Jane Eyre - Vẻ đẹp của người phụ nữ đức hạnh ‘Tôi không bán linh hồn để mua phúc lạc’ (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta không còn ngạc nhiên về nhân vật Jane của Charlotte Brontë, một nhân vật trở nên bất tử trong lòng bao thế hệ độc giả, rằng một phụ nữ tự trọng sẽ không bao giờ chấp nhận mối quan hệ không chính đáng. “Tôi không cần bán linh hồn mình để mua phúc lạc”.

Phần 1

Hai chữ đức hạnh xứng đáng để Jane phải đánh đổi tất cả, kể cả nguy hiểm tính mạng vì đói khổ. Jane rời khỏi Thornfield trong đêm, lang thang phiêu bạt đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Không có một nơi chốn để nương tựa, không còn một đồng để trang trải cái ăn, cô không khác mấy kẻ ăn xin bị người đời nghi ngại vì vẻ ngoài và hoàn cảnh của mình.

Đến ngày thứ ba, trong một đêm mưa to gió lớn, cô đã hoàn toàn kiệt quệ, gục ngã bên bệ cửa của một ngôi nhà, vì người đầy tớ già xua đuổi không cho cô xin vào trú tạm. Khi Jane chỉ còn thoi thóp và cảm thấy như mình cận kề với cái chết, thì người chủ ngôi nhà bất ngờ xuất hiện và ra tay cứu giúp cô, đó là người cha xứ trẻ tuổi St Jone.

Lời cầu hôn kỳ lạ

Jane được cho ăn và nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình của St Jone và hai người em gái của anh. Họ đều là những người rất giàu lòng nhân ái, có trí tuệ hơn người, có nguồn gốc xuất thân danh giá nhưng không may gặp cảnh gia đình phá sản, vì vậy phải tự tìm cách mưu sinh. Lần đầu tiên trong đời Jane thật sự được tiếp xúc với những con người cao quý, họ sẵn lòng giúp đỡ cô vô điều kiện, không ép cô phải nói những bí mật cô muốn giữ kín, không nghi kỵ hay phán xét, thương cảm cho cảnh ngộ cô đang lâm vào và tin tưởng vào phẩm hạnh của Jane.

Trong tuyệt vọng cùng cực nhất của đời mình, St Jone đã cho cô một điểm tựa mà cô cảm thấy đó chính là món nợ ân tình không thể trả nổi. Anh nhân từ hơn những gì người ta có thể hy vọng, anh cho cô một nơi trú chân, tìm cho cô một công việc dù bình thường nhưng đáp ứng được yêu cầu của Jane.

St Jone hiện lên trái ngược hoàn toàn với Rochester, sự khác biệt tựa như bóng tối và ánh sáng: St Jone chưa đến ba mươi tuổi, công bằng và ngay thẳng, mang một vẻ ngoài điển trai, thuần khiết “thu hút sự chú ý của bất cứ ai”, phong cách trầm tĩnh và lạnh lùng, cùng một khí chất của dòng dõi trâm anh thế phiệt. Anh tràn đầy nhiệt huyết, sống trong sạch, lương thiện, luôn kiểm soát tốt tình cảm và dục vọng của bản thân, nghiêm ngặt tuân thủ giáo lý của Chúa như một sứ giả chân chính của Người.

Điều kỳ lạ ở đây là, người đàn ông có lòng nhiệt thành sâu sắc để mong ước trở thành một nhà truyền giáo đó lại mang đến cho Jane lời cầu hơn khó cưỡng “lạ thường” nhất.

Tại sao St Jone lại cầu hôn Jane khi trong quá trình tiếp xúc cả hai không hề nảy sinh tình yêu đôi lứa, những cảm xúc ngọt ngào hay một tình nghĩa keo sơn khó chia cách? Hơn nữa, lời cầu hôn anh đưa ra lại rất chắc chắn, kiên quyết và đầy áp lực để khiến Jane phải chấp nhận. Đây rõ ràng không phải là tình huống đơn giản khi ta hiểu về kế hoạch của St Jone.

Bởi vì anh có một tham vọng: “Bên trong tà áo thụng của kẻ tu hành khoác trên người tôi là trái tim của một chính khách, một quân nhân, một kẻ thích vinh quang, muốn nổi tiếng, một kẻ khát khao quyền lực”.

Vì thế những lời thuyết giảng của anh dù có sức mạnh dồn ép, cô đọng nhưng cay đắng kỳ lạ, ở đó không có sự hòa ái của một nội tâm tĩnh tại, mà là tham vọng đang lồng lộn như một con quái vật, không cam chịu hãm mình bên trong vẻ ngoài của một nhà tu hành khổ hạnh.

Sự tận tụy với Thiên Chúa giờ được xem là nguyên nhân thúc đẩy anh trở thành một tín đồ vĩ đại được lưu danh. Nó là động lực mạnh mẽ nhất để anh có đủ can đảm dứt bỏ mọi thứ: tình yêu mãnh liệt với tiểu thư giàu có, xinh đẹp Oliver, niềm vui gia đình cùng các em gái, sự an toàn và thuận tiện trong công việc tại quê nhà. Anh kiềm nén dục vọng và yêu đương với tiểu thư Oliver, chỉ để phục vụ cho một dục vọng khác, một thứ ham muốn được lưu danh, được vinh quang bằng con đường phục vụ nhân loại và cống hiến cho Đấng tối cao. Và cuối cùng, để mục đích được trọn vẹn hơn, anh đã chọn Jane.

St Jone đã quan sát Jane như một người thợ săn rình con mồi của mình, và thấy cô hoàn toàn khác lạ: cô không đòi hỏi, biết vâng lời, can đảm đương đầu với số phận, cô biết lẽ phải và giữ gìn đức hạnh, siêng năng, có nghị lực. Cô cũng không có bản tính tham lam của con người trần tục.

Quan trọng hơn cả, anh thấy rằng cô không có nhu cầu bắt đầu một mối quan hệ yêu đương, vì cô đang thất vọng và đau khổ trong tình yêu. Quả là một người trợ lý hoàn hảo cho vai trò nhà truyền giáo của anh. Tuy nhiên, để hợp thức hóa vai trò đó, anh muốn biến cô thành một người vợ, một người tuyệt đối phục tùng và ràng buộc với anh, một người không thể trốn chạy nếu lỡ có một phút giây yếu đuối giữa cảnh gian khổ nơi vùng đất xa lạ, một người nô lệ cống hiến cả thể xác và tinh thần cho sứ mệnh truyền giáo của anh.

Jane đã trải qua những năm tháng đời mình với nhiều gian nan và thử thách để lĩnh hội được bài học đắt giá về tình yêu và lẽ phải, dù mối quan hệ con người luôn là điều phức tạp nhất, mà trong đó điều chân thật chỉ có thể được cảm nhận bằng trái tim và tinh thần mạnh mẽ. St Jone đã xuất hiện trong cuộc đời cô như một thánh nhân, tuy vậy, Jane có thể nhận ra được một St Jone đầy tham vọng thiếu vắng cảm xúc của tình thương, tình yêu và tình bạn đích thực, điều mà cô đã từng trải nghiệm...

Tình yêu thương chính là lẽ phải

Nếu Rochester tôn trọng, yêu quý tâm hồn và những phẩm chất tốt đẹp của Jane, thì St Jone lại xem xét chúng như một thứ vũ khí hiệu quả mà anh đã tiến hành “thử nghiệm” nhiều lần. Anh đánh giá cao “đối tượng nghiên cứu” của mình vì cô hữu ích và cần thiết, vì những gì cô có thể hy sinh và chịu đựng.

St Jone có một đức tin kiên định, và được củng cố bằng một mục đích cao cả, vì thế anh có thể không quản khó khăn, vất vả đến thăm viếng các con chiên, anh không quản mọi gian nan khi chọn con đường truyền giáo, anh có tinh thần trách nhiệm cao trong tất cả mọi việc mình làm, nhưng anh đã không hiểu được chính giáo lý Phúc âm mà mình rao giảng.

Anh không hiểu rằng việc truyền giáo không phải là một dự án, hoặc một nguyên nhân, mà tất cả, bao gồm cả tình yêu con người. Đúng hơn, đó là một thông điệp cơ bản về tình yêu thương và lẽ phải, bởi như thánh Phaolo đã giảng rằng: “Nếu tôi có đức tin có thể di chuyển núi, nhưng không có tình yêu, tôi chẳng là gì cả”.

Vì thế, dù St Jone đi theo những lý tưởng cao đẹp, cống hiến và phục vụ Đức Chúa Trời, nhưng anh đã thiếu mất ý thức về tình yêu thương đích thực.

Jane biết rõ rằng St Jone không có phẩm chất của một người chồng, anh không dành cho cô tình cảm thực sự bởi anh cho rằng Jane “ra đời là để lao động chứ không phải để yêu”. Do đó, vì tình thân và công bằng, vì lòng biết ơn và cảm mến, Jane có thể chia tài sản thừa kế to lớn của mình cho các anh chị em họ, mà chỉ giữa lại một phần tư cho mình, cô có thể liều lĩnh theo anh như một người trợ lý, một người em gái, nhưng cô không thể chấp nhận một thỏa thuận ràng buộc tâm hồn suốt đời, một mối quan hệ hôn nhân không có tình yêu. Bởi cô hiểu rõ con đường anh muốn đi, và nếu cô có sắp chết thì “anh cũng chỉ biết chấp nhận và thành kính trả mình về với Chúa”, và anh sẽ hài lòng nhất khi thấy cô vắt kiệt thân mình cho mục tiêu của anh.

Jane vượt qua tất cả các quý ông trong tiểu thuyết để trở thành nhân vật với phẩm chất chân thật nhất và khả năng đối phó với các mối quan hệ phức tạp. Cô rời khỏi St Jone, nhẹ nhàng như một con gió khi cô nhận ra rằng “lẽ phải chính là tình yêu thương”. Jane đã lắng nghe trái tim mình, lắng nghe chỉ dẫn của Thượng Đế.

Niềm tin vào Đấng Tối Cao

Chúng ta đã rút ra được bài học từ những câu chuyện của Jane, về cái tinh thần “chỉ khao khát làm điều hay lẽ phải” của cô. Nhân vật Jane tồn tại trong một thế giới của đức tin đơn thuần mà sâu sắc nhất: Niềm tin vững chắc ở quyền năng cứu rỗi và sự phán xét của Đấng Tối Cao.

Cô đã rời khỏi cơn mê ái tình sai trái của Rochester, quyết tâm ”sống trong sạch và chết được thanh thản”. Với niềm vững tin vào chính mình và Thượng Đế, cô tiếp tục sống sót, và một lần nữa rời xa St Jone - khi đã hiểu rõ điều đúng đắn mình cần làm. Đề rồi sau cùng, cô trở về với tình yêu của đời mình, đem tình yêu thương đến cho một Rochester không còn hoàn hảo về thể xác, nhưng đã được cảm hóa về tinh thần.

Rochester đã từng là một người đàn ông chìm đắm trong dục vọng và sai lầm, một người luôn kiêu hãnh về sức mạnh của mình và khao khát hạnh phúc bằng mọi giá, kể cả khi đó là tội lỗi. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn ấy vẫn còn chân thành và lương tri, vẫn khao khát sự trong sạch và công lý. Anh như tìm thấy tấm gương soi sáng những điều đúng đắn, lối thoát cho chính mình trong tâm hồn cao đẹp của Jane.

Vì thế, dù đau khổ cùng cực khi Jane rời xa, Rochester đã lĩnh hội được bài học thế nào là lẽ phải. Trong cơn hỏa hoạn do nguời vợ điên của mình gây ra, Rochester “nhất định không muốn thoát thân chừng nào mọi người còn chưa ra hết”, và bất chấp nguy hiểm cứu người vợ điên của mình, dù người đàn bà điên dại ấy cuối cùng đã thiệt mạng do nhảy xuống lầu trong biển lửa.

Rochester phải gánh chịu thống khổ tật nguyền khi tai họa này ập đến. Chỉ có điều, anh cam chịu nghịch cảnh trong ăn năn về tội lỗi của mình, chứ không phải trong than oán số phận nghiệt ngã như trước kia.

Rochester đã biết rằng “công lý thần thánh cứ tiếp tục hành trình của nó, và tai họa đã đổ sập lên đầu tôi”, anh biết rằng mình đã sai lầm khi muốn làm ô uế sự trong trắng, thuần khiết của một cô gái trong mối quan hệ không chính đáng. Không còn nổi loạn ngoan cố để thách thức, nguyền rủa lại phán quyết của Đấng Tối Cao, Rochester giờ đây như một đứa trẻ yếu đuối nhưng sáng suốt, phục tùng sự trừng phạt và trông đợi sự cứu rỗi của Người.

Và khi định mệnh mang Jane quay trở về bên anh, trở thành một phần của anh trong mối quan hệ vợ chồng chính đáng, Rochester hoàn toàn thay đổi chính mình với mong muốn “được sống một cuộc sống trong sạch hơn quãng đời đã để mất” để tỏ lòng thành kính và biết ơn sự cứu rỗi của Thượng Đế.

Một bài học xuyên suốt luôn được nhắc lại trong cuốn tiểu thuyết, đó chính là quyền năng của Đấng Tối Cao. “Người đã thấy những điều mà con người không thể thấy, mà tất cả đều công minh hơn nhiều. Người đã phán xét không như con người phán xét, mà tất cả đều thông thái hơn nhiều”.

Một Jane Eyre đối mặt với biết bao nghịch cảnh bằng niềm tin vào công lý và sự phán xét của Người, giờ đây là một Rochester biết sám hối trước Người. Câu chuyện kết thúc bằng một thông điệp mạnh mẽ rằng: Sức mạnh thật sự của con người là biết tin và giữ vững luật của Thượng Đế: “Tôi thành thực, tha thiết và nhiệt tình được làm những gì là lẽ phải, và chỉ có thế thôi”.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Jane Eyre - Vẻ đẹp của người phụ nữ đức hạnh ‘Tôi không bán linh hồn để mua phúc lạc’ (Phần 2)