Không qua được chốt kiểm soát Covid-19, nông dân đổ bỏ sữa vì ‘Cho không ai lấy, đưa bò uống bò cũng chê’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ách tắc ở khâu vận chuyển khi các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nông dân, doanh nghiệp ở Sóc Trăng, Cần Thơ phải đổ bỏ sữa bò vì không thể đưa đi tiêu thụ.

Từ ngày 19/7, thêm 16 tỉnh miền Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, hàng chục hộ dân nuôi bò sữa tại Sóc Trăng, Cần Thơ phải đổ bỏ sữa bò vì không thể qua được các trạm chốt kiểm dịch để mang đi tiêu thụ.

Tại huyện Mỹ Xuyên có hơn 200 hộ nuôi bò sữa, trong đó có khoảng 70 hộ đang bán sữa cho Hợp tác xã (HTX) Nông Nghiệp Evergrowth (xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội, các hộ dân không thể bán sữa cho HTX được mà phải đổ bỏ.

Các hộ dân đều bị mất nguồn thu nhập, trong khi mỗi ngày, ngoài cỏ tự cắt cho bò ăn, còn cần 200.000-230.000 đồng tiền mua thức ăn cho đàn bò (Ảnh: tổng hợp)
Các hộ dân đều bị mất nguồn thu nhập, trong khi mỗi ngày, ngoài cỏ tự cắt cho bò ăn, còn cần 200.000-230.000 đồng tiền mua thức ăn cho đàn bò (Ảnh: tổng hợp)

Đem cho không ai lấy, cho bò uống bò cũng chê

Gia đình chị Lâm Thị Thúy Liễu (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) như ”ngồi trên đống lửa”, vì 4 con bò đang cho sữa nhưng không biết bán đi đâu. Mỗi ngày gia đình phải đổ bỏ 60 lít sữa tươi vì cho hàng xóm cũng không lấy, đổ cho bò tơ uống chúng cũng chê, nên dù tiếc vẫn phải đem đổ bỏ.

Cùng hoàn cảnh, ông Danh Song, 46 tuổi, (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, gia đình nuôi 10 con bò sữa. Trong số này có 4 con đang cho sữa, bình quân mỗi ngày khoảng 40 lít sữa tươi.

"Người dân muốn chở sữa tới hợp tác xã bán cũng không được vì khác địa bàn, các chốt kiểm soát dịch không cho qua. Vì thế sữa tươi vắt mỗi ngày tồn đọng, bán không ai mua, cho hàng xóm cũng ngán ngẩm không nhận. Gia đình tôi phải đổ bỏ khoảng 40 lít sữa bò tươi (mỗi ngày)", ông Song nói

Anh Lương Sà Rươl một hộ dân nuôi bò sữa ở Mỹ Xuyên, cho biết: "Tôi có 2 con bò đang cho sữa, nhưng từ khi giãn cách xã hội mỗi ngày gia đình phải đổ bỏ gần 25 lít sữa vì không thể chở đi bán được”.

Các hộ dân đều bị mất nguồn thu nhập, trong khi mỗi ngày, ngoài cỏ tự cắt cho bò ăn, còn cần 200.000-230.000 đồng tiền mua thức ăn cho đàn bò, mà sữa bò thì không bán được nên các gia đình này đều đang gặp khó khăn.

Trước đây sữa được HTX Evergrowth ở huyện Trần Đề cho xe tải vào thu mua với giá 12.000 đồng/lít. Nhưng từ ngày 19/7 tới nay, xe không vào được nữa, nông dân không bán sữa được.

Theo giải thích của HTX, do xe tải không qua được các chốt kiểm dịch, và HTX này đang mở điểm thu mua khác tại phường 10, TP. Sóc Trăng để tiêu thụ sữa bò cho bà con. Nhưng với điều kiện chính quyền địa phương phải cấp thẻ cho người dân ra vào các chốt kiểm soát Covid-19, thì họ mới mang sữa đến điểm bán được.

Xe không qua được chốt kiểm soát

Ông Nguyễn Giang Lam, Phó giám đốc HTX Evergrowth biết từ ngày 19/7 đến nay, tại huyện Mỹ Xuyên có khoảng 50 hộ dân nuôi bò sữa không bán được, phải đổ bỏ khoảng 1.400 lít mỗi ngày, trị giá khoảng 20 triệu đồng.

"Lý do là thực hiện giãn cách, tại thị trấn Mỹ Xuyên chỉ cho xe 2,5 tấn lưu thông nhưng xe lạnh của hợp tác xã 3,5 tấn nên không vào được các xã thu mua cho bà con", ông Lam nói.

“HTX đang tìm cách xin một tuyến đường mới từ huyện Mỹ Tú đi qua TP. Sóc Trăng để gom sữa của bà con nông dân. Hy vọng là sẽ sớm được giải quyết”, ông cho biết thêm.

Trong khi đó, tại Cần Thơ, trang trại nuôi bò sữa của Công ty TNHH Food Farm ở Nông trường Sông Hậu cũng lâm cảnh khó khăn, sản phẩm tồn đọng khoảng 50%.

Ông Võ Kim Cương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Food Farm cho biết, trang trại của ông đang có đàn bò sữa trên 500 con, cho sản lượng trung bình hơn 1.500 lít sữa tươi thanh trùng mỗi ngày.

Hiện TP. HCM là thị trường tiêu thụ chính của công ty với giá 50.000 đồng mỗi lít. Tuy nhiên, do tình hình Covid-19 phức tạp, quá trình vận chuyển khó khăn và thường xuyên bị gián đoạn do tài xế bị cách ly. Thêm vào đó, sức tiêu thụ giảm 50%, nên tồn đọng nhiều.

"Sữa thanh trùng có hạn dùng trong 10 ngày nên không tiêu thụ được thì phải huỷ. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, công ty chúng tôi phải bỏ hàng chục nghìn lít", ông Cương nói.

Đơn vị của ông Cương đã gửi văn bản "cầu cứu" đến Sở Công thương Cần Thơ nhờ kết nối đưa vào kênh phân phối hàng hóa bình ổn giá mùa dịch Covid-19, và cung ứng cho cán bộ, công nhân viên chức với giá 35.000 đồng mỗi lít, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Đông Mai



BÀI CHỌN LỌC

Không qua được chốt kiểm soát Covid-19, nông dân đổ bỏ sữa vì ‘Cho không ai lấy, đưa bò uống bò cũng chê’