Khi văn hóa ‘chửi bậy’ tràn ngập xã hội: Có còn không 'Người thanh nói tiếng cũng thanh'? (Radio)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một hiện tượng nổi bật trong xã hội ngày nay: Đó là "chửi bậy" - chửi bậy trong bài viết, bình luận, livestream (phát trực tiếp) trên Facebook hoặc đăng video lên YouTube để thu hút người xem. Nghệ sĩ, "ngôi sao", thanh niên, phụ nữ, sinh viên, thậm chí học sinh tiểu học cũng có thể tham gia... chửi bậy. Sự thô tục tràn lan khắp mạng xã hội, rốt cuộc, ai là nạn nhân của thứ văn hóa độc hại này?

Mặc dù thời đại ngày nay, "cấm chửi bậy" đã trở thành một phần của nội quy trong các trường học, song học trò vẫn tự do văng những tiếng tục tĩu. Thậm chí, nhiều bạn còn coi việc chửi bậy trở thành một phần trong cuộc sống, là ngôn ngữ cần có để giao tiếp với bạn bè.

Gần đây, mạng xã hội ầm ĩ câu chuyện các bạn học sinh tiểu học sỉ nhục và ném đồ vào một cô giáo. Nghe đâu dưới sự khuyến khích của "người lớn" nào đó trong trường và của gia đình của các bé. Điều này khiến chúng ta tự hỏi: "Liệu có phải con trẻ đã học theo sự tha hóa của người lớn chúng ta?"

Thứ văn hóa dung tục này đã xâm nhập giới học sinh, thậm chí “len lỏi” đến tận cấp… tiểu học. Nhiều người tự hỏi vì đâu sự tục tĩu trong xã hội ngày càng lớn mạnh?

Thời đại của văn hóa dung tục?

Chỉ cần gõ vài từ khóa trên thanh tìm kiếm của Facebook, không khó tìm ra những fanpage có những tên như “chửi”, “chửi bậy” hoặc những từ tục tĩu khác với hàng chục ngàn lượt đăng ký theo dõi. Những trang này có nội dung bài viết xoay quanh chuyện đời thường, nhưng kèm từ chửi bậy. Rất nhiều dòng bình luận của các tài khoản cũng hùa theo.

Mới đây, trên trang cá nhân được cho là của nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đức Hải có một bài đăng gây xôn xao trên mạng xã hội, khi có nhiều lời ẩn ý với những lời lẽ bức xúc. Bài viết có nhiều từ ngữ mang tính tục tĩu, nhạy cảm, công kích người khác.

Trong thời điểm khán giả đang có cái nhìn khắt khe với việc giữ gìn hình ảnh của nghệ sĩ, khi gần đây xảy ra những lùm xùm liên quan đến việc nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, hay thiếu trách nhiệm trong hoạt động từ thiện, thì phát ngôn thô tục trên lại càng gây chú ý.

Nhiều ý kiến tỏ ra hoang mang, thậm chí bức xúc chỉ trích NSƯT Đức Hải vì cho rằng hành động này là cực kỳ phản cảm. Bởi Đức Hải không chỉ là nghệ sĩ nổi tiếng mà còn hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tham gia công tác giảng dạy.

Nghệ sĩ này khẳng định rằng tài khoản Facebook của mình bị hack chứ anh không hề viết nội dung này. Sự việc chưa rõ thực hư ra sao, nhưng cũng làm dấy lên trong lòng nhiều người lo ngại về sự xuống dốc của văn minh tao nhã, và sự lên ngôi của văn hóa tục tĩu.

Cũng vậy, cuộc chiến đầy kịch tính giữa doanh nhân Phương Hằng với “thần y” Võ Hoàng Yên và “danh hài” Hoài Linh, cùng một số “ngôi sao”, không chỉ phản ánh sự phân hóa cộng đồng, mà còn bộc lộ thực trạng văn hóa và dân trí của giới showbiz. Đằng sau hào quang của các “ngôi sao” showbiz là một khoảng tối của dân trí thấp.

Văng tục càng nhiều, lượng theo dõi càng lớn

Nhiều nghệ sĩ không xa lạ với cộng đồng mạng bằng những màn chửi bậy, nhiều lần phát trực tiếp để nói về một chủ đề nào đó, kèm theo những tiếng chửi bậy rất nặng khiến người xem không khỏi sửng sốt. Tuy nhiên, lượng người theo dõi trang của các nghệ sĩ này lên đến hàng chục ngàn.

Thạc sĩ Bùi Việt Thành, Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thừa nhận thực tế: “Ngày nay, nhiều người dùng mạng xã hội như Facebook, YouTube để phát tán những hình ảnh, những câu nói gây sốc, có thể nói là những lời nói tục, chửi bậy hay hình ảnh sex nhằm thu hút người dùng tham gia trong các nhóm. Và còn hàng trăm biểu hiện lệch lạc khác đang xảy ra trên các trang mạng xã hội chỉ mục đích câu like, muốn thể hiện sức mạnh bản thân, hay nói cách khác, cá nhân tự cho mình có quyền lực, ảnh hưởng đến người khác.

Mạng xã hội trở thành mảnh đất cho mọi người thể hiện, nhất là tầng lớp trẻ, nơi họ không chịu sự kiểm soát chặt chẽ của gia đình và cả xã hội. Họ thoải mái thể hiện bản thân, phổ biến nhất là dùng “lời nói” thiếu chuẩn mực xã hội, thậm chí có cả hội chửi thuê”.

người ta xem việc được “giải thoát” khỏi áp lực của những cuộc gặp mặt trực tiếp thành một ưu thế, thậm chí họ không chịu trách nhiệm về ngôn từ của chính mình
Nhiều người tùy tiện phát ngôn mà không chịu trách nhiệm về ngôn từ của chính mình. (Ảnh: Pexels)

Những từ ‘vô danh’ nhưng không vô hại

"Chửi bậy thôi mà, hại ai đâu..." Đó là nhận xét và có lẽ là suy nghĩ của nhiều người lớn, người nổi tiếng, dân mạng, giới thanh niên, học sinh… khi nghĩ đến chửi bậy. Khi xem nhẹ giá trị của những câu từ mình nói ra, thì nói tục, chửi bậy đã thật sự trở thành văn hóa độc hại trong giao tiếp của xã hội.

Ngày nay, việc sử dụng cơ hội để làm tổn thương người khác bằng lời nói đã vô cùng phổ biến. Với công nghệ hiện đại và sự phủ sóng rộng khắp của mạng xã hội, người ta có thể chỉ trích một người lạ ở cách xa hàng ngàn dặm trong khi vẫn giấu danh tính của mình sau một bút danh, có thể chấm dứt một mối quan hệ với ai đó bằng vài dòng ngắn ngủi với lời lẽ cay đắng, và càng có thể nguyền rủa những người đối lập về quan điểm chính trị mà không sợ để lại hậu quả.

Nhiều người dường như đã quên mất cách ứng xử lễ độ hoặc đã từ bỏ lối giao tiếp đúng đắn, đường hoàng, họ “say sưa” trong vai trò bắt nạt của mình.

Tuy nhiên, chính thứ công nghệ mà chúng ta đang sử dụng đó, những gì chúng ta viết cũng có thể quay trở lại “ám ảnh” chúng ta. Rất có thể, họ sẽ thấy mình choáng váng, xấu hổ khi bất ngờ ở ngay trung tâm của một “cơn bão” dư luận, bắt nguồn từ những thông tin mà họ truyền đi.

Ai cũng từng có các vết thương như vết bầm tím từ những trận bóng đá, những vết rách, vết loét phát sinh sau các trận chiến trẻ con, đầu gối bị trầy xước khi ngã xe đạp, hoặc những ngón tay bị kẹt khi đóng mở cửa… Có lẽ những nỗi đau và vết thương thể xác như thế chúng ta đã quên từ lâu, nhưng nhiều vết thương lòng do ngôn từ gây ra vẫn còn ở đó.

Ngôn từ không “vô hại” như chúng ta vẫn nghĩ, chúng sở hữu sức mạnh của “thuốc nổ”:

"Gậy và đá có thể phá vỡ xương của tôi,

Nhưng lời nói… lời nói có thể làm tan nát trái tim tôi”.

‘Tiên học lễ’

Chửi bậy giống như một loại tà giáo, và khi những chuyện không bình thường lại đang trở thành điều bình thường thì thật là đáng sợ.

Một thầy giáo cho biết nếu lên mạng và bắt gặp chính học trò của mình nói tục, chửi bậy, thì cảm thấy rất buồn, vì điều đó minh chứng rõ ràng cho sự thất bại trong mục tiêu giảng dạy môn văn.

“Văn học không chỉ xây dựng cho học sinh kiến thức, kỹ năng cảm thụ mà còn hình thành chuẩn mực trong nhân cách, mà ngôn từ trong giao tiếp là phương diện phản ánh. Thế nên, người ta mới bảo văn học là nhân học...”, thầy giáo bày tỏ.

Vào tháng 4, bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân được trao giải B tại cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ (không có giải A) đang gây nên nhiều tranh luận, bình phẩm cả trong giới văn nghệ và bạn đọc.

Ngay tiêu đề đã có từ “chửi” - vốn thể hiện hiện trạng của văn hóa ứng xử thô tục ngày nay. Nhiều người cho rằng bài thơ thuộc dạng “thơ con cóc”, vụng về. Ở một góc độ khác, bài thơ như một lời cảnh tỉnh - mà theo nhà thơ Hữu Thỉnh – Trưởng Ban Giám khảo chung cuộc của giải thơ cho rằng, bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” là bài thơ hay bởi tinh thần nhân văn, độ lượng của nó.

Bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm": Tranh cãi vì sự khác biệt các “thước đo”?

“Lý thường, khi chửi kẻ trộm, người ta sẽ nguyền rủa kẻ trộm gặp những tai ương, đây 'Mẹ tôi chửi kẻ trộm' lại mong cho kẻ trộm đủ ăn, giàu có, tử tế lên để không phải đi ăn trộm nữa. Tư tưởng đó nhân văn vô cùng, tâm hồn rất cao thượng, độ lượng. Lấy ân báo oán thì oán giảm đi, lấy oán báo oán thì oán chồng chất. Đấy là đạo lý rất hay của dân tộc mình”, nhà thơ Hữu Thỉnh giải thích nguyên nhân khiến ông và các thành viên khác của Ban Giám khảo chấm giải B cho tác phẩm này.

Tác giả bài thơ cho rằng trong văn hóa người dân tộc Thái của mình, nếu chửi kẻ trộm thì hồn vía miệng của người chửi sẽ càng bị ô uế, khiến cho bản thân người chửi làm ăn không nên, hoặc bị đau ốm, nuôi nấng con cái không khoẻ mạnh. Nên dù có mất gà, mất lợn người ta cũng không chửi như “văn hóa chửi” của người Kinh.

Dân gian ta có câu:

“Người thanh nói tiếng cũng thanh

Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu”.

Con người thanh lịch thì tiếng nói cũng dễ nghe, chuông tốt thì khẽ đánh bên thành cũng kêu. Lời nói là phương thức giao tiếp cơ bản của loài người. Nói ra là một việc dễ dàng và thuộc về bản năng của mỗi người. Nhưng nói ở đây không đơn giản chỉ là phát âm thành tiếng, mà nó còn thể hiện tâm hồn và tính cách của chúng ta.

Dòng chảy văn hóa ngàn đời của người Việt ta đã “lặn” vào thanh sắc giọng nói. Sự nhã nhặn trong lời ăn tiếng nói, sự lịch thiệp trong cách cư xử, và sự hòa ái, thiện lương trong tâm hồn như suối nguồn dạt dào chảy từ đời này sang đời khác, làm nên nếp nhà biết kính trên nhường dưới, thuận hòa hiếu thảo. Từ bao giờ chúng ta đã lãng quên…

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Khi văn hóa ‘chửi bậy’ tràn ngập xã hội: Có còn không 'Người thanh nói tiếng cũng thanh'? (Radio)