh Vũ được biết đến là Trưởng ban cố vấn Khoa học, từng xác lập kỷ lục thế giới khi ghi nhớ được 650.000 trang giấy A4. Anh từng được mệnh danh là 'ổ cứng máy tính' - được công nhận là người nhớ được khối lượng dữ liệu khoa học lớn nhất thế giới. Thậm chí, kiến thức của anh bao quát nhiều lĩnh vực:

  • Với Toán học, có thể nhớ được hơn 20.000 số Pi sau 3,14;
  • Với Văn học, có thể nhớ được hơn 1.000 tác phẩm văn học kinh điển thế giới;
  • Với Địa lý, có thể nhớ được nguyên tấm bản đồ thế giới khổ lớn nhất bằng 5 ngôn ngữ là Anh, Hoa, Pháp, Tây Ban Nha và Đức;
  • Có khả năng “lưu trọn bộ” hơn chục ngàn mốc lịch sử qua 7.000 năm của nhân loại...

Tuy nhiên, Dương Anh Vũ không phải là thần đồng “từ trong trứng”, anh thổ lộ rằng bản thân là một học sinh “rất dốt”. Thậm chí dốt từ... lớp 1.

Dốt từ lúc... vỡ lòng

Anh từng bị coi là học dốt nhất trong gia đình, hè nào cũng phải chịu trận đòn roi của bố vì thành tích học quá bết bát. Tốt nghiệp cấp 2 với điểm số quá tệ, không trường THPT nào nhận nên phải học bổ túc văn hóa. Thời điểm này, với vị kỷ lục gia thế giới, đầu óc anh hoàn toàn trống rỗng, thiếu hẳn những kiến thức nền.

Mới đây, nam giám khảo Dương Anh Vũ đã tiết lộ bí kíp “lột xác” của mình trên trang cá nhân. Anh cho rằng bất cứ gia đình nào trên thế giới này đều có những luật lệ và quy tắc ứng xử riêng. Gia đình anh cũng không ngoại lệ, từ lúc anh còn rất bé, ba anh đã thường xuyên thực hiện “những buổi ‘tập huấn’ về những quy tắc và luật lệ gia đình”.

Lớn lên cùng những trận đòn

“Năm nào tôi cũng được ‘thưởng roi’ vì tội học dốt”, anh kể lại.

Ba anh quy định rằng: “Trong tất cả các con cái, cuối năm học đứa nào mà có kết quả học tập xếp loại trung bình trở xuống thì sẽ bị ăn đòn, riêng thằng Vũ, chừng nào xếp loại yếu hoặc ở lại lớp thì mới bị ăn đòn…” .

Dù được ba “đặc cách” như thế, nhưng năm nào Anh Vũ cũng là thành viên duy nhất trong nhà được “thưởng roi”.

Anh Vũ cho biết “thành tích” của mình từng là học sinh “bất thường” lưu ban năm lớp 3, và phải thi lại liên tục trong 8 năm tiếp theo… “có nghĩa là dường như năm nào cái mông bé nhỏ, trắng trẻo và xinh xắn của tôi cũng nở đầy hoa”, anh hài hước cho biết.

"Cơn đau chưa bao giờ đến từ những cây roi của ba, nó đến từ cách nhìn của người khác vào tôi", anh Vũ nói (Ảnh tổng hợp)
"Cơn đau chưa bao giờ đến từ những cây roi của ba, nó đến từ cách nhìn của người khác vào tôi", anh Vũ nói (Ảnh tổng hợp)

"Có lẽ vì ba đã già, cũng có lẽ tôi đã quen với những trận đòn…", anh chia sẽ.

Những trận đòn roi của ba đã theo Anh Vũ trong suốt thời thơ ấu của anh, nhưng đến một ngày, anh chợt nhận ra rằng “cơn đau chưa bao giờ đến từ những cây roi của ba, nó đến từ cách nhìn của người khác vào tôi”

Tài năng Việt bị tổn thương khi tình cờ nghe những người hàng xóm chê cười ba mẹ mình vì có một thằng con quanh năm suốt tháng học hành yếu kém, khi bị thầy cô bắt quỳ ở cuối lớp, khị bị bạn bè coi thường…

Trong suốt thời kỳ bị gắn nhãn học dốt, tôi luôn tự hỏi rằng… Tại sao tất cả những đứa bạn của tôi thời lớp 1, chúng đều biết trước những gì thầy cô sẽ dạy trên lớp, chúng biết đọc bảng chữ cái, chúng biết ghép vần, chúng biết thực hiện các phép tính, chúng biết về tất cả con số… tôi thì không?… Có lẽ nào tất cả chúng đều là siêu nhân, có lẽ nào tôi thực sự dốt bẩm sinh…

Giáo viên trong cái lớp 1 ấy, không quan tâm một đứa trẻ chẳng biết gì như tôi, lên lớp 2 tôi dốt hơn một chút nữa, lên lớp 3 tôi ở lại lớp. Sự ngộ nhận bị lặp đi lặp lại quá nhiều lần sẽ trở thành sự thật, và chẳng có bất cứ người lớn nào giúp tôi ngăn chặn cái sự thật đó”, anh viết.

Tình cha đã thức tỉnh con

Bước ngoặt làm thay đổi một Dương Anh Vũ học dốt như vậy thật ra là một câu chuyện đầy xúc động về tình cha con. Theo lời kể của Vũ, sau nhiều năm quá thất vọng về tình hình học tập của con trai, bố Vũ đã gọi anh vào phòng gặp riêng.

Lần này bố không quát tháo và đánh đòn anh, mà ôn tồn nói: “Người ta học 9 năm, giờ con đã học 10 năm rồi nhưng con học càng ngày càng tệ, từ bán công xuống luôn bổ túc, không còn bất cứ sự cứu vãn nào nữa… Thôi con đi học nghề đi”.

Lúc ấy tự nhiên Vũ òa khóc và mới hiểu tình thương của một người bố. “Đây là lần đầu tiên mình thấy ông nhẹ nhàng như một người mẹ”, Vũ kể.

Thế rồi, Anh Vũ nhận ra rằng mình chỉ đang ngộ nhận thôi, rằng mình không “thật sự dốt”. Anh nhận ra một chân lý, như nhà giáo dục sư phạm trẻ em Maria Montessori từng nói rằng: “Giáo dục không thể hữu ích trừ phi nó giúp trẻ nhỏ mở lòng đón nhận cuộc sống”.

Vũ chuyển trường, đạp xe mỗi ngày 40 km đi học và cảm giác “thèm tri thức” thôi thúc anh học.

Và người cha thứ hai đã vực Vũ “đứng lên”. Thầy giáo Nguyễn Đức Thạch – một ông giáo gầy còm vốn ăn to nói lớn dễ làm người khác tự ái, đã bảo Vũ rằng hãy thi đậu vào một trường đại học lớn để không ai được coi thường mình.

Câu trả lời của Vũ khi được hỏi về bí kíp để có khả năng siêu phàm như hiện tại. Vũ nói: “Bạn hãy tưởng tượng một kẻ đói khi thấy thức ăn thì sẽ làm gì? Họ sẽ nhào vô và nhai ngấu nghiến. Mình không phải là một kẻ đói bình thường, mình đói đã lâu và siêu đói nên khi mình bắt đầu cảm nhận cái đẹp, cái ngon, cái tuyệt vời của nó (tri thức) thì mình đam mê... đam mê đến vô cùng vô tận. Đam mê là một chiếc chìa khoá, nó có thể mở ra bất cứ cánh cửa nào bạn muốn trong chính cuộc đời của bạn”.

Tổ chức Union World of Records từng dẫn rằng: “Dương Anh Vũ đã dạy cho tất cả chúng tôi một bài học về giá trị của sự kiên trì, nỗ lực và vươn lên trong cuộc sống”. Đó là câu chuyện của Dương Anh Vũ!

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Kỷ lục gia Dương Anh Vũ: Hành trình từ 'siêu dốt' 8 năm thi lại thành tài năng 'Siêu trí tuệ'