Khả năng thần kỳ của con người: Vị bác sĩ cảm nhận được nỗi đau và cái chết của bệnh nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bác sĩ Joel Salinas là người mắc hội chứng “cảm ứng gương soi” - có nghĩa là “đau cùng nỗi đau của người khác”, thậm chí cảm nhận được cả cái chết của bệnh nhân. Mặc dù phải cảm nhận sự đau đớn về thể xác và tinh thần của người khác, Salinas cho rằng đó là một “món quà” mà Chúa dành tặng cho anh.

Hiện chỉ có 1,6% dân số thế giới có hội chứng “cảm ứng gương soi” (mirror-touch synaesthesia) và bác sỹ Joel Salinas là một trong số ấy. Nhà thần kinh học ở Massachusetts, Mỹ nói rằng, anh đã có những triệu chứng như thế từ khi còn rất nhỏ, nó khiến anh giống như một tấm gương, có thể phản chiếu tình trạng thể chất của người khác lên thân thể mình.

“Khi tôi nhìn thấy người khác ôm nhau, tôi cảm thấy được ôm; khi tôi thấy người khác bị thương, tôi cũng có cảm giác đau đớn”.

Hội chứng “cảm ứng gương soi” - có nghĩa là “đau cùng nỗi đau của người khác” (Ảnh: Pixabay)
Hội chứng “cảm ứng gương soi” - có nghĩa là “đau cùng nỗi đau của người khác” (Ảnh: Pixabay)

Synaesthesia - còn gọi là “Cảm giác kèm”, một hội chứng khiến cho người ta có thể kết hợp các giác quan với nhau, chứ không chỉ cảm nhận riêng biệt từng giác quan một như bình thường. Chẳng hạn, có người có thể cảm nhận được mùi vị khi nghe nhạc, hay nhìn thấy màu sắc khi nhìn thấy các con số hoặc chữ cái.

Nói một cách đơn giản, người có “cảm ứng gương soi” có thể cảm nhận gần như hoàn toàn cảm giác mà một người khác đã từng trải qua, ngay cả khi bản thân chưa thực sự trải qua điều tương tự

Cậu bé thích ôm để ‘liên kết cảm giác’

Trải nghiệm kỳ lạ của bác sĩ Salinas, phải được kể lại từ thời thơ ấu của anh. Khi còn nhỏ, Salinas không cảm thấy mình bất thường, cũng không biết rằng nhận thức về thế giới của mình thực sự khác với những người khác.

Ở trường mầm non, cậu có thể nhìn thấy màu xanh dương hoặc màu vàng khi nghe thấy tiếng chuông reo ở trường học.

Đối với Salinas, điểm B có màu da cam, số 1 có màu vàng, các con số đều có tính cách riêng. Vì vậy, phép tính cộng không có ý nghĩa gì với cậu. Nhưng nhờ có khả năng nhìn thấy màu sắc của chữ nghĩa nên Salinas học rất giỏi các môn học liên quan đến ngôn ngữ.

Ngày bé, Salinas thường gặp khó khăn trong việc kết bạn, bởi cậu bé Salinas rất thích ôm mọi người. Những cái ôm khiến Salinas cảm thấy ấm áp và an toàn. Những cái ôm “có màu xanh dương ánh bạc, đem lại cho tôi cảm giác giống như số 4”.

Tuy nhiên, Salinas ôm mọi người quá thường xuyên, khiến cho trẻ con cảm thấy cậu bé thật “kỳ quặc”. Sau nhiều lần bị từ chối, cậu bé Salinas quyết định thu mình về thế giới riêng của mình.

Khi lên trung học, Salinas cảm thấy trải nghiệm “liên kết cảm giác” này quá mệt mỏi. Để loại bỏ việc khi nhìn thấy người khác khó chịu bản thân cũng thấy đau đớn theo, cậu đã nghĩ ra một phương pháp hay: xóa bỏ nỗi đau cho người khác. Cậu nhận thấy mình sinh ra là để “chữa lành vết thương cho mọi người” và quyết định theo đuổi nghề y.

Bác sĩ thấu cảm

Bác sĩ Joel Salinas và Mẹ khi còn nhỏ và hình chụp chung Cha Mẹ khi nhận bằng tốt nghiệp (Ảnh: Tổng hợp)
Bác sĩ Joel Salinas và Mẹ khi còn nhỏ và hình chụp chung Cha Mẹ khi nhận bằng tốt nghiệp Đại học Y khoa (Ảnh: Tổng hợp)

Vậy là, với số điểm xuất sắc Salinas đã được nhận vào trường đại học y khoa, trở thành một sinh viên ngành y. Vào trường y, anh vẫn nghĩ rằng những người khác trên thế giới này đều có trải nghiệm giống mình, chỉ cần là con người, khi nghe âm nhạc đều có thể cảm nhận được màu sắc và con số, nhìn được trải nghiệm của người khác, bản thân cũng có thể đồng cảm.

Cho đến năm 2005, trong một lần đến Ấn Độ cùng các bạn học đại học, khi một người bạn nói chuyện về việc có những người có thể nhìn thấy màu sắc từ những con chữ, Salinas thuận miệng nói rằng, “mọi người ai cũng có khả năng này”. Người bạn của Salinas đã nhìn vào mắt anh và nói: “Chắc chắn không phải ai cũng có khả năng này đâu, đây là một trường hợp đặc biệt”.

Tuy nhiên, phát hiện này cũng không giúp Salinas sẵn sàng cho những trải nghiệm khó khăn sau đó.

Cảm giác của hội chứng “cảm ứng gương soi” cực kỳ rõ ràng khi Salinas bắt đầu vào trường y và chứng kiến các trường hợp chấn thương nặng. Khi nhìn thấy một cậu bé trên bàn mổ, anh có thể cảm nhận những vết mổ, cảm thấy một con dao đang rạch trên da bụng mình, kèm theo đó là cảm giác đau đớn và nóng nực khi nhìn thấy nội tạng của bệnh nhân.

Mỗi người hoặc nhiều hoặc ít đều có điểm “liên kết cảm giác”, ví như nhìn thấy người khác gõ vào răng, hoặc bị bóng đập vào mặt, tất cả chúng ta đều có một loại cảm giác “đau”. Tuy nhiên, trên cơ thể của bác sĩ Joel Salinas, loại giao cảm này vô cùng mạnh mẽ, mạnh mẽ đến mức gần như có thể cảm nhận được hoàn toàn.

Thậm chí, khi nhìn thấy một người nào đó sắp chết, anh có thể cảm thấy chính cơ thể mình đang trải qua một quá trình “kỳ lạ”, cảm thấy sự lạnh lẽo của nhà xác, thậm chí có thể cảm thấy lồng ngực của mình đang dần dần co lại, hơi thở của mình càng lúc càng yếu dần.

Lúc này, anh phải rời xa hiện trường ngay lập tức, dùng những hình ảnh khác để phục hồi bản thân, phân tán sự tập trung, nhận thức lại rằng mình vẫn còn sống…

Món quà của Chúa

Bác sĩ Salinas đã nhận lời mời của nữ nghệ sĩ Daria Martin để tham gia vào bộ phim về mirror-touch synaesthesia theo hình thức nghệ thuật sắp đặt. Bộ phim sẽ được trình chiếu ở bảo tàng Wellcome Collection (London, Anh). (Ảnh: tổng hợp)
Bác sĩ Salinas đã nhận lời mời của nữ nghệ sĩ Daria Martin để tham gia vào bộ phim về "mirror-touch synaesthesia" theo hình thức nghệ thuật sắp đặt. Bộ phim sẽ được trình chiếu ở bảo tàng Wellcome Collection (London, Anh). (Ảnh: tổng hợp)

Năm 2007, anh đến thăm tiến sĩ Ramachandran – chuyên gia thần kinh học hàng đầu, tiến sĩ Ramachandran đã sắp xếp một loạt các xét nghiệm, và xác nhận rằng Salinas là trường hợp “cảm ứng gương soi” - chỉ có khoảng 1,6% đến 2,5% dân số thế giới mắc phải, chỉ khác nhau ở mức độ nghiêm trọng.

Chứng “liên kết cảm giác” này được coi là một hiện tượng có lịch sử không dài, và Salinas là một trong những trường hợp đầu tiên được báo cáo vào năm 2005.

Cuối cùng Salinas đã chọn hướng nghiên cứu cho mình là thần kinh học, tập trung nghiên cứu về chứng “liên kết cảm giác”. Trong lĩnh vực này, anh vừa là nhà nghiên cứu, vừa là đối tượng được nghiên cứu.

Mặc dù những người mắc chứng “cảm ứng gương soi”, trong cuộc sống đã gặp phải những mức độ đau đớn và trầm cảm khác nhau. Nhưng bác sĩ Salinas chia sẻ rằng, “cảm ứng gương soi” không nên bị coi là một dạng rối loạn thần kinh.

Salinas không phủ nhận rằng, chứng “liên kết cảm giác” đã giúp ích rất nhiều trong công việc là một bác sĩ của anh. Nhờ nó, anh có thể chẩn đoán sớm và chính xác bệnh trạng của bệnh nhân. Trên hết, bác sĩ này tin rằng “cảm ứng gương soi” chính là hình thức cao hơn của sự thấu cảm, yếu tố không thể thiếu khi chăm sóc bệnh nhân.

"Họ sẽ bớt cô đơn hơn nếu các y bác sĩ cảm nhận được phần nào những gì họ đang chịu đựng", Salinas nói. "Điều này vô cùng ý nghĩa trong nghề y".

Anh chữa bệnh cho người khác và đồng thời cũng là chữa bệnh cho chính mình. Như Salinas đã nói, “cảm ứng gương soi” là một món quà mà Chúa dành tặng cho anh.

Thiên Cầm



BÀI CHỌN LỌC

Khả năng thần kỳ của con người: Vị bác sĩ cảm nhận được nỗi đau và cái chết của bệnh nhân