Karaoke ở Việt Nam: Ca hát hay là tra tấn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việt Nam được cho là vẫn tiếp tục trong cuộc chiến chống lại một đại dịch khác đã hoành hành người dân trong nhiều năm: Đó là "tệ nạn" hát karaoke quá ồn ào. Nếu tiếng còi xe máy là “bài ca” trong cuộc sống hàng ngày của người Việt, thì tiếng hát karaoke là một dạng điệp khúc “lộn xộn và lặp đi lặp lại”, và làm đau đầu những người bị buộc phải nghe nó.

Karaoke - có nguồn gốc từ Nhật Bản, du nhập vào Việt Nam từ những năm 1990, và nhanh chóng đi vào đời sống xã hội. Việc hát karaoke sẽ thú vị và lành mạnh, nếu nó là loại hình sinh hoạt trong khuôn viên gia đình, trong các câu lạc bộ, và nhà hàng, với liều lượng âm thanh được tiết chế vừa phải, thời gian sử dụng hợp lý.

Nhưng khi con người quá lạm dụng nó đến mức điều này trở thành “công cụ tra tấn xã hội”, thì vấn đề không còn là chuyện cá nhân nữa.

Nhiều năm qua, karaoke tràn ngập ra không gian công cộng, làm đảo lộn đời sống người dân. Sau ngày làm việc mệt mỏi, người dân về nhà chỉ mong có được bầu không khí thư giãn; nhưng dường như họ phải chịu đựng những âm thanh chát chúa, quá cỡ từ tiếng loa thùng, từ các “ca sĩ” nhà hàng xóm, hoặc trong đám ma, đám cưới, đám giỗ, đám thôi nôi, đám khai trương…

Công cụ tra tấn xã hội?

Karaoke có nghĩa là "dàn nhạc trống" trong tiếng Nhật, hiện có thể được tìm thấy ở mọi nơi trên thế giới, nhưng nó đặc biệt phổ biến ở châu Á.

Các tác giả của cuốn sách “Karaoke: Hiện tượng toàn cầu” (Karaoke: The Global Phenomenon) năm 2007, cho biết nó mang những ý nghĩa văn hóa cụ thể ở bất cứ nơi đâu. Chẳng hạn như:

  • Ở Trung Quốc, karaoke gắn kết gia đình với nhau, giúp họ thu hẹp khoảng cách thế hệ.
  • Tại Nhật Bản, phụ nữ Nhật lớn tuổi xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội thông qua việc theo đuổi chung sở thích hát karaoke, theo một nghiên cứu năm 2019 do Đại học Quốc gia Singapore công bố.
  • Ở châu Âu và Mỹ, karaoke đã trở nên phổ biến trong các quán bar và quán rượu.
  • Ở Việt Nam, các quán karaoke cho thuê phòng riêng theo giờ phổ biến. Tại nhà, nhiều bữa tiệc gia đình biến thành các buổi hát karaoke.

Nhưng nhiều khi các bữa tiệc karaoke trở thành những cuộc tra tấn bằng âm thanh vào những người khác, kích động họ có những hành vi quá khích bạo lực trong một số trường hợp.

Một bạn trẻ 33 tuổi cho biết chuyện hát karaoke trong xóm trọ của cô diễn ra thường xuyên, đến nỗi bây giờ cô “thuộc” luôn các bài hát và thể loại âm nhạc yêu thích của hàng xóm.

Ca hát diễn ra cả ban ngày và ban đêm, thường từ khoảng 2:30 chiều đến 6 giờ tối các ngày trong tuần và lâu hơn vào cuối tuần, cô cho biết.

Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do hát karaoke là vấn đề nhức nhối kéo dài từ năm này qua năm khác nhưng vẫn chưa có biện pháp trị dứt điểm, gây ra bao hệ lụy cho xã hội. Thật sự người dân hết chịu nổi rồi!” - đây được xem là quan điểm chung của nhiều “khán giả bất đắc dĩ” của “tệ nạn” hát karaoke.

Nhiều khi các “ca sĩ” chơi nhạc, ca hát quá to, khiến hàng xóm xung quanh không thể nghỉ ngơi được, đó là hiện trạng của việc hát karaoke “kiểu tra tấn” ở Việt Nam.

Nhiều khi các “ca sĩ” chơi nhạc, ca hát quá to, khiến hàng xóm xung quanh không thể nghỉ ngơi được, đó là hiện trạng của việc hát karaoke “kiểu tra tấn” ở Việt Nam. (Ảnh: quynhlap.gov.vn)
Nhiều khi các “ca sĩ” chơi nhạc, ca hát quá to, khiến hàng xóm xung quanh không thể nghỉ ngơi được, đó là hiện trạng của việc hát karaoke “kiểu tra tấn” ở Việt Nam. (Ảnh: quynhlap.gov.vn)

Đã có nhiều người chết chỉ vì tranh nhau micro, tranh nhau thể hiện “tài năng”, thậm chí có những có trận đâm chém nhau của hàng chục thanh niên xuất phát từ những mâu thuẫn quanh thùng loa karaoke.

Thậm chí đã xảy ra chuyện một người hàng xóm không chịu được “sự tra tấn tiếng ồn” karaoke từ nhà bên cạnh, đã ném “bom xăng” thiêu rụi tòa nhà 3 tầng ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội hồi tháng 11 năm ngoái. Rõ ràng ai cũng thấy đây là vấn nạn cần giải quyết không thể chậm trễ.

Vào tháng 10 năm 2019, một người đàn ông ở trung tâm thành phố Huế đã đâm hàng xóm của mình, với sự giúp đỡ của hai người bạn, sau khi họ cảm thấy “vô vọng” trong việc giảm âm lượng trong buổi hát karaoke của người hàng xóm. Một vụ đâm chém khác vì lý do ồn ào trong quán karaoke xảy ra tại tỉnh Bến Tre, thuộc Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 3 cùng năm.

Giờ đây, các học giả và chính trị gia đã tham gia cùng các công dân để thường xuyên kêu gọi hành động - không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn Đông Nam Á.

Tháng trước, Kelvin Seah Kah Cheng, giảng viên kinh tế cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore, đã viết một bài đăng trên trang web Channel News Asia kêu gọi mọi người giảm âm lượng hát karaoke ở nhà, đặc biệt là trong thời gian phong tỏa vì đại dịch Covid-19. Trong một bài đăng trên Facebook vào tháng 9 năm ngoái, Jonvic Remulla, thống đốc tỉnh Cavite ở Philippines, kêu gọi công chúng báo cáo những “ca sĩ” hát karaoke ồn ào với chính quyền.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết trong cuộc họp hội đồng thành phố vào tháng trước, rằng ông đã nhận được nhiều khiếu nại của người dân về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn karaoke, đặc biệt là sau 10 giờ tối; và đã yêu cầu chính quyền địa phương vào cuộc.

Chính quyền thành phố cho biết họ có kế hoạch chấm dứt tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do karaoke trong năm nay, bắt đầu bằng một chiến dịch nâng cao nhận thức kéo dài đến tháng 5/2021.

Ô nhiễm tiếng ồn

Mặc dù tác động cụ thể của tiếng ồn karaoke đối với sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam chưa được rõ ràng do thiếu các nghiên cứu về vấn đề này, nhưng ô nhiễm tiếng ồn nói chung được coi là một mối đe dọa nghiêm trọng trong nước.

Một nghiên cứu năm 2017 của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường Quốc gia cho thấy: từ 10 đến 15 triệu người ở Việt Nam, trong tổng số 96 triệu dân, thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn quá mức. Nghiên cứu cho biết mức độ tiếng ồn tại nhiều điểm ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai đô thị lớn nhất, đều vượt quá mức mức an toàn đáng kể 70 decibel.

Trong khi đó, hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về quản lý tiếng ồn nói rằng: Cần phải thực hiện hành động để bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà không cần chờ đợi bằng chứng khoa học đầy đủ, khi có khả năng hợp lý rằng sức khỏe cộng đồng sẽ bị tổn hại - liên quan đến khiếm thính, rối loạn giấc ngủ, nhiễu giọng nói hoặc chỉ là sự khó chịu.

Việc hát karaoke là thú vị và lành mạnh nếu nó là loại hình sinh hoạt ở trong khuôn viên gia đình... với liều lượng âm thanh được tiết chế vừa phải, thời gian sử dụng hợp lý. Nhưng khi con người quá lạm dụng nó thì vấn đề không còn là chuyện cá nhân nữa (Ảnh: ROBERTO SCHMIDT/AFP qua Getty Images)
Việc hát karaoke là thú vị và lành mạnh nếu nó là loại hình sinh hoạt ở trong khuôn viên gia đình... với liều lượng âm thanh được tiết chế vừa phải, thời gian sử dụng hợp lý. Nhưng khi con người quá lạm dụng nó thì vấn đề không còn là chuyện cá nhân nữa (Ảnh: ROBERTO SCHMIDT/AFP qua Getty Images)

Hiện có hai quy định nhắm vào những người gây ô nhiễm tiếng ồn.

  • Bản đầu tiên được ban hành vào năm 2013, quy định những người vi phạm tiếng ồn có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng các hình phạt quá thấp và hiếm khi được thực thi.
  • Quy tắc thứ hai có hiệu lực sau đó 3 năm, phạt người gây ô nhiễm dựa trên mức decibel của họ - với mức phạt lên tới 160 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Thành, Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý môi trường tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng khó có thể đưa ra quy định thứ hai vì thiếu năng lực kỹ thuật cần thiết để đo “độ ồn”. Ngoài ra, tiếng ồn lớn của karaoke trong các khu dân cư thường là những sự kiện ngẫu nhiên, chỉ diễn ra một vài lần, khiến việc giám sát trở nên khó khăn.

Trước sự thiếu hụt về mặt kỹ thuật, ông Thành cho biết quy định đầu tiên phù hợp thực tế hơn để áp dụng, nhưng đề nghị nên tăng mức phạt. Cảnh sát địa phương cũng nên được đào tạo về cách phản hồi các khiếu nại của các cư dân.

Ông nói: “Về lâu dài, tôi khuyến nghị rằng nên có một luật riêng về quản lý tiếng ồn, và trích dẫn các quy định kiểm soát tiếng ồn tương tự ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản”.

Ở các nước như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản... không có chuyện người dân có thể tùy tiện mang dàn loa di động đi nơi nào đó, hay hát bất cứ giờ nào, kéo dài thời gian tùy tích, mở âm lượng cỡ nào cũng được... Bởi nếu vi phạm, họ sẽ bị phạt rất nặng khi chiếu theo các loại luật khác nhau như luật về môi trường, an ninh trật tự, sức khỏe cộng đồng...

Công việc xử phạt thuộc trách nhiệm của cảnh sát môi trường cơ động. Khi cảnh sát môi trường đi tuần tra bắt gặp, hay người dân phản ánh; họ sẽ đến ngay để tịch thu dụng cụ phát âm thanh, sau đó tiến hành xử phạt tiền, lao động công ích, thậm chí phạt tù các đối tượng vi phạm.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Karaoke ở Việt Nam: Ca hát hay là tra tấn?